Với hơn 5 triệu hecta đất nông nghiệp, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan, lại có khí hậu thuận lợi, khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế vườn.
Bài 1: Tiềm năng, lợi thế và điểm nghẽn
Tây Nguyên là vùng trọng điểm của hầu hết các loại cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu và cây ăn quả. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn. Tuy nhiên, phát huy hết lợi thế để phát triển kinh tế vườn bền vững, cần nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ.
Đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo
Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh....; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh; trong đó, Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo.
Kinh tế trang trại góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân ở huyện Cư M’gar.
Thêm vào đó, hệ thống giao thông đường bộ và đường không dần được hoàn thiện với 3 sân bay (1 sân bay quốc tế, 2 sân bay nội địa) tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng (Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh), với Đông Bắc Campuchia và các quốc gia trong khu vực...
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Nhờ vậy, sản xuất kinh doanh nông nghiệp vùng Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%/năm, năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.
Chú trọng phát triển kinh tế vườn
Nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên đang chú trọng phát triển kinh tế vườn. Đó là việc vừa phát huy được tiềm năng tự nhiên, vừa tận dụng được nguồn lao động tại chỗ. Những năm gần đây, nông dân Tây Nguyên đã có nhiều mô hình phát triển khoa học đem lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, điển hình là việc trồng xem cây ăn quả vào cây công nghiệp.
Vùng Tây Nguyên hiện có 163.500 ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 25,1% tổng diện tích cà phê. Các tỉnh có diện tích trồng xen lớn là Đắk Lắk (81.400 ha, bằng 38,1% tổng diện tích cà phê của tỉnh), Đắk Nông (51.200ha, bằng 38%), Lâm Đồng (23.000ha, bằng 13,1%), Kon Tum (5.900ha, bằng 20,5%), Gia Lai (1.600 ha, bằng 1,6%).
Việc trồng xen cây đã tạo ra sự đa dạng sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân, hạn chế rủi do về giá cả và biến động của thị trường. Nông dân Tây Nguyên đã đưa nhiều các giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế vào trồng như: Vải thiều, nhãn lồng, sầu riêng, bơ…, tạo ra những chuối liên kết sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Thu hoạch chôm chôm tại tỉnh Gia Lai.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, chị Phạm Thị Thu Hạnh ở xã Ea Sô (Ea Kar - Đắk Lắk) chia sẻ: “Mấy năm nay, gia đình đưa giống vải thiều vào trồng trong vườn nhà khoảng 1ha. Hiệu quả mang lại khá cao. 1ha vải thiều 1 năm cho thu hoạch khoảng 13 tấn quả. Với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, một năm cho thu gần 500 triệu đồng. Đây là loại cây mới được trồng ở xã Ea Sô nên có bao nhiêu thương lái mua tại vườn bấy nhiêu, không phải đem đi nơi khác bán. Hơn nữa, trồng vải thiều không vất vả như các cây trồng khác, chỉ cần tìm hiểu cách chăm sóc khoa học thì hiệu quả mang lại rất cao”.
Người dân Tây Nguyên đã có thay đổi nhận thức trong việc canh tác phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững. Thay đổi sản xuất phương thức truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện theo chuỗi giá trị nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao xuất hiện nhiều mô hình với cách làm sáng tạo. Nhiều địa phương đã quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành chuỗi giá trị nhằm giải quyết vấn đề đầu ra và đầu vào cho từng sản phẩm. Hiện, người dân đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học và có trách nhiệm.
Không những thế, việc phát triển mô hình kinh tế vườn còn có thể kết hợp nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm, vừa tận dụng được phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân. Từ phát triển kinh tế vườn, đời sống của nhiều hộ được nâng cao, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Hình thành nhiều mô hình hiệu quả
Trước đây, khu vườn 2 ha của gia đình chị Lê Thị Yến ở thôn Thanh Hợp (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao do cà phê già cỗi. Qua tìm hiểu, nhận thấy nhãn Hương Chi phù hợp với chất đất và khí hậu địa phương, chị Yến bàn với gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Năm 2016, chị Yến tìm đến một số mô hình trồng nhãn Hương Chi cho hiệu quả cao ở huyện M’Drắk để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn nhãn của gia đình chị phát triển khá tốt.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), tổng diện tích đất nông nghiệp của địa phương khoảng 43.000ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn với cây công nghiệp và cây ăn trái. Trong đó, kinh tế trang trại được UBND huyện Krông Pắc xác định đóng vai trò quan trọng. Trên địa bàn có 29 trang trại trồng trọt, chăn nuôi đang hoạt động, với giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất, kinh doanh bình quân 600 triệu đồng/trang trại. Các trang trại đều chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều trang trại “mạnh tay” đầu tư trang bị các phương tiện, máy móc cơ giới vào sản xuất như ô tô vận chuyển, máy kéo, máy bơm công suất lớn; hệ thống tưới tiết kiệm trong trồng trọt; hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, nước thải; tận dụng mái che làm điện năng lượng mặt trời… Sản phẩm ổn định về chất lượng, giá thành thấp, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, xây dựng được chuỗi cung ứng - tiêu thụ trong sản xuất. |
Tại những phần đất trống trong vườn nhãn, chị Yến trồng xen 400 cây vải, 300 cây quýt đường. Vườn nhà chị mùa nào thức ấy, hầu như tháng nào gia đình cũng có thu nhập từ các loại cây ăn trái.
Đến nay, gia đình chị Yến có hơn 5 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) nhãn Hương Chi cho thu hoạch. Mỗi năm thu được hơn 2 tấn quả nhãn (giá bán 22.000 - 25.000 đồng/kg), cùng với 2 tấn vải U hồng, 5 tạ quýt đường; trừ chi phí, thu lãi 50 triệu đồng. Chị Yến còn chiết cành bán với giá 25.000 đồng/cành.
Chị Yến chia sẻ, nhãn Hương Chi chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và công đầu tư ít so với nhãn cùi, nhãn tiêu da bò. Tuy nhiên, nhãn Hương Chi thường bị nhiều sâu bệnh hại như rệp hại hoa, bọ xít, sâu đục đầu quả, sâu đục thân cành, ngài chích hút... nên người trồng phải thường xuyên thăm vườn quan sát, phát hiện kịp thời để có biện pháp phòng trừ. Ngoài ra, không nên lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Mô hình trồng nhãn của chị Yến đang được nhiều người dân tại địa phương tìm hiểu, áp dụng.
Thời gian qua, giá hồ tiêu liên tục giảm, đẩy nhiều hộ nông dân rơi vào khó khăn, nhưng gia đình ông Đoàn Văn Châu ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song - Đắk Nông) vẫn “sống khỏe” nhờ vào nguồn thu nhập ổn định từ vườn hồ tiêu hữu cơ.
Năm 2012, gia đình ông Châu bắt tay vào trồng hồ tiêu. Xác định việc lạm dụng phân bón hóa học, bón phân không đúng cách sẽ khiến cây hồ tiêu dễ bị bệnh, sản phẩm giá không cao nên ngay từ đầu, ông chọn cách chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng là chính.
Ngoài phân bón, toàn bộ diện tích hồ tiêu được ông trồng bằng trụ sống để cây phát triển bền vững. Trong vườn, ông luôn để cỏ mọc tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Việc cắt cỏ, bỏ cây dại trong vườn đều được gia đình thực hiện thủ công.
Để cây đủ dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, gia đình ông sử dụng phân bón hữu cơ, tưới bằng nguồn nước sạch, không ô nhiễm. Nhờ vậy, từ năm 2018, vườn hồ tiêu của gia đình ông Châu đã đạt chứng nhận hữu cơ Organic.
Ông Châu chia sẻ: “Mặc dù canh tác theo quy trình hữu cơ, năng suất không cao bằng truyền thống, nhưng đổi lại cây tiêu trong vườn luôn xanh tốt, kháng bệnh tốt. Giá sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cũng cao hơn hồ tiêu thông thường khá nhiều”.
Nhờ đạt tiêu chuẩn hữu cơ, những năm qua, gia đình ông Đoàn Văn Châu được một doanh nghiệp ở địa phương ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bán cao hơn 25% so với thị trường.
Trong vườn 4ha tiêu, ông trồng xen thêm 300 cây mắc ca, mỗi năm ông Châu thu 10- 12 tấn tiêu, 2-3 tấn mắc ca. Trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Tìm đầu ra cho nông sản
Việc phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững cần có nhiều yếu tố, trong đó tìm đầu ra cho sản phẩm là khâu quan trọng nhất. Làm sao để giải quyết đầu ra cho nông sản, giúp kinh tế vườn phát triển bền vững là bài toán mà các địa phương cần phải có định hướng đúng đắn. Cần xây dựng lại bản đồ quy hoạch thổ nhưỡng, vùng trồng cho các loại cây trồng trên từng địa bàn cụ thể. Qua đó, sẽ xây dựng các vùng trồng phù hợp để phát triển từng loại cây nông nghiệp. Cần định hướng người dân tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng về chất lượng để đáp ứng tiêu chí của thị trường.
Các địa phương cần tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhóm giải pháp, như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng cây trồng tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả về số lượng và giá trị. Người dân cần tuân thủ quy hoạch của ngành chức năng, không nên chạy theo thị trường, chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, dẫn đến cung vượt cầu. Ngoài ra, cần phải thay đổi tư duy làm nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi các giống cây trồng. Quá trình trồng, người dân cần phải hướng đến các mô hình sản xuất hữu cơ để nâng chất lượng sản phẩm, liên kết lại theo mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế vườn phải tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm, nếu sản phẩm làm ra mà không có nơi tiêu thụ thì hiệu quả sẽ không cao, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Chính vì vậy, việc tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm phải gắn với tiêu thụ. Các địa phương tại Tây Nguyên cùng với các hộ nông dân đang từng bước tìm kiếm những thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định thông qua những chương trình hợp tác, ký kết với các đối tác trong nước để tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như tìm các đối tác nước ngoài để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và chính ngạch.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), cho biết: “Huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai các kế hoạch phát triển nông nghiệp bởi nông nghiệp là ngành mà huyện có thế mạnh để phát triển bền vững, thu hút các nhà đầu tư. Chính vì thế, kinh tế vườn tại huyện đang có nhiều tiềm năng phát triển ổn định.
Huyện đã vận động, tuyên truyền nhân dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Cư M’gar đã triển khai xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng, phân tích nền tảng khoa học hợp lý để tuyên truyền nhân dân trồng đúng cây, phát huy lợi thế tiềm năng của đất. Quy hoạch phát triển theo vùng miền là yếu tố quan trọng với 3 phân vùng phát triển mang tính đặc trưng vùng miền để tích hợp lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái. Thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hình thành chuỗi giá trị nhằm giải quyết vấn đề đầu ra và đầu vào cho từng sản phẩm”.
Tìm đầu ra sản phẩm để phát triển kinh tế vườn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành chức năng. Các tỉnh Tây Nguyên đang có nhiều cơ chế nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, thu mua các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Các hộ nông dân cũng đang tích cực tìm kiếm thị trường, tìm hướng đi nhằm gỡ những nút thắt trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dù có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế vườn nhưng thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên thì mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đầu tiên là việc đưa vào trồng các loại cây chưa có định hướng, vẫn còn trồng theo xu hướng tự phát, thấy cây nào có hiệu quả trước mắt thì trồng đại trà, gây nên tình trạng cung vượt ngưỡng, dẫn đến giá sản phẩm thấp hoặc bị ép giá. Dẫu năng suất có cao nhưng vẫn rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.
Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên dù có những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, nhưng sản xuất nông nghiệp còn phát triển tự phát, theo phong trào, hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế vườn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn.
Trong khi đó, công nghệ canh tác, thu hoạch dù đã được các hộ nông dân chú trọng đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn thủ công, lạc hậu. Các sản phẩm nông sản chủ lực từ kinh tế vườn chất lượng chưa đồng đều, do đó, còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật, vẫn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới. Một số mặt hàng phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường hoặc khu vực thị trường. Mỗi khi những thị trường này có biến động, ngay lập tức ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm.
Phần lớn nông dân ở khu vực Tây Nguyên vẫn thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất - chế biến. Từ đó dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều trở ngại. Đây là vấn đề nan giải. Trong phát triển kinh tế vườn, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là yếu tố then chốt, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Cần liên kết các nhà đầu tư có năng lực, có trách nhiệm để tiêu thụ sản phẩm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nông dân...
Kinh tế trang trại phát huy hiệu quả Không chỉ huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào nông nghiệp, các mô hình kinh tế trang trại tại khu vực Tây Nguyên thời gian qua đã phát huy được lợi thế của địa phương, tích cực đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Ví như, trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Giáo ở xã Cư Suê (Cư M’gar - Đắk Lắk) có quy mô khoảng 7ha. Gia đình anh Giáo trồng nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn trái và kết hợp chăn nuôi. Trong đó, có 3.500 trụ tiêu, 600 cây cà phê, 300 cây bơ, 200 cây sầu riêng, 40 cây vải và kết hợp chăn nuôi gần 1.000 con lợn, 30 con bò, 70 con dê, 3.000 con gà, 500m2 mặt nước nuôi cá… Trang trại của gia đình anh Giáo được đầu tư bài bản và có định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, sau 8 năm đi vào hoạt động, trang trại đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, với tổng lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận từ chăn nuôi đạt hơn 2 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trên toàn địa bàn huyện Cư M’gar hiện có 256 trang trại. Trong đó, có 209 trang trại cây lâu năm, 31 trang trại cây hàng năm, 12 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.000ha. Trong số đó, có 55 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chủ yếu là trang trại trồng cây lâu năm. Theo đó, bình quân số lao động của mỗi trang trại khoảng 6 người, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tại chỗ, góp phần xoá đói giảm nghèo cho một số người dân tại địa phương. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Cư M’gar, mô hình kinh tế trang trại là bước phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Hình thức tổ chức sản xuất này phù hợp để khai thác các loại đất, huy động nguồn vốn nhàn rỗi, phát huy thế mạnh của người nông dân, sử dụng nguồn lao động dư thừa trong nông thôn để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa cung cấp cho xã hội. |
Bài 2: Điểm sáng và giải pháp tổng thể
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.