Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 9 năm 2021 | 9:51

Tham gia “sân chơi” FTA: Kinh tế vườn cần thay đổi

Xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu trái cây, rau củ nói riêng đang là điểm sáng của chúng ta dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất - nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Để gỡ khó, bên cạnh sản xuất nông nghiệp bền vững (GAP), nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng ta cần tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Theo đó, đẩy nhanh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có kinh tế VAC (bao gồm cả vườn - ao và chuồng), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tạo ra nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao.

 

ssss.JPG
Nông sản xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA.
Trong ảnh: Chế biến cà phê ở Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng,
xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh.

 

Cơ hội và thách thức

Bà Đặng Thị Thanh Phương, Phó trưởng phòng Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận xét, thời gian qua, các mặt hàng rau củ, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vẫn đang tồn tại nghịch lý là ngành hàng này còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu. Lượng rau củ, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào hàng loạt nước còn lại chiếm tỷ lệ rất ít, mỗi nước mới chỉ có vài mặt hàng như: xoài, thanh long, nhãn, vải, sầu riêng... Ngay cả thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản, trái cây Việt Nam cũng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Những FTA thế hệ mới mang lại triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản nhưng thị trường Á - Âu cũng đang ngày càng trở nên khó tính vì nhiều quốc gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật. Để tham gia vào thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp, HTX, trang trại phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cùng quan điểm, TS. Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, yêu cầu khắt khe và chuyển biến mới của thị trường Á - Âu đòi hỏi doanh nghiệp, HTX, nông dân phải thay đổi từ cái gốc sản xuất. Ở đây cần áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm; vượt qua các rào cản phi thuế quan cũng như đáp ứng được yêu cầu của nhà  nhập khẩu và thị trường.

Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội mới, đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.  Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó.

Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng như: cà phê, hồ tiêu, mật ong tự nhiên, các sản phẩm rau, củ quả… được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực.

Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.

Do điều kiện khí hậu lạnh, những nước Bắc Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu rau quả.  Hiện nay, các nước đang phát triển chiếm dưới 10% tổng lượng rau nhập khẩu vào các nước Bắc Âu, một phần là những mặt hàng trái mùa, một phần khác rau quả nhiệt đới phục vụ cho các món ăn châu Á.  Trong khi đó, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nhưng lại có mùa đông lạnh ở miền Bắc và một số nơi miền Trung - Tây Nguyên có khi hậu cận nhiệt do độ cao. Đây là lợi thế rất quan trọng, đem lại hiệu quả cao nếu tận dụng tốt.

Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan) đánh giá, Liên minh châu Âu hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn nhưng cũng hết sức cạnh tranh. Nông sản Việt Nam phải chủ động tiếp cận thị trường còn giàu tiềm năng này, nhất là sau khi EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam được ký kết. Đây là những cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiệp định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Chinh phục thị trường khó tính

Cơ hội từ EVFTA đã và đang được nhiều doanh nghiệp, HTX tiếp cận để đẩy mạnh  xuất khẩu.

Mới đây, 3,5 tấn nhãn lồng Sông Mã cùng hạt sen, măng cụt đã được Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) xuất sang thị trường Đức. Được biết, đây là lần thứ 2 trong năm 2021, đơn vị này đưa trái cây đặc sản của Việt Nam sang châu Âu, trước đó là trái vải thiều Bắc Giang, thanh long, dứa...

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm cho biết, trái cây của Việt Nam rất ngon, đa dạng, luôn đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất khi xuất khẩu và chẳng thua kém bất kỳ loại trái cây nào mà Việt Nam đang nhập khẩu. Chính bởi vậy, việc doanh nghiệp đưa trái nhãn lồng Sông Mã sang thị trường Đức như một thông điệp khẳng định trái cây Việt Nam có đủ “tự tin” để có mặt ở những thị trường khó tính nhất thế giới. Trái nhãn của Việt Nam sau khi sang thị trường Đức được đưa vào siêu thị và được bán với giá 16 euro/kg, có nơi bán 18 euro/kg, khoảng 430.000 - 490.000 đồng/kg.

Trung tuần tháng 7/2021, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) đã thu mua gần 2 tấn nhãn quả tươi của HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng tại xã Tân Hưng (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) để xuất sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh.

Anh Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, cho biết: “Vụ nhãn năm nay, công ty có kế hoạch thu mua, xuất khẩu 60 tấn nhãn của tỉnh Hưng Yên sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh, trong đó 50% là nhãn tại TP. Hưng Yên. Đơn hàng đầu tiên đã xuất khẩu thành công, chất lượng nhãn quả tươi khá tốt, thơm ngon, được khách hàng ưng ý”.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Định Quán - Đồng Nai) chia sẻ, thị trường xuất nhập khẩu ca cao của thế giới đều tập trung vào sản phẩm chính là hạt ca cao, bột ca cao. Ngoài những dòng sản phẩm trên, doanh nghiệp đang hợp tác với nhóm các phó giáo sư, tiến sĩ của Trường đại học Quốc tế TP.HCM thực hiện những đề tài nghiên cứu như: quy trình sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao…

Ca cao nằm trong tốp cây trồng có lợi thế xuất khẩu sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. “Doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư quy trình sản xuất, chế biến khép kín vừa sạch, vừa xanh trong đó các phế phẩm từ trái ca cao được đưa thành nguyên liệu chế biến để tạo ra các dòng sản phẩm mới có giá trị cao, góp phần đưa các sản phẩm từ cây ca cao của Việt Nam vươn ra thế giới với tầm cao mới”, ông Khanh chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT),  doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như: Chanh leo và sản phẩm từ chanh leo, thanh long và sản phẩm chế biến từ thanh long, xoài và sản phẩm chế biến từ xoài, chanh và nước chanh, dừa và sản phẩm chế biến từ dừa, dứa và sản phẩm chế biến từ dứa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, chuối, ngô, sả, đậu bắp, khoai lang, khoai môn, ớt, nghệ sang thị trường tiềm năng này.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Các FTA có hiệu lực và mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản Thủ đô. Hà Nội tập trung vào 5 mặt hàng, gồm: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ với giống lúa Japonica, hoa cúc giống Nhật Bản, chuối nuôi cấy mô và trứng gia cầm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cả 5 mặt hàng chủ lực đang được thành phố xây dựng phục vụ xuất khẩu đều sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP.

Cụ thể, nhãn chín muộn phát triển tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai; gạo xuất khẩu phát triển tại Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai; chuối nuôi cấy mô tập trung tại các vùng bãi của một số huyện có thế mạnh; hoa cúc giống Nhật Bản nuôi cấy mô tại Mê Linh; trứng gia cầm tập trung tại Thanh Oai, Chương Mỹ.

“Để việc xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu đạt hiệu quả cao, thành phố đã và đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với phát triển thương hiệu. Cùng với đó, kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản chủ lực”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Hiện, sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn nông sản  xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản không cao.

Gạo, cà phê, hạt điều, chè là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng này chủ yếu ghi điểm ở số lượng xuất khẩu, còn thương hiệu thì hầu như vô danh; nông, lâm, thủy sản xuất khẩu cũng có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng không được người tiêu dùng các nước sở tại biết tới.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu. Thế nhưng, trong số này có đến 80% nông sản Việt “được” mang tên của doanh nghiệp nước ngoài.

Thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước  cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Nếu không có thương hiệu, nông sản của Việt Nam sẽ bị thua thiệt khi xuất khẩu.

 

02-copy.JPGThanh long Bình Thuận hiện được bảo hộ nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam và được xuất khẩu sang các nước EU.

 

Sản xuất an toàn, đảm bảo đủ nguồn cung

Tham gia các FTA, nền nông nghiệp nói chung, kinh tế VAC nói riêng sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có không ít những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển, an ninh lương thực cho người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Thách thức lớn nhất vẫn là trình độ sản xuất của đa số nông dân nước ta chưa cao, canh tác theo lối tiểu nông, nhỏ lẻ, vì thế sẽ khó tránh khỏi bị “tổn thương” khi phải “va chạm” với nền công nghiệp nông nghiệp hiện đại, tiên tiến của Thái Lan hay Trung Quốc. Chúng ta có nhiều loại đặc sản có giá trị, chất lượng không thua kém nước bạn nhưng xét về mẫu mã, hình thức và số lượng đủ lớn thì chúng ta phải “chạy maratông” may ra mới theo kịp! 

Đề xuất phương án giúp kinh tế VAC phát triển bền vững, hội nhập trong thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hoá, lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, chính cán bộ Hội phải nhạy bén để tiếp thu kiến thức kỹ thuật mới. Đồng thời, thay đổi cách thức tổ chức và sinh hoạt Hội, cách tuyên truyền không chỉ dừng lại ở chỗ giác ngộ tư tưởng mà phải “cầm tay chỉ việc” và đi từ những mô hình cụ thể.

Một trong những giải pháp rất quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hoá nghề làm VAC, hướng đến những sản phẩm hàng hoá đặc trưng chính là thành lập các chi hội VAC chuyên ngành, các câu lạc bộ để hội viên có điều kiện học tập lẫn nhau. Ở Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Phòng, Thanh Hóa.. những chi hội chuyên ngành như thế hoạt động rất hiệu quả, cách làm VAC cũng đi theo hướng chuyên sâu, thâm canh với chất lượng cao và số lượng lớn. Đây cũng là cách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhanh và có sức lan toả lớn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn theo hướng chuyên sâu, các cấp Hội đang kết hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi (nuôi con đặc sản như: lợn đen, lợn rừng, chim trĩ, gà Hồ…) đảm bảo nguồn giống chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm, tiến tới xuất khẩu. Trong giai đoạn mới, các cấp Hội cần năng động, tự chủ hơn nữa để xây dựng mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng quy trình an toàn, phát triển các loại nông sản là thế mạnh của từng vùng. Phát triển VAC phải luôn bền vững với môi trường.

Để đảm bảo tính bền vững, kinh tế VAC cũng phải chuyển từ sản xuất theo quy mô rộng, chạy theo diện tích và sản lượng sang phát triển theo chiều sâu, lấy giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm làm mục tiêu. Điều này sẽ thành hiện thực nếu tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng được áp dụng sâu rộng vào sản xuất.

Ngoài ra, Hội cần thể hiện vai trò chủ động, đề xuất với chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành chức năng vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tận dụng tiềm năng đất đai, lao động làm VAC, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Việc nâng cao trình độ kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là con đường duy nhất giúp mô hình kinh tế VAC vươn ra biển lớn.

Trong một thế giới ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nếu chúng ta có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao,  sẽ vững bước tiến vào. Trong quá trình trưởng thành và phát triển, Hội đã góp phần biến những khu vườn tạp thành vườn kinh tế, cho giá trị thu nhập cao hơn. Nhưng muốn khu vườn ấy chuyên nghiệp hoá hơn thì không thể thiếu yếu tố kỹ thuật, công nghệ.

Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù thị phần mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU thời gian qua vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với dung lượng thị trường nhập khẩu cũng như tiềm năng phát triển của ngành. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quá trình vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu container rỗng kéo dài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ: Thị trường EU rất tiềm năng, EVFTA tạo đà cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng ngành nông nghiệp chưa tạo được đủ nguồn cung lớn theo tiêu chuẩn xuất khẩu của EU. "Sản lượng rau quả của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn thấp nên không đủ hàng cho doanh nghiệp cung ứng cho thị trường EU" - báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nêu rõ.

TS.Võ Mai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam,  cho rằng: “Các FTA thế hệ mới đặt ra các yêu cầu về chất lượng hàng rất khắt khe, trong đó đòi hỏi hàng nông sản phải an toàn, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm”.

Theo TS. Võ Mai, gia nhập sân chơi quốc tế thì nông dân cần phải tìm hiểu nắm rõ các quy định và tuân theo các cam kết quốc tế. Thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam cũng đã tích phối hợp các bên liên quan thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích nông dân tại các địa phương phát triển sản xuất trái cây theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Các sản phẩm rau quả chế biến được đánh giá là có cơ hội lớn nhất từ EVFTA do EU có nhu cầu lớn, thuế quan EU hiện đang áp dụng tương đối cao và EVFTA sẽ giúp xóa bỏ các loại thuế này cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến rau quả của Việt Nam còn hạn chế, chủng loại sản phẩm và mẫu mã còn nghèo nàn. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các sản phẩm rau quả chế biến  có thể tiếp cận thị trường EU.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, với bề dày truyền thống hơn 35 năm gắn bó và đồng hành cùng nông dân trong vận động phát triển kinh tế VAC, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình kinh tế VAC trong thời kỳ mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta

Nhiều mô hình VAC đã tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và  nhà khoa học. Sản phẩm của các mô hình này luôn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao và có thị trường rộng mở. Chính các mô hình này đang góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở nước ta.

Thời gian tới, Hội Làm vườn Tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân và hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn, tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, nhân rộng và hoàn thiện, nâng tầm các mô hình VAC để góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top