Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 5 năm 2023 | 16:1

Kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở vi phạm ATTP trong tháng hành động

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2023 trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị các cơ quan chức năng xử lý.

Câu hỏi được đặt ra tại sao vẫn còn có nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về ATTP trong tháng cao điểm VSATTP như vậy?

Xử lý nhiều, vi phạm cũng lắm

Trong tháng hành động vì an toàn  thực phẩm năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương đã thành lập được 254 đoàn thanh tra, kiểm tra 4.211 cơ sở, phát hiện 464 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy các cấp, các ngành ở Hải Dương rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực này.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Cẩm Giàng)

Quá trình kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đoàn kiểm tra nhận thấy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã cơ bản nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng… Tuy nhiên, quy mô các cơ sở còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện về con người chưa bảo đảm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, còn vi phạm quảng cáo thực phẩm qua mạng xã hội. Việc sắp sếp quy trình sản xuất chưa bảo đảm nguyên tắc “một chiều”. Không ít sản phẩm chưa có nhãn mác, một số sản phẩm chưa có hồ sơ tự công bố. Kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ doanh nghiệp chưa được đầy đủ. Việc lưu hồ sơ không có hệ thống, không có biểu mẫu ghi chép hoạt động sản xuất hằng ngày. Việc tự gửi mẫu sản phẩm đi xét nghiệm chưa được các cơ sở thực hiện nghiêm. Nhiều lao động làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp chưa được khám sức khoẻ, thiếu hiểu biết kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tại tỉnh Bình Dương trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra trong được tổ chức ở 3 tuyến (xã, huyện, tỉnh). Cụ thể, tuyến tỉnh: thành lập 16 đoàn kiểm tra, trong đó có 2 đoàn liên ngành; tuyến huyện 42 đoàn; tuyến xã 91 đoàn. Toàn tỉnh thanh tra, kiểm tra 2.184 cơ sở, đạt 1.904 cơ sở, vi phạm 309 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 52 cơ sở với số tiền gần 260 triệu đồng, nhắc nhở 189 cơ sở.

Các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm 

Thành phố Hà Nội đã tổ chức 4 đoàn, liên tục kiểm tra, giám sát tại địa điểm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nơi phục vụ đông du khách và người dân trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Chỉ tính riêng trong 2 tuần đầu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, 4 đoàn liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra 16 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, có 7/16 cơ sở đạt, 3 cơ sở chưa xuất trình giấy tờ, 6 cơ sở có vi phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã giao Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận huyện, Ban Chỉ đạo 389 và Sở Công Thương tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm theo quy định.

Mới đây, trong 2 ngày 9 - 10/5, tại quận Bắc Từ Liêm, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an quận, Đội Quản lý thị trường số 22, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố liên tiếp phát hiện, thu giữ, xử lý hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại huyện Mỹ Đức, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kết quả đã kiểm tra 475 cơ sở, phát hiện 23 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 17 cơ sở, xử phạt 6 cơ sở với số tiền 12 triệu đồng.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, lỗi vi phạm chủ yếu là không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; thiếu trang phục bảo hộ lao động... Qua kiểm tra cho thấy, việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Rất nhiều vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, ngay trong tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, đã bị các lực lượng chức năng xử lý. Một điều có thể nhận thấy là mặc dù trong tháng cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm không giảm mà còn có dấu hiệu tăng hơn.

Người tiêu dùng kỳ vọng vào hậu thanh tra, kiểm tra

Vấn đề an toàn thực phẩm là nỗi lo thường trực cho mỗi bữa ăn của từng gia đình, bởi lẽ người tiêu dùng không thể phân biệt hay phát hiện ra các sản phẩm thực phẩm đã được chế biến có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Chỉ đến khi sử dụng và có những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm lúc đó người tiêu dùng mới biết sản phẩm đó không an toàn.

Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra thực phẩm tại Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới liên quan đến an toàn thực phẩm và hàng ngàn ca tử vong do ung thư. Trong đó, có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục nghìn tỉ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh, không những thế, “thực phẩm bẩn” còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động.

Với Thủ đô Hà Nội, để thị trường thực phẩm được an toàn, đồng thời để hưởng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm. Theo Quyết định, Hà Nội sẽ thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023.

Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thực phẩm, nông sản. Đồng thời, xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương vẫn liên tiếp kiểm tra, tạm giữ hàng hóa là các lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra một loạt các cửa hàng bày bán tại các cổng trường học, nếu phát hiện các sản phẩm tương tự sẽ kiểm tra, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Khó khăn trogn xử lý là các cơ sở đều nhỏ lẻ

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong quá trình xử lý các vi phạm,đó là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đều có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Do đó để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở".

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Có như vậy sẽ hạn chế được vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm, mang lại niềm tin, yên tâm cho người tiêu dùng.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top