Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 12 năm 2022 | 11:35

Liên minh châu Âu cấm các sản phẩm nông nghiệp có liên quan đến phá rừng: Sẽ khó khăn với một số sản phẩm

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm các công ty bán vào thị trường chung châu Âu các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, đậu nành, gỗ, thịt bò, dầu cọ… có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu.

Đột phá trong nỗ lực bảo vệ môi trường

Theo Le Monde, Ủy ban châu Âu cho biết, EU đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được coi là “động lực chính của nạn phá rừng”, bao gồm cà phê, ca cao và đậu nành. Khi các quy tắc mới có hiệu lực, tất cả các công ty có liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt các sản phẩm đưa vào thị trường EU.

Danh sách các sản phẩm bị cấm bao gồm: dầu cọ, sản phẩm từ gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su – được xác định là “động lực phá rừng” nếu chúng đến từ vùng đất bị phá rừng sau tháng 12/2020. Le Monde dẫn lời ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu, cho biết, đây là những quy định lần đầu tiên được đưa ra trên thế giới.

Luật mới yêu cầu các công ty đưa ra tuyên bố chứng minh chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không góp phần vào việc phá rừng trước khi bán các sản phẩm nói trên vào EU.

Sản phẩm từ cà phê, ca cao, gỗ và cao su – được xác định là “động lực phá rừng”.

Nếu không tuân thủ các quy tắc yêu cầu chứng minh nguồn gốc các sản phẩm này, các công ty sẽ đối mặt với mức phạt tương đương 4% doanh thu tại một nước thành viên EU.

Các công ty sẽ cần chỉ ra thời gian và địa điểm các hàng hóa này được sản xuất và thông tin “có thể kiểm chứng” rằng sản phẩm không được trồng trên khu đất hình thành từ việc phá rừng sau năm 2020. Nếu không tuân thủ quy định này, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu kiếm được từ một nước thành viên EU.

“Tôi hy vọng quy định mới này sẽ tạo động lực cho việc bảo vệ rừng trên toàn cầu và truyền cảm hứng cho các nước khác góp mặt trong Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Đa dạng sinh học lần thứ 15 (COP 15)”, Trưởng đoàn đàm phán Nghị viện châu Âu Christophe Hansen nói.

Phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính chính dẫn đến biến đổi khí hậu và là chủ đề trọng tâm tại COP15 vừa diễn ra  tại Montreal (Canada), nơi các nước tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu để bảo vệ thiên nhiên.

Các nước EU và Nghị viện châu Âu giờ đây cần phải chính thức phê chuẩn luật mới. Một khi được phê chuẩn, luật mới sẽ có hiệu lực sau 20 ngày. Các công ty lớn sẽ có 18 tháng để chuẩn bị tuân thủ, còn công ty nhỏ hơn có 24 tháng.

Các nước thành viên EU sẽ được yêu cầu thực hiện kiểm tra tuân thủ các quy tắc của luật mới đối với 9% công ty xuất khẩu từ các nước có nguy cơ phá rừng cao, 3% công ty xuất khẩu từ các nước có rủi ro phá rừng trung bình và 1% công ty xuất khẩu ở những nước có rủi ro phá rừng thấp.

EU cho biết, sẽ làm việc với các nước bị ảnh hưởng bởi luật mới để xây dựng năng lực tuân thủ.

Các nước sản xuất nông nghiệp lớn bao gồm Brazil, Indonesia và Colombia nói rằng, động thái trên của EU sẽ gây ra gánh nặng và tốn kém cho họ. Việc chứng nhận nguồn cung không liên quan đến nạn phá rừng là rất khó thực hiện, đặc biệt là khi một số chuỗi cung ứng nông nghiệp có thể trải rộng trên nhiều nước.

Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường hoan nghênh luật mới của EU và coi đây là quy tắc đầu tiên có nội dung như vậy trên thế giới. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) gọi đây là thỏa thuận “đột phá”. Nhu cầu lớn về cao su của châu Âu có liên quan đến nạn phá rừng với diện tích rộng 520km2 ở Tây Phi kể từ đầu thiên niên kỷ này.

“Chắc chắn, luật này sẽ khiến một số máy cưa phải im lặng và ngăn chặn các công ty thu lợi từ việc phá rừng. Trong những năm tới, EU cần mở rộng trọng tâm để bảo vệ thiên nhiên nói chung, chứ không chỉ các khu rừng”, John Hyland, phát ngôn viên của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) nói.

Một số tổ chức nông nghiệp không vui với thông tin trên. Các nhà sản xuất dầu cọ cảnh báo động thái mới của EU có thể cô lập và cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường của hàng triệu nông dân nhỏ trên khắp Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi, những người không có nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn.

Việc EC đưa ra luật cấm nhập khẩu một số sản phẩm được coi là “động lực chính của nạn phá rừng”, với một số sản phẩm bị cấm, trong đó có cà phê, ca cao, gỗ và cao su là cảnh báo tới một số ngành hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của ta, như ngành hàng cà phê, gỗ và cao su.

Bởi vậy, việc ngăn chặn phá rừng để mở rộng canh tác cà phê, cao su phải làm thường xuyên với hình phạt mạnh hơn.

Xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn

Năm 2022, ngành gỗ nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, tình hình năm nay dường như không mấy khả quan.

Xuất khẩu gỗ khó khăn từ đầu quý IV/2022, nay lại thêm lệnh cấm của EU, ngành gỗ sẽ phải.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng, đầu năm sẽ không có nhiều tăng trưởng, kỳ vọng đến tháng 3, 4, sau mùa hội chợ đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng nhiều hơn.

“HAWA đang nỗ lực làm hội chợ HawaExpo vào cuối tháng 2/2023, hy vọng đây là hội chợ giúp doanh nghiệp bắt đầu lấy được đơn hàng; cũng kỳ vọng lạm phát của thế giới sẽ về mức trong kiểm soát. Hy vọng đến tháng 6, nếu kiểm soát được lạm phát thì nguồn lực phát triển sẽ dành cho nửa cuối năm 2023”, ông Phương nhận định.

Đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm, lệnh cấm của EU, lạm phát… càng khiến xuất khẩu gỗ năm 2023 gặp khó khăn hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác thị trường mới là một trong những giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện tại. Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô sản xuất, chăm sóc tốt những khách hàng hiện có, cũng như tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn cũng là giải pháp hiệu quả mà các doanh nghiệp ngành gỗ cần làm trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú ý đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch đầu vào, đầu ra. Hiện nay, khi doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu sản phẩm gỗ thì cũng phải đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ, tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào... Nếu doanh nghiệp có một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt hơn thì có thể có năng lực phòng vệ thương mại tốt hơn.

Tiếp theo nữa, giống như các ngành khác, ngoài việc phải tận dụng tốt cơ hội mà công nghệ số mang lại, Hiệp hội Gỗ cũng như các hiệp hội địa phương với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương cũng tổ chức rất nhiều cuộc hội chợ, triển lãm để có thể quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và thu hút khách hàng. Những năm tới, hoạt động quảng bá phải tăng cường quy mô ở tầm quốc gia chứ không phải là chỉ các doanh nghiệp, làm sao để thực sự biến Việt Nam thành trung tâm chế biến gỗ có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh tốt và bền vững.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top