Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 | 9:5

Nạn khai thác đất trái phép vẫn hoành hành ở nhiều địa phương

Nạn khai thác đất làm vật liệu san lấp trái phép ở nhiều địa phương diễn ra trong một thời gian dài, nhiều quả đồi lớn bị đào múc tan hoang, ngổn ngang để vận chuyển đi nơi khác. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Nhiều quả đồi lớn bị đào múc tan hoang

Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác đất trái phép ở sát Tỉnh lộ 15, thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) diễn ra trong một thời gian dài. Khi mới phát hiện tình trạng khai thác đất trái phép, người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương và Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, nạn khai thác đất trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên như chốn không người. Ban đầu, nạn khai thác đất trái phép chỉ dọc tuyến đường Tỉnh lộ 15, gần tuyến đường dây điện 500kV Bắc – Nam, thuộc thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc). Ngay khi bị người dân phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng, vị trí khai thác đất trái phép được dịch chuyển vào phía cánh rừng tràm phía sau, cách vị trí cũ khoảng 200m.

Hiện trường khai thác đất trái phép ở thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) đào xới nham nhở, có độ sâu từ 3-5m.

Tại đây, hàng trăm m2 đất bị “đất tặc” ngang nhiên đào xới nham nhở, có độ sâu từ 3-5m, vận chuyển trái phép đi nơi khác và dấu vết bánh xe các phương tiện để lại điểm khai thác trái phép vẫn còn mới. Hiện trường vẫn còn nhiều đất đá đã được phương tiện cơ giới đào xới nhưng chưa kịp chở ra bên ngoài.

Người dân nơi đây cho biết: Tình trạng khai thác đất trái phép ở khu vực này thường diễn ra vào ban đêm, thứ Bảy và Chủ nhật…nhằm tránh cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Những chiếc xe tải chở đất sẽ chạy theo tuyến Tỉnh lộ 15 theo hướng xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) để ra Quốc lộ 1 rồi đến bán cho các hộ dân, đơn vị có nhu cầu sử dụng đất san lấp mặt bằng.

Khu vực khai thác đất trái phép chỉ cách chân trụ đường dây điện 500kV Bắc – Nam khoảng vài chục m2.

Một lãnh đạo xã Thuỷ Phù (thị xã Hương Thuỷ) cho biết: Khu vực khai thác đất trái phép trên nằm giáp ranh giữa hai xã, khi phát hiện người dân đã phản ánh đến xã Thuỷ Phù, chúng tôi đã gửi thông tin phản ánh cho lãnh đạo xã Lộc Bổn để kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, tình trạng khai thác đất trái phép vẫn diễn ra trong thời gian dài, không được xử lý kịp thời để khoáng sản “chảy máu”.

Thông tin với báo chí, ông Bạch Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) cho biết: Trên địa bàn không có mỏ đất vật liệu san lấp nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Vị trí khai thác đất trái phép là loại đất trồng rừng sản xuất thuộc thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc). Nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã, Cán bộ địa chính – xây dựng xã kiểm tra, nhưng không phát hiện phương tiện khai thác. Qua đó, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã phối hợp các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tuần tra, mật phục để xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Đại diện chính quyền địa phương lên tiếng

Liên quan tới vụ khai thác đất trái phép được cho là lớn nhất Hà Tĩnh từ trước tới nay, ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, về phía UBND huyện Can Lộc đã có chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành phối hợp với UBND xã Mỹ Lộc kiểm tra xử lý.

"Trước tiên, chúng tôi cảm ơn phía cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời cho huyện. Sau khi báo nêu, chúng tôi đã có chỉ đạo và sẽ xử lý triệt để tình trạng khai thác đất trái phép tại tiểu khu 12C, xã Mỹ Lộc. Quan điểm của huyện là vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, theo quy định của pháp luật", ông Đặng Trần Phong cho biết thêm.

Hàng chục chiếc xe tải hạng nặng xếp hàng, thay nhau lấy đất đi tiêu thụ.

Ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc xác nhận, mọi phản ánh của PV là đúng sự thật. Tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Mỹ Lộc vẫn đang tồn tại. Cũng theo ông Việt, tại vị trí mà báo chí phản ánh, việc khai thác được thực hiện lén lút từ lâu, quả đồi này bị khai thác nhiều năm, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt.

“Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác đất trái phép tại tiểu khu 12C, xã Mỹ Lộc, chúng tôi đã thành lập tổ công tác để kiểm tra. Hiện chúng tôi đang xác minh thêm một số nội dung để tiến hành xử lý. Hiện nay phía huyện đang quá trình hoàn thiện hồ sơ để xử lý”.

Trước đó, tại điểm khai thác đất  tại tiểu khu 12C, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – nơi được cho là "thủ phủ" khai thác đất trái phép đang bị đào khoét nham nhở, băm nát phục vụ cho việc trục lợi tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, tại khu đất rừng thuộc tiểu khu 132C, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc với diện tích hơn 11,84 ha, được giao cho ông Trần Huy Giáp với mục đích sử dụng là đất lâm nghiệp. Trong đó, 30% diện tích được chuyển đổi cải tạo trồng cây ăn quả, làm vườn, nuôi thủy sản. Những năm gần đây, dưới vỏ bọc cải tạo vườn, các đối tượng hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Sự việc diễn ra cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý.

Không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cả một khu vực đất rừng rộng lớn đang bị đào bới nham nhở, những quả đồi cao lớn đang dần bị triệt hạ. Một chiếc máy xúc công suất lớn đang miệt mài xúc đất cho từng chiếc xe tải hạng nặng xếp hàng, nhìn thoáng qua cứ ngỡ như một mỏ đất được cấp phép.

Khi những chiếc xe được chất đầy đất, nhóm đối tượng sẽ sử dụng xe máy đi kiểm tra quanh khu vực, thấy an toàn mới mở cổng để xe chạy ra cửa chính. Nếu phát hiện người lạ, hoặc cơ quan chức năng các đối tượng sẽ khóa trái cửa và yêu cầu lái xe nhanh chóng tẩu tán qua các cửa phụ.

Xe quá khổ, quá tải, đất được chất cao hơn thành thùng, che chắn không cẩn thận làm rơi vãi vật liệu xuống đường gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Những chiếc xe tải, sau khi được “ăn hàng” tại đây liền di chuyển theo Tỉnh lộ ĐT548. Các xe này tiếp tục hướng về Quốc lộ 1A, di chuyến đến một số công trình xây dựng, nhà máy gạch và nhà dân trên địa bàn huyện Can Lộc.

Mặc dù đã nhiều lần bị xử phạt, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu chủ rừng buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Tuy nhiên bất chấp pháp luật, các đối tượng vẫn táo bạo tiếp tục khai thác đất trái phép tài nguyên đất.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng trên, các cơ quan chức năng huyện Can Lộc cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên đất. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mang tính quyết liệt, kịp thời cùng với chế tài nghiêm khắc để răn đe các đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép, coi thường pháp luật đang tồn tại trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp lấn chiếm đất nông nghiệp

Lấn chiếm đất để xây dựng lán trại, nhà xưởng đang là thực trạng nhức nhối tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Trước vấn nạn này, sau quá trình kiểm tra, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện này bị chính quyền xử phạt, yêu cầu tiến hành hoàn thiện thủ tục thuê đất. Vậy nhưng, sau nhiều năm bị xử lý, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, trong khi chính quyền vẫn không có biện pháp xử lý triệt để.

Cụ thể, ngày 9/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt hành chính số 4787/QĐ–UBND, xử phạt Công ty TNHH Hồng Lương (DN Hồng Lương), có trụ sở tại khối 11, thị trấn Quỳ Hợp, do ông Đinh Văn Lương làm Giám đốc. Với nguyên nhân, DN Hồng Lương đã thực hiện hành vi chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Cụ thể DN Hồng Lương đã xây dựng lán trại công nhân, 2 hệ thống bàn rung để tuyển quặng, đổ đất đá trên diện tích 3ha tại thung Hung Nọi, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, mà chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định. Sau đó, DN Hồng Lương bị xử phạt 210 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Tân Hoàng Khang, do ông Nguyễn Văn Thủy làm Giám đốc, có địa chỉ tại khối 17 thị trấn Quỳ Hợp cũng có hành vi lấn chiếm 18,380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty CP Tân Hoàng Khang 170 triệu đồng, buộc doanh nghiệp này khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm đối với khoảng 2.724m2 đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) là phần diện tích nằm ngoài dự án khai thác quặng khoáng sản và đá xây dựng đi kèm. Đồng thời, buộc Công ty CP Tân Hoàng Khang tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định đối với phần diện tích khoảng 15.656m2 đất nông nghiệp, thời hạn thực hiện là 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.

Cũng với hành vi trên, Công ty TNHH Thành Trung (trụ sở chính ở xóm Cầu Đá, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp) vừa vị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính do lấn chiếm đất trong quá trình khai thác khoáng sản. Theo đó, doanh nghiệp này đã đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết đá trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định trên diện tích 1,97ha tại khu vực giáp ranh với mỏ của công ty tại bản Kèn, xã Châu Lộc, trong suốt 3 năm qua. Với hành vi này, Công ty TNHH Thành Trung bị xử phạt 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với diện tích 1,97ha, trong thời hạn 180 ngày. Buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 47 triệu đồng.

Doanh nghiệp Hồng Lương chưa tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất lấn chiếm dù đã hết thời hạn cho phép.

Ngoài ra, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản còn bị xử phạt với số tiền trên 100 triệu đồng cùng với hành vi lấn chiếm đất như Công ty CP Khoáng sản Nghệ An bị phạt 158 triệu đồng vì lấn chiếm đất đồi núi chưa sử dụng tại xã Châu Tiến; Công ty TNHH Hà Quang bị phạt 140 triệu đồng vi phạm khai thác khoáng sản vượt ra ngoài giới hạn phạm vi được cấp phép; Công ty CP Khoáng sản Thành Châu Nghệ An bị phạt hơn 150 triệu đồng vì 4 vi phạm, trong đó có hành vi chiếm đất rừng sản xuất…

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 80 mỏ được cấp phép còn hạn, trong đó, 14 mỏ được cấp giấy phép khai thác quặng thiếc, 34 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá hoa trắng, 30 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá xây dựng, 1 giấy phép khai thác nước khoáng, 1 mỏ cát sỏi. Tuy nhiên, qua kiểm tra hầu hết các công ty khai thác đều có hành vi lấn chiếm đất. Thậm chí, trên diện tích đất bị lấn chiếm, một số công ty khai thác khoáng sản đã xây dựng nhà xưởng, kho bãi, các công trình phục vụ sản xuất lên trên…

Sau khi xử phạt, dù quá thời hạn vẫn không tháo dỡ. Trong quyết định xử phạt nói trên, cơ quan chức năng đều yêu cầu biện pháp bổ sung đối với các đơn vị vi phạm “Trong thời hạn 180 ngày, 90 ngày nếu không hoàn thiện giấy tờ thủ tục sẽ bị cưỡng chế”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các đơn vị này dù chưa hoàn thiện thủ tục và cũng đã hết thời gian cho phép nhưng vẫn không tháo dỡ công trình vi phạm trên diện tích đất lấn chiếm.

Đơn cử như DN Hồng Lương, bị xử phạt vì hành vi chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn dù đã hơn 2 năm, đơn vị này chỉ nộp tiền phạt, còn hồ sơ thuê đất vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí các lán trại, hệ thống bán rung… vẫn “tồn tại” ngay trên diện tích lấn chiếm này. Lý giải về vấn đề này, ông Đinh Văn Lương - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc DN Hồng Lương cho rằng: Về hồ sơ thủ tục sau khi nộp tiền xử phạt, DN Hồng Lương đã làm các thủ tục hồ sơ gửi lên huyện, nhưng do vướng mắc nên đến nay vẫn chưa xong. Còn việc không tháo dỡ các công trình trên đất là vì trong quyết định xử phạt không yêu cầu.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trước hết phải khẳng định từ trước nay, các mỏ khoáng sản chỉ được cấp phép về khai thác, chứ chưa cấp phép các vùng đệm xung quanh mỏ. Đến nay, sau khi kiểm tra, rà soát thì hầu hết các doanh nghiệp khai thác đều “dính” lỗi này. Trước thực trạng trên, huyện đã có báo cáo UBND tỉnh để hướng dẫn tháo dỡ nhưng đến nay vẫn đang là dự thảo.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top