Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 1 năm 2023 | 15:15

“Hoang mang” khi thực phẩm bị làm giả, nhập lậu

Những ngày cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhiều đối tượng đã thu mua nội tạng động vật phân huỷ, hải sản đông lạnh, sản phẩm gia cầm, thịt lợn nhiễm virus bệnh dịch tả châu Phi… tung ra thị trường.

Thịt lợn nhiễm dịch tả

Cụ thể, tỉnh giáp với tỉnh Lạng Sơn và cũng nằm trên cung đường cửa ngõ về Thủ đô; được biết, năm nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nổi lên tình trạng “thực phẩm bẩn” các loại thịt đông lạnh, được nhập về từ rất lâu, giáp Tết mang ra thị trường tiêu thụ, trong đó nhiều loại không rõ nguồn gốc, đã bị phân huỷ.

Điều đáng nói là vì lợi nhuận, nhiều người kinh doanh đã bất chấp pháp luật, thu mua thịt lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi về chế biến, kinh doanh và đưa vào tiêu thụ. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Phòng Cảnh sát môi trường), Công an tỉnh Bắc Giang, năm nay, số lượng bắt giữ thực phẩm đông lạnh và thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi tăng hơn mọi năm. “Chúng tôi phối hợp với cơ quan Thú y của tỉnh kiểm tra kho lạnh, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ kinh doanh thịt lợn bẩn”, Đại uý Nguyễn Đức Hùng, Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường cho biết.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện thịt lợn nhiễm virus bệnh dịch tả châu Phi.

Những ngày cuối năm do nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, một số đối tượng đã lợi dụng việc này kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, nhiễm dịch bệnh có giá trị thấp để cung cấp ra thị trường, nhằm gia tăng lợi nhuận. Điển hình ngày 26/12, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Công an huyện Tân Yên kiểm tra Công ty TNHH thực phẩm Cường Nga (thôn Phúc Đình, xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên, Bắc Giang) do bà Trương Thị Nga, SN 1976, là Giám đốc công ty, phát hiện 700kg thịt lợn trong kho lạnh có dấu hiệu nghi vấn. Kết quả phân tích tại Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương cho thấy số thịt lợn trên nhiễm virus bệnh dịch tả châu Phi. Theo các trinh sát, cơ sở này hoạt động từ năm 2017 đến nay, chuyên thu gom, sơ chế bảo quản sản phẩm động vật. Chủ cơ sở khai số thịt nhiễm bệnh trên được thu gom trôi nổi trên thị trường với giá rẻ để bán cho người tiêu dùng. “Doanh nghiệp này đã bị phạt 14 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ số lợn bệnh trên”, Đại uý Nguyễn Đức Hùng cho biết.

Điều đặc biệt là quan kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện tại cơ sở sản xuất giò chả Nguyễn Tất Sang (ngõ 787 Lê Lợi, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) lưu giữ 500kg thịt lợn là nguyên liệu để sản xuất giò bị nhiễm virus bệnh dịch tả châu Phi. Theo các trinh sát, cơ sở sản xuất giò chả này khá lớn tại Bắc Giang, chủ cơ sở biết có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng vì giá rẻ vẫn mua về để sản xuất, chế biến giò.

Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ giò chả tăng cao, một số cơ sở đã sử dụng nguyên liệu kém chất lượng để sản xuất. Để át mùi lợn bệnh, người kinh doanh cho hương liệu và gia vị nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

“Hoang mang” khi thực phẩm bị làm giả, nhập lậu

Nếu như mọi năm, các tỉnh cửa ngõ Thủ đô thường là nơi để các đối tượng vận chuyển hàng hoá về tập kết, sau đó xé lẻ mang vào Hà Nội tiêu thụ thì nay ngược lại. Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Giang, năm 2022, do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ biên giới vì dịch COVID-19, nên đơn vị chưa phát hiện vụ việc “thực phẩm bẩn” từ biên giới về Bắc Giang, mà chủ yếu kiểm tra phương tiện vận chuyển, phát hiện thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc từ Hà Nội về địa phương tiêu thụ. Các mặt hàng đông lạnh “bẩn” chủ yếu là nầm, thịt, tai, mỡ, đuôi… lợn. Bên cạnh đó, còn có cánh gà, chân gà không rõ nguồn gốc, thương nhân mua về địa bàn tỉnh để phục vụ liên hoan cuối năm và đám cưới. Đối tượng tìm hiểu nhu cầu người dân, tìm các mối hàng ở địa phương khác giá rẻ, tìm cách đưa về Bắc Giang tiêu thụ. “Có vụ chúng tôi phát hiện chủ hàng nhập gần 1 tấn thịt lợn, tai, mũi, mỡ lợn… không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn tỉnh tiêu thụ”, Đại uý Hùng nói.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, đây là thời điểm thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo nhập lậu, làm giả tiêu thụ mạnh. Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị cung ứng ra thị trường khoảng 45 nghìn tấn thịt hơi các loại, gần 11 nghìn tấn thuỷ sản, hơn 200 nghìn tấn rau và hơn 50 nghìn tấn cam, bưởi. Tuy nhiên, một lượng lớn thực phẩm vẫn phải nhập từ bên ngoài, trong đó không ít đối tượng đã trà trộn hàng giả để bán cho người tiêu dùng.

Điển hình là Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an TP Bắc Giang kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Cảnh Khánh, ở Đông Lý, phường Tân Mỹ, TP Bắc Giang đang đóng gói một số sản phẩm bánh kẹo có bao bì, tem nhãn hàng hoá ghi chỉ dẫn thông tin của các cơ sở sản xuất, phân phối không có thực. Qua đấu tranh, ông Khánh thừa nhận mặc dù biết sản xuất, buôn bán các loại hàng hoá thực phẩm mang thông tin không đúng về nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, đóng gói hàng hoá là trái với quy định của pháp luật, nhưng vì lợi nhuận đã mua máy móc, thuê nhân công để sản xuất ra các loại bánh kẹo giả, sau đó bán ra thị trường kiếm lời.

Chủ hộ kinh doanh N.C.K (đứng giữa) cùng tang vật vi phạm.

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an huyện Tân Yên kiểm tra cơ sở sản xuất kem Thắng Ái do Phạm Xuân Thắng làm chủ, đã phát hiện tại kho đông lạnh, tủ cấp đông có 7.320 que kem các loại đã thành phẩm có dấu hiệu giả kem Tràng Tiền. Qua đấu tranh, Thắng thừa nhận vì lợi nhuận đã mua máy móc, thiết bị, thuê nhân công để sản xuất kem. “Phòng Cảnh sát môi trường đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phục gia thực phẩm” cả 2 vụ trên, chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang và Công an huyện Tân Yên. Đến nay, cả 2 vụ đều đã khởi tố bị can”, Đại uý Hùng cho biết.

Theo Trung tá Đặng Hồng Anh, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Giang, từ ngày 15/11 đến nay, đơn vị đã đấu tranh phát hiện 18 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, tiêu huỷ 2,7 tấn lợn nhiễm dịch, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; gần 1 vạn sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm dịp Tết. Từ nay đến cận Tết, Phòng Cảnh sát môi trường tập trung theo dõi, quan sát diễn biến hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hoá là thực phẩm từ biên giới Lạng Sơn về để tập trung kiểm tra, kiểm soát. Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, đơn vị tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn thực phẩm; nắm chắc di biến động của các đối tượng có biểu hiện vi phạm để xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chỉ thị nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 37 tỉnh, thành phố được cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 22.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm. Thực trạng trên cho thấy, việc kiểm soát giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây chuyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại; có chính sách nâng cấp các cơ sở giết mổ được sắp xếp trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; tổ chức triển khai xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương, bảo đảm có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y và có giải pháp quyết liệt để quản lý, kiểm tra việc thực hiện; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm soát giết mổ; các quy định đối với mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương theo đúng quy định của Luật Thú y; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, nhân viên thú y thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.

Chỉ thị tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bộ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng và sớm đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm trực tuyến để quản lý cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm trên cả nước.

Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Bộ Công an tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm; tham mưu Chính phủ xử lý các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kiểm soát giết mổ động vật và bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các Bộ, cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (nếu có).

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top