Kinh tế vườn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ở nhiều địa phương, kinh tế vườn chiếm tới 70% thu nhập của kinh tế hộ.
Trung du miền núi phía Bắc là vùng có diện tích lớn, độ dốc cao, khó khăn trong canh tác nông nghiệp nhưng lại thuận lợi trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa với khả năng mở rộng diện tích cây ăn quả tương đối lớn.
Tuy vậy, để phát triển kinh tế vườn ở vùng này còn không ít trở ngại. Dù vậy, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã hình thành với quy mô lớn.
Việc áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bài 1: Đưa cây ăn quả lên sườn dốc - Bài học từ Sơn La, Bắc Giang
Vùng trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất đồi dốc lớn, tuy nhiên, phần lớn bị suy thoái do quá trình canh tác thiếu hợp lý, dẫn đến lớp đất mặt bị rửa trôi, khó canh tác.
Vì vậy, để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, một số địa phương, tiêu biểu là Sơn La, Bắc Giang, đã “đưa cây ăn quả lên sườn dốc”. Mô hình từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, nâng cao thu nhập cho nhà vườn...
Biến đất dốc thành vùng cây ăn quả
Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La, tâm sự, năm 2015, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Sơn La thực hiện một bước chuyển lớn trong nông nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Sau đó, HĐND tỉnh ra quyết định hỗ trợ tài chính, tuy không lớn nhưng đưa ra đúng thời điểm. Những diện tích cây lương thực, cây ăn quả kém hiệu quả được cải tạo, ghép các giống cây ăn quả mới hiệu quả cao hơn.
Tiên phong thực hiện theo chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, cho biết: HTX hiện có 52 thành viên, với quy mô 100ha trồng xoài, nhãn và bưởi da xanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ năm 2015 đến nay, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh về cây giống, kỹ thuật thực hành sản xuất, tham quan học hỏi kinh nghiệm, mua tem nhãn, bao bì, tiêu thụ sản phẩm, nhất là được hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế nông sản và 500 triệu đồng xây dựng vườn ươm lưu vườn cây giống cây ăn quả... Những chính sách đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, vụ năm nay, trên 100 tấn xoài của HTX đã xuất sang thị trường Australia và Trung quốc.
Ngay khi thành lập (năm 2016), HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã xây dựng các quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, lại được Chi cục Quản lý nông - lâm - thủy sản tỉnh hỗ trợ, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 1 đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
"Đến nay, HTX có 200 ha thanh long được trồng tập trung ở 2 huyện Mai Sơn, Thuận Châu, sản lượng thanh long mỗi năm khoảng 30.000 tấn. Việc xuất khẩu, đến thời điểm này HTX cũng đã ký được với Nga, Ấn Độ và một số nước khác", bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết.
Anh Nguyễn Bá Thụy (bản Tiên Cang, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã), triệu phú vùng biên, mỗi nămcó thu nhập trên 300 triệu đồng từ vườn nhãn, kể: “1ha trồng ngô một năm thu được 20 tấn, bán với giá 3.500 đồng/kg, chỉ thu được 70 triệu đồng, trừ chi phí, còn lại chẳng bao nhiêu. Năm 2006, tôi chuyển sang trồng nhãn, 4-5 năm sau cây nhãn cho quả, nhưng điểm danh những cây nhãn cùi, bán hàng hoa thì ít, nhãn nước, thóc thì nhiều, những loại nhãn này chỉ bán cho các lò làm long nhãn, với giá vài nghìn đồng/kg, năng suất, hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhiều người khuyên tôi chặt đốn đi thay thế bằng cây trồng khác. Nhìn những cây nhãn gần chục năm tuổi, tôi thấy tiếc, hơn nữa chưa biết thay thế cây trồng gì cho phù hợp.
Năm 2015, có cán bộ khuyến nông huyện đến xã mở lớp tập huấn về ghép cải tạo vườn nhãn, tôi ghép cải tạo 1 ha nhãn bản địa bằng giống nhãn Miền Thiết. Sau 3 năm, vườn nhãn cho thu hoạch, những chùm nhãn sai trĩu, quả to, mọng, mã đẹp bán được giá, thu về hơn 100 triệu đồng. Tiếp đó, tôi chuyển đổi thêm 2ha ngô sang trồng 2.400 cây nhãn Miền Thiết, vụ vừa qua gia đình thu 27 tấn quả tươi, trừ chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Dự tính vụ năm sau , khi cây nhãn trưởng thành, sản lượng thu được sẽ tăng gấp vài lần năm nay”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện hiện có 3.000ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000 ha.
"Mai Sơn có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300 ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Việc trồng và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm", ông Hào nói.
Tư duy đột phá khi đưa cây ăn quả lên sườn dốc
Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin, Sơn La đã có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây ăn quả trên đất dốc.
Từ mô hình cây ăn quả trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP… đem lại hiệu quả kinh tế cao của Sơn La, nhiều địa phương đã đến học tập, nghiên cứu và các bộ, ngành đánh giá cao. Từ những lợi thế đó có thể khẳng định nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đi đúng hướng.
Thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững. Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu...
Xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) hiện có 1.800ha sản xuất tập trung các loại cây ăn trái: Xoài, nhãn, mận hậu, thanh long; là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.
Tháng 5/2022, trong chuyến thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót (huyện Mai Sơn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được nghe người dân xã Hát Lót kể về mô hình thâm canh xoài hữu cơ. Mô hình này có sự tham gia của hơn 20 hộ dân vào mô hình hợp tác xã trồng xoài với diện tích hơn 70ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…
Thành viên HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) đóng gói xoài chuẩn bị xuất khẩu.
Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất.
Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…
Như bà con chia sẻ, “trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi” do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bà con cũng cho biết, một “bí quyết” để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn.
Nghe xong, Thủ tướng đã đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này.
Đồng thời, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Vải thiều Lục Ngạn vang danh cả nước
Từ cuộc sống đói nghèo, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đổi đời nhờ những vụ vải bội thu. Và chính giai đoạn 1990-2000, vải thiều Lục Ngạn vang danh cả nước, trở thành cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất đồi này.
Anh Nguyễn Văn Quyên ở xã Hồng Giang tâm sự, gia đình anh không phải là hộ dân đầu tiên trồng vải thiều ở Lục Ngạn. Song, nhờ vườn vải thiều hơn 1ha mà gia đình có được cuộc sống sung túc với nhà cao cửa rộng. Mấy năm nay còn để ra được chút tiền gửi ngân hàng.
Thực ra, từ thời bố mẹ anh đã trồng vải thiều, nhưng khi đó chỉ trồng vài cây trong vườn kiểu cho vui, để có quả ăn. Còn vùng này trước kia toàn đất trống đồi núi trọc, một phần diện tích trồng rừng, một phần trồng khoai, đậu tương, sắn, vùng trũng cấy lúa. Nhưng cấy lúa không ăn thua, toàn lúa giống bao thai 6 tháng mới cho thu hoạch, được mùa thì mỗi sào được 1 tạ, còn mất mùa thì nhìn bó lúa như chiếc chổi xể cùn. Nhiều khi đói ăn cắt lúa non, lúc đập sữa lúa bắn tung toé trắng xoá cả cối đá. Sắn cũng vậy, đất bạc màu củ bé tí teo, khoan lang toàn dễ, dây mà không có củ, người dân đói, ăn cả ngọn rau,...
Đến năm 1990, người dân khắp các vùng bắt đầu trồng vải ồ ạt do trước đó, các hộ tiên phong trồng vải bán được giá cao. Rồi nhà nhà trồng vải, người người trồng vải. Cứ chỗ nào có thể trồng được vải là được tận dụng trồng hết, bất chấp vùng cao hay đất trũng.
“Năm 1995, sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư trồng khoảng 1ha vải thiều”, anh Quyên kể. Chỉ trong mấy năm, vùng đồi núi trọc Lục Ngạn đã được phủ kín bởi màu xanh ngút ngàn của cây vải.
Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, giai đoạn 1990 - 2000, diện tích vải thiều được trồng tăng theo cấp số nhân, từ hơn 10ha ban đầu lên tới 20.000 ha.
Thấy được tiềm năng của cây vải thiều, Huyện ủy Lục Ngạn quyết định chuyển giao đất đồi, đất bãi cho bà con trồng vải thiều.
Đặc biệt, huyện còn khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa để tiện trồng và chăm sóc vải. Bởi, cây ăn quả khác với cây lúa, nếu cây ăn quả muốn trồng làm hàng hoá thì phải trồng với diện tích lớn thì sản phẩm cho ra mới đồng đều.
Thu hoạch vải xuất khẩu tại nhà anh Ngô Văn Hùng, thành viên của HTX nông nghiệp Thanh Hải (Lục Ngạn - Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam.
Và cây vải thiều chính thức được chọn làm cây xoá đói giảm nghèo cho vùng Lục Ngạn. Thời điểm đó, ở huyện Lục Ngạn có phong trào tặng giống vải. Cứ cán bộ công chức, những hộ trồng vải ở vùng dưới, mỗi người mua vài ba cây vải để tặng bà con vùng cao lấy giống trồng trên đồi núi.
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, có được cuộc sống ấm no, vải thiều Lục Ngạn còn vang danh khi xuất hiện khắp mọi miền cả nước, trở thành cây đặc sản của vùng đất cọc cằn sỏi đá này.
Sau thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Lục Ngạn giờ trở thành “thủ phủ” cây ăn trái của miền Bắc. Trong đó, vải thiều có trên 15.000ha. Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản.
Lựa chọn sản phẩm phù hợp với lợi thế
Là tỉnh có diện tích đất đồi núi lớn, có độ dốc trung bình, Bắc Giang đã dựa vào chính điều kiện tự nhiên để cho ra những sản phẩm thương hiệu, đơn cử như na dai Lục Nam. Khu vực địa lý trồng na dai Lục Nam hiện nay mang tính chất của khí hậu lục địa vùng núi Đông Bắc khá rõ rệt.
Những điểm trồng na dai Lục Nam thường là các sườn đồi có độ dốc dưới 15 độ thuộc địa hình vùng rẻo cao và vùng đồi núi thấp, rất thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do đặc điểm vùng trồng nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngon hơn so với các sản phẩm na được trồng trên những vùng núi đá vôi cao. Huyện có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp cho cây na phát triển. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đất có thành phần cơ giới trung bình, thịt pha sét và cát. Độ pH ở các vùng đất trồng na dai Lục Nam có sự khác biệt hoàn toàn đối với các vùng trồng na khác và rất phù hợp với đặc tính ưa đất chua của cây na.
Những năm gần đây, Lục Ngạn đã chuyển đổi, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cam, bưởi tập trung với gần 6.500ha, trong đó cam các loại hơn 4.000ha, bưởi gần 2.500ha, mỗi năm thu về trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Sản lượng cây có múi trên địa bàn huyện ước đạt hơn 53.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm trước. Toàn huyện có hơn 1.000ha sản xuất theo quy trình VietGAP, nhiều vườn được chứng nhận theo tiêu chuẩn này. Cam Lục Ngạn chủ yếu có 3 loại gồm: cam đường Canh, cam Vinh và cam V2. Cây cam được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi. Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Cam Lục Ngạn” năm 2015.
Năm 2021, diện tích cây ăn quả toàn huyện khoảng 28.000 ha, trong đó vải các loại 15.450 ha; các loại cây ăn quả khác như: nhãn, cam, bưởi, táo, ổi,... khoảng 12.550ha, sản lượng đạt trên 60 nghìn tấn.
Đến nay, Bắc Giang đã chỉ đạo chuyển đổi được 6.293ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, chuyển đổi trên 4.000ha vải thiều hiệu quả thấp sang cây có múi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả trọng điểm của miền Bắc với diện tích trên 50.100ha, trong đó, vải thiều có diện tích lớn nhất cả nước (28.126ha), doanh thu đạt trên 5.000 tỷ đồng, đã xuất khẩu sang Mỹ, Úc, các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Diện tích cây có múi (cam, bưởi) đạt 10.000ha, doanh thu giá trị sản xuất đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm; diện tích na 2.017ha, nhãn 3.222ha, táo 1.094 ha,…
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, Bắc Giang đạt được những thành quả trên là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc định hướng, tạo cơ chế phù hợp phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khó lường, chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững là khoa học công nghệ, bằng giống, quy trình chăm sóc, bằng quy trình sản xuất, từ đó tăng giá trị, tăng thu nhập.
Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.
Lục Ngạn, Lục Nam: trung tâm cây ăn quả
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả của Bắc Giang đạt khoảng 52.000 ha, tập trung phát triển các vùng sản xuất vải thiều, cây có múi (cam, bưởi), cây na chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với trung tâm là Lục Ngạn, Lục Nam. Trong đó sản phẩm vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 70% tổng sản lượng vải thiều của tỉnh.
Cụ thể, diện tích cây vải giữ ổn định khoảng 28.000 ha (trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 16.000 ha) tập trung tại Lục Ngạn (15.200 ha), Lục Nam (5.440 ha), Yên Thế (1.900 ha), Tân Yên (1.250 ha), với tổng sản lượng đạt 160.000 tấn.
Diện tích cây cam đạt khoảng 5.000 ha (riêng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 3.300 ha), tập trung tại các huyện Lục Ngạn (4.150 ha), Lục Nam (400 ha), Sơn Động (140 ha), với tổng sản lượng đạt 62.500 tấn.
Cây bưởi với diện tích khoảng 5.700 ha (riêng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 2.500 ha), tập trung tại huyện Lục Ngạn (2.388 ha), Yên Thế (555 ha), Hiệp Hòa (437 ha), Lục Nam (425 ha), sản lượng đạt 55.650 tấn.
Cây na với diện tích tích 2.000 ha tập trung chủ yếu tại huyện Lục Nam (1.700 ha) với sản lượng 18.400 tấn. Trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.000 ha.
Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả trở thành trung tâm vùng cây ăn quả miền Bắc, các địa phương cũng đang mở rộng và phát triển một số loại cây đặc sản của địa phương như: Nhãn (3.300 ha), táo (1.100 ha), ổi (800 ha), dứa (800 ha), vú sữa (100 ha),…
Bài 2: Tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả
Hữu Thắng
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.