Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:59

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng về xác định giá đất

Phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (ngày 14/11) diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến đóng góp. Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành.

Xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) khẳng định, việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp. 

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, việc định giá đất cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ. Dự án Luật cũng nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh khẳng định, dự án Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp định giá đất, trách nhiệm của cơ quan định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính, xác thực sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Việc bỏ khung giá đất chính là để đưa đất đai về giá trị thực. Xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công bằng và ổn định xã hội, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn. 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhận thấy một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo đó, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp,  yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Giám sát kỹ lưỡng về xác định giá đất

Đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) đồng tình về định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, việc xác định giá đất còn chưa rõ ràng nên cần có cơ chế xác định giá đất minh bạch; có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng của Hội đồng nhân dân địa phương. 

Ngoài ra,  đại biểu Trần Đình Văn cũng cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá.

Theo đại biểu Trần Đình Văn, về cơ chế xác định giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai.

Đại biểu Trần Đình Văn cho rằng, dự án Luật chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là nội dung ít có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường.

Tiếp tục xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật như: Thể chế hóa rõ ràng, cụ thể hơn 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 18/NQ-TW; rà soát phạm vi và đối tượng điều chỉnh; quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mối quan hệ vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch quốc gia; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất; trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nguyên tắc xác định phạm vi quỹ đất phụ cận, cơ chế cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất; tài chính về đất đai, giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, bảng giá đất. Cụ thể, hội đồng thẩm định giá đất, quỹ phát triển đất, ngân hàng đất nông nghiệp, xử lý chênh lệch về địa tô, cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Thanh tra, kiểm tra và giải quyết các tranh chấp về đất đai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý vào chế độ sử dụng đất, tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, đất sử dụng đa mục đích; đất nông, lâm trường; đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không; đất dành cho lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đất tôn giáo, tín ngưỡng. Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Việc chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hằng năm. Tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, quy định để dẫn chiếu, kết nối với các luật có liên quan. Rà soát các quy định áp dụng luật, điều khoản thi hành.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đại biểu chuyên trách để tiếp tục hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top