Mặc dù lực lượng chức chức năng đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử lý hình sự nhiều đối tượng săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã, nhưng dường như, vấn nạn này vẫn diễn ra phức tạp và không có chiều hướng thuyên giảm.
Nạn buôn lậu động vật hoang dã
Thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, mới đây, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra và phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Cụ thể, khi lô hàng cập cảng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành giám sát trọng điểm, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và kiểm tra thủ công toàn bộ lô hàng sau khi phân tích hình ảnh có nghi vấn.
Kết quả khám xét, lực lượng chức năng phát hiện trong container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi, là số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng.
Container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi, là số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng.
Theo cơ quan Hải quan, lô hàng này xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác... Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.
Được biết, lô ngà voi vừa bị bắt giữ thuộc phụ lục I của Công ước CITES, nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, vi phạm quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Trước đó, đầu tháng 2/2023, Cục Hải quan TP Hải Phòng cũng đã phát hiện 117 khúc ngà voi, nặng 490kg nhập lậu từ châu Phi vào cảng Lạch Huyện.
Hiện Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngà voi nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh quy định tại Điểm 8 Phụ lục I Nghị định số 56/2009/NĐ-CP: “Thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng” và là hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục I Công ước CITES. Do đó, hành vi buôn lậu ngà voi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Luật sư Tiền, với số lượng ngà voi buôn lậu lớn như vậy, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung tăng nặng “ngà voi có khối lượng từ 90kg trở lên”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người này còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 244 Bộ luật này. Pháp luật hiện hành đã quy định rất cụ thể các chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, nhưng trên thực tế tình trạng buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, xương voi và lông voi vẫn còn tồn tại, cho thấy công tác thực thi còn chưa được chặt chẽ, nghiêm minh. Do vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, điều tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp săn bắn trái phép, buôn bán ngà voi cũng như các chế tác từ ngà voi, xương voi... Các vi phạm bị phát hiện phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nâng cao nhận thức của mọi người về pháp luật và về sự cần thiết của việc ngừng tiêu dùng sản phẩm từ voi để bảo tồn loài voi cũng như các loài động vật hoang dã khác. |
Bắt giam 2 đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm
Tương tự sự việc trên, mới đây, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 2 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Tổng 15 cá thể là Vẹt xám châu Phi và Vẹt mào vàng do 2 đối tượng vận chuyển. (Ảnh: Công an Cao Bằng)
Theo đó, 2 đối tượng Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1982), ở tổ dân phố 6, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa và Cao Huy Cường (sinh năm 1982), ở tổ 14, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã bị bắt vì vận chuyển 132 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 15 cá thể là Vẹt xám châu Phi và Vẹt mào vàng.
Trước đó, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Km267+500 quốc lộ 3, thuộc địa phận xóm Nam Phong 3, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đã phát hiện Nguyễn Văn Sơn và Cao Huy Cường điều khiển ô tô lưu thông theo hướng Hà Nội - Cao Bằng có biểu hiện nghi vấn.
Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt đối tượng vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm. (Ảnh: Công an Cao Bằng)
Tổ công tác đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe của các đối tượng vận chuyển 132 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 15 cá thể là Vẹt xám châu Phi và Vẹt mào vàng.
Kết quả giám định của ngành chức năng cho thấy, 15 cá thể Vẹt xám châu Phi và Vẹt mào vàng là động vật nguy cấp thuộc Phụ lục I Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Hiện, vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục điều tra làm rõ.
Giải quyết các 'điểm nóng'
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi cư trú của một số loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ thế giới.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia sớm tham gia các công ước và hợp tác quốc tế về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tính đa dạng sinh học, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều. Những hạn chế của văn bản pháp luật và sự chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và về cơ quan quản lý chuyên ngành đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã.
Số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết, công tác này còn gặp khó khăn trong áp dụng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, trong dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên theo ông Quỳnh, cần thường xuyên thực hiện công tác nắm tình hình để nhận diện các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, đặc biệt chú trọng đến địa bàn có đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân để nắm bắt thông tin về hoạt động mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép động vật hoang dã. Tích cực tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, đơn thư phản ánh, giải quyết nhanh các “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, kiên quyết xử lý vi phạm để có tính răn đe với toàn xã hội.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.