Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 5 năm 2023 | 10:10

Khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý khiến các đối tượng khai thác cát trái phép càng lộng hành.

“Cát tặc” lộng hành gây "chảy máu" tài nguyên

Do phát triển vượt tầm kiểm soát của nhà nước, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Bởi nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép quá mức phát triển với quy mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe dọa các công trình.

Siêu lợi nhuận, dễ lách luật, thiếu cơ chế giám sát, quản lý nên tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng tăng.

Bên cạnh Luật Khoáng sản đã có hiệu lực, để ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn tình trạng này, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 23 quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố khi cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác sai quy định, lách luật vẫn đang diễn ra.

Tiêu biểu, việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên… Thực tế hiện nay, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m và không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.

Việc khai thác cát trái phép làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ra sạt lở đất hai bên bờ sông, nguy cơ thiệt hại đến tính mạng con người. (Ảnh minh họa)

Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở ĐBSCL cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Me Kong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.

Hệ quả là nhiều hệ thống sông lớn ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đe dọa cuộc sống của người dân. Những lòng sông nếu chậm được "giải cứu", cái giá phải trả sẽ là rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.

Ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.

Trước những tác động xấu của việc khai thác quá mức cát sỏi trên sông dẫn đến sạt lở lòng bờ, chuyên gia cảnh báo, tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong tương lai nếu không có những biện pháp thật sự hiệu quả.

Ngành chức năng liệu có bất lực trước vi phạm?

Hơn một tháng qua, trên sông Krông Pắk (thuộc địa phận dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, xã Cư San, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk) xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ. Mỗi ngày, xe ben loại 2 - 4 chân (trục) kéo vào xếp hàng chờ lấy cát, dưới sông, bè cát thi nhau “đục khoét” để đưa cát lên các xe chở đi tiêu thụ. Tình trạng trên diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý khiến các đối tượng khai thác cát trái phép càng lộng hành.

Tại đây, trên đoạn sông Krông Pắk (khu vực làng Mông, thuộc vị trí GPMB của dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, xã Cư San), từ xa, tiếng máy bè hút cát rền vang cả một vùng, liên tục đưa cát lên xe đậu sẵn trên bờ.

Cát được bơm đầy ắp lên xe rồi chở đi. Ước tính, mỗi xe có khối lượng hơn 10m3, khoáng sản đang bị "chảy máu" từng giờ. Ảnh: Hoàng Yến

Tiến gần khu vực khai thác, bè hút do một người đàn ông điều khiển, liên tục chọc vòi hút đưa cát lên xe ben BKS: 48C-064.75 (loại 3 chân). Cát, nước theo đường ống đổ lên lưới sàn, sau đó khối lượng cát chảy vào thùng xe, còn nước chảy tràn ra ngoài, bắn tung tóe. Sau một giờ đồng hồ, thùng xe đã đầy tràn cát, người đàn ông dùng cào, san bằng rồi ra hiệu cho lái xe rời bãi. Lần lượt, chiếc xe này rời đi, hai chiếc xe BKS: 47C-218.90, 47H-023.79 lại lùi vào để “ăn hàng”. Theo quy trình tương tự, cát cứ thế được hút lên và chở đi tiêu thụ.

Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác cát trên sông Krông Pắk diễn ra “như cơm bữa”. Có thời điểm, xe vào chở cát xếp hàng dài, hết chiếc này đến chiếc khác. Những người vào khai thác rất ngang nhiên, thậm chí còn mắc cả võng để nằm coi ngó.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Cư San không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát. Đối với nội dung phản ánh khai thác cát trái phép, thuộc vị trí bãi vật liệu thi công hồ Krông Pách Thượng. Thời gian qua, Công an thường xuyên đi tuần tra kiểm tra, nếu có tình trạng trên, xã sẽ kiểm tra lại và xử lý”.

Theo một đại diện chủ đầu tư Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, việc quản lý tài nguyên khoáng sản thuộc về chính quyền địa phương, còn đối với đơn vị, trong phạm vi dự án nếu có tình trạng khai thác cát trái phép sẽ kiểm tra và có báo cáo với chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường để có hướng xử lý.

Liên tiếp bắt giữ phương tiện khai thác trái phép

Mới đây, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa (bộ đội Biên phòng TPHCM) tiến hành tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Cần Giờ (TPHCM) phát hiện 1 phương tiện vỏ sắt kẻ số HD 9988 đang hành trình hướng từ biển vào TPHCM. Tổ công tác Biên phòng đã tiến hành dừng, kiểm tra phương tiện.

Tại thời điểm kiểm tra ông Vũ Tuấn Chung (sinh năm 1982), trú tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) là thuyền trưởng đã xuất trình các loại giấy tờ của phương tiện, chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng. Tuy nhiên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đã hết hiệu lực và không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc về số cát có trên phương tiện.

Theo trình bày của ông Chung, trên phương tiện có khoảng 100 m3 cát. Tổ công tác đã yêu cầu ông Chung điều khiển phương tiện HD 9988 về neo đậu tại Hải Đội 2 (huyện Cần Giờ) để tiến hành xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Khối lượng cát đang vận chuyển trên phương tiện HD 9988.

Trước đó, nhận được tin của quần chúng nhân dân báo khu vực địa bàn có hoạt động khai thác cát trái phép, Tổ công tác Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng (Bộ đội Biên phòng TPHCM) đã phát hiện một số phương tiện đang hút cát trái phép dưới sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và phường Long Trường, TP Thủ Đức (TPHCM).

Ngay khi phát hiện có đội tuần tra tới, các đối tượng trên ghe tải đã tháo chạy theo nhiều hướng vào các rạch không tên của tỉnh Đồng Nai trốn thoát.

Sau khi truy đuổi, Tổ tuần tra đã bắt giữ một ghe tải LA 01618 (công suất 15CV, tải trọng toàn phần 10 tấn) do ông Lê Văn Phượng (sinh năm 1981), trú tại tỉnh Đồng Nai điều khiển, trên ghe tải có 2m3 cát sông nước ngọt, lẫn tạp chất.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Phượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số cát có trên ghe tải và không có chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng và máy trưởng; sử dụng phương tiện có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực, không đăng ký lại phương tiện.

Tổ công tác áp giải tang vật, phương tiện về Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng để tiếp tục xác minh làm rõ.

Thu giữ nhiều tang vật

Vừa qua, tổ tuần tra Cảnh sát giao thông đường thủy, thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra trên sông Thị Tính, đoạn qua thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thì phát hiện một ghe đang hút cát trái phép. Phát hiện lực lượng chức năng, người điều khiển ghe đã bỏ lại phương tiện rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.

Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã lập biên bản, tạm giữ một ghe máy thân bằng gỗ, máy bơm hút cát và khoảng 20m3 cát. Vụ việc được bàn giao Công an thị xã Bến Cát xử lý theo quy định.

Công an phát hiện vụ khai thác cát lậu ở suối Tà Mòn, thuộc khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Trước đó, phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương và Công an huyện Dầu Tiếng đã bắt quả tang một điểm bơm hút cát trái phép tại suối Tà Mòn, thuộc khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Công an xác định, người tổ chức khai thác cát trái phép là ông Lương Ngọc Nhân (42 tuổi, ngụ xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Ông Nhân đã thuê người bơm, hút cát từ dưới lòng suối Tà Mòn liên hồ chứa trên bờ để bán mà không có giấy phép của cơ quan có chức năng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận khối lượng cát mà các đối tượng khai thác được khoảng 119 m3.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện. Hiện vụ việc đang được phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra làm rõ.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top