Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 5 năm 2023 | 14:6

Không để nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa du lịch

Kỳ nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5 cũng là kỳ nghỉ đánh dấu cho một mùa du lịch bắt đầu, ngoài nỗi lo quá tải lượng người tại các địa điểm nghỉ ngơi trong những ngày hè nóng nực, người dân còn thêm một nỗi lo khác, đó là nỗi lo về an toàn thực phẩm. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn tại các khu du lịch để bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách.

Lượng du khách tăng tại các điểm vui chơi, du lịch trong những ngày nghỉ lễ

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 9 đến 11/4), cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú. Riêng khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đã đón khoảng 1 triệu lượt du khách về dâng hương, trẩy hội.

 Hàng năm, hàng ngàn đồng bào cả nước tập trung về Phú Thọ dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Tại Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 250.000 lượt, công suất phòng ước đạt 50%, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng. Tỉnh Phú Thọ phục vụ khoảng 550.000 lượt khách, trong đó riêng Khu di tích Đền Hùng khoảng 535.000 lượt khách; công suất phòng ước đạt 50% (tính từ 1/3 đến 10/3, khu di tích lịch sử Đền Hùng- Phú Thọ) đã đón khoảng 1 triệu lượt du khách về dâng hương, trẩy hội. Thành phố Đà Nẵng phục vụ khoảng 77.870 lượt khách, công suất phòng ước đạt 50-60%. Thành phố Cần Thơ mới khánh thành Đền thờ Vua Hùng nên lượng khách tham quan, du lịch tăng cao, phục vụ khoảng 850.000 lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 350 tỷ đồng; công suất phòng các khách sạn đạt 80-90%...

Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết, thống kê sơ bộ của các đơn vị trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, toàn tỉnh đón khoảng 100 nghìn lượt du khách đến tham quan, vui chơi giải trí.

Với lợi thế núi non hùng vĩ, ẩm thực phong phú cộng hưởng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm, 5 ngày nghỉ lễ vừa rồi An Giang đón khoảng 100.000 du khách đến vui chơi.

Trong đó, các khu, điểm du lịch ở An Giang thu hút đông lượng khách đến tham quan như Du lịch nông trại Phan Nam farm, Khu du lịch đồi Tức Dụp, Khu Du lịch núi Sam Châu Đốc, rừng tràm Trà Sư... mỗi điểm đón trên 1.000 lượt khách.

Ngày 3/5, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả hoạt động du lịch dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4-1/5. Theo đó, trong 5 ngày nghỉ lễ, Kiên Giang đón hơn 270.000 lượt khách, giảm 9,4% so với năm 2022. Tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 210 tỷ đồng.

Riêng TP Phú Quốc đón gần 113.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ; trong đó có 6.800 khách quốc tế, tăng 58,1% so với cùng kỳ.

Điểm một vài địa phương có số lượng khách du lịch đến tham quan, du lịch trong ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5 vừa qua, cũng đủ cho chúng ta thấy một số lượng người đông như thế nào đi du lịch. Với số lượng người đông như vậy thì việc cung cấp và đảm bảo nguồn thực phẩm cho nhu cầu của du khách là vô cùng lớn, nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ của các đơn vị chức năng thì điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe của người dân.

Các địa phương chủ động kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Nha Trang đã tiến hành kiểm tra, giám sát 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Nha Trang.

Đoàn kiểm tra giám sát tại một cơ sở kinh doanh ăn uống tại Nha Trang

Qua đó, đoàn đã phát hiện 3 cơ sở kinh doanh vi phạm một số điều kiện về an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Đội QLTT số 1 đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 33 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng; không được che kín; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Chợ Cồn, chợ Hàn (quận Hải Châu) là một trong những điểm mà du khách lựa chọn thưởng thức ẩm thực và mua quà trước khi rời TP Đà Nẵng. Họ khá yên tâm khi dạo trên lối đi sạch sẽ, thông thoáng, nền gạch trắng sáng. Quầy sạp gọn gàng với các tủ kính, khay đựng thức ăn, bàn, ghế... được đóng theo cùng kích cỡ tạo cảm giác bắt mắt. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày.

Một cửa hàng ẩm thực tại chợ Cồn, Đà Nẵng

Theo ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn, cao điểm du lịch, lượng khách đến chợ thưởng thức ẩm thực, mua sắm tăng hơn ngày thường. Dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay, có khoảng 7.000-10.000 lượt khách đến mua sắm mỗi ngày. Chính vì vậy, các chợ truyền thống phục vụ du lịch được cải tạo theo tiêu chí chợ an toàn văn minh. Khu vực bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bố trí rộng rãi, không có rác, nước thải ứ đọng hay mùi hôi. Gian hàng kinh doanh ăn uống, thực phẩm đều trang bị bàn inox, bảng hiệu, tủ kính, thùng rác... Tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, cam kết nguồn gốc.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong cao điểm du lịch chủ yếu do các yếu tố như nắng nóng tăng cao khiến các vi sinh vật phát triển thuận lợi. Dịch Covid-19 gây gián đoạn nguồn nhân lực và sự bùng phát du lịch khiến quá tải cục bộ dẫn đến các điểm du lịch khó tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Giải pháp lâu dài là truyền thông đi trước một bước; thanh - kiểm tra toàn diện để tạo sức lan tỏa và tranh thủ sự tham gia của du khách.

Không nương tay với vi phạm ATTP

Hà Nội là địa phương có nhiều địa danh, di tích lịch sử thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trong thời gian này. Chính vì vậy công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được đặt lên hàng đầu, nhất là vào thời điểm này Hà Nội đang trong giai đoạn của tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Không chỉ dừng lại ở một tháng, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được thành phố Hà Nội tăng cường, trên tinh thần “không nương tay với vi phạm”.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra quy trình sản xuất đậu phụ tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hải Quang ở huyện Mê Linh. Ảnh: Trang Thu

Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh nhiều vấn đề, từ những vi phạm nhỏ nhất.

Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên vẫn tồn tại những vi phạm. Trực tiếp kiểm tra ở một số địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, các cơ sở khẩn trương, nghiêm túc khắc phục ngay từ những tồn tại, sai sót nhỏ nhất. Bởi từ những sai sót nhỏ như: Dùng tay trần bốc thức ăn, vệ sinh khay bát không sạch… đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, trong công tác kiểm tra cần thực hiện với tinh thần xử lý nghiêm các vi phạm và tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.

“Sau khi thẩm định, chỉ khi cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm mới được phép cho hoạt động; nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải ra quyết định đình chỉ hoạt động”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các quận, huyện, thị xã vẫn tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất xuyên suốt trong cả năm. Qua hoạt động kiểm tra, các đoàn kiểm tra, nhất là tuyến xã, phường phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm. Đồng thời, duy trì hệ thống thông tin cảnh báo nhanh sự cố an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn, thời gian tới, các đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục tập trung kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp.

Để bải đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân khi mùa du lịch năm 2023 mới chỉ bắt đầu, rất cần các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đơn vị, nhà hàng kinh doanh ăn uống, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top