Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 10 năm 2022 | 22:7

Khởi tố nhiều đối tượng liên quan đến khai thác cát trái phép

Tạm giữ nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông và khởi tố các đối tượng “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” để điều tra theo quy định pháp luật.

Hoạt động khai thác cát trái phép

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng, gồm: Lê Thị Thoan (SN 1962) ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định; Trịnh Xuân Thành (con rể bà Thoan) (SN 1982), ở xã Yên Trường, huyện Yên Định và Nguyễn Trọng Giang (SN 1982), ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt đối tượng Lê Thị Thoan (Ảnh Công an Thanh Hóa)

Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, trước đó, qua công tác nắm tình hình, tổ công tác của Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 5 tàu đang có hoạt động khai thác cát trái phép ngoài khu vực mỏ cát 41 của Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc do ông Đỗ Quang Sơn, (SN 1982), ở phường Đông Thọ, TP. Thanh Hoá là người đại diện hợp pháp được cấp phép khai thác mỏ cát 41 tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định. Từ 01/4/2019, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc đã cho bà Lê Thị Thoan thuê khoán để tiến hành các hoạt động khai thác cát.

Tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố Vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” để điều tra, làm rõ. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 01/2022 đến ngày 12/6/2022, Lê Thị Thoan và Trịnh Xuân Thành đã chỉ đạo, điều hành hoạt động khai thác cát trái phép với số lượng rất lớn.

Cụ thể, số lượng cát khai thác trái phép lên đến 290.000m3, vượt gấp 3 lần tổng trữ lượng mỏ cát số 41 được phép khai thác trong 10 năm 10 tháng, vượt gấp 30 lần công suất mỏ 41 được phép khai thác trong năm 2022, thu lời bất chính số tiền lớn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong việc quản lý thu thuế tài nguyên.

Việc khai thác cát trái phép nêu trên đã gây ảnh hưởng đến địa tầng, thay đổi kết cấu của lòng sông, tốc độ dòng chảy và dẫn đến sụt lún, không bảo đảm an toàn cho công trình đê điều. Mặt khác số lượng cát khai thác trái phép rất lớn được vận chuyển liên tục trong thời gian dài làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng Lê Thị Thoan, Trịnh Xuân Thành và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng Nguyễn Trọng Giang để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Một vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Quảng Bình, thông tin từ Công an huyện Quảng Trạch cho biết, lực lượng của đơn vị này vừa phát hiện, bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông. 

Các đối tượng khai thác cát trái phép và tang vật.

Theo đó, trong quá trình thực hiện các đợt tuần tra, kiểm soát trên sông Gianh, lực lượng Công an huyện Quảng Trạch phát hiện Hoàng Văn Ngọc (SN 1983) và Trần Văn Tuấn (SN 1998) cùng trú thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa đang điều khiển thuyền máy kết hợp máy bơm công suất lớn khai thác trái phép cát lòng sông tại khu vực thôn Tân Thị, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch.

Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hai đối tượng trên đã sử dụng các phương tiện khai thác trái phép 10m3 cát lòng sông. Qua đó, lực lượng Công an huyện Quảng Trạch đã tiến hành lập biên bản vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật.

Phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép

Sau khi tiến hành trinh sát, theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, mới đây, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an thành phố Biên Hòa đã tập kích điểm bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua khu vực Vàm Cái Sứt.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một ghe gỗ có kích thước dài khoảng 19m, rộng khoảng 4,5m có gắn thiết bị đặc thù hơm hút cát đang tiến hành hút cát dưới lòng sông bơm lên một sà lan mang số hiệu ĐN-1219 do ông Châu Văn Nhanh (sinh năm 1979, ngụ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) điều khiển, trên sà lan có khoảng 150 m3 cát.

Chiếc ghe gỗ bơm hút cát trái phép bị bắt. Ảnh: TTXVN phát.

Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng trên ghe bơm hút cát đã điều khiển ghe gỗ đến khu vực sông Bến Gỗ rồi bỏ lại phương tiện và nhảy sông bỏ trốn. Qua kiểm tra và làm việc, ông Châu Văn Nhanh không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số cát đang vận chuyển trên phương tiện.

Mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng liên quan

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Giang thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Phúc (sinh năm 1979) và Vũ Việt Hưng (sinh năm 1999) cùng trú tại khu Đồng Tâm, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại điều 227, Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Hà Giang), từ tháng 2 - 5/2022, Nguyễn Thị Phúc và Vũ Việt Hưng đã thuê một số đối tượng sử dụng phương tiện, máy móc thực hiện hành vi khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép với khối lượng lớn tại khu vực lòng sông Con, thuộc sông Bạc, thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo và thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Nơi đây có 3 sông lớn chảy qua là sông Lô, sông Gâm và sông Chảy, cung cấp nguồn tài nguyên cát, sỏi dồi dào. Toàn tỉnh có 171 điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch với tổng diện tích lên đến 436,22 ha; trữ lượng dự kiến gần 11,6 triệu m3. Trong đó, điểm mỏ tập trung nhiều nhất ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang và huyện Quang Bình.

Hiện trường vụ khai thác cát trái phép. Ảnh tư liệu: Trung Thực/TTXVN

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, ngành được tăng cường nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái quy định. Việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương cấp cơ sở còn bị động, chưa quyết liệt, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác phối hợp trong quản lý khoáng sản giữa các địa phương giáp ranh địa giới hành chính thiếu chặt chẽ và đồng bộ...

Vì vậy, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái quy định vẫn tiềm ẩn và diễn ra ở một số địa phương, nhất là trên dòng sông Lô. Bất cập trên gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, sạt lở bờ, bãi ven sông, làm mất đất sản xuất, gây nguy cơ mất an toàn một số công trình hạ tầng kỹ thuật, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thậm chí gây mất an ninh trật tự trong khu vực.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top