Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn đặc biệt tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Mua bán online đang là xu hướng mới của giới trẻ
Từ khi dịch Covid-19 bùng nổ khiến xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc mua bán online, không chạm, dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn khiến những phương thức kinh doanh mới ra đời.
Trong đó, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hay một số sàn TMĐT đã bùng nổ trong thời gian qua.
Theo số liệu cung cấp từ Lazada, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022. Trong số đó, thế hệ người tiêu dùng Gen Z (sinh năm 1995 đến năm 2012) chiếm 43% lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày.
Mua sắm online trở nên phổ biến.
Ngoài ra, các số liệu nghiên cứu gần đây chỉ ra người Việt dành đến 6,38 giờ mỗi ngày để truy cập Internet và 58,2% trong đó dùng để mua hàng trực tuyến. Công ty Meta (đơn vị sở hữu Facebook, instagram) ghi nhận trong năm 2022, Việt Nam có thêm 4 triệu người tiêu dùng số có giao dịch mua hàng thông qua các kênh trực tuyến, đạt mức tăng trưởng 41% so với năm 2019.
Mua hàng online bây giờ dễ dàng, tiện lợi hơn mà còn được khuyến mại nhiều nên đây là lựa chọn của tôi. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng từ nhỏ nhất cũng dễ dàng tìm thấy trên Shopee hay TikTok và đương nhiên giá rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp tại cửa hàng", anh Cửu Long (Hà Nội) chia sẻ.
Nhận thấy sự bùng nổ của xu hướng mua sắm online thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử chiếm nhiều thị phần nhất như Shopee (69%) và TikTok Shop (16%) cũng thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mại lớn.
Đối với Shopee, sàn TMĐT này luôn khiến người tiêu dùng hào hứng, chờ đợi một ngày trong tháng như 1/1, 2/2... Vào những ngày này, người dùng sẽ được mua hàng với chính sách ưu đãi như giá 0đ hoặc miễn phí vận chuyển.
Trong khi đó, TikTok Shop thường có những phiên livestream trợ giá các nhà bán hàng bằng mức ưu đãi giảm 50%, hỗ trợ vận chuyển. Các nhãn hãng cũng tìm kiếm khách hàng bằng việc tung ra nhiều xuất mua hàng với giá 0đ.
Những chính sách ưu đãi đặc biệt của các sàn TMĐT nhằm lôi kéo khách hàng đã giúp người dân ngày càng chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang online. Cũng từ đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt, quét mã QR Code, chuyển khoản ngân hàng cũng trở nên thịnh hành hơn.
Hàng giả vẫn khó kiểm soát trên sàn TMĐT dịp trước và sau Tết Nguyên đán
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hoá được tiêu thụ luôn tăng đột biến so với ngày thường bởi nhu cầu của người dân tăng mạnh. Từ việc tăng nhu cầu mua sắm, việc khó phân biệt thật/giả khi mua sắm online cũng là bài toán đau đầu với người tiêu dùng.
"Mua online giá rẻ nên thường sẽ khó để phân biệt hàng thật, giả. Thậm chí, nhiều lúc tôi cũng biết có mặt hàng là giải, nhưng vì giá rẻ, không dùng lâu dài nên vẫn chấp nhận mua bởi ở cửa hàng cũng chưa chắc là hàng thật", chị Phùng Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Tâm lý giá rẻ, hiệu ứng đám đông mua hàng hay việc "tặc lưỡi" chấp nhận mua hàng dù biết đó là hàng giả đã khiến tình trạng này bùng nổ trên không gian mạng.
Theo số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), mỗi năm, cơ quan này nhận được hàng nghìn đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn. Các trang mạng vi phạm đã quảng cáo sai sự thật, và gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng…
Theo tìm hiểu, hiện nay, nhiều nhà bán hàng trên sàn TMĐT không có địa điểm kho, bãi, không có thông tin giao dịch, hoá đơn bán hàng... mà chỉ là nhập hàng về tự phân phối gây nhiều hệ luỵ trong kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả của cơ quan chức năng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, khi mua sắm online, người dùng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro.
"Nhiều trường hợp mua đồ trên mạng, đã thanh toán tiền, nhưng khi nhận hàng không như quảng cáo, sai mẫu, sai màu, không đạt chất lượng... là phổ biến. Ngay cả những sàn thương mại điện tử lớn được nhiều người sử dụng nhất hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng hàng giả bán tràn lan. Việc quản lý thương mại trên mạng là rất khó khăn, còn là bài toán nan giải với cơ quan quản lý nhà nước. Mua bán online bên cạnh tạo ra xu hướng tiêu dùng mới được nhiều người ưa chuộng, song vẫn tồn tại mặt trái mà cụ thể ở đây là hàng giả, kém chất lượng bán công khai. Đồng thời, tình trạng trốn thuế khi bán hàng trực tuyến thực sự đáng lo ngại hiện nay", ông Phú nói.
Để bảo vệ chính mình khi bỏ tiền ra mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần lựa chọn những đơn vị bán hàng uy tín.
Các sàn TMĐT hiện nay đều có những nhà bán hàng "Mall" (chính hãng) để người tiêu dùng có thể phân biệt và lựa chọn. Do đó, tránh "tiền mất, tật mang", người dùng có thể lựa chọn những gian hàng này để mua hàng dịp Tết Nguyên đán hay bất cứ khi nào có ý định mua sắm online.
Quy trách nhiệm chủ sàn, website TMĐT nếu phát hiện gian lận, trốn thuế
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội là vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Linh dẫn chứng, đầu tháng 11 vừa qua, tại Gia Lai, lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh T.N.Q, vốn thường xuyên livestream bán hàng online đi khắp cả nước. Tại thời điểm kiểm tra, tài khoản Facebook của chủ cơ sở này có 142.000 lượt theo dõi, đã chốt hàng ngàn đơn hàng và 100% hàng hóa đều là hàng giả, hàng lậu. Chủ cơ sở này công khai sử dụng tên thật, địa chỉ thật để lập kho kinh doanh hàng lậu, hàng nhái.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok. "Tôi đã thử với sản phẩm của Hãng Nike, chỉ vài thao tác đơn giản kiểm tra trên Shopee, Lazada là ra hết. Sau đó, hãng này phản ánh hầu hết đều là hàng giả, hàng nhái", ông Linh nói.
Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05) Bộ Công an, cho biết hiện nay xuất hiện rất nhiều đối tượng bán hàng giả của các thương hiệu lớn được nhập lậu về VN, sau đó rao bán trên không gian mạng. Lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi, shipper… để "truy" ra nguồn hàng, kho bãi tập kết, phương thức thủ đoạn giao nhận, phương thức thanh toán. Ngoài ra, giữa các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong thu thập thông tin về các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, website TMĐT... có các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại do các đối tượng quảng cáo, đăng bán.
"Vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên không gian mạng đều gắn chặt với hoạt động thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số; từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", thượng tá Hải nói.
Theo ông Nguyễn Phương Minh (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN), để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.
Ông Bùi Trung Hiếu đề xuất đối với các vụ việc vi phạm về TMĐT được quản lý thị trường, cơ quan công an kiểm tra, ra quyết định xử phạt nên chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tiếp tục xác minh xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn thuế.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định vấn đề lớn nhất của các sàn TMĐT hiện nay là tổ chức mua bán hàng hóa rất dễ dàng. Hầu hết các sàn không yêu cầu người bán hàng công khai thông tin, điều này là vi phạm các quy định pháp luật hiện nay. "Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi trong công tác quản lý sàn TMĐT. Trong lần sửa đổi nghị định về quản lý TMĐT tới đây, cần phải bổ sung các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với các đơn vị tổ chức giao dịch TMĐT", ông Linh nói.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.