Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 15:16

Hòa Bình thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch địa phương

Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, định hướng, khai thác hiệu quả các điểm đến du lịch trên địa bàn. Việc phát triển du lịch địa danh kết hợp với văn hóa, phong tục và sản vật của địa phương là hướng đi bền vững cần được phát huy.

Tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình

Đoàn khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình mới đây đã chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, một số doanh nghiệp du lịch và các chuyên gia nước ngoài tiến hành khảo sát các địa điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mới thuộc các huyện Tân Lạc, Cao Phong.

Các đơn vị du lịch, chuyên gia nước ngoài khảo sát địa điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mới trên khu du lịch hồ Hòa Bình. 

Chương trình khảo sát được tiến hành tại các xóm ven hồ thuộc xã Thung Nai (Cao Phong), xã Suối Hoa (Tân Lạc), trọng tâm là hồ Mắt Rồng thuộc xã Suối Hoa… Trong hành trình khảo sát, các chuyên gia đánh giá cao tiềm năng khu du lịch vùng hồ Hoà Bình với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Bên cạnh phát triển các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng, vùng hồ Hoà Bình có lợi thế phát triển môn thể thao du lịch mạo hiểm, tạo sự khác biệt, như: leo núi vách đứng, nhảy bumgi…

Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị du lịch, chuyên gia khảo sát nhằm xây dựng các mô hình, sản phẩm thể thao du lịch chất lượng cao, ngoài khai thác các môn thể thao dưới nước. Kết quả khảo sát bước đầu bổ sung các điểm, các nguồn tài nguyên, sản phẩm, tuyến, dự án mới; nghiên cứu, đề xuất xây dựng sản phẩm trải nghiệm mới đưa vào khai thác hợp lý, thu hút, kêu gọi đầu tư có hiệu quả.

Phát triển các điểm đến hấp dẫn giữa lòng Thành phố

Bên cạnh sản phẩm du lịch dù lượn vừa được đưa vào khai thác, TP Hòa Bình có nhiều địa danh thu hút du khách trong nước, quốc tế thăm quan, trải nghiệm. Các điểm đến nổi bật là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tàng di sản văn hóa Mường...

Ông Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng VH-TT TP Hòa Bình cho biết: Thành phố đang phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch dựa vào cảnh quan thiên nhiên, các điểm đến gắn với lịch sử, văn hóa hiện có. Mặt khác, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách. 9 tháng qua, hoạt động du lịch địa phương phục hồi mạnh mẽ, đông đảo khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, khám phá du lịch TP. Hoà Bình. Trên địa bàn đã hình thành một số tuyến du lịch trải nghiệm hấp dẫn như: tuyến khám phá danh lam thắng cảnh cấp quốc gia động Tiên Phi - động Thăng - bản du lịch cộng đồng Bích Trụ; tuyến tìm hiểu về Di tích lịch sử Nhà tù Hoà Bình - Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình - Di tích lịch sử văn hoá địa điểm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa; tuyến đình Ngòi - bản dân tộc Dao xã Thống Nhất - hồ Đồng Chụa - thác Suối Khang.

Du khách quốc tế thăm quan Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trên đường Tây Tiến, phường Thái Bình (TP. Hòa Bình). 

Cùng với Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên công trình thế kỷ được nhiều du khách trên mọi miền đất nước lựa chọn thăm quan. Bảo tàng tỉnh là nơi khách thăm quan đón nhận những món quà tri thức lịch sử - văn hoá vô giá qua trên 18.000 tư liệu, hiện vật trưng bày; du khách có dịp khám phá nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng với nhiều cổ vật (trống đồng, chiêng, đồ đồng Đông Sơn…), hiện vật (gốm, trang phục, sản phẩm dệt, nhạc cụ, đồ gia dụng…) thể hiện sinh động bức tranh đời sống vật chất, tinh thần của vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.

Để hiểu hơn về con người, miền đất Hoà Bình, du khách ghé thăm Bảo tàng Không gian văn hoá Mường và Bảo tàng Di sản văn hoá Mường. Trên địa bàn thành phố còn có những địa danh lịch sử - văn hoá nổi tiếng khác, như di tích quốc gia Nhà tù Hoà Bình; địa điểm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa; đền thờ Ba Cô Tiên - động Thăng. Các điểm đến được thiên nhiên ban tặng như: lòng hồ Hoà Bình, thắng cảnh di tích quốc gia động Tiên Phi, rừng lim Dân Chủ.

Du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa

Xã Mai Hịch (Mai Châu) là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua. Đến với mảnh đất tươi đẹp này, du khách không chỉ được hoà mình vào thiên nhiên trong lành, phong cảnh nên thơ, trữ tình mà còn được thưởng thức những nét đặc sắc từ ẩm thực, trang phục, cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái.

Xã Mai Hịch có 7 xóm, 923 hộ, trên 4.250 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm đa số. Thời gian qua, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các hộ tham gia phát triển du lịch. Đồng thời, hoạt động dịch vụ, du lịch đã giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của địa phương như múa hát, ẩm thực, nếp nhà sàn, cuộc sống lao động của những con người mộc mạc, chân chất, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Thái.

Hiện nay, toàn xã có 11 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng homestay, chủ yếu ở xóm Hịch 1, Hịch 2, Cha Lang với sức chứa mỗi hộ từ 25 - 30 khách. Trên địa bàn có 2 khu nghỉ dưỡng cao cấp, được đầu tư bài bản là Mai Châu Valey Retreat tại xóm Hải Sơn và Mai Sơn De Mai Hịch tại xóm Hịch 2. Xã được thiên nhiên ưu đãi với những con suối róc rách chảy quanh địa bàn, cánh đồng ngát hương lúa, người dân vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo với những món ăn dân dã như cá suối, rau rừng… do đó luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Xã Mai Hịch phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa

Toàn xã có 9 đội văn nghệ phục vụ các dịch vụ tại homestay. Các homestay trên địa bàn đã liên kết, tạo tour, tuyến với các bản du lịch khác như bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu)… tạo thêm sức hút, tăng cường quảng bá, giới thiệu về du lịch, con người và những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Ngoài dịch vụ lưu trú, các hoạt động khác như đi bộ, leo núi, thám hiểm hang đá, đạp xe quanh các con đèo, lội suối bắt cá… đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Những món ăn dân dã đậm đà hương vị bên nếp nhà sàn, thưởng thức rượu quê, điệu múa xòe của các cô gái Thái là những dư vị khó phai đối với du khách. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm, lao động cùng người dân như trồng ngô, nuôi gà, bắt cá… tạo nét bình dị, gần gũi của làng quê ít nơi nào có được.

 

Vũ Cừ (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top