Hàng trăm ha đất bị cuốn trôi, tàn phá tan hoang bởi nạn khai thác cát, dân kêu cứu nhưng cơ quan chức năng kêu khó. Các sở, ngành, quận, huyện liên quan cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Hàng trăm ha đất bị cuốn trôi
Từ phản ánh của người dân, trong tháng 10 và 11-2022, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng khai thác cát bát nháo trên các con sông Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô (Đắk Lắk và Đắk Nông). Được biết, nhiều con tàu không số hiệu, không đăng ký, đăng kiểm ồ ạt hút cát gây sạt lở nghiêm trọng. Trên bờ, doanh nghiệp tự tung, tự tác không cân lượng cát khi bán, gây thất thu thuế.
Sông Krông Pắk đoạn qua xã Ea Pal và Ea Ô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị sạt lở lớn, nhiều đoạn phình ra cả trăm mét. Đất trên bờ sụp xuống từng ngày trong sự bất lực của người dân bởi nạn khai thác cát cả có phép lẫn không phép.
Chỉ tay về những hàng cây chết khô nằm giữa lòng sông Krông Pắk, bà Phan Thị Từ (thôn 4, xã Ea Pal) cho biết trước đây, đất gia đình bà ra tận đó nhưng giờ đã sụt xuống nước. "Gia đình tôi có hơn 3 sào đất nằm gần bãi tập kết cát của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết, hiện đã bị sạt lở gần 1 sào và chưa có dấu hiệu dừng lại" - bà Từ bức xúc.
Một tàu không số hiệu hút cát lên bãi tập kết của Công ty TNHH VLXD Sông Núi
Tương tự, ông Trần Hữu Phong (thôn 8, xã Ea Pal), có 5 sào đất trong cánh đồng khu Đ, nằm sát sông Krông Pắk. Thời gian gần đây, nhiều tàu khai thác cát đã gí vòi hút sát bờ khiến đất bị cuốn xuống sông. Mấy tháng liền ông mất ăn, mất ngủ canh các tàu khai thác cát vì hễ vắng mặt là những phương tiện này "hành sự".
Tình trạng sạt lở trên tại sông Krông Ana (đoạn từ xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông đến xã Buôn Triết, huyện Lắk), sông Krông Nô (chảy qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông) cũng rất nghiêm trọng khi nhiều diện tích cây cà phê, điều, bắp bị cuốn trôi.
Ông Lò Kim Sơn (ngụ buôn Krái, xã Nam Ka, huyện Lắk), bức xúc cho biết đến nay, đất của gia đình bị sạt đoạn dài khoảng 120 m, rộng từ 15 đến 20 m, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, bà Diệp Thị Liên (ngụ cùng buôn) phản ánh gần khu vực nhà bà đang ở ngày nào cũng có 2 tàu cát hút sát nhà liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ. Gia đình bà nhiều lần ra ngăn cản nhưng đều bị nhân viên của tàu hút cát dọa nạt và hút ngày càng mạnh hơn.
Sự bất lực và bực bội của người dân cao đến nỗi khi nghe tiếng tàu của chúng tôi đi qua, liền nghĩ là tàu hút cát nên đã cầm sẵn cây trên tay ra xua đuổi.
Liên hệ làm việc với một lãnh đạo UBND xã Nam Ka, chúng tôi nhận rõ được sự bức xúc của chính quyền khi người này nói: "Đã làm việc với nhiều cơ quan rồi nhưng có giải quyết được đâu". Theo đó, UBND xã Nam Ka từng kiến nghị với các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Công Thương, Xây dựng... xin hỗ trợ về lực lượng, phương tiện nhằm xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại nhưng đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Thả nổi quản lý doanh nghiệp
Không chỉ làm biến dạng các con sông, sạt lở đất sản xuất, nhà cửa của người dân mà việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng có dấu hiệu gây thất thu thuế rất lớn.
Qua ghi nhận, nhiều công ty khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã không cân sản lượng khi xuất bán cát. Trong khi đó, không thấy bất kỳ cơ quan chức năng nào trực tiếp giám sát hoạt động này mà chỉ "dựa vào sự trung thực của các doanh nghiệp". Theo tính toán, một m3 cát xuất bán phải đóng tổng các loại phí, thuế cho nhà nước hơn 50.000 đồng, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, việc doanh nghiệp thiếu tự giác kê khai đóng thuế cũng dễ hiểu.
Nói về trách nhiệm giám sát xe chở cát qua trạm cân, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao định kỳ hằng tháng cho các doanh nghiệp phải báo cáo, cung cấp dữ liệu, số liệu cho cơ quan thuế. Ông Trần Văn Sỹ cũng nói thêm việc quản lý khai thác cát trách nhiệm đầu tiên của UBND xã, của UBND huyện rồi các cơ quan chức năng.
Còn theo đại tá Nguyễn Văn Quy, Trưởng Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Đắk Lắk, việc kiểm tra, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác nhằm chống thất thu thuế đã được pháp luật quy định. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát đối với các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản. Nếu tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản chưa hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát thì Sở TN-MT có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác.
Ruộng rẫy của người dân gần bãi tập kết cát của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết sạt lở nghiêm trọng
Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên đối với các công ty khai thác cát. Điển hình, ngày 18-12-2021, kiểm tra tại Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, từ đây phát hiện một số vi phạm và xử phạt 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Quy cũng thừa nhận cơ quan chức năng không thể thường xuyên cử cán bộ đến tất cả bến tập kết, kinh doanh cát để theo dõi nên xảy ra sai phạm là không thể tránh khỏi. "Thời gian tới, lực lượng công an sẽ lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra. Nếu phát hiện đơn vị nào chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân, camera, đăng ký bến bãi theo quy định sẽ tham mưu UBND tỉnh đình chỉ hoạt động và đề xuất xử lý vi phạm" - đại tá Quy nhấn mạnh.
Sử dụng ghe gỗ để khai thác cát trái phép
Theo thông tin ban đầu, tại khu vực Cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa), lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang một ghe gỗ đang bơm hút cát trái phép lên một thuyền số hiệu ĐN-1005 do ông Nguyễn Hùng Thanh, (sinh năm 1972, ngụ thành phố Biên Hòa) điều khiển; trên thuyền chứa khoảng 20 m3 cát.
Khi bị phát hiện, các đối tượng trên ghe bơm hút cát đã điều khiển phương tiện bỏ chạy về hướng phường Long Bình (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) rồi rẽ vào rạch nhỏ lợi dụng đêm tối, địa hình sông rạch phức tạp nhảy xuống sông tẩu thoát. Phòng Cảnh sát môi trường đã tạm thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm, bàn giao cho Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục điều tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, lực lượng Công an đã phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy, Trạm Cảnh sát Đường thủy Long Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông và các Phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một ghe gỗ dài khoảng 15 m có gắn thiết bị đặc thù để bơm hút cát trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua khu vực Vàm Cái Sứt, xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa). Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, các đối tượng đã nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị tiến hành trục vớt phương tiện ghe gỗ bơm hút cát này.
Phương tiện vi phạm bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát
Tiếp đó, trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua xã Tam An, huyện Long Thành), lực lượng Công an đã phối hợp với các đơn vị phát hiện ghe gỗ có gắn thiết bị đặc thù bơm hút cát đang tiến hành hút cát dưới lòng sông bơm lên một thuyền vận chuyển. Khi bị phát hiện, các đối tượng đã nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát. Do vị trí các đối tượng đánh chìm phương tiện ở lòng sông sâu, nước chảy xiết nên không thể trục vớt.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý các hành vi tự ý hoán cải thay đổi công năng sử dụng của phương tiện hoặc lắp thêm các trang thiết bị để bơm hút cát, các hành vi liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (cát) trái phép trên các tuyến sông.
Tạm giữ 5 tàu hút, 5 máy xúc, 2 ô tô tải để điều tra
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Ba Vì làm nhiệm vụ tuần tra trên sông Đà thuộc địa phận huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Tại đây, Tổ công tác đã phát hiện 1 tàu (không có biển kiểm soát) đang thực hiện hành vi hút cát dưới dòng sông Đà để bơm lên khoang tàu, tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên tàu có 2 người đàn ông đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép là N.V.T (SN 1970, HKTT An Lão, Kinh Môn, Hải Dương và K.V.H (SN 1995, HKTT Tiêu Khai, Đông Đà, Phú Xuyên, Hà Nội).
Phương tiện các đối tượng sử dụng để khai thác cát trái phép
Khi làm việc với Tổ công tác, 2 đối tượng trên đã khai nhận đều là người làm thuê cho N.B.Q (SN 1973, HKTT xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Q đã chỉ đạo N.V.T và K.V.H sử dụng tàu, trực tiếp thực hiện việc khai thác cát dưới sông, sau đó tập kết về bãi chứa vật liệu của Q tại thôn Mộc, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội để bán.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp các bãi tập kết vật liệu xây dựng và các địa điểm N.B.Q chiếm dụng để tập kết khoáng sản (cát) được khai thác trái phép. Khi làm việc với cơ quan Công an, N.B.Q không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số lượng lớn khoáng sản (cát) hiện đang có dưới các tàu và trên các bãi tập kết và các phương tiện, máy móc mà Q đang quản lý và dùng để thực hiện hành vi vi phạm.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tạm giữ 5 tàu hút, 5 máy xúc, 2 ô tô tải, 3500m3 cát đen cùng nhiều tài liệu, sổ sách, nhiều giấy tờ liên quan đến việc quản lý, điều hành bến bãi của Q.
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã triệu tập 10 đối tượng có liên quan để phục vụ công tác điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý hình sự đối với hành vi khai thác cát trái phép?
Đối với cá nhân phạm tội khai thác cát trái phép: - Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; + Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; + Có tổ chức; + Gây sự cố môi trường; + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. Đối với pháp nhân phạm tội khai thác cát trái phép: - Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; - Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Như vậy, các cá nhân, pháp nhân khai thác cát trái phép mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc vào các trường hợp được quy định như trên. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.