Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng xuất khẩu đi các nước theo “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030” vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt, cần phải xây dựng an toàn thực phẩm từ cơ sở chăn nuôi, giết mổ.
Nhiều cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm các quy định về an toàn
Có thể nói việc bảo đảm an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Nhà nước và các cơ quan chức năng, tuy nhiên công việc này sẽ không thể thực hiện được nếu như không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc giám sát và xử lý những cơ sở chăn nuôi, giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn đang tồn tại bởi nhiều lý do.
Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra con số thống kê, cả nước hiện có hơn 22 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.
Cơ sở giết mổ gia cầm tự phát tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao
Hà Nội có tới 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công; mới chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, còn lại đang bị thả lỏng. Nguyên nhân bởi các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ này nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Một trong những lý do các cơ quan không xử lý được đó là việc giết mổ gia súc, gia cầm thường được thực hiện ban đêm và kết thúc vào lúc sáng sớm, các cơ sở lại nằm kín đáo gần khu dân cư, làng mạc nên các lực lượng chức năng khó phát hiện. Còn tại các chợ cóc, chợ truyền thống các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ mọc lên như nấm, không cần kiểm tra cũng biết các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại chợ Bông Đỏ (La Khê, Hà Đông) là một trong những chợ lớn, khu vực bán gia cần được bày bán cả ngày, khu vực bán và giết mổ gia cầm này mùi hôi, thối đặc trưng đã bốc lên nồng nặc. Chị Nguyễn Thị T. (chủ một cửa hàng thịt) cạnh khu vực giết mổ gia cầm chia sẻ: “Quầy của tôi ngay gần với mấy hàng gà, vịt. Nhiều lúc gió nó đưa mùi sang, cảm giác muốn ngạt thở. Nhưng nói thật cũng chả biết làm cách nào, vì thực tế thì chợ nào chẳng có dãy hàng bán gà, bán vịt rồi giết mổ luôn. Số mình đen là quầy lại ở ngay cạnh đó”.
Gà, vịt sau khi được khách lựa chọn sẽ được tiểu thương cắt tiết tại chỗ và cho vào một nồi nước sôi vẩn đục. Gia cầm sau khi nhúng vào nước nóng được người bán đặt ngay xuống nền để làm lông và mổ. Phần lông, nội tạng vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè thậm chí tràn cả xuống lòng đường. Nước thải không có chỗ thoát khiến cho nơi đây những ngày mưa bốc mùi xú uế.
Không chợ cóc, chợ dân sinh nào không có những điểm giết mổ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như thế này
Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ không chỉ có ở chợ Bông Đỏ (La Khê) mà ở tất cả các chợ truyền thống, chợ cóc trên địa bàn của thủ đô Hà Nội và cả nước. Đây là một trong nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn đến sức khỏe của người tiêu dùng khi mua thực phẩm tại đây.
Mất an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ có từ những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm mà ngay cả những cơ sở chăn nuôi cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Yếu tố môi trường trong quá trình chăn nuôi khi người chăn nuôi vô tình xây dựng chuồng trại gần các nhà máy công nghiệp thải ra các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen..., gần nguồn nước bị ô nhiểm, tàn dư chất độc do chiến tranh để lại. Do đó sẽ tạo ra các sản phẩm không an toàn. Con giống chưa sạch bệnh, nguồn gốc không rõ ràng, lai tạo không đúng. Phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, kém vệ sinh (gia súc nuôi gần nhà, xử lý phân, nuôi thả không đúng). Việc trộn các kháng sinh, hóa chất cấm, hoặc phối trộn nguyên liệu thức ăn có chứa nấm mốc, có lẫn những mảnh vỡ kim loại, sử dụng các bao bì chứa hóa chất để chứa thức ăn, không vệ sinh các dụng cụ nghiền trộn thức ăn, nhất là sau khi trộn thức ăn có thuốc... là những việc nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua thức ăn. Lạm dụng quá nhiều các loại kháng sinh.
Nguồn nước uống cho vật nuôi phần lớn là nước giếng. và nguồn nước này dễ nhiễm các chất có hại từ môi trường xung quanh như hóa chất, thuốc BVTV, vi sinh. Dụng cụ chứa nước không được vệ sinh cũng có thể là tác nhân gây nhiễm bẩn nước.
Vấn đề sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng, các hóa chất cấm dùng trong chăn nuôi, trong bảo quản chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng là nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm
Kế hoạch này hướng đến mục tiêu chung xây dựng được các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Sẽ xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam (Ảnh: Nguyên Phương)
Muốn xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh là phải xây dựng được chuỗi chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển bảo quan, chế biến an toàn toàn, khép kín, có như vậy mới có những sản phẩm an toàn và vùng an toàn dịch bệnh được.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ. Các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp chủ yếu là các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhưng cả nước có tới 70% các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Trong khi đó, nhiều cơ sở giết mổ tập trung hoạt động chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của TP khoảng 800-900 tấn/ngày. Trong khi đó, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày từ các CSGM gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn đạt trên 400 tấn/ngày; cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày, chỉ tương đương 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. "Còn lại do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường", ông Tường nêu thực tế.
So với Hà Nội, tình hình hoạt động của các CSGM tập trung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có vẻ khả quan hơn khi trên địa bàn hiện có 7 CSGM thực hiện đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật. Lượng gia súc, gia cầm giết mổ bình quân hằng đêm hiện nay là 5.500 - 6.000 con heo, 7 con bò và 74.000 - 75.000 con gà. Các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế, vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 - 100% theo định hướng.
Tạo điều kiện để cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ an toàn, khép kín
Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng CSGM động vật tập trung còn ít bởi giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Sản phẩm của các cơ sở này cũng khá kén khách, tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng tiện ích, một số bếp ăn, nhà hàng và khu công nghiệp. Do đó, số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Với mô hình này, cần có doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, do rủi ro cao (hạn chế đầu ra, thời gian thu hồi vốn lâu, nguồn gia súc, gia cầm chưa ổn định…).
Vì thế trong Kê hoạch cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc gia cầm có nhu cầu xuất khẩu cần chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn thú y các cấp, các đơn vị liên quan của địa phương lập đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Các cơ sở cũng cần xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh theo quy định của WOAH và yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị từng công đoạn của chuỗi sản xuất; bảo đảm đáp ứng yêu cầu ATTP.
Một cái khó nữa đó là việc quỹ đất để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung không có, không được Luật Đất đai quy định. Vì thế hầu hết các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước đều rơi vào tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Vì thế các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi này rất khó khăn trong việc đầu tư để xây dựng lên những khu vực chăn nuôi hiện đại, khép kín.
Muốn đạt mục tiêu chung xây dựng được các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì rất cần phải xây dựng được chuỗi an toàn thực phẩm phải từ cơ sở, pải đảm bảo được những yếu tố an toàn nêu trên, lúc đó chúng ta mới có sản phẩm chăn nuôi an toàn, đủ mọi điều kiện xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.