Lợi dụng việc thực hiện mô hình VAC và đưa phương tiện cơ giới vào để tận thu tài nguyên khoáng sản đất, cát trái phép. Hành vi này đã làm biến dạng nguồn gốc đất nông nghiệp, rất khó khăn để người dân có thể canh tác trở lại… trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?
Núp bóng mô hình VAC, khai thác khoáng sản trái phép
Cụ thể, theo phản ánh của người dân xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) từ năm 2018 đến năm 2020, tại khu Đồng Giữa thuộc thôn Yên Tân xuất hiện rất nhiều người của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Đại Phát (có địa chỉ ở số nhà 23, đường Kinh Bắc 83, phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh) đưa các hệ thống máy đào, máy múc đất, thuyền hút cát cùng hàng loạt xe ô tô trọng tải lớn ngày đêm hoạt động ra vào khai thác tận thu tài nguyên khoáng sản đất, cát.
Từ đơn phản ánh của công dân, UBND huyện Yên Phong đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án chuyển đổi đất trồng lúa sang đất sử dụng mục đích trang trại tại khu đồng Giữa, thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến của Công ty Trường Đại Phát.
Địa điểm Công ty Trường Đại Phát khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Tiến Dũng - Văn Giang
Theo kết luận kiểm tra, trước khi triển khai dự án chuyển đổi đất trồng lúa sang đất sử dụng mục đích kinh tế trang trại tại khu đồng Giữa, khu đất trên có nguồn gốc là đất nông nghiệp ngoài đê (đất bãi) và đất nghĩa địa cũ thuộc quỹ đất công ích 15% xã Hòa Tiến giao cho thôn Yên Tân quản lý, sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp.
Năm 2017, UBND xã Hoà Tiến ký hợp đồng giao khoán khu đất nông nghiệp 4,9ha trên cho ông Nguyễn Văn Thuật, hộ khẩu ở thôn Yên Vỹ, xã Hoà Tiến để sản xuất nông nghiệp và trồng cây hàng năm.
Ngày 14/9/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản cho phép UBND xã Hòa Tiến chuyển đổi khu đất có diện tích khoảng 4,9ha từ đất trồng lúa sang đất sử dụng vào mục đích kinh tế trang trại và VAC.
Ngay sau đó, ngày 15/9/2018, UBND xã Hoà Tiến đã ký phụ lục bổ sung chủ thể hợp đồng là bà Nguyễn Thị Giang và cho phép ông Thuật, bà Giang được phép thuê và đào ao thả cá theo đúng dự án VAC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 20/9/2018, ông Thuật và bà Giang ký hợp đồng kinh tế với Công ty Trường Đại Phát để thi công đào ao nuôi trồng thủy sản và vận chuyển đất, cát ra khỏi công trình dự án.
Ngày 7/3/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 282 về cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trường Đại Phát trên diện tích thực hiện dự án là 49.078m2, diện tích khu vực khai thác là 27.396m2 và mức sâu khai thác trung bình 2m tính từ cốt nền hiện trạng. Thời hạn đến hết ngày 31/12/2019.
Điều đáng nói là, sau khi được cấp phép, Công ty Trường Đại Phát đã khai thác tài nguyên khoáng sản vượt mức quy định được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép trên diện tích 4,9ha đất nông nghiệp.
Đề nghị tỉnh dừng triển khai dự án
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Yên Phong, công ty đã tự ý sử dụng diện tích đất lớn hơn diện tích đất cho phép 2.203m2.
Mặc dù chỉ được cho phép khai thác đến 31/12/2019, nhưng công ty vẫn khai thác đến ngày 27/3/2020. Chủ dự án cũng tự ý đào hồ khai thác đất, cát tăng thêm so với diện tích được UBND tỉnh cấp phép gần 4.000m2, khai thác quá độ sâu cho phép 2,4m (tính trung bình).
Theo tính toán của đoàn kiểm tra, khối lượng đất, cát đã khai thác và vận chuyển ra ngoài dự án là hơn 61 nghìn m3, thu lợi bất chính với số tiền gần 879 triệu đồng. Theo UBND huyện Yên Phong, số tiền này đã được thu hồi vào tài khoản tạm giữ của UBND huyện.
UBND huyện Yên Phong khẳng định, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các cá nhân trực tiếp triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, có trách nhiệm của UBND xã Hòa Tiến và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của Công ty Trường Đại Phát.
UBND huyện Yên Phong yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Hòa Tiến và các cơ quan có liên quan kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh ra văn bản dừng triển khai dự án do Công ty Trường Đại Phát không thực hiện đúng các nội dung theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc trong nhân dân, làm mất ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Câu hỏi được dư luận quan tâm là: Để doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép trong thời gian dài, trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào? Việc thực hiện sau kiểm tra được triển khai ra sao? Làm thế nào trả lại nguyên trạng như mục tiêu ban đầu của dự án để người dân thực hiện mô hình VAC?
Làm biến dạng đất đai
Trước thực trạng tái diễn hành vi khai thác đất trái phép tại vùng canh tác mía và các loại hoa màu khác của người dân địa phương thuộc cánh đồng Hương Cam, thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hoà) nhưng không bị chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật.
Khu vực các đối tượng khai thác đất trái phép tại cánh đồng Hương Cam.
Ông Nguyễn Danh, người dân thôn Tân Mỹ cho biết, cánh đồng Hương Cam chủ yếu là đất khai hoang, canh tác từ lâu của người dân. Thời gian qua, do canh tác hoa màu không hiệu quả nên người dân bỏ trống đất rất nhiều để đi làm thuê ở xa. Cánh đồng Hương Cam ở vị trí sâu trong các khu vực không có dân cư nên lợi dụng vào ban đêm và rạng sáng, các đối tượng đã lén lút đưa phương tiện cơ giới vào để khai thác đất. “Việc khai thác đất đã làm biến dạng cánh đồng, rất khó khăn để người dân có thể canh tác trở lại. Cùng với đó, các phương tiện khai thác đất trái phép di chuyển nhiều, liên tục đã làm hỏng các con đường trong thôn, tạo thành những hố sâu, sình lầy, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân”, ông Danh nói.
Thông tin với báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Phú Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho hay, tình trạng khai thác đất ở cánh đồng Hương Cam trước đây đã từng diễn ra và xã đã xử lý nhiều lần, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Để vào được cánh đồng Hương Cam có một con đường đất quanh co, rất khó di chuyển nên các đối tượng khai thác đất đã cử người canh gác ở con đường này để báo tin khi lực lượng của xã đi kiểm tra. Do đó, tổ tuần tra của xã phải tìm một con đường vòng khác để bất ngờ kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, tổ công tác của UBND xã đã phát hiện 4 trường hợp khai thác đất trái phép ở cánh đồng Hương Cam, tổng diện tích vi phạm 500m2 với khoảng 800m3 đất; qua đó đã xử phạt với số tiền 8 triệu đồng và tạm giữ 1 máy ủi để xác minh theo quy định của pháp luật.
Theo ông Tài, các đối tượng khai thác đất ở cánh đồng Hương Cam để đem bán lại cho chủ các lò gạch trên địa bàn xã. Hiện nay, xã Ninh Xuân có 35 cơ sở sản xuất gạch, trong đó có 33 cơ sở buộc phải chấm dứt hoạt động theo Chỉ thị số 22 ngày 23-12-2013 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Tuy nhiên, đến nay, do kinh phí hỗ trợ cho các chủ lò gạch, chuyển đổi nghề cho người lao động vẫn còn những vướng mắc, chưa nhận được sự đồng thuận nên các lò gạch này vẫn đang tiếp tục hoạt động. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác đất ở cánh đồng Hương Cam, UBND xã Ninh Xuân sẽ tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng có thẩm quyền tiến hành truy xuất nguồn gốc đất tại các lò gạch trên địa bàn để làm căn cứ xử lý hành vi mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra hiện trường việc khai thác đất trái phép tại cánh đồng Hương Cam mới đây, Thị ủy Ninh Hòa đã yêu cầu Đảng ủy xã Ninh Xuân tăng cường lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp tục lãnh đạo theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác đất trái phép tại cánh đồng Hương Cam và các khu vực khác của xã; yêu cầu UBND xã làm rõ thông tin thửa đất, chủ sử dụng đất, Công an xã điều tra làm rõ các đối tượng khai thác đất trái phép ở cánh đồng Hương Cam, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. UBND xã Ninh Xuân có biện pháp chấn chỉnh thái độ làm việc, chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ của công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã.
Cách chức trong Đảng đối với 3 lãnh đạo xã
Mới đây, thông tin với báo chí về những sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, môi trường xảy ra ở xã Vũ Lạc, lãnh đạo UBND TP Thái Bình (Thái Bình) cho biết, sau khi kiểm tra, xem xét, cơ quan có thẩm quyền của thành phố đã quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo chủ chốt của xã này.
"Quần thể" công trình gồm biệt thự liền kề, trường học xây dựng trái phép ở xã Vũ Lạc.
Cụ thể, quyết định cách chức Bí thư Đảng uỷ xã đối với ông Nguyễn Thanh Tùng (ông Tùng giữ chức Chủ tịch xã Vũ Lạc giai đoạn từ năm 2008 - 2015, từ cuối năm 2015 đến ngày 25/10/2022 ông Tùng giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã); cách chức Đảng uỷ viên đối với ông Nguyễn Văn Tân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã (trước khi làm Phó Bí thư Đảng ủy xã ông Tân làm Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc từ năm 2015 đến tháng 6/2021, từ tháng 7/2021 đến ngày 25/10/2022 ông Tân giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ xã); cách chức Thường vụ Đảng uỷ xã đối với ông Trần Xuân Khoa, Chủ tịch UBND xã từ tháng 7/2021 đến nay…
Trước đó, báo chí nhiều lần phàn ánh, những năm qua, trên địa bàn xã Vũ Lạc xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có việc để hộ ông Trần Công Vọng (trú tại TP. Thái Bình) ngang nhiên xây dựng hàng loạt căn biệt thự liền kề trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và xây dựng trái phép Trường Mầm non Hương Giang, gây bức xúc trong dư luận…
Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính Theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, hành vi khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản sẽ bị xử phạt hành chính gồm: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng mà không thuộc đối tượng phải xin giấy phép; Khai thác khoáng sản trái phép mà lại không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình; Khai thác khoáng sản trái phép (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản; Hoặc, khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản; Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép khác… Theo Điều 227, Bộ Luật Hình sự năm 2015, tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên; Có tổ chức; Gây sự cố môi trường; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 4 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. Như vậy, mức phạt cao nhất đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép là 7 năm tù. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.