Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 4 năm 2023 | 10:38

Mạnh tay ngăn chặn tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích

Các địa phương cần có biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chuyển đổi sử dụng đất trái mục đích, phân lô, bán nền đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công...

Trạm trộn bê tông nằm “hiên ngang” trên đất nông nghiệp

Trước thông tin phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn huyện Yên Định (Thanh Hoá) về việc, trên địa bàn đang xuất hiện nhiều trạm trộn bê tông không phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Theo phản ánh, người dân cho biết, mặc dù chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, nhưng Công ty Phương Thành đã ngang nhiên xây dựng một trạm trộn bê tông tươi trên đất sản xuất nông nghiệp tại thôn Phú Khang, xã Định Công (Yên Định) nhằm thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán và vận chuyển.

Từ thông tin nêu trên, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc tìm hiểu và thông tin. Qua đó, tại vị trí gần chân đê sông Mã, địa phận xã Định Công, đang tồn tại 1 trạm trộn bê tông có quy mô xây dựng công xuất lớn; phía bên trong khu vực sản xuất, cát, sỏi rơi vãi, nước thải trong quá trình hoạt động không được thu gom vào bể chứa mà được chảy trực tiếp ra môi trường. Cũng tại vị trí này, một trụ bơm và bồn chứa xăng dầu, được công ty lắp đặt một cách sơ sài không có biển cảnh báo, nguy cơ sảy ra cháy nổ.

Trạm trộn bê tông không phép "mọc" trên đất nông nghiệp xã Định Công

Trước sự việc nêu trên, thông tin báo chí, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Định Công thừa nhận, trạm trộn bê tông của Công ty Phương Thành chưa được cấp phép hoạt động. “Khi triển khai xây dựng dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Công ty Phương Thành liên hệ với xã Định Công xin thuê đất công ích để xây dựng trạm trộn bê tông và địa phương đã quy hoạch và bố trí địa điểm. Tuy nhiên, do khó khăn về đường vận chuyển vật liệu nên công ty đã tự ý thay đổi địa điểm và xây dựng trên đất nông nghiệp của dân thôn Phú Khang.”

Ông Lực cho biết thêm, Công ty Phương Thành tự ý thỏa thuận thuê đất nông nghiệp của người dân để xây dựng và hoạt động trạm trộn bê tông. Việc này, huyện Yên Định đề nghị xã “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp.

Về vấn đề công ty lắp đặt trụ bơm, bồn chứa xăng dầu trong khuôn viên trạm trộn bê tông, thì ông Lực tỏ ra bất ngờ… giao Công an và cán bộ địa chính xã tiến hành kiểm tra, xử lý.

Trước đó, Công an cùng cán bộ địa chính xã đã trực tiếp xuống hiện trường, làm việc với ông Vũ Văn Điệp (đại diện Công ty Phương Thành) để kiểm tra, lập biên bản sự việc. Biên bản xác định tại vị trí chân đê sông Mã  Công ty Phương Thành lắp đặt trụ bơm chứa dầu. Thời điểm kiểm tra công ty đã tháo trụ bơm, hiện tại còn bồn chứa còn khoảng (1000 lít dầu). Đoàn kiểm tra đề nghị công ty cung cấp nguồn gốc cung cấp dầu về Công an xã, Công an xã báo cáo Công an huyện theo quy định.

Tương tự tại thôn Yên Hoành, xã Định Tân, huyện Yên Định một trạm trộn bê tông nhựa, không phép được xây dựng trong khuôn viên nhà máy gạch của Công ty Hùng Cường.

Trạm trộn bê tông nhựa không phép nằm trong khuôn viên nhà máy gạch xã Định Tân

Ông Trịnh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Tân cho biết, Công ty gạch ngói Hùng Cường được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất để xây dựng nhà máy gạch.

Công ty xây dựng trạm trộn bê tông nhựa trong khuôn viên nhà máy gạch chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Hiện tại xã chưa nhận được bất cứ thủ tục nào liên quan đến trạm trộn bê tông nhựa này.

Theo ông Toàn trạm trộn này hoạt động từ khoảng tháng 10/2022 cho đến nay, có mùi khét, gây ô nhiễm môi trường từ việc trộn bê tông nhựa.

Có mặt tại tại hiện trường thời điểm công ty đang vận hành trạm trộn bê tông nhựa, theo quan sát thấy ống khói của trạm trộn bốc lên một cột khói trắng bốc lên, lan ra khu vực xung quanh có mùi khét của nhựa đường. Một chiếc xe có trọng tải lớn chở đầy bê tông nhựa, từ nhà máy gạch chạy ra đường nhưng không được phủ bạt

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định thông tin báo chí “sẽ chỉ đạo phòng Tài nguyên môi trường, phòng Kinh tế hạ tầng kiểm tra và thông tin sau.”

Trước những nội dung người dân phản ánh nêu trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng huyện Yên Định cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Dân phản ứng việc thu hồi đất nông nghiệp để phân lô, bán nền

Mới đây, hàng chục hộ dân tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã căng lều bạt tại khu vực cánh đồng Tám Làng để phản đối đơn vị thi công phá lúa, san ủi mặt bằng, thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung.

Tại khu vực ruộng Tám Làng, có rất nhiều ruộng lúa đang thời kỳ trổ đòng đã bị máy múc vùi sâu dưới bùn, không còn khả năng phát triển. Một số ruộng lúa khác đã được đơn vị thi công đổ đá, san ủi, lu lèn cốt nền.

Cạnh các chân ruộng, hàng loạt máy xúc, máy lu được tập kết tại 1 điểm, đang dừng thi công mặt bằng. Tại mương dẫn nước đầu đường cái, người dân lập lán trại, tập trung đông người để phản đối đơn vị thi công thực hiện dự án. Hầu hết họ đều là những người đã có tuổi và có đất nông nghiệp nằm trong diện thu hồi.

Nguyên nhân của sự việc trên xuất phát từ việc, người dân chưa đồng tình với mức bồi thường đất mà chính quyền đưa ra. Cụ thể, ngày 30/3 huyện Hà Trung và xã Yến Sơn đã đưa lực lượng, máy móc đến khu vực thực hiện dự án, tiến hành san lấp. Tại đây, đơn vị thi công đã cho máy móc san gạt đất tại một số thửa ruộng của các hộ dân gây hư hại lúa. Thấy vậy, nhiều người dân đã ra phản đối việc làm trên. Tại thời điểm trên, đã xảy ra va chạm giữa lực lượng chức năng với người dân trong diện bồi thường. Đến ngày 1/4, việc thi công dự án tạm dừng.

Người dân dựng lều bạt giữa trưa nắng phản đối việc đơn vị thi công san ủi mặt bằng. Ảnh: Quốc Toản.

Liên quan tới sự việc, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hà Trung rà soát lại trình tự thủ tục thực hiện Dự án; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đến các hộ dân về việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các hộ chưa đồng thuận (nêu rõ căn cứ pháp luật); xem xét đơn giá bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ có hành vi không đúng với người dân trong quá trình tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng;

Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung chỉ đạo nghiên cứu phương án sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi (trong đó xem xét nhu cầu về đất sản xuất của các hộ dân có đất bị thu hồi), báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2022. Tuy vậy, sau gần 1 năm, vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn chưa được hoàn thành.

Được biết, để thực hiện dự án Khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thu hồi 30ha đất với hơn 460 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại có 103 hộ chưa nhận tiền đền bù do chưa đồng ý với mức giá theo khung giá nhà nước.

Thông tin báo chí, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn (huyện Hà Trung) cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi, cưỡng chế nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận do thắc mắc về giá đất.

“Người dân cho rằng chính quyền thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp nên muốn được đền bù theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là những dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất, việc đền bù được áp dụng theo quy định chứ không thể làm khác được", ông Nhân cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung khẳng định, việc bồi thường đất cho người dân được thực hiện công khai, minh bạch đúng quy định: “Theo chính sách bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất… thì 1 sào (500m2) ruộng, người dân được nhận hơn 52 triệu đồng. Vấn đề này được thực hiện công khai, minh bạch, không giấu giếm gì cả”.

Trong khi đó, người dân xã Yến Sơn cho rằng, việc chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp bồi thường đất với giá rẻ để phân lô bán nền với giá cao là chưa thỏa ý nguyện của họ.

Bà Phạm Thị Lựu, thôn Đa Quả 2, xã Yến Sơn cho biết: “Nếu nhà nước lấy đất để thực hiện các công trình phúc lợi chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng chính quyền lấy đất để phân lô bán nền, cao gấp nhiều lần so với số tiền chi trả cho người dân khi thực hiện bồi thường là chưa thỏa đáng. Khi người dân chưa đồng ý với mức bồi thường thì họ đã thực hiện cưỡng chế, gây hư hại lúa. Việc làm này chưa phù hợp với ý nguyện của nhân dân”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Dương, làng Yên Thôn, xã Yến Sơn cho rằng, việc chính quyền thu hồi đất sản xuất nông nghiệp sẽ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định sinh kế.

“Cuộc sống của người dân quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào mấy sào lúa. Việc chính quyền thu hồi đất nhưng không lo được cuộc sống lâu dài cho người dân thì chúng tôi lấy gì để mưu sinh trong những ngày tới?”.

Do xung đột về mặt lợi ích trong vấn đề bồi thường, nhiều hộ dân sống tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung đã có đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và hành vi phá lúa của dân để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung.

Cũng theo phản ánh của người dân, cũng tại vị trí giáp ranh dự án đang thu hồi đất, trên cùng một loại đất lúa, trước đây, khi thu hồi đất làm nút giao Quốc lộ 217, người dân được đền bù cao hơn, trong khi dự án này lại được đền bù thấp hơn.

Người dân xã Yến Sơn xót xa trước việc nhiều diện tích lúa đến thời kỳ trổ đòng bị san ủi. Ảnh: Quốc Toản.

Giải đáp thắc mắc này, ông Dũng cho biết: “Đây là hai dự án khác nhau, nên áp dụng khung chính sách riêng trong việc đền bù. Đối với dự án nút giao Quốc lộ 217, áp dụng khung chính sách ưu đãi riêng của ngân hàng ADB nên mức đền bù cao hơn khi thực hiện thu hồi đất”.

Về việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, ông Dũng cho biết, với những hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (có người trong độ tuổi lao động) nếu có nhu cầu việc làm (trên địa bàn huyện Hà Trung) thì trực tiếp đăng ký với UBND xã. Còn đối với những lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ được tư vấn, hỗ trợ trong công tác vay vốn.

Nói về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trong thời gian tới ông Dũng cho biết, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân nhận tiền đền bù theo khung giá được quy định:

“Trước mắt huyện chỉ đạo tạm thời dừng thi công san lấp mặt bằng dự án, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo thi công trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tiếp tục vận động, tuyên truyền giải thích cho nhân dân nhằm tạo ra sự đồng thuận trong vấn đề thu hồi đất”, ông Dũng cho hay.

'Mạnh tay' ngăn chặn phân lô, bán nền đất nông nghiệp

Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa có công văn về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 03 của UBND TP đối với nội dung "Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố".

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa, nguồn: kinhtedothi.vn

UBND TP cũng yêu cầu, các địa phương siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công theo quy định.

Đặc biệt, chấm dứt tình trạng UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã, thị trấn quản lý và cho thuê đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trái quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp vi phạm về đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khôi phục lại hiện trang ban đầu. Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì UBND huyện, thị xã áp dụng biện pháp cưỡng chế, quyết định xử lý thu hồi theo quy định.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo đúng các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Xử lý, khắc phục đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích trang trại nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top