Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 1 năm 2023 | 20:13

Mừng thọ, một nét đẹp văn hóa ý nghĩa đầu Xuân

Cứ đến mỗi dịp Tết đến Xuân về, các địa phương trên khắp cả nước đều trang trọng tổ chức Lễ mừng thọ cho những người cao tuổi. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống mang nhiều ý nghĩa sâu sắc cần được gìn giữ và phát huy giá trị.

Theo quan niệm xưa, mỗi người sinh ra đều mong đạt được ngũ phúc trong đời là Phúc - Lộc - Thọ - Khang – Ninh, trong đó Thọ là điều quan trọng và khó nắm bắt nhất; ai đạt được chữ Thọ cũng chính là may mắn, cát tường đối với gia đình. Tâm thức người Việt cho rằng, gia đình nào có người cao tuổi được xem là hồng phúc trong nhà, con cháu được chúc thọ ông bà, cha mẹ thêm niềm vui hạnh phúc, xen lẫn tự hào.

Hòa trong không khí Lễ hội mừng thọ trên cả nước, Chi hội Người cao tuổi xóm Nam Trang, thôn 1 thuộc xã Nam Thái (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tổ chức Lễ mừng thọ 70 cho các cụ ở nhà văn của thôn.

Trong cách phụng dưỡng cha mẹ già ngày xưa đã có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thọ với nhiều thủ tục khác nhau; khả năng tổ chức mừng thọ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình chứ không có quy định bắt buộc. Cùng với đó, ngày xưa những người 40 tuổi đã được trong làng, trong dòng họ quý trọng và 50 tuổi đã làm lễ lên lão.

Ngày nay, thực hiện Luật Người cao tuổi, từ ngày 01/7/2010, xã, phường và thị trấn phối hợp Hội Người cao tuổi địa phương tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 trở lên vào một trong các ngày là Ngày Người cao tuổi Việt Nam, Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Ngày Sinh nhật và đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, đầu Xuân. Tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi là dịp các cấp chính quyền, xã hội cũng như con, cháu quan tâm tới những người đi trước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Thông thường, Lễ mừng thọ chung cho người cao tuổi sẽ được tổ chức vào những ngày đầu Xuân năm mới (tháng Giêng) tại khu vực đình làng, nhà văn hóa theo những nghi thức và phong tục tập quán của mỗi địa phương. Sau Lễ mừng thọ chung, ông bà, bố mẹ được các con cháu tổ chức Lễ mừng thọ ở tại gia đình; có sự tham gia của anh em họ hàng, làng xóm, người thân đến chúc thọ.

Lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi đầu Xuân là dịp con cháu ở xa quây quần đông đủ, sum vầy và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ông bà, bố mẹ.

Ở buổi Lễ mừng thọ tại gia đình, ông bà, bố mẹ được mừng thọ mặc trang phục đẹp có thêm khăn đỏ quấn đầu hoặc quần áo màu đỏ, màu vàng tùy vào mức tuổi mừng thọ. Ông bà, bố mẹ mừng thọ nên được bố trí chỗ ngồi trang trọng để con cháu đến chúc thọ, tặng những món quà ý nghĩa thể hiện tình cảm đối với đấng sinh thành, chụp ảnh và tổ chức tiệc mừng trọng thể.

Đối với Lễ mừng thọ ở gia đình, quy mô tổ chức tùy thuộc vào ý muốn cũng như điều kiện của mỗi gia đình khác nhau. Dù có tổ chức quy mô ra sao, hình thức nào thì tất cả đều thể hiện được niềm vui của con cháu, sự biết ơn đối với ông bà, bố mẹ khi được mừng thọ.

Cùng với niềm vui của những người cao tuổi trên cả nước được đón Giấy chứng nhận mừng thọ trong năm Quý Mão 2023, chia sẻ niềm vui mừng thọ tuổi 70 ông Vũ Đình Thuần và bà Vũ Thị Mỳ ở xóm Nam Trang, thôn 1 thuộc xã Nam Thái (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết: “Rất là vui, năm nay hai vợ chồng tôi được các con, các cháu tổ chức Lễ mừng thọ; niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là con cháu được quây quần đông đủ, sum vầy vào dịp tổ chức Lễ mừng thọ. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, dân làng, hàng xóm và con cháu đó chính là món quà tinh thần quý giá nhất đối với chúng tôi sống vui, sống khỏe và sống có ích”.

Những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa của con cháu thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với các đấng sinh thành trong Lễ mừng thọ là niềm vui, sự động viên đối với ông bà, bố mẹ.

Trong xã hội hiện đại như hiện nay, việc tổ chức Lễ mừng thọ cho người cao tuổi là một việc làm ý nghĩa, không chỉ thể hiện tình cảm đối với đấng sinh thành mà còn là sự quan tâm của xã hội, nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ phải biết ơn tới thế hệ đi trước, sống giữ đúng bổn phận con cháu “Kính già, trọng lão”.

 

 

Vũ Cừ
Ý kiến bạn đọc
Top