Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 2 năm 2023 | 14:31

Khai thác cát trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý hàng loạt trường hợp khai thác cát trái phép… đối với hành vi khai thác cát trái phép chủ thể thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Khai thác cát trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận

Điển hình tại khu vực gần cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang) là địa bàn trọng điểm, Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép. Công an huyện Cái Bè cử lực lượng thường xuyên cắm chốt tại khu vực cầu Mỹ Thuận và phối hợp với đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu, thành lập tổ công tác liên ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền, đặc biệt là khu vực gần cầu Mỹ Thuận. Lực lượng Cảnh sát giao thông duy trì, bố trí các tổ công tác mật phục, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép tại đây. Riêng trong năm 2022, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 11 vụ/24 đối tượng, tịch thu 3 máy hút cát.

Tuyến sông Tiền qua huyện Cái Bè dài khoảng 20km, kéo dài từ xã Đông Hòa Hiệp đến xã Tân Thanh, giáp với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Theo Công an huyện Cái Bè, thời gian qua hoạt động khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là cán bộ hưu trí đã có phản ánh. Công an huyện Cái Bè đã có nhiều kế hoạch xử lý, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tập trung xử lý vi phạm về vận chuyển, khai thác cát trái phép.

Phương tiện khai thác trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận.

Năm 2022, Công an huyện Cái Bè đã phát hiện, xử lý 21 vụ mua bán khoáng sản (cát) và khai thác khoáng sản trái phép liên quan đến 31 đối tượng. Trong cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, khuya 8/12/2022, Công an huyện Cái Bè tuần tra trên tuyến sông Tiền đã phát hiện phương tiện thủy (tàu sắt) đang vận chuyển cát nên kiểm tra. Nguyễn Quốc Cường (SN 1984, ngụ huyện Cái Bè) là người điều khiển và quản lý phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc cát đang vận chuyển. Công an huyện Cái Bè đã ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng hơn 15 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu tang vật. Tiếp đó vào khuya 3/1, Công an huyện Cái Bè tiếp tục phát hiện sà lan neo đậu trên tuyến sông Tiền có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, trên sà lan có 12,6m3 cát. Võ Văn Bé (SN 1970, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) là người quản lý phương tiện cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát.

Theo Công an huyện Cái Bè, các nhóm đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động rất tinh vi. Đối tượng thuê người cảnh giới, túc trực tại các địa điểm cơ quan Công an sẽ xuất phát tuần tra. Khi phát hiện lực lượng xuất phát tuần tra, các đối tượng thông báo cho nhau và ngưng hoạt động, đưa phương tiện lẩn trốn. Để đấu tranh hiệu quả hoạt động khai thác cát trái phép, Công an huyện Cái Bè đã tăng cường công tác nắm địa bàn, quy luật hoạt động của các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để lên kế hoạch kiểm tra, xử lý và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, ban, ngành kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cát trên phương tiện hoạt động tuyến sông Tiền và trên địa bàn huyện Cái Bè.

UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép 

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp. Công an tỉnh Tiền Giang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông). Lực lượng Công an đã mở nhiều đợt kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa giải quyết dứt điểm, do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn, các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp đối phó lực lượng chức năng. Các đối tượng lợi dụng đêm khuya, thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, đồng thời bố trí người chạy xuồng máy tốc độ cao, dọc các đoạn sông, nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới. Trên bờ, các đối tượng thuê người canh phương tiện chở tổ kiểm tra để kịp thời thông báo cho các đối tượng khai thác cát trái phép biết nhằm đối phó.

Ngoài nhu cầu sử dụng cát san lấp lớn mà nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép thì công tác quản lý còn yếu, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra, chưa giải quyết triệt để. Trong thời gian tới, các công trình, dự án lớn được khởi công thực hiện, nhu cầu về cát san lấp rất lớn, do đó tình hình khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công tác liên ngành, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền và kiên quyết không để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra kéo dài.

Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng (Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng, Thủy đoàn II thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh giáp ranh Vĩnh Long, Bến Tre…) trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Công an các tỉnh giáp ranh Tiền Giang (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh với loại tội phạm khai thác cát trái phép.

Quyết định đóng cửa mỏ cát

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản cát đen, đất làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 30 ha tại bãi bồi sông Thái Bình thuộc địa phận xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) và Thanh Hải (Thanh Hà). Nguyên nhân là giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, Công ty CP Phát triển An Việt không thực hiện thuê đất, không tiến hành các hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ. Việc đóng cửa mỏ này nhằm bàn giao cho địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Công ty CP Phát triển An Việt được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 22/GP-UBND ngày 5.1.2011 tại địa điểm trên. Sau khi được cấp giấy phép, vì nhiều lý do khác nhau (trong đó có việc UBND tỉnh có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của khu vực này sang mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái) nên doanh nghiệp không thực hiện các thủ tục tiếp theo, không đầu tư xây dựng, không tiến hành khai thác tại mỏ này. Toàn bộ diện tích khu vực được cấp phép vẫn do chính quyền địa phương quản lý.

Tương tự, trước đó UBND tỉnh Thanh Hoá cũng ban hành quyết định đóng cửa mỏ cát số 02a, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa của Công ty cổ phần Đức Thúy.

Được biết, mục đích đóng cửa mỏ nhằm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao đất cho UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa quản lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời thu hồi 6,8 ha đất của Công ty cổ phần Đức Thúy, giao cho UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa quản lý theo quy định.

Qua đó, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu Công ty cổ phần Đức Thúy bàn giao đối với khu đất để UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa quản lý theo quy định của pháp luật. UBND huyện Thiệu Hóa chủ động phối hợp với đơn vị có đất bị thu hồi thực hiện việc bàn giao đất tại thực địa cho UBND xã Tân Châu quản lý theo quy định của pháp luật; UBND xã Tân Châu quản lý diện tích đất được giao theo quy định của pháp luật.

Khai thác cát trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ngoài những quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác cát như trên thì hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể:

Khai thác cát trái phép bị xử lý như thế nào? Khai thác cát trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? (Hình từ Internet)

Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, hành vi khai thác cát trái phép mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì chủ thể thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top