Tỉnh Đắk Lắk có 22.458 ha sầu riêng, chiếm 26,4% diện tích sầu riêng của cả nước; là tỉnh có diện tích về loại quả này lớn thứ hai sau tỉnh Tiền Giang.
Những năm gần đây, giá trị và lợi nhuận từ loại trái cây này tăng cao, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cũng từ đó, hàng loạt các cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng mọc lên ở các vùng nguyên liệu. Đáng nói là nhiều cơ sở bất chấp các quy định của pháp luật để hình thành và làm "loạn" trật tự xây dựng cũng như kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Một kho, vựa thu mua sầu riêng lấn chiếm hành lang giao đường bộ trên quốc lộ 26, đoạn qua xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngang nhiên vi phạm
Huyện Krông Pắc là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk với hơn 7.000 ha trồng loại quả này; trong đó có hơn 3.000 ha cho thu hoạch, năm 2023 sản lượng ước đạt 56.000 tấn. Đây cũng là địa phương có nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về để xây dựng kho, vựa sầu riêng để thu mua, đóng gói, xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều đơn vị ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật để xây dựng cơ sở, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý và xử lý vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến Quốc lộ 26 (đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc) có hàng trăm cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng đang hoạt động cùng nhiều cơ sở đang xây dựng nhằm phục vụ niên vụ sầu riêng 2023. Theo tìm hiểu, trong số đó có nhiều cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật đã và đang bị cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm. Dù công tác kiểm tra, lập biên bản, xử lý được thực hiện thường xuyên nhưng nhiều cơ sở vẫn cố tình vi phạm.
Theo thống kê, tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc), tính đến ngày 1/8/2023 có 41 kho, vựa sầu riêng; trong đó, 21 kho được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng và 20 kho chưa cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, nhiều cơ sở cũng vi phạm các quy định khác của pháp luật. Đơn cử như: tại thôn Tân Đông (xã Ea Kênh) có 12 cơ sở thì có tới 5 cơ sở không có giấy phép xây dựng và 3 cơ sở xây dựng trên đất nông nghiệp. Tương tự tại xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc), trong tổng số 18 kho, vựa thu mua sầu riêng có 6 cơ sở xây dựng trên đất nông nghiệp, 9 cơ sở vi phạm hành lang giao thông và 1 cơ sở xây dựng sai giấy phép.
Ông Y Pung Eban, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) cho biết, các cơ sở kho, vựa sầu riêng trên địa bàn vi phạm chủ yếu liên quan đến vấn đề không có giấy phép xây dựng; xây dựng trên đất nông nghiệp; xây dựng lấn chiếm hành lang đường bộ… Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này.
Ông Y Pung Eban cho biết thêm, đối với những trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền xử lý, địa phương sẽ chuyển hồ sơ, thủ tục để cấp huyện ra quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình xử lý khi một số doanh nghiệp và gia đình đã được tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Xây dựng nhưng vẫn cố tình vi phạm; không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các gia đình vì lợi nhuận cá nhân mà cố tình vi phạm. Các doanh nghiệp ở địa phương khác về đầu tư thuê đất, mua đất xây dựng công trình cố tình né trách, không làm việc với đoàn kiểm tra và xử lý các vấn đề liên quan.
Tình trạng vi phạm tại huyện Krông Pắc không phải là trường hợp đơn lẻ mà đã trở thành thực trạng đáng báo động về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng và đất đai.
Ngoài ra, Quốc lộ 26 là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa, lượng người và phương tiện giao thông di chuyển đông đúc; trong khi đó, hầu hết các vựa, kho thu mua sầu riêng vi phạm hành lang an toàn giao thông đều nằm trên tuyến quốc lộ này. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao về mất an toàn và tai nạn giao thông, nhất là vào mùa thu hoạch sầu riêng.
Một kho, vựa sầu riêng đang được xây dựng tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc vi phạm liên quan đến xây dựng sai giấy phép đang trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Chưa được địa phương quan tâm đúng mức
Liên quan đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Krông Pắc, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã liên tục có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng tại địa phương. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được địa phương quan tâm đúng mức và dẫn đến tình trạng "loạn" trật tự xây dựng, nhất là công trình xây dựng liên quan đến kho, vựa thu mua sầu riêng.
Đơn cử, tại công văn số 2274/UBND- KTHT ngày 10/7/2023 của UBND huyện Krông Pắc nêu rõ: Hiện nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đang xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân xây dựng nhiều công trình nhà kho, nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh để thu mua, đóng gói xuất khẩu sầu riêng. Một số hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà kho hoặc cho các chủ đầu tư từ các địa phương khác đến thuê đất ở và đất nông nghiệp để xây dựng công trình nhà kho với mục đích kinh doanh, thu mua, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng nhưng không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Do đó, UBND huyện yêu cầu, các xã, thị trấn tổ chức chức kiểm tra, rà soát tất cả công trình đã và đang xây dựng nhà kho, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, kể cả các công trình được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo đúng quy định.
Công văn số 2735/UBND-KTHT, ngày 9/8/2023 của UBND huyện Krông Pắc tiếp tục chỉ rõ: Huyện đã liên tục ban hành nhiều công văn để các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về xây dựng và đất đai. Tuy nhiên, việc này chưa được UBND các xã, thị trấn quan tâm đúng mức, vẫn còn để tình trạng xây dựng công trình sai mục đích sử dụng đất, người thuê đất sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không có giấy phép, xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp. Quá trình xử lý vi phạm hành chính chưa dứt điểm ngay từ đầu dẫn đến việc cơ sở đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình nhưng vẫn cố tình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng.
Việc các cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng được hình thành là tín hiệu tích cực đối với ngành hàng sầu riêng, tạo thuận lợi để thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản ngay tại vùng sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, không vì thế mà để chủ đầu tư các kho, vựa sầu riêng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng và đất đai. Đặc biệt, những vi phạm không được xử lý dứt điểm sẽ tạo tiền lệ xấu cũng như gây nhiều hệ lụy trong quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về lâu dài.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.