Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 11:18

Luật Đất đai (sửa đổi): Khắc phục những hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Nông dân giữ đất bỏ hoang, doanh nghiệp thiếu đất sản xuất

Đại biểu Quốc hội băn khoăn đặt câu hỏi, hiện nay tại một số nơi người nông dân vẫn giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy?

Thảo luận tại phiên họp về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) bày tỏ sự phấn khởi khi các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều phục hồi và có bước tăng trưởng mạnh, GDP cả năm dự kiến tăng khoảng 8%. Song vẫn còn những trăn trở về vấn đề đất đai tại khu vực nông thôn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu trước Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, hiện nay, cơn sốt đất đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm.

“Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy? Tại sao người nông dân lại không nhận ra hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún và tại sao người nông dân lại không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất. Có rất nhiều nguyên nhân cho câu trả lời của các câu hỏi trên, song phải chăng nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì bắt đầu từ thể chế của chúng ta đang còn những nút thắt, lực cản”, đại biểu đặt câu hỏi.

Nhìn nhận chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, chế độ canh tác, tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai.

Chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn thì rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện. Theo đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp hợp tác xã.

Phát huy nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 01/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục đích xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Thu hoạch lúa đông xuân tại mô hình  “Cánh đồng lớn” ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát; đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong quá trình thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau về: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top