Những năm gần đây, lực lượng lao động có sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ… Đây là xu thế chung và tất yếu. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động trẻ. Vậy đâu là lời giải cho nâng cao năng suất lao động trong kinh tế nông nghiệp - nông thôn?
Cách làm của Tuần Giáo
Tuần Giáo (Điện Biên) là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Những năm qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động; nhất là phổ biến chủ trương, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số.
Những điểm sáng trong nâng cao năng suất lao động nông nghiệp - nông thôn
Vào cao điểm thu hoạch, nông dân vẫn gặp khó khăn khi tìm lao động làm thuê thời vụ.
Hàng năm, huyện đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn qua việc phát phiếu thông tin về nhu cầu học nghề, khảo sát qua các cuộc họp thôn, bản; đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo, cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, huyện đã mở gần 50 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.600 lao động nông thôn, trong đó có 4 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và 45 lớp dạy nghề về nông nghiệp”.
Theo ông Hạnh, sau đào tạo, phần lớn người lao động đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Một số hộ đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, cho nguồn thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm khoảng 75%, riêng lao động học nghề phi nông nghiệp gần như đều có việc làm sau đào tạo.
Phát huy vai trò của HTX
Vào mùa vụ, nhiều nhà nông phải “đỏ mắt” tìm nhân công làm thuê, trong khi phần lớn lao động thanh niên vì không có thu nhập ổn định lâu dài nên chọn cách “ly hương”.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (Châu Thành - An Giang) lấy hoàn cảnh thực tế của mình để lý giải: “Nhà chỉ có 2 công (1 công = 1.000m2) đất của cha mẹ để lại làm vốn sinh nhai, nhưng làm ruộng thì bấp bênh, trồng rẫy không hiệu quả. Tôi và vợ quyết định lên Bình Dương làm công nhân, mỗi tháng tiết kiệm được 7 triệu đồng. Số tiền này cao gấp đôi so với lúc còn ở quê làm theo mùa vụ, đồng ruộng đang dần cơ giới hóa, công việc của lao động chân tay trong cảnh ngày làm, ngày nghỉ, ai thuê gì làm nấy, không ổn định”.
Máy móc thay thế sức người khiến lao động thời vụ bị dư thừa, trong khi vào giai đoạn cao điểm gieo, cấy, thu hoạch thì khan hiếm lao động làm thuê. Xu hướng này ngày càng tăng, có lúc chủ hộ phải trả tiền thuê khá cao vẫn khó tìm được lao động. Có thời điểm, do ảnh hưởng bởi thời tiết, giá cả thị trường, chi phí nguyên liệu, lại gánh thêm phí thuê lao động khiến nông dân sản xuất không có lời.
Theo anh Nguyễn Thành Nam, người trồng ớt tại huyện Phú Tân (An Giang), kể cả những người trẻ hiện nay chấp nhận gắn bó với nghề nông, phần lớn đều có trình độ nhất định, học hỏi nhạy bén từ sách, báo, Internet để ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Làm nông hiện nay khỏe hơn trước rất nhiều, nhờ kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, sản xuất trong nhà lưới. Tuy sự mới mẻ này chưa bao phủ hết nền nông nghiệp, nhưng công việc còn lại của lao động chân tay chỉ còn cần thiết với những khâu đơn giản. Những người tận dụng thời gian nhàn rỗi, hộ nghèo, không đất sản xuất… mới phải lệ thuộc các công việc này.
Rồi đây, những lao động lớn tuổi cũng phải nghỉ ngơi, trong khi người trẻ chọn con đường học tập, làm việc với trình độ tay nghề hoặc chuyên môn cao tiếp tục tăng theo hướng tích cực. Những lao động phổ thông đủ khả năng và sức khỏe vẫn được khuyến khích tham gia vào thị trường lao động có trình độ cao, qua đào tạo để tạo ra thu nhập và đóng góp cho phát triển kinh tế tốt hơn.
Để góp phần giảm tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, giảm bớt lao động chân tay. Tuy nhiên, các nơi áp dụng chưa đồng đều, còn cần thay đổi trong tập quán canh tác của nông dân, tập trung ruộng đất quy mô lớn, thực hiện các mô hình canh tác theo hướng hiện đại.
Bên cạnh ứng dụng máy móc vào sản xuất, cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu, chọn lọc và có định hướng phát triển lâu dài. Những người tham gia học nghề sẽ từng bước thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi thói quen lao động theo kinh nghiệm; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế và thu nhập.
Ngoài ra, ở nhiều địa phương đang phát huy hiệu quả của HTX, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp chuyên làm thuê nông nghiệp với giá cả phù hợp và cam kết về chất lượng. Đây là xu thế để nông dân lựa chọn tiếp cận, giải quyết phần nào khó khăn thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kết hợp dạy nghề với kỹ năng quản trị
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ chủ động tham gia chương trình dạy nghề cho thanh niên nông thôn.
Kết quả 10 năm triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, giai đoạn 2011 – 2020, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã tổ chức đào tạo nghề cho 28.179 thanh niên nông thôn, tạo việc làm mới cho 25.980 người.
Ngoài ra, Vĩnh Long còn tổ chức dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với hơn 83% dân số ở nông thôn. Tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung, chương trình đào tạo nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: chương trình khuyến nông, các dự án phát triển vùng sản xuất chuyên canh, trồng lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình sản xuất VAC,... và phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Các lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu có thời gian học dưới 3 tháng. Đến nay, có 12.672 nông dân được tạo nhóm ngành nghề chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề chủ lực phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
Nông dân chuyên nghiệp là một hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận.
Tỉnh đã xây dựng được các mô hình, điển hình trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả. Nhìn chung, qua đào tạo nghề, người nông dân đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học, những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được tỉnh Bình Định quan tâm, đầu tư ngân sách cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề (Đề án 1956), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển các chương trình, giáo trình, học liệu và đầu tư mới các thiết bị đào tạo nghề; đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trong 10 năm qua trên 183.592 triệu đồng.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) theo Đề án 1956 cho 12.500 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80% (chủ yếu theo hình thức người lao động tự tạo công ăn việc làm: làm theo nghề mới học hoặc tiếp tục làm theo nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên). Sau học nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.
Thu nhập bình quân trước kia của người lao động nông thôn khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/người/tháng, sau khi học nghề tăng lên 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Nhằm đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ngày 29/9/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021-2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…); đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; đào tạo thí điểm để đưa lao động nông nghiệp đi xuất khẩu lao động theo diện hợp đồng; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tập trung dạy nghề, cần quan tâm đến việc giúp người lao động thêm kiến thức về quản trị, lập kế hoạch.
Những cách giữ lại lao động trẻ
Theo bà Dương Thị Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp: “Lao động trẻ ở nông thôn thoát ly khởi nông nghiệp rất cao, đa phần nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao”.
Do đó, để giữ lại lao động trẻ, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam đang dành nhiều nguồn lực tập trung cho chiến lược hỗ trợ lực lượng nông dân trẻ khởi nghiệp tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho lao động trẻ ở nông thôn.
Cụ thể, với nhóm nông dân trẻ mới tham gia sản xuất kinh doanh nông nghiệp, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam sẽ hỗ trợ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cho hỗ trợ vốn ưu đãi ban đầu, kết nối công nghệ và thị trường cũng như tập huấn kỹ thuật.
Còn với nhóm đã có kinh nghiệm, quỹ hỗ trợ mở rộng quy mô kinh doanh và kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn phát triển. Còn với nhóm nông dân trẻ có kinh nghiệm và cả tư duy kinh tế nông nghiệp, quỹ sẽ hỗ trợ để phát triển mô hình kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng ngành hàng nông nghiệp cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoàn cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có một nhóm là phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó có nhóm 11 nội dung thành phần như chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bao gồm hợp tác xã, kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nông nghiệp và du lịch nông nghiệp… Qua đó kỳ vọng có nhiều việc làm ở nông thôn hơn, giúp “ly nông mà không ly hương”.
“Các bạn trẻ không nhất thiết khởi nghiệp là phải về trồng, phải về nuôi mà chỉ sử dụng những sản phẩm của người dân, thông qua thế hệ trẻ tiếp cận nhanh nhạy với chuyển đổi số, nhanh nhạy với thị trường, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật có thể tạo ra giá trị gia tăng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, cần vừa xây dựng những giải pháp hỗ trợ phát điển sản xuất quy mô lớn để giữ chân lao động trẻ, vừa cần có cơ chế thu hút giới trẻ tinh hoa về phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM.
Cần trở thành nông dân chuyên nghiệp
Khái niệm nông dân chuyên nghiệp không phải là mới, thực tế đã được ghi nhận và đề cập tại Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những vấn đề đặt ra đối với nông dân chuyên nghiệp trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại…
Đề cập đến người nông dân chuyên nghiệp thời đại mới, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng: “Đó là những người nông dân có tư duy kinh tế, kiến thức tổng hợp về khoa học kĩ thuật, nông nghiệp, thị trường. Đó còn là những người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, “bán cái mà thị trường cần”, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết”.
Người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tế. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ “Tín”. Một chữ thôi nhưng có thể đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Hành trình tôi luyện người nông dân chuyên nghiệp là hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận. Không còn con đường nào khác, phải tri thức hóa người nông dân. Chúng ta phải là những người giúp người nông dân tri thức hóa bằng những câu chuyện đời thường, bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, những vấn đề nhỏ nhất rồi mới đến vấn đề vĩ mô khác”.
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nhấn mạnh “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn”.
Nghị quyết 19 cũng xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh Chiều 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý. Liên quan đến vấn đề tăng năng suất lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng. Theo Thủ tướng, thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn… Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp. Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả, hội nhập; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động… |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.