Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 2 năm 2024 | 16:11

Long An thu giữ lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An vừa phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đức Hòa cùng với Công an thị trấn Đức Hòa kiểm tra phương tiện vận chuyển phát hiện 120 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

120 kg sản phẩm động vật  đã giết mổ không rõ nguồn gốc

Theo đó, Đội QLTT số 1 phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đức Hòa cùng với Công an thị trấn Đức Hòa tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 60C-237.01 do ông T.V.K ngụ tại Hải Hậu, Nam Định điều khiển.

Qua kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 120 kg sản phẩm động vật (gà) đã giết mổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra phối hợp các ngành chức năng địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm 120 kg sản phẩm động vật đã giết mổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên theo quy định pháp luật.

Long An phát hiện và tiêu hủy lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Long An

Liên quan tới sản phẩm động vật, trước đó trong quá trình thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Đội QLTT số 4 phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bến Lức tiến hành kiểm tra 01 kho hàng kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang kinh doanh khoảng 2.000kg sản phẩm động vật đông lạnh, chủ cơ sở xuất trình được hóa đơn chứng từ 1.400kg sản phẩm động vật, số lượng còn lại khoảng 600kg, cơ sở không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc.

Liên quan tới hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, trước đó để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Tăng cường phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không

Trước tình hình buôn lậu đang có diễn biến khó lường, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng qua đường hàng không quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

Các đơn vị phải xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, hệ thống quản lý nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phụ trách.

Chủ động phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các chuyến bay quốc tế, các địa bàn trọng điểm.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá thông qua việc nhập xuất tại cảng biển.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hoàn thiện quy trình kiểm soát an ninh nội bộ và kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không, cũng như xếp, dỡ, đưa hàng hóa lên, xuống tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay; mang đồ vật vào, ra các khu vực hạn chế.

Ngoài ra, cần tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và giám sát hoạt động hàng không dân dụng cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu.

Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đối với những trường hợp vi phạm, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng không thực hiện và giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý.

Các cảng vụ cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá bằng đường hàng không.

Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển và không tiếp tay cho vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ đến các tổ chức, cá nhân liên quan.

Các hãng phải tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trong nội bộ không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Qua đó, vận động người lao động tố giác các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, các hãng cần chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên, các bộ phận thường xuyên làm nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay làm tốt công tác kiểm soát an ninh nội bộ, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị phục vụ hàng hóa phối hợp với đơn vị chức năng của hải quan tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về hành vi buôn lậu, phân biệt hàng thật, hàng giả để ngăn ngừa từ khâu chấp nhận vận chuyển hàng hóa.

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cảng biển, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa ra, vào cảng biển; Chú ý các mặt hàng pháo nổ, hàng điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu bia, động vật quý hiếm.

Kiên quyết từ chối cấp phép cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không có xuất xứ rõ ràng rời cảng biển. Các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, vận tải biển phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VietQ, baochinhphu, cand...)
Ý kiến bạn đọc
Top