Hợp tác xã (HTX) có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn nhiều điểm bất cập cho loại hình kinh tế này được sở hữu và sử dụng đất để phát triển kinh tế.
Vì vậy, nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này là giao đất cho HTX không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án.
Khó tiếp cận đất đai
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam công bố tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể”, đến hết năm 2021, khu vực kinh tế tập thể, HTX mới chỉ có 41,1% HTX được giao đất, quy hoạch vị trí để xây dựng trụ sở.
Điều này cho thấy, còn nhiều HTX hoạt động trong các lĩnh vực đều rất khó khăn trong tiếp cận quỹ đất, thuê đất hoặc tích tụ đất đai để phát triển sản xuất kinh doanh quy mô lớn.
Xã viên HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao làm giàu trên quê hương mình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh, Hà Nội), cho biết: Với kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hoá có được khi lao động tại Hàn Quốc, khi về nước, tôi muốn áp dụng vào sản xuất, chế biến những sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
“Tuy nhiên, HTX chỉ có diện tích khoảng 1.500m2 thuê khoán của chính quyền địa phương, muốn mở rộng để phát triển sản xuất nhưng không thể được. Luật Đất đai năm 2013 quy định muốn có đất sản xuất, HTX phải thông qua đấu thầu. Điều này vô cùng khó khăn không chỉ cho riêng HTX của chúng tôi và mà của nhiều HTX khác trên cả nước”, anh Tám nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Phát (Khoái Châu - Hưng Yên), chia sẻ: HTX không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng sản xuất chế biến lại gắn liền với sản phẩm của nông nghiệp. Với thuận lợi là vùng đất có thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây chuối phát triển, hiều năm qua, nông dân Khoái Châu đã trồng chuối tiêu hồng cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều với việc trồng lúa. Đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào để HTX chế biến sản phẩm chuối sấy khô. Nhưng, muốn tăng công suất để đáp ứng được với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi lại gặp phải khó khăn về quỹ đất. HTX vẫn đang phải sử dụng diện tích đất ở của gia đình, đây là khó khăn cho HTX mở rộng quy mô sản xuất.
HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao (Mê Linh - Hà Nội) canh tác rau, củ, quả trên diện tích hơn 200ha, cung ứng sản lượng lớn rau, củ, quả cho người dân Thủ đô. Nhưng HTX chưa được sở hữu đất để sử dụng là tài sản hợp pháp nhằm có điều kiện trong việc thế chấp các tổ chức tín dụng để mở rộng sản xuất. Ngay đến việc có một trụ sở riêng để làm việc, HTX phải đi mượn.
Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao - ông Đàm Văn Đau chia sẻ: “HTX có lợi thế gần vùng đất bãi ven sông Hồng, có thể mở rộng sản xuất canh tác các loại rau xanh cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có chính sách cụ thể về việc giao diện tích đất bồi ven sông, đất bãi cho HTX trong 20-30 năm để tạo điều kiện cho HTX đầu tư sản xuất quy mô lớn”.
Nên giao đất cho HTX không thông qua đấu giá, đấu thầu
HTX không chỉ là tổ chức kinh tế với vai trò chính là vì lợi ích của thành viên mà HTX còn là tổ chức xã hội, là con đường đi lên của người nghèo, người yếu thế, nông dân hạn chế vốn, hạn chế đất đai… Nhưng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn quy định HTX (HTX nông nghiệp) phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án mới được thuê đất, giao đất.
Theo các chuyên gia, việc này đang làm yếu đi vai trò thiết thực của mô hình HTX và khiến HTX khó thu hút thành viên. “Nếu cứ thông qua đấu thầu, đấu giá thì HTX muôn đời không có đất để phát triển sản xuất”, ông Nguyễn Tiến Quân, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Để giải quyết những khó khăn trong tiếp cận đất đai của HTX, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho rằng, quy định muốn chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp ít nhất phải được UBND cấp tỉnh chấp nhận trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay là chuyện “khó như lên trời” với HTX vì vừa tốn kém chi phí xây dựng phương án sử dụng đất nông nghiệp và tiến hành các thủ tục để được UBND tỉnh chấp thuận. Trong khi HTX vẫn phải chấp hành các quy định về sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng. “Do vậy, quy định này là thừa đối với HTX nông nghiệp”, bà Tâm phân tích.
Nghị quyết 22 – NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chỉ rõ những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2030, tầm nhìn 2045: “…ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, nhưng Dự thảo Luật Đất đai hiện chưa có cái nhìn dài hạn cho HTX phát triển trong thời đại 4.0.
Chính vì vậy, các quy định về đất đai đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX không chỉ thể hiện các nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW mà còn phải bảo đảm các nội dung trong Nghị quyết 22.
Theo PGS. TS Trần Kim Chung, Hội đồng Lý luận Trung ương, để tiến tới và hoàn thiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mô hình HTX có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, thành viên ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết với doanh nghiệp…
Trước những bất cập và thực tiễn đầy khó khăn trong tiếp cận đất đai của khu vực kinh tế tập thể, HTX, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, tình trạng chỉ có khoảng 10% HTX kiểu mới ở Ninh Bình tiếp cận được đất đai cũng đã phản ánh tình trạng chung của HTX cả nước.
Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thuận lợi để cho khu vực này phát triển. Trong đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến tình trạng tích tụ đất đai, lập kế hoạch sử dụng đất để HTX thuê; có chính sách ưu đãi về thuê đất, giao đất cho HTX không thông qua đấu thầu…
“Đặc biệt, HTX không chỉ làm kinh tế đơn thuần mà còn làm chức năng xã hội nên nếu so về mặt kinh tế thì HTX không thể cạnh tranh được với khu vực khác như các doanh nghiệp nên rất cần chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tạo động lực cho HTX phát triển bằng thay đổi các quy định trong Luật Đất đai, để các HTX có thể tiếp cận tư liệu sản xuất (đất đai) là vô cùng quan trọng. Luật Đất đai ngoài việc là những quy định pháp lý cho xã hội thực hiện, còn phải đi vào thực tiễn và được áp dụng một cách rộng rãi. Có như vậy, luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.