Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 11:15

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất nông nghiệp phải đảm bảo có việc làm ổn định cho nông dân

Thu hồi đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để phát triển đất nước là việc rất quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm cuộc sống ổn định và tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp còn không ít bất cập, rất cần có chế định rõ ràng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Hiện tượng “giàu đột xuất” nhưng “nghèo bền vững”

Những năm qua, nhiều địa phương có công trình, dự án được triển khai thực hiện nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Để thực hiện và triển khai dự án, công trình, chính quyền tiến hành thu hồi đất nằm trong quy hoạch và đã được phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.

Nông dân có đất bị thu hồi được nhận tiền bồi thường, tạo việc làm, hỗ trợ theo các quy định của pháp luật hiện hành, nhiều gia đình có diện tích đất bị thu hồi lớn, thậm chí toàn bộ đất canh tác nông nghiệp nằm trong dự án phải thu hồi được nhận một khoản tiền bồi thường và các khoản tiền hỗ trợ rất lớn. Số tiền này đã làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân, có hộ  được nhận tiền đền bù lên đến hàng tỷ đồng, xây được nhà, mua được xe và sắm sửa những vật dụng đắt tiền dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Những hộ gia đình nông dân được nhận tiền đền bù do bị thu hồi đất với số tiền lớn được coi là “giàu đột xuất”. 

Phải đào tạo nghề cho nông dân sau khi bị thu hồi đất.

Năm 2016, khi nhận được 3 tỷ đồng từ việc đền bù giải phóng mặt bằng và được bố trí 3 lô đất (với tổng diện tích 850m2) tại Khu tái định cư An Thái Bình, tổ dân phố Thái Bình, phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên - Thái Nguyên), bà Đỗ Thị Nhung đã dành 2,5 tỷ đồng để xây dựng hai dãy nhà trọ 2 tầng với 48 phòng cho công nhân thuê.

Gia đình ông Lê Văn Đồng ở xóm Quyết Tiến, xã Kỳ Phương (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) được đền bù 730 triệu đồng do đất ruộng và đất vỡ hoang bị thu hồi. Ông Đồng có 5 người con, 4 người đã có gia đình. Với khoản 730 triệu đồng, ông chia cho con cả 120 triệu đồng; hai con gái mỗi người hơn 20 triệu đồng mua xe máy; con trai út chưa vợ và một con gái chồng mất sớm đang ở với ông bà mỗi người 50 triệu đồng. Số còn lại, đợt vừa rồi con trai út mua máy xúc để làm ăn ông đã chi luôn.

Tuy nhiên, chính những hộ nông dân được “giàu lên” nhờ  tiền đền bù đất bị thu hồi đã không có được cuộc sống ổn định, phát triển được kinh tế và làm giàu từ nguồn tiền đó; nhiều hộ tái nghèo khi sử dụng những nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất này.

Với 3 lô đất được đền bù tại Khu tái định cư An Thái Bình và hai dãy nhà trọ 2 tầng với 48 phòng cho công nhân thuê đáng lẽ gia đình bà Nhung sẽ có khoản thu nhập ổn định. Nhưng khoảng 4 năm gần đây, hai dãy phòng trọ gần như bỏ không, cuộc sống khó khăn,  bà Nhung phải bán 100m2 đất tại khu tái định cư để lấy tiền trả nợ và làm nhà cho con trai ra ở riêng.

Hay như gia đình ông Đồng, sau chia tiền đền bù cho các con, tài sản không còn và tiền cũng hết. “Đời tui chưa cầm số tiền lớn như rứa bao giờ nên tui cũng choáng. Thế rồi ngoảnh đi ngoảnh lại tiền đã hết veo. Không có ruộng, không có việc gì, mẹ con tui ngồi chơi không có thu nhập cả mấy tháng nay rồi”, bà Thư (vợ ông Đồng) nói.

“Miệng ăn núi lở” khi nhận được tiền đền bù, họ đã mua sắm các đồ vật đắt tiền, xây nhà cao cửa rộng mà không thay đổi nghề nghiệp, hậu quả là khi ăn tiêu hết số tiền đền bù đó phải bán các đồ dùng đó đi. Hiện tượng thất nghiệp, gia đình lục đục, tệ nạn xã hội và mất trật tự an ninh bắt đầu xuất hiện ở những ngôi làng vốn bình yên này.

Người bị thu hồi đất  phải có việc làm, thu nhập ổn định

Quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào khoản 2, Điều 74 cho phép “nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền...”, một số địa phương đã xảy ra tình trạng cứ giao được gói tiền cho người bị thu hồi đất là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Không ít người dân nhận tiền bồi thường nhưng không có việc làm mới; không việc làm nhưng vẫn phải ăn, phải tiêu, “miệng ăn, núi lở”, bỗng chốc hết tiền, rơi vào hoàn cảnh là đối tượng trợ giúp xã hội?!

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào các quy định về thu hồi đất những vấn đề mới về tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân có đất bị thu hồi.

Khi bị thu hồi đất, cần phải có kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kế hoạch tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới cho người dân có đất bị thu hồi. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.

Nếu là hộ kinh doanh - dịch vụ thì việc làm của tất cả lao động trong hộ đó đều là phục vụ cho việc kinh doanh - dịch vụ; nhưng hộ sản xuất nông nghiệp không còn đất sản xuất thì phải chuyển đổi việc làm thì khác hoàn toàn (chỉ có người còn trong độ tuổi lao động mới có khả năng được đào tạo, chuyển nghề, tìm việc làm; còn người đứng tuổi, trên, dưới độ tuổi lao động thực sự là khó khăn, họ hết sức băn khoăn).

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người trong hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới để bảo đảm cuộc sống theo quy định của Chính phủ.

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), cho biết, hiện nay, công tác đền bù và tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn khi bố trí cho người dân tái định cư, kéo theo đó là ảnh hưởng đến việc làm, việc đi học... Do đó, cần quy định về tái định cư chỗ ở cụ thể cho người dân khi giải phóng mặt bằng, như vậy người dân mới có thể ổn định cuộc sống. Ngoài ra, giá bồi thường đất đai khi thu hồi phải phù hợp với thực tế. Trước đây, bảng giá bồi thường giải phóng mặt bằng rất thấp nên khi bồi thường, hầu như rất khó để tạo được sự đồng thuận của người dân.

Còn theo ThS.Bùi Hồng Nhung, Đại học Luật Hà Nội, hiện nay, số lượng các hộ gia đình sống bằng nghề nông chiếm tỷ lệ lớn tại Việt Nam; bên cạnh đó, các hộ kinh doanh sử dụng đất phi nông nghiệp cũng khá phổ biến. Việc thu hồi đất của những đối tượng này đồng nghĩa với việc họ mất đi công ăn việc làm, mất đi nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống. Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp đặc thù riêng, linh động trong đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho những nhóm đối tượng này.

Thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân, nhất là nông dân có đất bị thu hồi có cuộc sống ổn định, có việc làm thường xuyên. Bởi nếu không có công ăn việc làm ổn định, sẽ xảy ra hiện tượng mất an ninh xã hội, cuộc sống của nhân dân sẽ bị đe dọa. Do đó, rất cần phải có chế định rõ ràng trong sửa đổi Luật Đất đai lần này.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top