Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 9 năm 2023 | 10:35

Liên kết chuỗi an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân

Liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng, chế biến, tiêu thụ nông sản, thịt gia súc, gia cầm…không những mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp mà còn mang lại sự an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hiệu quả từ việc liên kết chuỗi an toàn thực phẩm

Trước những vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả cả nước, nhất là những vụ ngộc độc tập thể từ bếp ăn của các doanh nghiệp, trường học, nguyên nhân từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ các khâu trong quá trình chế biến thức ăn, giết mổ…Do đó nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trang trại trồng rau, chuỗi siêu thị, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã “bắt tay” với nhau để xây dựng lên chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến thực phẩm, cung cấp ra thị trường, các bếp ăn tập thể những sản phẩm thực phẩm an toàn.

Liên kết xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn ngay từ khâu trồng trọt (ảnh Đỗ Tâm)

Hơn 5 năm trước, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic (huyện Thường Tín) đã “bắt tay” với các nông hộ chăn nuôi lợn để phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho người dân. 100 trang trại trên cả nước trong mối liên kết với Organic Green phải tuân thủ quy trình chăn nuôi khép kín, được kiểm soát.

“Đầu vào sản xuất gồm con giống, thức ăn, nước uống phải bảo đảm an toàn. Đầu ra là thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn cũng được xét nghiệm ngẫu nhiên để xác định hàm lượng các chất kháng sinh. Chúng tôi chịu trách nhiệm về chất lượng mỗi sản phẩm được gắn logo của DN…” - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ nói.

Nắm bắt được nhu cầu được sử dụng các sản phẩm rau sạch của người tiêu dùng, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã bắt tay cùng hàng trăm nông hộ phát triển vùng canh tác rau an toàn; đồng thời liên kết với DN phân phối, bán lẻ tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho mặt hàng thực phẩm này.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, ngay từ khi phát triển mô hình canh tác rau an toàn tại vùng đất bãi ven sông Hồng, chất lượng là vấn đề được HTX đặc biệt chú trọng. Theo đó, HTX phối hợp cùng Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho thành viên.

Liên kết chuỗi sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Điều này không những làm tăng giá trị cho các sản phẩm, mặt khác còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng khi được dùng sản phẩm nông sản sạch ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, mà còn giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Xây dựng liên kết chuỗi an toàn thực phẩm là xu thế mới để bảo vệ sức khỏe người dân

Bảo vệ sức khỏe của người dân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước, không những bảo được hiệu quả lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, mà còn ngăn chặn được những dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đối với người dân. Vì thế xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và đảm bảo bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn được xây dựng, mang lại hiệu quả rất lớn như mô hình VietGap trong sản xuất rau củ quả, mô hình HACCP áp dụng trong chế biến nông sản thủy sản, mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ động vật... Nhiều cơ sở trong quá trình kiểm tra, giám sát đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn đối với các mô hình chuối liên kết này, đó là giữa sản phẩm an toàn và không an toàn đang có sự lẫn lộn, chưa có dấu hiệu nhận biết. Nhiều cơ sở đã được cơ quan kiểm tra, giám sát đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn nhưng gặp khó khăn trong công đoạn tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các cơ sở đều đang tự mình bán sản phẩm ra thị trường chứ trong xã hội chưa thiết lập được kênh phân phối, tiêu thụ hỗ trợ riêng cho các sản phẩm nông lâm thủy sảnđảm bảo an toàn thực phẩm.

Vì thế, phải tập hợp được các chuỗi liên kết từ cung cấp nguyên liệu chế biến, sản phẩm an toàn, tổ chức tiêu thụ, kiểm tra, kiểm soát các đơn vị chế biến…Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.

Chuỗi liên kết này đòi hỏi người nông dân phải có tư duy và sự đầu tư nghiêm túc. Với những lợi ích và giá trị kinh tế mang lại, như: Tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, người sản xuất, người tiêu dùng, giá trị kinh tế cao..., mô hình sẽ là lựa chọn của nhiều nông dân và sẽ trở thành xu hướng của nền nông nghiệp trong thời gian tới.

Xây dựng, phát triển chuỗi an toàn thực phẩm với lộ trình phù hợp trên một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top