Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 2 năm 2024 | 15:5

Nắm bắt cơ hội “vàng” để gạo Việt luôn thắng thế

Nhiều nhận định về năm 2024 cho thấy, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động khi các quốc gia tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Trong năm 2023, ngành lúa gạo đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triệu tấn và thu về 4,8 tỷ USD.

Lợi thế của lúa gạo Việt Nam

Trong năm 2023, ngành lúa gạo đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triệu tấn và thu về 4,8 tỷ USD. Nhờ quyết tâm chuyển từ số lượng sang chất lượng, kết quả đạt được năm qua là quả ngọt cho những nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và bất thường thì ở đâu đó trên thế giới việc có cơm ăn hàng ngày đã không còn là chuyện đương nhiên nữa. Với gần 4 triệu ha đất canh tác lúa, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, mà còn cho thấy hạt gạo Việt đang nắm giữ vai trò quan trọng cho "chiếc dạ dày" của thế giới.

ĐBSCL mặc dù chỉ chiếm 12% diện tích, nhưng đang cung cấp 40% tổng sản lượng lương thực cả nước và toàn bộ lượng gạo xuất khẩu. Ở bất cứ thời điểm nào nông dân cũng có lúa thu hoạch. Năm 2023 đã là năm thắng lợi của nông dân trồng lúa bởi cơ hội giá gạo tăng.

Lợi thế lớn nhất thuộc về vùng đất có diện tích 1,5 triệu ha tiếp giáp với Campuchia, gồm phía Bắc của Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An... Đây là nơi không bao giờ thiếu nước ngọt, nước mặn lại không thể xâm nhập. 1 năm có thể duy trì 3 vụ lúa, tạo ra lượng gạo khổng lồ. Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, từ túi phèn, cánh đồng hoang trước 1975 đã được đánh thức trở thành vựa lúa trong vựa lúa.

Theo đuổi nghiên cứu lúa gạo từ năm 1971, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng hiếm có quốc gia nào tỷ lệ diện tích lúa có tưới cao như Việt Nam, lên đến 85%, trong khi các nước chỉ ở mức 20 - 50%.

Vị trí nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo còn là kết quả của một quá trình hàng chục năm các nhà khoa học Việt Nam đã mày mò nghiên cứu từ ngân hàng gen với hơn 4.000 giống lúa để lai tạo ra những giống năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 105 ngày.

Hiện các giống lúa thơm chủ lực gạo trắng hạt dài, phục vụ xuất khẩu không chỉ ngắn ngày mà còn đạt mức năng suất 7 - 8 tấn/ha. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia trên thế giới nghiên cứu được giống lúa mỗi bông có từ 600 - 1.000 hạt. Lúa gạo ở ĐBSCL đã đóng góp 20 - 25% thị trường gạo quốc tế nhờ ưu thế sản xuất theo đơn đặt hàng gắn với tiêu chuẩn chất lượng.

Nhưng, ngay cả khi theo đuổi ưu thế về năng suất, chất lượng thì Việt Nam cũng không quên hàng trăm giống lúa bản địa.

Vòng đời cây lúa thay đổi vòng đời người trồng lúa. Từ gạo để no cái bụng, Việt Nam đã có giống gạo ngon nhất thế giới và hàng chục giống có tính dược liệu cao. Con đường phát triển của lúa gạo cũng là con đường lịch sử, con đường khoa học, con đường văn hóa, con đường thương mại… tạo nên một vị thế Việt Nam hôm nay.

Nâng tầm hạt gạo Việt trên toàn cầu

Năm 2023, giá gạo Việt Nam chứng kiến những đợt sóng tăng liên tiếp, lập đỉnh cao nhất thế giới dịp cuối năm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bắt đầu từ tháng 6, “hạt ngọc” Việt xuất khẩu liên tục tăng. Tháng cuối năm 2023, giá gạo Việt Nam luôn giữ ở mức 663 USD/tấn, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, các chuyên gia phân tích, giá gạo vẫn ở mức cao.

Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, các chuyên gia phân tích, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân của vấn đề trên là lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam lại nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, bối cảnh hiện nay cho thấy nguồn cung về lương thực trên thế giới sẽ ngày càng khan hiếm, Ấn Độ chưa xuất khẩu gạo trở lại, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất ra bên ngoài. Trong khi đó Trung Quốc luôn thiếu gạo, tương tự một số quốc gia khác như: Philippines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile…đều đang cạnh tranh mua gạo Việt. Ngoài ra, các nước ở khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng bởi El Nino và biến đổi khí hậu, hầu như nước nào cũng giảm sản lượng lúa gạo.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng các vùng tiếp giáp với Campuchia, gồm phía Bắc của Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An...có thể trồng được khoảng 1,5 triệu ha lúa. Đây là những vùng không bao giờ thiếu nước ngọt, nước mặn không xâm lấn được, nên có thể coi là vùng an ninh lương thực của quốc gia.

Còn ở các vùng khác về phía biển, chúng ta không trồng lúa vào mùa hạn, vừa tốn kém nước ngọt - vốn đã ít ỏi trong mùa khô, lại vừa hiệu quả không cao. Nhưng mùa mưa tập trung trồng lúa rất tốt, hết mưa thì cho nước mặn vào để nuôi tôm, cá, dành nước ngọt cho vùng an ninh lương thực.

Riêng ở vùng giữa, hiện nông dân vẫn trồng ba vụ lúa. “Ở các nước, giống lúa của họ dài ngày, phải bốn tháng mới được thu hoạch nên chỉ trồng được hai vụ lúa. Còn ở Việt Nam, nhờ kỹ thuật bố trí cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng trồng một vụ, hai vụ, ba vụ, giống lúa có nhiều loại ngắn ngày, chỉ khoảng 90 - 100 ngày là thu hoạch được nên chúng ta có thể trồng được ba vụ, năng suất cao.

Mấy năm nay chúng ta đưa thêm gen ngon cơm vào cây lúa, chất lượng càng tốt hơn nên hoàn toàn yên tâm về sức cạnh tranh sản phẩm. Với lợi thế như trên, tôi thấy rằng đây là thời cơ hiếm có nâng tầm hạt gạo Việt trên toàn cầu, chúng ta không nên và không thể bỏ lỡ” - GS Võ Tòng Xuân nói.

Làm gì để nắm cơ hội vàng?

Nhận định 2024 sẽ là năm chủ lực để xuất khẩu gạo và nâng tầm gạo Việt, tuy nhiên ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thị trường hiện rất thuận lợi trong việc bán, nhưng chưa thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua gạo trong nước.

Gạo Việt Nam nắm bắt cơ hội “vàng”, lập nên những kỷ lục hiếm có.

Theo ông, hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại câu chuyện làm ăn chưa bền vững giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua. Khi giá gạo lên cao, nhiều người dân sẵn sàng “bẻ kèo” không bán cho doanh nghiệp như cam kết mà bán cho thương lái khác với giá cao hơn.

Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp thu mua, chế biến thua lỗ vì đã đặt tiền trước mà còn gây khó khăn về nguồn cung xuất khẩu. Hơn lúc nào hết, cần giải quyết gấp tình trạng này để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng nhận định, 2024 là năm xuất khẩu gạo có nhiều tiềm năng. Ở trong nước, đầu năm sẽ bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân, sản lượng rất lớn, mang lại nguồn cung dồi dào cho  doanh nghiệp.

Đây chính là thuận lợi lớn để Việt Nam xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nếu thiếu sự liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp - người dân - hợp tác xã như hiện nay thì sẽ đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào cảnh thiếu chủ động và đầu vào cũng khó bền vững.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn dè dặt chưa dám ký kết đơn hàng xuất khẩu với đối tác ngay từ đầu năm vì chưa chủ động được nguồn hàng. Hạn chế này cần phải khắc phục ngay, nếu không nó sẽ kìm hãm sự bùng nổ của xuất khẩu gạo. Kinh nghiệm của chúng tôi là doanh nghiệp phải thu mua từ nhiều nguồn hàng khác nhau như: mua trực tiếp từ người sản xuất, liên kết mua của các doanh nghiệp, hợp tác xã để không rơi vào bị động khi ký kết hợp đồng bán hàng trước rồi mới đi mua hàng về sau”, ông Đôn nói.

Còn ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice) dự báo, với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan và một số biến cố chính trị, xung đột trên thế giới thì việc khan hiếm gạo năm 2024 vẫn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, một số nước xuất khẩu gạo đang tích cực tìm các phương án khắc phục tình trạng thiếu hụt lúa gạo trong những năm tới.

Do đó, trong năm 2024, nếu muốn gạo Việt Nam tiếp tục thăng hoa nhất thế giới, chúng ta phải tận dụng tốt thời cơ, hạn chế nhanh bất cập để nắm bắt cơ hội “vàng”, lập nên những kỷ lục hiếm có trong lịch sử như năm 2023./.

 

 

Thanh Tâm (t/h VTC News, VTV.vn...)
Ý kiến bạn đọc
Top