Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2023 | 15:0

Làm gì để người tiêu dùng an tâm trong dịp Tết Trung thu?

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu sử dụng và tiêu thụ bánh nướng, bánh dẻo ngày một tăng cao. Làm gì để người tiêu dùng an tâm sử dụng và sức khỏe được bảo vệ, là câu hỏi cho các ngành và các cơ quan chức năng.

Thu giữ nhiều bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đây đang vào thời kỳ cao điểm của người tiêu dùng sử dụng các loại bánh Trung thu, chính vì vậy nhiều loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ và đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ.

Thu giữ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc tại quận 12 TP Hồ Chí Minh

Chiều 21/9, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an Quận 12 và Công an phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP Hồ Chí Minh đã thu giữ hơn 3.500 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Đội trưởng Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên thông tin về việc đơn vị vừa tiến hành tịch thu tang vật vi phạm hành chính là 21.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu, đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 16 triệu đồng với chủ hàng hóa.

Theo đó, ngày 7/9, Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải BKS 89C - 253.79.

Đội QLTT Hưng Yên kiểm tra và thu giữ hơn 21.000 bánh Trung thu

Kết quả khám phương tiện, ngoài các loại hàng hóa có hóa đơn chứng từ kèm theo do lái xe xuất trình, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 21.000 chiếc bánh Trung thu, (đóng trong 300 thùng carton trên nhãn hàng hóa ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam).

Ngày 20/9, lực lượng Công an quận Thanh Khê, công an thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra và thu giữ gần 1.500 bánh trung thu không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ.

Theo đó, lực lượng chức năng kiểm tra hộ gia đình tại tổ 15 phường An Khê, do bà D.T.H sinh năm 1998 làm chủ cơ sở, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, thuộc Công an quận Thanh Khê đã phát hiện hơn 1.500 chiếc bánh trung thu các loại. Toàn bộ sản phẩm này không có tem, nhãn, không thành phần, không có địa chỉ sản xuất, và ghi ngày sản xuất không đúng với thực tế.

Công an tỉnh Hà Nam cho biết Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hà Nam) vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh Hà Nam kiểm tra, phát hiện hơn 1.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 7/9 qua kiểm tra tại hộ kinh doanh do ông Nguyễn Mạnh Đ (ngụ thôn Văn Lâm 2, xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý, Hà Nam) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 1.010 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm: 850 chiếc bánh nướng loại 90 gram/chiếc; 40 chiếc bánh nướng loại 450 gram/chiếc và 120 chiếc bánh dẻo loại 200 gram/chiếc.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Đ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ liên quan đến toàn bộ số hàng trên.

Trên đây chỉ là một trong số những vụ cơ quan chức năng ở các tỉnh thành kiểm tra, thu giữ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng tiêu thụ trên thị trường, nhằm mục đích kiếm lời bất chính. Trước thực trạng trên để bảo vệ người tiêu dùng, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung thu.

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết Trung thu

Gần một tháng qua, các sở, ngành liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 200 cơ sở sản xuất bánh trung thu...; hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và địa điểm kinh doanh bánh trung thu, mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Đồng thời, có trên 20 khách sạn, chủ yếu là khách sạn từ 4 đến 5 sao sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và sản phẩm biếu tặng nhân dịp Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng Bảy đến rằm tháng Tám.

Cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu, từ ngày 28/8 đến 5/10, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở nêu trên.

Theo báo cáo nhanh kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, tính đến ngày 7/9, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của các sở, ngành có liên quan; đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra 342 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu và những loại thực phẩm được sử dụng nhiều vào dịp Tết Trung thu.

Qua kiểm tra có 263 cơ sở đạt yêu cầu; 57 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền hơn 322 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 13.300 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 19 và 20/9, Đoàn công tác liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Lào Cai gồm các đơn vị: Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Công an tỉnh đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh, buôn bán và chế biến thực phẩm tại huyện Bảo Thắng.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, cơ bản cơ sở đã đảm bảo điều kiện về an toàn nhà xưởng chế biến cách xa nguồn gây ô nhiễm, khu nguyên liệu, khu sơ chế, chế biến được thiết kế riêng… đoàn công tác cũng đã nhắc nhở cơ sở về yếu tố đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như định kỳ kiểm nghiệm nước dùng cho sản xuất tại cơ quan chức năng, lưu giữu đầy đủ hồ sơ giấy tờ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm…

Đoàn công tác liên ngành đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do ông Lã Xuân Biên, thôn Hợp Giao, xã Xuân Giao làm chủ với hành vi không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm và sử dụng dụng cụ riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến.

Tỉnh Đắk Lắk đã tập trung kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chỉ tiêu chất lượng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm được tập trung sử dụng hoặc phục vụ trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, mứt, bánh kẹo các loại, nước giải khát,...

Từ ngày 11-15/9/2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị đã làm việc tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh và huyện Hướng Hóa. Đoàn đã kiểm tra 5 cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh kem, kinh doanh hàng bao gói, dịch vụ ăn uống và đã lấy 2 mẫu bánh trung thu của Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn Kido và cơ sở sản xuất bánh trung thu Hưng Ký gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả các mẫu gửi kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu Coliform tổng số, Staphylococcus aureus, Bacillus Cereus, Aflatoxin B1, Chì (Pb).

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Trong công văn gửi  Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các đơn vị phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Trong đó, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Đồng thời kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghi các địa phương tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm…

Để người tiêu dùng an tâm trong việc sử dụng bánh trong dịp tết Trung thu này, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung thu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Có như vậy chúng ta mới có một mùa Trung thu an toàn.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top