Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh tình trạng khai thác tài nguyên và khoáng sản trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Phóng viên Kinh tế nông thôn đã đến một số địa điểm để ghi nhận thực trạng này.
Khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép
Tại thôn 7B (xã Ea Hiao), phóng viên phát hiện một điểm khai thác cát trái phép. Bằng mắt thường cũng có thể thấy điểm khai thác cát này tồn tại từ lâu. Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận có máy hút cát chạy bằng điện 3 pha, hàng trăm khối cát đã được hút lên, có máy đang múc cát lên xe.
Sau khi phát hiện điểm khai thác cát trái phép, phóng viên Kinh tế nông thôn đã liên hệ với Công an xã Ea Hiao đến ghi nhận hiện trường và lập biên bản.
Hiện trường khai thác cát trái phép tại thôn 7B, xã Ea Hiao.
Máy xúc cát lên xe ben tại thôn 7B, xã Ea Hiao.
Sau phản ánh của phóng viên Kinh tế nông thôn, Công an xã Ea Hiao đã đến hiện trường khai thác cát trái phép tại thôn 7B để ghi nhận và lập biên bản sự việc
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trọng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiao, cho biết: “Đã bàn giao vụ việc cho Công an huyện Ea H’leo xử lý theo quy định, việc này vượt quá thẩm quyền của xã. Xã sẽ trực tiếp phối hợp với công an huyện để xử lý”.
Ông Trọng cho biết thêm, xã chưa lập biên bản lần nào. Đây là việc bất thường bởi địa điểm khai thác cát trái phép không phải là mới tồn tại, tại sao đến nay xã Ea Hiao vẫn chưa lập biên bản xử phạt?
Cũng tại xã Ea Hiao, phóng viên còn phát hiện một địa điểm khai thác đá chẻ trái phép tại thôn 7A. Tại hiện trường là ngổn ngang đá chẻ như một “đại công trình” với hàng chục khối đá chẻ. Những quả đồi trở nên nham nhở khi bị các đối tượng khai thác đá chẻ trái phép đào bới. Con đường dẫn vào khu vực khai thác đá chẻ bị cày xới bởi xe ben khiến mặt đường sụt lún tạo thành những rảnh sâu, ổ voi, ổ gà xuất hiện nhiều trên con đường dân sinh khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi đi lại, vận chuyển nông sản...
Hiện trường khai thác đá trái phép tại thôn 7A, xã Ea Hiao.
Những viên đá khai thác trái phép.
Tại buôn Tùng Táh (xã Ea Ral), phóng viên phát hiện một địa điểm khai thác đá chẻ trái phép. Được biết điểm khai thác này đã bị UBND xã Ea Ral tiến hành lập biên bản xử phạt. Thế nhưng, các đối tượng vẫn tiến hành khai thác đá chẻ trái phép. Nhiều người dân rất bức xúc vì tình trạng này cứ lặp đi lặp lại. Đồi bị các đối tượng khai thác đá dùng máy đào nham nhở. Một người dân tại xã Ea Ral cho biết: Chúng tôi rất bức xúc vì điểm đá chẻ tại buôn Tùng Táh đã tồn tại từ lâu nhưng không hiểu sao không xử lý triệt để nên việc khai thác vẫn cứ diễn ra. Xe ben vào chở đá gây bụi bặm, ồn ào, hỏng đường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.
Hiện trường bãi khai thác đá trái phép tại buôn Tùng Táh, xã Ea Ral
Công an xã Ea Ral đến ghi nhận hiện trường khai thác đá trái phép tại buôn Tùng Táh, xã Ea Ral
Sau nhiều ngày theo dõi, nhóm phóng viên có mặt tại thôn 2 (xã Ea H’leo) và ghi nhận điểm khai thác cát trái phép. Tại đây, các đối tượng đang dùng bè để bơm cát trực tiếp lên xe ben. Khi thấy sự có mặt của phóng viên, các đối tượng nhanh chóng tắt máy hút cát, xe ben cũng lập tức đổ cát và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Để lại tang vật là bè hút cát đang nằm trên suối. Sau đó, phóng viên đã phản ánh với Công an xã Ea H’leo. Sau khi tiếp nhận phản ánh, công an xã Ea H’leo đã đến hiện trường lập biên bản ghi nhận hiện trường, thu giữ tang vật đưa về trụ sở UBND xã.
Phóng viên Kinh tế nông thôn có mặt ghi nhận điểm khai thác cát trái phép tại thôn 2, xã Ea H'leo
Công an xã Ea H'leo đến hiện trường lập biên bản điểm khai thác cát trái phép sau phản ánh của phóng viên
Tại thôn 1C (xã Ea Wy), phóng viên cũng phát hiện một địa điểm khai thác đá trái phép với quy mô lớn. Khi phóng viên xuất hiện, các đối tượng rời khỏi hiện trường, để lại máy đào đất, những vật dụng và công cụ hỗ trợ việc khai thác đá. Bên cạnh đó là hiện trường bị đào bới tứ tung và hàng chục khối đá đã được đào lên.
Hiện trường điểm khai thác đá trái phép tại thôn 1C, xã Ea Wy.
Sau khi phóng viên tiếp cận hiện trường tại thôn 1C, xã Ea Wy các đối tường khai thác đá rời khỏi hiện trường để lại máy móc và công cụ.
Nhiều hệ lụy
Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tại huyện Ea H’leo diễn ra rất phức tạp với nhiều địa điểm khai thác trái phép. Điều đáng nói là, nhiều điểm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép nằm không xa trụ sở của UBND và công an các xã nhưng vẫn cứ tồn tại và không được xử lý dứt điểm. Xe ben vào chở tài nguyên khoáng sản vẫn chạy công khai, ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn. Đây là điều bất thường khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép là vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây thất thoát tài nguyên của nhà nước. Việc xử lý các đối tượng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép cần phải thực hiện quyết liệt, nếu xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì tình trạng này khó chấm dứt.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ gây xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái mà còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai. Sạt lở sông, suối khiến diện tích canh tác của người dân bị thu hẹp. Nguồn nước bị ảnh hưởng gây khó khăn cho các hộ nông dân trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Khai thác tài nguyên trên đất nông nghiệp làm giảm diện tích cây trồng. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Ea H'leo nói riêng đang từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện Đề án.
Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin, truyền thông đã thông tin những hệ lụy việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, ngành chức năng ở xã, huyện và tỉnh. Cần có những giải pháp hiệu quả để hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đúng pháp luật. Người dân cần kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về các vụ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Có như vậy, tài nguyên khoáng sản không bị thất thoát, đời sống của người dân cũng như sản xuất nông nghiệp mới không bị ảnh hưởng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.