Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 10:59

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đền bù đất nông nghiệp cho nông dân phải có sự thay đổi

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhận được nhiều sự quan tâm. Đó là giá đất nông nghiệp khi thu hồi quá thấp chỉ vài chục nghìn/m2, nhưng sau khi triển khai dự án có giá hàng chục triệu đồng/m2…

Khung giá đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp quá thấp

Theo khoản 1, Điều 75, Luật Đất đai 2013, Nhà nước có thể thu hồi phần đất nông nghiệp người dân đang khai thác, sử dụng, canh tác để phục vụ mục đích đảm bảo an ninh, quốc phòng hoặc phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ cộng đồng,…

Điều kiện để được nhận tiền đền bù khi đất nông nghiệp không thuộc diện đất được Nhà nước cho người dân thuê và thanh toán tiền thuê đất hàng năm. Mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là Sổ đỏ; trong trường hợp mảnh đất chưa chính thức được cấp sổ đỏ thì cũng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp sổ đỏ theo đúng quy định.

Giá thu hồi đất cho bà con phải được thay đổi.

Theo đó, những loại đất nông nghiệp được Nhà nước đền bù khi thu hồi bao gồm: Đất chuyên trồng cây thu hoạch hàng năm, bao gồm cả đất chuyên canh lúa nước. Đất chuyên trồng rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Đất chuyên trồng cây lâu năm. Đất chuyên trồng rừng sản xuất. Đất chuyên trồng rừng đặc dụng theo quy hoạch của địa phương. Đất phục vụ hoạt động làm muối của bà con đã được chính quyền đồng ý. Đất đang có nhà kính hoặc các mô hình nhà tương tự phục vụ cho hoạt động trồng trọt nói chung. Lưu ý, hoạt động trồng trọt ở đây tính cả các hình thức trồng trọt không thực hiện trực tiếp trên mặt đất. Đất đang có khu vực chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác nằm trong danh mục Nhà nước cho phép người dân tự do chăn thả, nuôi. Đất nuôi trồng các loài thủy hải sản phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thí nghiệm hoặc học tập của cá nhân hoặc đơn vị. Đất ươm các loại cây trồng hoặc con giống.

Hiện nay, khung giá đất do UBND cấp tỉnh hoặc tương đương ban hành. Thông thường, khung giá đất này sẽ được áp dụng theo giai đoạn 5 năm, hết 5 năm thì UBND có thể cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Lấy mức giá đền bù đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi ở Hà Nội: Đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước hoặc cây hàng năm có giá đền bù là 50.000 đồng/m2. Mức đền bù tối đa không vượt quá 250.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.

Đối với đền bù cho đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây lâu năm, giá đền bù là 35.000 đồng/m2. Mức dền bù tối đa không vượt quá 250.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, đất nông nghiệp chuyên canh cây hàng năm hoặc lâu năm có giá đền bù là 40.000 – 50.000 đồng/m2.

Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ chi phí ổn định đời sống, sản xuất. Chi phí đào tạo đổi mới nghề, tìm việc làm và một số khoản hỗ trợ khác tùy theo điều kiện của từng địa phương.

Với mức giá đền bù cho đất nông nghiệp bị thu hồi như thế này, người dân cho rằng quá thấp, không đủ để cho người dân chuyển đổi nghề hoặc đầu tư vào phát triển kinh tế bảo đảm đời sống của mình.

Đừng để nông dân bị thiệt

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tại huyện Phúc Thọ và Đan Phượng vừa qua, nhiều cử tri là bà con nông dân đã thẳng thắn nêu ý kiến của mình và đề nghị sửa Luật Đất đai phải thay đổi lại mức giá đền bù cho đất nông nghiệp khi bị thu hồi.

Cử tri huyện Phúc Thọ phát biểu ý kiến, kiến nghị.

Cử tri Nguyễn Đức Thiện (thị trấn Phúc Thọ) đề nghị sửa đổi Luật theo hướng có lợi nhất cho người dân trong các quy định về giá đền bù, thu hồi, hạn mức tích tụ ruộng đất và chính sách trợ giá hỗ trợ nhân dân sản xuất nông nghiệp.

Cử tri Nguyễn Đức Thiện nói: “Một sào Bắc Bộ đất nông nghiệp (360m2) nhưng giá đền bù khi thu hồi là 294 triệu đồng/sào. Sau khi phân lô 1 sào được 4 suất, đấu giá được gần 1 tỷ đồng/suất. So sánh với giá đền bù cho người dân là còn thấp”.

Trên thực tế, hiện nay có nhiều dự án đang triển khai, nhưng người dân vẫn không đồng thuận để nhận tiền đền bù đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất. Tại dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua thôn Diên Trường (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), khi áp giá đền bù có sự chênh lệch lớn với các xã xung quanh nên đến thời điểm này người dân vẫn chưa nhận tiền.

Theo ông Nguyễn Hùng, Trưởng thôn Diên Trường, ở các xã khác áp giá 35.000 đồng/m2, còn với xã Quảng Sơn thì chỉ 20.000 đồng/m2, đây là mức rất thấp.

“Lý do được đưa ra là xã chúng tôi thuộc diện miền núi nên áp khung giá đền bù thấp hơn các xã đồng bằng. Tuy nhiên, bà con cho biết, xã Quảng Sơn hiện không được hưởng ưu đãi của xã miền núi nữa”, ông Hùng nói.

Tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Hội đồng tư vấn khoa học và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, đề cập đến việc thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, GS. Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng cho rằng, phải lưu ý đến quyền lợi của người dân, bởi trong vấn đề này, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.

GS.TS. Trần Đình Long nêu ý kiến góp ý tại hội nghị.

“Hiện nay, nhiều nhà ở như khu An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy, nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái sản xuất, kinh doanh và tái định cư”, GS. TS.Long nhấn mạnh.

GS.TS. Trần Đình Long đề nghị, quy định trong dự thảo luật cần lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng, thực tế hiện nay, sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra “kẽ hở”. Lần này, dự thảo Luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này.

“Người dân mong muốn Luật Đất đai mới khi thực hiện phải làm sao để đời sống nhân dân thấy có lợi trong việc bồi thường giá đất, không bị thiệt thòi như trước đây, phải nhận bồi thường giá bèo trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần”, ông Phạm Hữu Tiến nêu ý kiến.

Để việc thu hồi đất nông nghiệp cho việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội được triển khai nhanh chóng, không còn khiếu kiện kéo dài do giá đất bồi thường thấp, các cơ quan soạn thảo cần đưa nội dung giá đền bù đất nông nghiệp phải thay đổi, bảo đảm cho cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn.Cử tri huyện Phúc Thọ phát biểu ý kiến, kiến nghị.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top