Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 | 10:49

Kinh tế vườn ở Trung du miền núi phía Bắc: Tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế vườn quy mô hàng hóa lớn và bền vững, nhiều địa phương đã khá thành công trong cải tạo vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết gắn với tìm kiếm thị trường đưa nông sản xuất ngoại.

Song, phát triển kinh tế vườn và “sợi dây” liên kết vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều hạn chế. Tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác triệt để, hiệu quả...

Kinh tế vườn ở Trung du miền núi phía Bắc: Lợi thế và giải pháp

Tiềm năng lớn

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh, thành, bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây cũng là vùng có nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước.

Thu hoạch, phân loại na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, bởi diện tích cho phát triển còn lớn, đặc biệt là cây ăn quả đa dạng về chủng loại, từ ôn đới, cận nhiệt đới tới nhiệt đới, đã đem lại cho vùng thế mạnh phát triển nông nghiệp – làm giàu từ trồng cây ăn quả. Tiềm năng cây ăn quả ở vùng trung du và miền núi phía Bắc trải rộng ở nhiều địa phương, nơi nào cũng có những dư địa, với nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả, cho phép phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao và có tác dụng hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế...

Nhận định về những tiềm năng phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, như: nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là một trong những cửa ngõ thông ra biên và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn; tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Khẳng định tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, đặc thù địa hình và địa lý tự nhiên, giao thông kết nối cùng khó khăn khác không hẳn ngăn cản sự phát triển kinh tế chung và ngành nông nghiệp nói riêng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ mà có thể là động lực tạo nên những khác biệt riêng trong nguồn lực phát triển nếu chuyển hóa những đặc điểm đặc thù đó một cách hợp lý thành lợi thế, phát huy một cách phù hợp năng động, sáng tạo hòa cùng nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn xã hội vô giá không giới hạn sẽ tạo điểm nhấn đặc sắc cho kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tiếp thêm sức bật mới cho vùng.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022 và trong thời gian tới, vừa diễn ra đầu tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phú Thọ phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh, như: du lịch, vận tải, logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin; phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương. Tỉnh cần tận dung tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư; tập trung xây dựng Phú Thọ thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.

Chưa có dấu ấn vùng

Mặc dù là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên, chưa được khai thác triệt để, hiệu quả, phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều hạn chế. Vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong 6 vùng kinh tế của cả nước, nhưng vẫn chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương chứ chưa có chuỗi liên kết trong vùng, nhất là trong việc hình thành các khu kinh tế và các dự án phát triển mang dấu ấn vùng.

Nhiều giống cây mới như mắc ca, quế, sa nhân... được người dân Mường Tè (Lai Châu) thay thế các cây trồng truyền thống. Ảnh: Đinh Thùy

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhận định: “Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất  nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (năm 2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao. Nhiều chỉ số về văn hoá, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc…

Điều kiện khí hậu đặc thù cùng với những tác động xấu của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng như: nắng nóng, rét buốt, băng giá, sương muối... trong mùa đông và xói lở đất, lũ quét... trong mùa mưa bão. Địa hình đồi dốc cao, chia cắt cản trở việc thâm canh sản xuất. Tiến bộ kỹ thuật áp dụng còn hạn chế, năng lực sản xuất và tư duy kinh tế của các nhà vườn chênh lệch cao, vì vậy, sản xuất nhiều loại nông sản nhỏ lẻ, thiếu đồng loạt, ít có số lượng hàng hóa lớn, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc thu mua, chế biến, bảo quản nông sản còn thiếu doanh nghiệp tham gia. Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế vườn còn nhiều hạn chế, nhất là về tín dụng, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất...

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp nhất  nước; đa phần là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng; chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội, đang tạo sức ép lớn đối với môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều. Du lịch phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao. Năng lực cạnh tranh của vùng và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chậm cải thiện, nhất là kết nối hạ tầng giao thông.

Đề xuất về một số định hướng phát triển, liên kết vùng cho 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết, về cơ bản chủ trương chính sách đã khá đầy đủ, đã có quy hoạch của quốc gia, từng tỉnh, từng vùng, tuy nhiên, vẫn cần có một “nhạc trưởng” để biến quy hoạch liên kết các địa phương, liên kết vùng với nhau trở thành hiện thực. Song song với đó, các chính sách đưa ra cần phải có sự đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng liên kết vùng và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Hầu A Lềnh, Ban Kinh tế Trung ương cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về vấn đề liên kết vùng từ quy hoạch tới cơ sở hạ tầng, đưa giải pháp để hiện thực hóa các quy hoạch sẵn có đó. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp về công nghệ trên phạm vi, quy mô liên kết vùng.

Hai hướng chính: Chất lượng và An toàn

Theo Hội Làm vườn Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, mô hình kinh tế VAC định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Hội Làm vườn Việt Nam đã tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC áp dụng GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Cuộc vận động sản xuất cây ăn quả theo quy trình GAP đã được hội viên các tỉnh,thành có sản phẩm VAC hàng hóa tập trung áp dụng. Nhiều Hội địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên,… còn triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản như ong mật Sơn La, cam Cao Phong, gà đồi Yên Thế, vải Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi da xanh…

Cây mắc ca trồng trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư

Tận dụng những ưu thế của vùng, các địa phương, đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất cây ăn quả trên vườn đồi, trong đó có các vấn đề, như: cây giống sạch bệnh, kỹ thuật tuyển chọn cây đầu dòng, quy trình sản xuất theo VietGAP, sản xuất hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân chuyên dụng, biện pháp phòng trừ bệnh trên cây ăn quả như bệnh thán thư đục quả xoài, cách xử lý quả xoài bị nám, quả bị sẹo, tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thủ tục vay vốn để sản xuất, chính sách của nhà nước hỗ trợ nông dân sản xuất, thủ tục đăng ký chứng nhận sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ ...

Sự phát triển mạnh mẽ của cây ăn quả phải kể đến sự gia tăng nhanh chóng của diện tích trồng cây. Diện tích trồng cây ăn quả của trung du và miền núi phía Bắc năm 2020 đạt 254,2 nghìn hecta, đứng thứ 2 cả nước sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2015-2020, diện tích trồng cây ăn quả của vùng tăng gấp 1,5 lần, từ 164,5 nghìn hecta (năm 2015) lên 254,2 nghìn hecta (năm 2020), tăng gần 80 nghìn hecta, trung bình mỗi năm tăng 16 nghìn hecta. Trong đó, các địa phương có diện tích cây ăn quả tăng nhanh là Điện Biên (tăng 3.500ha, bình quân mỗi năm tăng hơn 700ha); Lào Cai (tăng gần 4.800ha, bình quân tăng 955 ha/năm); Hòa Bình (tăng 5.250 ha, bình quân tăng 1.048 ha/năm); Lạng Sơn (tăng gần 5.600ha, bình quân tăng 1.100 ha/năm); Bắc Giang (tăng 5.760ha, bình quân tăng 1.150 ha/năm); Lai Châu (tăng 8.300 nghìn hecta, bình quân tăng 1.660 ha/năm); đặc biệt là Sơn La, sau 5 năm, diện tích trồng cây ăn quả tăng lên 46,5 nghìn hecta (gấp 3,4 lần diện tích trồng cây ăn quả năm 2015), trung bình tăng 9.300ha/năm.

Không những phát triển nhanh về diện tích, vùng còn tập trung phát triển cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu giống cây ăn quả của vùng có sự chuyển đổi khá rõ, bổ sung được giống mới có năng suất, chất lượng tốt. Các loại cây già cỗi, giống cũ, kém chất lượng dần được thay thế bằng các giống cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được với điều kiện khí hậu thay đổi. Các loại cây ăn quả chủ yếu gồm cây có nguồn gốc nhiệt đới (chuối, dứa, xoài, na…), cận nhiệt đới (cam, bưởi, hồng, nhãn, vải…) và một số loại cây ôn đới (lê, đào, mơ, mận…). Nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ…

Hiện nay, vùng đang tập trung phát triển cây ăn quả hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng có lợi thế của vùng, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt, vùng sẽ tiếp tục tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao thông qua các mô hình sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đi cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao để đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân.

Tại Diễn đàn về phát triển kinh tế dưới tán rừng cho vùng trung du, miền núi phía Bắc diễn ra cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng trung du, miền núi phía Bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát.

Cùng với đó, kích hoạt tất cả các giá trị để biến nông nghiệp trở thành kinh tế nông nghiệp, trong đó có kinh tế vườn, dựa trên 3 trụ cột: Tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo. Mặt khác, các địa phương phát triển bền vững dưới tán rừng là làm sao khai thác có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng. Bên cạnh đó, tạo thêm nguồn lực để kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm tạo thu nhập cho bà con..

Cần cách tiếp cận mới

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.

Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, liên kết vùng còn yếu. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân chung của cả nước tiếp tục gia tăng. Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao.

Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Hoạt động hợp tác, kết nối với các địa phương ngoài vùng, với các tỉnh của Lào và Trung Quốc còn khiêm tốn…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước thì phải có chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản, cần đến nguồn lực con người – sự tham gia tích cực của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư với vai trò chủ thể.

Chính yếu tố con người mới thật sự là động lực, xung lực tạo bước đột phá mạnh mẽ cho khu vực còn nhiều gian khó, điều kiện còn hạn chế này. Vì vậy, cần có những kế hoạch cập nhật kiến thức, hướng dẫn người dân thông qua đội ngũ khuyến nông cơ sở, ngay tại bản làng.

Song song đó, phát huy vai trò đầu tàu của những nhân tố năng động như doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ để dẫn dắt tiếp cận các mô hình mới. Đồng thời, khuyến khích sự thay đổi tích cực của người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư trong cách nghĩ, cách làm, từ thói quen, tập quán sinh hoạt hàng ngày cho tới cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Bài 3: Điều kiện cần và đủ để kinh tế vườn phát huy hiệu quả

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top