Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 2 năm 2023 | 9:56

Lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm dứt điểm tình trạng hàng loạt công trình nhà tạm, nhà kiên cố, cơ sở kinh doanh xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Cưỡng chế “biệt phủ” của đại gia xây dựng trên đất lúa

Xác định việc xây dựng của ông Nguyễn Hồng Sơn là sai phạm và UBND TP Quảng Ngãi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ "biệt phủ" xây dựng không phép trên đất nông nghiệp đã có động thái tháo dỡ một phần nhỏ mái ngói xong vẫn còn để nguyên hiện trạng.

Mới đây, văn phòng UBND TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) cho biết, Chủ tịch UBND thành phố ông Trà Thanh Danh đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Nguyễn Hồng Sơn (trú phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) vì ngang nhiên xây dựng "biệt phủ" trên đất lúa và đất do nhà nước quản lý tại phường Chánh Lộ.

Theo đó, quyết định cưỡng chế, trong thời gian 90 ngày, buộc ông Nguyễn Hồng Sơn khôi phục tình trạng ban đầu của 2 thửa đất trước khi vi phạm, gồm: thửa đất số 158, tờ bản đồ địa chính số 24, phường Chánh Lộ (diện tích vi phạm 234,12 m2), loại đất trồng lúa và thửa đất số 159, tờ bản đồ địa chính số 24, phường Chánh Lộ (diện tích vi phạm 386,54 m2), loại đất trồng lúa.

Khu “biệt phủ” được ông Nguyễn Hồng Sơn xây dựng trên đất lúa

Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của 2 thửa đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã chiếm tại thửa đất số 63, tờ bản đồ địa chính số 24, phường Chánh Lộ (diện tích vi phạm 28,3 m2), loại đất thủy lợi và thửa đất số 96, tờ bản đồ địa chính số 24, phường Chánh Lộ (diện tích vi phạm 80,21 m2), loại đất giao thông.

Quyết định nêu rõ hậu quả do hành vi vi phạm hành chính mà ông Nguyễn Hồng Sơn gây ra cần được khắc phục là sử dụng đất sai mục đích.

Cụ thể, ông Sơn tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị để xây dựng công trình khi chưa được chính quyền cho phép, với tổng diện tích đất vi phạm là 620,66 m2, thuộc các thửa đất số 158 và 159.

Trên hai thửa đất này, ông Sơn xây dựng khối nhà gồm tầng bán hầm với móng, cột, dầm, vách tường bê-tông cốt thép, sàn bằng bê-tông cốt thép có diện tích 390,4 m2. Tầng 1 là cột, dầm, sàn bằng gỗ có diện tích: 316,2 m2. Tầng 2 là cột, dầm, sàn bằng gỗ, mái bằng gỗ trên lợp ngói, có diện tích 214,2 m2.

Ngoài ra, ông Sơn còn xây dựng nhà vệ sinh diện tích 32,2m2, sân bê-tông, bậc cấp và ram dốc kiên cố, tường rào dầm bê-tông cốt thép, tường xây gạch dài 96,43m, cao 5m và trồng hàng trăm cây ăn quả.

Những trụ gỗ lớn được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp.

Không chỉ xây dựng công trình trên đất lúa khi chưa được chính quyền cho phép, ông Sơn còn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (đất thủy lợi và đất giao thông do nhà nước quản lý) để trồng cây cảnh, xây dựng công trình khi chưa được cho phép, với tổng diện tích đất vi phạm là 108,51 m2, thuộc các thửa đất số 63 và 96, tờ bản đồ địa chính số 24, phường Chánh Lộ.

Trước đó, ngày 9/11/2022, UBND TP Quảng Ngãi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hồng Sơn với số tiền 75 triệu đồng. Trong đó, phạt 45 triệu đồng đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị.

Sau khi UBND TP Quảng Ngãi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ông Nguyễn Hồng Sơn đã có động thái tháo dỡ, nhưng đến thời điểm này chỉ mới tháo dỡ phần mái ngói.

Buộc tháo dỡ Nhà hàng Sân bay trên đất nông nghiệp

Tương tự vụ việc nêu trên tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Cụ thể: Xuất hiện một nhà hàng được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 1.000 m2, tổ chức khai trương và hoạt động rầm rộ từ trước Tết 2023 bị cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình do xây dựng trên đất trồng lúa.

Cụ thể, nhà hàng nói trên là Nhà hàng Sân Bay, nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa. Nhà hàng nằm ngay vòng xoay giao giữa đường Võ Văn Kiệt và tuyến đường nối Cách Mạng Tháng Tám đang được thi công và trên trục đường từ sân bay quốc tế Cần Thơ về trung tâm thành phố, gồm khu ngoài trời và khu phòng VIP với số lượng hàng chục phòng.

Nhà hàng Sân bay mở cửa hoạt động ngày 18/2/2023 dù trước đó UBND quận Bình Thủy đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình. 

Dù đi vào hoạt động đón khách đến ăn uống, tổ chức tiệc cưới… từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng trước đó nhà hàng này đã bị chính quyền địa phương phát hiện xây dựng trên đất nông nghiệp mục đích trồng lúa, với tổng diện tích hơn 1.000 m2.

Qua đó, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với với bà N.P.T (trú tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, chủ thửa đất) vì hành vi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, quyết định xử phạt cũng buộc bà T. phải khôi phục lại các điều kiện để sử dụng đất đúng mục đích theo hồ sơ địa chính. Bà T. sau đó đã nộp phạt nhưng không khôi phục lại hiện trạng đất theo quyết định của lãnh đạo UBND quận Bình Thủy.

Trước đó, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy đã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình, thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay quyết định này chưa được thực hiện.

Đến ngày 19/2/2023, Nhà hàng Sân bay đã tháo biển hiệu, treo băng rôn thông báo tạm ngưng hoạt động. 

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường Long Hòa (quận Bình Thủy), hiện cơ quan chức năng vẫn đang lập kế hoạch cưỡng chế, có phương án tháo dỡ, sau đó sẽ gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND quận phê duyệt rồi triển khai.

Theo ông Tâm, sau khi có quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình của Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, phía UBND phường vận động 2 lần đối với bà T. Phía chủ đất không có cam kết gì mà chỉ xin tồn tại hiện trạng công trình. Tuy nhiên, vấn đề này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường.

Cũng theo lãnh đạo UBND phường Long Hòa, theo quy định mới, không phải có quyết định cưỡng chế là tháo dỡ ngay mà phải có phương án tháo dỡ cụ thể và thuê đơn vị độc lập thực hiện.

Vi phạm tràn lan trong thời gian dài

Theo phản ánh của người dân phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn (Thanh Hoá) những năm gần đây đang xảy ra tình trạng nhiều cá nhân tự ý xây dựng nhà ở, cơ sở kinh doanh,… trên đất nông nghiệp. Việc này đã diễn ra từ lâu nhưng công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm của chính quyền sở tại còn hạn chế, có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý.

Theo phán ánh của anh N.H.L (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn), hiện trên địa bàn phường có rất nhiều trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Việc này đã diễn ra trong suốt thời gian dài, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý của cán bộ phường.

Anh L. cho biết, tại khu phố Công Vinh phía đông đường Nguyễn Du rất nhiều hộ xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp. Có hộ trước đây đã bị yêu cầu tháo dỡ 3 lần nhưng đến năm 2022 lại thành nhà và hoạt động quán ăn. Cũng trong năm 2022, trên đường Nguyễn Du, khu phố Công Vinh, phố Tiến Lợi nhiều hộ gia đình cũng tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp. Tương tự ở các khu phố Hồng Thắng, phố Cường Thịnh, phố Trung Chính, phố Thanh Thái cũng có rất nhiều hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo một số người dân trên tại phường Quảng Cư hiện nay trên địa bàn phường có hàng chục trường hợp vi phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhiều ngôi nhà khang trang mới xây dựng và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022.

“Nhiều ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp có diện tích hàng trăm mét vuông, nếu chính quyền địa phương không buông lỏng quản lý thì người dân không thể nào hoàn thiện được những ngôi nhà to như thế. Giờ mà bắt phá thì nhiều lắm…”, một người dân cho hay.

Một ngôi nhà khang trang tại khu phố Tiến Lợi được người dân phản ánh xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp vào đầu năm 2022

Thông tin báo chí về vụ việc này, ông Cao Thiện Long, Chủ tịch UBND phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn cho rằng, việc người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không phải bây giờ mới có mà đã có từ trước đây.

“Về xây mới thì trong năm 2022 chỉ có một trường hợp xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thuỷ sản. Hàng năm thành phố Sầm Sơn có yêu cầu báo cáo và phường cũng có báo cáo hàng năm về các trường hợp vi phạm…”

Qua đó, Chủ tịch UBND phường cho hay, cần thời gian tổng hợp và sẽ cung cấp cho phóng viên sau. Tuy nhiên sau nhiều lần phóng viên liên hệ, ông Long luôn tìm lý do để trì hoãn và cho biết vẫn chưa tổng hợp được.

Theo anh L., trước khi hình thành nhà hàng này đã từng bị yêu cầu tháo dỡ 3 lần

Về phía ông Lê Huy Hưng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Sầm Sơn cho biết: “Ngoài Quảng Cư thì một số phường khác vẫn có. Tôi cũng mới tiếp nhận vị trí này một năm… Trước đây công tác quản lý, cấp phép gần như chưa được chặt chẽ nên phát sinh ở những năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây gần như rất ít, nhưng công tác quản lý chặt mà vẫn để phát sinh vi phạm là không bình thường. Theo báo cáo của các phường hàng tháng thì có phường xảy ra vi phạm, có phường không nhưng ngăn chặn xử lý từ đầu nên không có vấn đề gì”.

Cũng theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Sầm Sơn, năm nay thành phố sẽ tập trung xử lý quyết liệt các vi phạm trên đất nông nghiệp. “Thành phố đầu năm họp triển khai nhiệm vụ, xem năm 2023 là năm triển khai điểm về công tác trật tự đô thị và trật tự xây dựng, cho nên không có vùng cấm… Năm nay là năm triển khai điểm nên bắt đầu từ tháng 2 sẽ tổ chức thanh tra công tác trật tự xây dựng trên địa bàn từng phường” – ông Hưng khẳng định.

Mặc dù để xảy ra hàng loạt sai phạm về xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng lãnh đạo phường Quảng Cư lại báo cáo thiếu trung thực lên cấp trên

Ông Hưng cũng cho biết: “Theo báo của phường Quảng Cư thì trong năm 2022 trên địa bàn phường chỉ có 1 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhưng thực tế thì không đúng như thế. Qua phản ánh của người dân, tuần vừa rồi chúng tôi có đi rà soát lại thì số liệu như phường báo cáo năm 2022 là không đúng. Năm 2021, 2020 báo cáo cũng không đúng. Phòng có tham mưu cho lãnh đạo thành phố đến thứ 4 họp giao ban và có chủ trương thành lập đoàn thanh tra.”

“Thực tế lâu nay phường báo cáo không trung thực, không làm nên dẫn đến hậu quả như vậy. Quan điểm là phải làm triệt để…”, ông Hưng nhấn mạnh.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top