Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 4 năm 2024 | 16:45

Mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải nhập lậu vào nước ta

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho biết, mỗi tuần, có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải được nhập lậu vào nước ta, tương đương khoảng 240 tấn.

Mỗi tuần nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt - Lào

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2024, ước kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 702 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 336 triệu USD; Sữa và sản phẩm sữa là 236 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các Hội, Hiệp hội ngành hàng chăn nuôi, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng”. Chia sẻ tại buổi họp giao ban khối chăn nuôi quý II, tổ chức sáng 2/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm, nhấn mạnh cần kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chính ngạch và tiểu ngạch.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho biết, mỗi tuần, có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải được nhập lậu về Việt Nam, tương đương khoảng 240 tấn.

Với nhập khẩu chính ngạch, theo ông Sơn, hướng xử lý là Bộ NN&PTNT đang giao Cục Thú y sửa đổi Thông tư 25/2016 – đây là cơ hội để rà soát lại và bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Đồng thời, rà soát bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn, từ đó, tạo hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Đối với nhập lậu, năm ngoái, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cùng các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nên đã kiểm soát khá tốt việc nhập lậu gia cầm từ biên giới phía Bắc, từ đó tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, nhập khẩu gà lậu, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam vẫn diễn ra. Theo con số cập nhật ước tính hiện nay, mỗi tuần "chúng ta nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt - Lào, trong đó, có nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan, tương đương 240 tấn/tuần, lên tới 720 tấn/tháng. Con số này là khá lớn", ông Sơn đánh giá. 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, một số doanh nghiệp được nhập khẩu chính thức do họ nuôi gà ở Thái Lan, sau đó nhập khẩu về Việt Nam, nhưng cũng có một số doanh nghiệp trà trộn gà đẻ thải loại và nhập khẩu vào Việt Nam qua biên giới. Do đó, cuộc chiến chống buôn lậu cần phải làm liên tục, tổ chức chiến dịch kiểm tra nhập khẩu chính ngạch ở miền Trung và phía Nam để có giải pháp kiểm soát.

Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, trong đó, với hàng chính ngạch cần gia tăng việc xây dựng hàng rào thương mại. 

“Tiêu chuẩn của Mỹ về thời hạn sử dụng thịt đông lạnh chỉ 4 – 5 tháng, còn chúng ta nhập khẩu về để bao nhiêu tháng trong kho?”, ông Nguyễn Xuân Dương đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng kiến nghị, cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. “Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh chăn nuôi tăng trưởng từ 3-5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”, vị này bày tỏ lo ngại.

Siết chặt biên giới Tây Nam chống nhập lậu gia súc, gia cầm

Từ khi nước bạn Campuchia xuất hiện ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, khu vực biên giới Dinh Bà siết chặt nghiêm cấm buôn bán và trao đổi gia súc, gia cầm.

Huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia dài gần 35km, với 1 Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ) và 2 Cửa khẩu phụ là Bình Phú và Thông Bình.Do là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, trước đây bị ảnh hưởng lũ mùa nước nổi nền đường ở huyện Tân Hồng được đắp rất cao so với mặt ruộng. Tuyến quốc lộ 30 dẫn lên cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thông thoáng, sừng sững như bức tường thành nằm trải mình giữa mênh mông ruộng lúa. Mùa này, xe tải, xe container qua lại biên giới tại cửa khẩu DInh Bà chủ yếu là chở lúa, trái cây từ Campuchia về Việt Nam.

Ngành chức năng tại cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) khẳng định từ đầu năm 2023 đến nay không có phát hiện trâu, bò, heo hay gia cầm nhập lậu qua biên giới vào địa bàn Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dù túc trực tại tuyến biên giới cả ngày lẫn đêm, nhất là ở những địa điểm được cho là điểm nóng, chúng tôi không thấy dấu hiệu của việc nhập lậu gia súc, gia cầm, nhất là nhập lậu heo qua biên giới.

Hôm chúng tôi có mặt, tình cờ gặp đoàn công tác của Văn phòng phía Nam Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cũng đang đi kiểm tra, nắm tình hình vận chuyển động vật (heo) trái phép qua biên giới.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tuyến biên giới ở huyện Tân Hồng giáp với Campuchia được ngăn cách bởi con sông Sở Hạ, có các chốt biên phòng kiểm tra, để nhập lậu số lượng lớn heo qua biên giới là rất khó khăn. Còn đường bộ qua cửa khẩu là độc đạo, muốn vận chuyển hàng trăm, hàng ngàn con heo qua biên giới phải đi bằng xe tải lớn, luôn có ngành chức năng kiểm soát nên muốn ùn ùn chở heo lậu chắc chắn là điều không thể.

Dọc theo tuyến biên giới giáp với Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có có 8 cơ sở thu gom gia súc tập trung được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đang hoạt động.

Trong đó, trên địa bàn huyện Tân Hồng có 7 cơ sở thu gom gia súc hoạt động chủ yếu là thu mua gia súc (trâu, bò, heo...) từ một số địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh về phân phối lại cho các thương lái giết mổ trong và ngoài tỉnh hoặc nuôi vỗ béo bán lại cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu.

Trong số 7 cơ sở thu gom gia súc trên địa bàn huyện Tân Hồng hiện nay chỉ có 3 cơ sở hoạt động thường xuyên là cơ sở Đặng Thị Thấp, Phan Văn Đức (trâu, bò) và cơ sở Trần Minh Hải (heo). Các cơ sở còn lại hoạt động không thường xuyên và số lượng gia súc thu gom, mua bán không nhiều. Trong đó, một số cơ sở là đầu mối thu gom, nhập gia súc từ các tỉnh và phân phối lại cho các thương lái giết mổ, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Theo Tổ Thú y huyện Tân Hồng (thuộc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hồng), từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Tân Hồng nhập hàng ngàn con heo thịt, chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang để cung cấp cho dân ăn hàng ngày. Cùng với đó, Tổ Thú y huyện Tân Hồng cũng đã thực hiện công tác kiểm dịch xuất khoảng 5-6 ngàn con heo đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang.

Nguồn gốc heo được các cơ sở thu gom mua về từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Long An... và của người chăn nuôi trong tỉnh, chưa phát hiện cơ sở nào nhập heo sai sai quy định hoặc heo nhập lậu từ biên giới Campuchia vào nội địa tỉnh.

Còn tại cửa khẩu Thông Bình (huyện Tân Hồng), lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu này cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong thời gian qua đơn vị có cử lực lượng đi tuần tra tại các khu vực đường mòn, lối mở nhưng chưa phát hiện trường hợp heo nhập lậu ở khu vực biên giới Thông Bình.

Ông Nguyễn Trường Tồn, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: từ khi nước bạn Campuchia xuất hiện ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào đầu năm 2023, tại khu vực biên giới Dinh Bà lực lượng chức năng bắt đầu siết chặt quản lý và nghiêm cấm buôn bán và trao đổi gia súc, gia cầm sống và lẫn giết mổ lậu qua biên giới nhằm không thể cho dịch bệnh lây lan vào địa bàn Đồng Tháp mà làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Tuy tuyến biên giới Dinh Bà giáp với nước bạn Campuchia dài 35km nằm cặp chảy dài theo con sông Sở Hạ, chính vì vậy việc buôn lậu gia cầm, gia súc qua biên giới theo đường tiểu ngạch rất khó khăn phải qua con sông.

Quảng ninh: Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới

Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm soát, xử lý, nhưng tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân.

Bình Liêu là huyện có hơn 43 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, có Cửa khẩu Hoành Mô, điểm thông quan Ðồng Văn và một số lối mở xuất hàng hóa, vì vậy đây cũng là địa bàn lý tưởng để các đối tượng lợi dụng buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và thực phẩm không rõ nguồn gốc qua biên giới, thẩm lậu sâu vào nội địa.

Khu vực này có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc biên giới, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho buôn lậu. Vì vậy, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của các ngành trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Mới đây, ngày 4/3, tại khu vực thôn Ðồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Ðội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh phối hợp Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới đã phát hiện và kiểm tra xe ô-tô tải biển kiểm soát 14C-372.40 do Ðinh Văn Lâm, sinh năm 1989, trú tại xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu điều khiển. Trên xe có 356 lồng nhựa mầu đen, mỗi lồng chứa 120 con vịt giống, lái xe Lâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số vịt giống.

Ðối tượng Lâm khai nhận vận chuyển thuê số vịt giống trên cho một thanh niên từ xã Hoành Mô đến đầu cầu cao tốc Tiên Yên với giá một triệu đồng. Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô đã tiêu hủy số vịt và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 23/2 tại khu vực Mốc 1351 (2)-600m, thuộc thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, lực lượng chức năng phát hiện ba nam giới đang bốc các khay nhựa từ một bè mảng xốp đỗ sát bờ sông biên giới lên hai ô-tô bán tải. Tổ công tác kiểm tra, phát hiện xe ô-tô biển kiểm soát 14C-376.38 do Hoàng Quyết Tiến, sinh năm 1994, trú tại khu 2, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái điều khiển, trên xe có 30 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống.

Xe ô-tô thứ hai biển kiểm soát 14C-173.14 do Phạm Văn Tuân, sinh năm 1983, trú tại khu 3, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái điều khiển có 34 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống.

Trên bè mảng xốp lắp máy ký hiệu GB680 do Phùn Văn Nam, sinh năm 1999, trú tại thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái điều khiển, có 36 khay nhựa, mỗi khay chứa 130 con vịt giống. Ba đối tượng đều không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ tổng số 13.000 con vịt giống. Các đối tượng khai nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông không quen biết từ Trung Quốc về khu vực Chợ 4, thành phố Móng Cái để lấy tiền công. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tiêu hủy toàn bộ 13.000 con vịt giống theo quy định.

Ðại tá Tô Văn Ðồng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết: Thành phố Móng Cái và Ban chỉ đạo 389 thành phố cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật tại các địa bàn, khu vực trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, không tham gia tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, động vật, sản phẩm động vật; không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh kiểm soát đường biên, mốc giới trên đất liền và trên biển; nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 thành phố Móng Cái, từ tháng 8/2023 đến ngày 15/3/2024, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 58 vụ, 50 đối tượng vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới với tổng trị giá hàng hóa thu giữ hơn 2,2 tỷ đồng; trong đó xử lý hình sự 2 vụ, 6 đối tượng, tang vật gồm 1.592 kg cá tầm, trị giá 238,8 triệu đồng và 1.720 kg trứng gà non trị giá 223,6 triệu đồng; xử lý hành chính 56 vụ trị giá 1.799,92 triệu đồng, tang vật vi phạm tịch thu chủ yếu là gia cầm, trứng gia cầm, nội tạng động vật đông lạnh, xúc xích, cá tầm…

Ông Ðỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái cho biết: Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; kiên quyết không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa theo lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới nói riêng cơ bản được kiểm soát tốt.

Trước tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới có diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương có cửa khẩu, trong đó tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở tiếp giáp với Trung Quốc phải chỉ đạo các lực lượng có liên quan lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Thanh Xuân (daibieunhandan, nongnghiep, nbusiness, baoquangninh...)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top