Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 4 năm 2024 | 15:30

Mạnh tay xử lý sai phạm về an toàn thực phẩm

Thời gian qua, liên tiếp có những vụ ngộ độc tập thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, nhất là đối với các em học sinh. Việc tuyên truyền, xử phạt hành chính thôi có lẽ là chưa đủ sức răn đe, vì thế, rất cần mạnh tay trong vấn đề xử lý sai phạm trong lĩnh vực này.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm tại Khánh Hòa

Chỉ trong vòng 1 tháng tại TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 400 người mắc. Đầu tiên là vụ ngộ độc hàng loạt từ quán cơm gà Trâm Anh với 368 người dân và du khách. Tiếp đến là vụ ngộ độc với hơn 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.

Hàng chục học sinh tại H.Khánh Sơn nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm (ảnh minh họa)

Mới nhất, là có 28 học sinh ở phường Vĩnh Trường nhập viện đã làm cho 1 em học sinh lớp 5 học sinh bất ngờ tử vong mà chưa rõ nguyên nhân (sau khi ăn sushi và cơm gà).

Theo đó sau khi chị B.T.L làm 114  cơm nắm và 28 suất cơm cuộn để vào thùng xốp bán cho học sinh, có  28 học sinh các trường học trên địa bàn TT.Tô Hạp, H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) ăn và đã xuất hiện các triệu chứng nôn, đau bụng... phải nhập viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Chiều 9/4, Trung tâm Y tế H.Khánh Sơn có báo cáo ban đầu vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số trường học trên địa bàn TT.Tô Hạp.

Cũng tại tỉnh Khánh Hòa cách đây hơn một năm trước, tại TP Nha Trang cũng xảy ra vụ 665 học sinh bị ngộ độc cơm gà, đau lòng hơn là một học sinh lớp 1, Trường iSchool Nha Trang bị tử vong, đến nay vẫn chưa xác định được thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ.

Ngoài TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, mới đây, ngày 3/4 tại một lễ hội ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã ghi nhận gần 50 người dân sau khi ăn bánh mì, bánh bao từ thiện đã có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vụ liên quan ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trên cả nước thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, riêng trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 368 người bị ngộ độc.

Cần phải có chế tài mạnh để xử lý các vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.000 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2022, cho thấy, tình trạng vi phạm ATTP ngày càng đáng báo động.

Cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý mạnh đối với các đơn vị vi phạm ATTP

Một điều dễ dàng nhận thấy là hễ cứ sau mỗi vụ ngộc độc thực phẩm xảy ra, là các ngành chức năng lại vào cuộc. Các đoàn kiểm tra liên ngành lại ngay lập tức được thành lập và tổ chức kiểm tra ngay đơn vị vi phạm, rồi kết luận và ra quyết định xử phạt. Nhưng tất cả “đâu lại vào đấy” các vụ ngộ độc vẫn xảy ra, nhẹ thì tiêu chảy, nặng thì dẫn đến tử vong. Người tiêu dùng luôn bất an nhưng không biết làm cách nào để tránh, còn việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối trong quá trình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vẫn bị xem nhẹ và coi thường.

Thực phẩm bẩn vẫn đang hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý thực phẩm bẩn chưa được như kỳ vọng, chưa đủ sức răn đe. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, ý thức một bộ phận người dân còn dễ dãi trong lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm…Vì thế rất cần phải có những chế tài thật mạnh để xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó vẫn cần phải có những biện pháp, hình thức tuyên truyền để người dân biết cách bảo quản thực phẩm, tự bảo vệ sức khỏe của gia đình mình trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên cao.

Cách bảo quản, sử dụng thực phẩm trong mùa nắng nóng

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người  phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do điều kiện thời tiết thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ, cũng như quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu, thực phẩm chưa đúng cách.

Trong đó việc bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều quan trọng nhất. Vì vậy để bảo đảm thực phẩm không bị tác động do thời tiết, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển cần phải biết cách bảo quan thực phẩm.

Ăn ngay khi thức ăn vừa được chế biến, nấu chín: nếu không thể ăn ngay thì các loại thức ăn này được che đậy kỹ và chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài.

Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: nhiệt độ bảo quản thức ăn đã chế biến, nấu chín để ăn ngay nếu giữ nóng phải từ 70 độ C để có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh có trong thực phẩm hay được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 5 độ C để ngăn sự phát triển vi khuẩn. Thực phẩm tươi sống dễ hỏng như cá, thịt, hải sản nên được giữ ở nhiệt độ khoảng 2-3 độ C.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn: trong tủ lạnh, thức ăn chín, thực phẩm đã chế biến nên được lưu giữ tầng trên, thời gian lưu giữ tối đa 2-3 ngày. Các sản phẩm tươi sống chưa chế biến như trứng, rau, củ thì nên để tầng dưới hay dưới cùng, thời gian lưu giữ 5-7 ngày. Thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau, củ,…) cần được sơ chế (cắt gốc, rửa sạch), bao gói, có thể dán nhãn từng loại để phân loại sử dụng chúng rồi mới đưa vào bảo quản ngăn mát (bảo quản tối đa 3-4 ngày) hay đông lạnh (bảo quản được đến 3-4 tháng). Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.

Thực hiện rã đông thực phẩm đông lạnh an toàn: việc rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh. Không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông, việc làm này sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm

Kiểm tra hạn sử dụng và tình trạng của thực phẩm: thường xuyên kiểm tra hạn dùng của thực phẩm khi bảo quản và kiểm tra kỹ tình trạng của thực phẩm trước khi sử dụng. Tránh sử dụng thực phẩm đã hết hạn hoặc có dấu hiệu hỏng.

Chế biến thực phẩm đúng cách: các thực phẩm thịt, cá, trứng và một số rau, củ cần phải được chế biến đúng cách và nấu chín trước khi sử dụng để tránh ngộ độc thực phẩm và bị nhiễm ký sinh trùng.

Sử dụng nước sạch, chọn lựa thực phẩm an toàn: sử dụng nước sạch để sơ chế hoặc chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải được lựa chọn tươi, ngon, đảm bảo về nguồn gốc.

Giữ vệ sinh cá nhân: Giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm.

Nhưng dù thế nào đi nữa người tiêu dùng vẫn cần các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử phạt nặng đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm.

 

Theo Báo Pháp Luật, Kinh tế đô thị, Báo Thanh niên

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top