Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 9:56

Phát triển kinh tế vườn ở Tây Nguyên: Lợi thế và giải pháp - Bài 2. Điểm sáng và giải pháp tổng thể

Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các mô hình kinh tế vườn ở Tây Nguyên được xem là điểm sáng, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Điển hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Những năm qua, Tây Nguyên đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả... Kết quả này có được một phần nhờ những nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều người đã tìm tòi, đưa các giống cây trồng mới có giá trị thay thế dần cây cao su, để trồng xen với cà phê hoặc trồng thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả; tìm tòi các giải pháp kỹ thuật mới, các quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình.

Vườn sầu riêng sản xuất theo quy trình VietGAP của nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hường.

Gia đình ông Ngô Xuân Tam ở xã Ea Yông (Krông Pắk - Đắk Lắk) là điển hình tiên phong triển khai mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê, mang lại thu nhập cao. Ông Tam cho biết: “Gia đình được Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An giao khoán gần 1 ha cà phê, trồng xen 100 cây sầu riêng Dona. Những năm qua, năng suất và giá sầu riêng ổn định, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, từ 400 triệu đồng (năm 2014) tăng lên 750 triệu đồng (năm 2016) và đến nay là gần 1 tỉ đồng”.

Theo ông Tam, năm 2016, gia đình ông đăng ký tham gia thực hiện thí điểm chương trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Đắk Lắk phối hợp với Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An hướng dẫn. Từ đó, ông nắm bắt được cách thức sản xuất nông nghiệp an toàn; đồng thời có ý thức hơn trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cho sản phẩm sầu riêng của gia đình.

Từ tháng 1/2017, do biến đổi khí hậu, thời tiết không ổn định, mưa kéo dài làm phát sinh bệnh trên cây sầu riêng, làm khô cành, cháy lá. Tuy nhiên, với việc tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, sử dụng các loại thuốc theo khuyến cáo của mô hình VietGAP, đồng thời ít sử dụng các chất kích thích tăng sản lượng, vườn cây của gia đình ông Tam có sức để kháng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, chỉ xuất hiện rất ít trên một vài cành sầu riêng. “Chăm sóc vườn cây theo quy trình VietGAP là hướng sản xuất bền vững cho người nông dân và gia đình tôi”, ông Tam khẳng định.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thái Hà ở tổ dân phố khối 8, thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar - Đắk Lắk) thành công với mô hình trồng cà phê xen cây ăn quả, hồ tiêu. Bà Hà cho biết: Từ năm 1999, gia đình gắn bó với vùng đất bazan màu mỡ của huyện Cư M’gar. Chúng tôi dành 2 ha đất để trồng các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả; đồng thời kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua bán sản phẩm cà phê.

Sau thời gian trực tiếp sản xuất nông nghiệp, với sự đam mê của bản thân, bà Hà luôn học hỏi và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào vườn cây của gia đình. “Với suy nghĩ làm cách nào để nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích, tôi lựa chọn trồng nhóm cây ăn quả có giá trị như bơ Booth 7, sầu riêng và cây hồ tiêu. Từ đó, gia đình đã tích lũy vốn và tiếp tục mở rộng, chuyển nhượng thêm diện tích trồng trọt. Đến nay, chúng tôi có 22ha đất sản xuất nông nghiệp. Trên diện tích này, gia đình trồng 5.000 cây cà phê, năng suất bình quân đạt trên 4 tấn/ha; 15.000 gốc hồ tiêu, hiện 40% diện tích  đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân 20 tấn/năm. Ngoài ra còn có hơn 1.000 cây sầu riêng, trong đó có 350 cây cho thu hoạch, sản lượng 50 tấn; 700 gốc bưởi da xanh đã cho thu hoạch. Hàng năm, gia đình có tổng doanh thu hơn 7 tỷ đồng từ kinh tế vườn và kỳ vọng những năm tới, khi các loại cây vào giai đoạn kinh doanh, doanh thu sẽ cao hơn”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, gia đình đã mạnh dạn lựa chọn những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với đất đai, khí hậu địa phương để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời kết hợp áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trong tình hình biến đổi khí hậu, để tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm thuê mướn lao động cho việc tưới nước, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên toàn bộ diện tích cây trồng, với tổng mức đầu tư bình quân hơn 50 triệu đồng/ha. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng cây trồng luôn được nâng cao, giảm được chi phí, giảm công lao động, tăng lợi nhuận.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù đạt được một số thành quả nhất định nhưng đến nay, kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung, lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn nói riêng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, chưa đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng. Những hạn chế này được chuyên gia chỉ ra: năng suất lao động còn thấp, chất lượng và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế của nhiều loại nông sản chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu của nhiều ngành hàng chủ lực, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản chưa nhiều và chưa phổ biến rộng. Kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; cơ cấu cây trồng chưa được đổi mới, còn chủ yếu dựa và một số cây trồng chủ lực hiện đang mất dần vai trò đầu tàu trong nền nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, vẫn còn những “điểm nghẽn” trong vấn đề nguồn đất sản xuất, vốn đầu tư, nguồn lao động có chất lượng; sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn rất khiêm tốn…

Tây Nguyên có 163.500 ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 25,1% tổng diện tích cà phê. Ảnh: TTXVN

Theo GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để nông nghiệp Tây Nguyên có thể phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh, nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Quan điểm của GS.TS Trần Đức Viên về tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới của Tây Nguyên là, quy hoạch phát triển theo chỉ dẫn của thị trường, gắn với lợi thế so sánh của từng vùng, liên vùng, theo từng loại sản phẩm cây, con, hạn chế tối đa quy hoạch theo địa giới hành chính. Kiên trì thực hiện quy hoạch này, làm cơ sở để chuyển diện tích trong các loại cây kém hiệu quả, khó tiêu thụ, giá bấp bênh sang các loại cây trồng khác có thị trường, có thu nhập cao hơn.

Trong điều kiện hạn hán ngày càng khốc liệt, các tỉnh Tây Nguyên cần chuyển các loại cây trồng có yêu cầu nước lớn hơn sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp hơn, có khả năng chịu hạn tốt hơn nhưng cho thu nhập cao hơn cây trồng cũ. Ví dụ, thay cà phê bằng cây ăn quả hay dứa, vừa cần ít nước hơn, vừa cho thu nhập cao hơn nhiều lần cà phê…

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao một cách căn cơ, từng bước chắc chắn, tiết kiệm, hiệu quả, làm đầu tàu cho nông nghiệp chuyển mình theo hướng công nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn: nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách và một phần cơ sở hạ tầng, còn lại cần phải xã hội hóa, trước hết là sự vào cuộc thực sự của doanh nghiệp.

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, hiện nay, Tây Nguyên vẫn là thủ phủ của cà phê, hồ tiêu, cao su và một số cây công nghiệp dài ngày khác, với một số thương hiệu của các loại nông sản này đã được khẳng định. Tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên sẽ chuyển sang một diện mạo mới với các loại cây ăn quả, các loại cây rau màu và các loại cây dược liệu có lợi thế thị trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Tây Nguyên, trồng xen với các cây trồng cũ (cà phê, tiêu, cao su...), hoặc trồng thuần trên diện tích của các cây công nghiệp này, theo mô hình nông - lâm kết hợp đã được thử nghiệm thành công. Những cây trồng xen và các vật nuôi xen sẽ mang lại nguồn thu cao hơn nhiều so với cây trồng chính, sử dụng nước ít hơn, chủ động thị trường hơn, do các doanh nghiệp đầu tư, dẫn dắt, tổ chức và bao tiêu sản phẩm.

Cần có kế hoạch phát triển nông nghiệp vùng

Để tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên thành công, theo GS.TS Trần Đức Viên, các tỉnh trong vùng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, thực hiện tốt quy hoạch sản xuất theo thị trường và theo ngành hàng nông sản và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý. Trước hết là tổ chức nông dân và tổ chức thị trường, để kiên trì thực hiện quy hoạch phát triển, hướng tới hộ nông dân có doanh thu đạt bình quân 180 - 190 triệu đồng/ha/năm, ngày càng nhiều mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Giữ diện tích trồng cà phê ở con số phù hợp, cân nhắc chuyển các dự án đã phê duyệt trồng cao su sang trồng cây gỗ lớn và cây ăn quả, vì trồng cây ăn quả và cây gỗ lớn mang lại hiệu quả hơn cao su cả về kinh tế và môi trường.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 10-20%, làm thận trọng, chắc chắn theo hướng xã hội hóa. Trong đó có ít nhất 30% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững, giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống dưới 20%, tăng độ che phủ của rừng lên 55%.

Thứ ba, triển khai triệt để chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc hình thành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nông nghiệp trong vùng nông thôn, HTX hay tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Chính các doanh nghiệp này, các HTX này, với sự hỗ trợ của chính sách tín dụng và thuế, giữ vai trò đầu tàu trong việc triển khai các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng thị trường có niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều này, các hộ nông dân đơn lẻ không thể làm được.

Thứ tư, xác định một số đối tượng vật nuôi, cây trồng mới có lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, cây đặc sản, bò sữa, bò thịt, nông, thủy sản để tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng gắn với tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo TS. Nguyễn Đức Lộc (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn), để khắc phục hạn chế và tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, một kế hoạch phát triển vùng đang trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra không gian thống nhất để thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh theo địa bàn và chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, việc phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực cần xây dựng các cụm ngành nông nghiệp bao gồm các ngành hỗ trợ cho sản xuất và chế biến, xây dựng mối các mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ công bằng về lợi ích và trách nhiệm; hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng (trước hết là cà phê, hồ tiêu) trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ sản xuất nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường và mang đặc trưng riêng của vùng, chú trọng khâu bảo quản, chế biến. Xây dựng và quảng bá thương hiệu Tây Nguyên cho các sản phẩm toàn vùng, xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu sản phẩm Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách liên vùng trong việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo chuỗi gắn với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao, mang lại cho nông dân Tây Nguyên lợi ích lớn và bền vững.

Đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác công - tư (PPP) hỗ trợ việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên. Trong đó xác định rõ vai trò của khu vực công là hỗ trợ, đảm bảo cho khu vực tư phát triển bền vững. Liên kết công - tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa các tỉnh trong vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng có tiềm năng, lợi thế so sánh, xây dựng cảnh quan bền vững, trong đó chú ý đến các vấn đề cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, môi trường.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Qua thực tế thị trường nhiều năm qua cho thấy giá xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, cao su... thường xuyên bấp bênh dẫn đến giá trị thu nhập của người sản xuất không ổn định. Mặt khác, việc phát triển ồ ạt, vượt cả quy hoạch, trồng ngoài vùng quy hoạch và tâm lý chạy theo năng suất dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên đất, nước... thiếu khoa học, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đe dọa sự phát triển bền vững. Ngoài ra, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng Tây Nguyên đều dưới dạng thô hoặc sơ chế, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn. Giá thành sản xuất cao dẫn đến tình trạng cạnh tranh kém, giá trị gia tăng chưa cao, còn bị ép giá trên thị trường...

“Xuất phát từ những thực tế nêu trên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp đã nhiều năm hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến và kinh doanh xuất khẩu rau quả, nông sản, chúng tôi nhận thấy, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường, đem lại thu nhập cao hơn. Hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước, thường hay xảy ra hạn hán sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp, chịu hạn cao như cây dứa hoặc các loại cây ăn quả khác mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây cà phê”, ông Giao nói.

Còn theo ông Vũ Xuân Thiện, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội Xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu để công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên. Để làm được điều này, cùng với việc vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tạo được chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp công nghệ cao gắn với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao của khu vực…

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong 4 lĩnh vực chủ chốt mà Tập đoàn TH đánh giá là cần thiết để phát triển vùng Tây Nguyên, tạo điều kiện để lôi kéo các lĩnh vực khác phát triển theo. “Chúng ta có thể phát triển rất nhiều thứ ở Tây Nguyên nhưng phải có được mô hình sản xuất lớn và tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, sản xuất theo chuẩn quốc tế, phải sử dụng công nghệ cao, hướng tới kinh tế xanh, mang hàm lượng chất xám nhiều”, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho biết.     

Đó cũng là một lĩnh vực mà Tập đoàn TH muốn phát triển tại Tây Nguyên: Dự án trồng cây đa tầng kết hợp với chế biến sâu và logistics để tạo ra những sản phẩm, lực lượng hàng hóa có thương hiệu cho Tây Nguyên. “Bước chân” vào Kon Tum  2 năm trước nhưng đến giờ TH đã trồng 500ha sầu riêng giống mới và đang lập đề án trình các cấp để phát triển kinh tế dưới tán rừng trên cơ sở đi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.

Bà Thái Hương chia sẻ: Chúng ta cứ nói Tây Nguyên có lợi thế về đất đai nhưng hàng chục năm rồi không tận dụng được. Khi chúng tôi làm đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn không dám đưa ra quyết định dù đó là khu vực người dân đã canh tác hàng chục năm rồi, nhưng lý do đó vẫn là đất rừng, không được động chạm đến. Đây là tình trạng chung tại các tỉnh Tây Nguyên, vì vậy, rất cần sự đánh giá khách quan bài bản để tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách phù hợp, lôi kéo những doanh nghiệp đủ tâm, tầm vào lĩnh vực này.

Về phía những người trực tiếp sản xuất, ông Nguyễn Văn Tam ở xã Ea Yông (Krông Pắk, Đắk Lắk) cho rằng: Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện để người dân ngày càng thuận lợi hơn trong canh tác, sản xuất. Nhưng sự phân hóa ngày càng khắc nghiệt của khí hậu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nông dân. Chính vì vậy, tôi mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa trong việc canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mở rộng hơn nữa mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết người sản xuất và nhà tiêu thụ để tìm đầu ra sản phẩm, ổn định giá cả cho người nông dân.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thái Hà ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), biến đổi khí hậu càng ngày càng cực đoan, phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, nông dân mong muốn Đảng và Nhà nước có chính sách thuận lợi hơn cho người nông dân để có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác thông tin dự tính, dự báo để liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo giá cả ổn định.

Bên cạnh đó, bà Hà cũng mong rằng các sở, ban ngành, địa phương hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất tốt hơn nữa trên cơ sở liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để bà con yên tâm sản xuất.

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top