Nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn là khu vực có năng suất lao động thấp, vì vậy, việc tăng năng suất lao động trong nông nghiệp vẫn là những thách thức lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, táo bạo, nhiều địa phương đã mạnh dạn thay đổi cách làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế với năng suất lao động cao, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Bài 1: Năng suất lao động thấp, đâu là nguyên nhân?
Thuê đất để làm nông nghiệp
Hà Tĩnh - vùng đất khắc nghiệt, hằng năm phải gánh chịu biết bao thiên tai, bão lũ. Có lẽ bởi thế mà người nông dân nơi đây luôn kiên cường và rắn rỏi, dù trong hoàn cảnh nào cũng ra sức lao động sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm tròn vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi giúp nhiều HTX ở Hà Tĩnh “ăn nên, làm ra”.
Trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả của tổ dân phố Trung Quý, TP. Hà Tĩnh, năm 2014, ông Nguyễn Tường Hà cùng với 6 thành viên khác thuê lại hơn 7ha đất để thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm.
Ông Nguyễn Tường Hà, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm chia sẻ: “Trước đây, diện tích đất được người dân sử dụng để trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên họ dần bỏ đất, không còn canh tác. Nhận thấy đất để không cỏ dại mọc um tùm rất lãng phí, tôi đã bàn với 6 người bạn cùng nhau vận động người dân cho thuê lại để làm ăn”.
Mỗi năm, trang trại của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm thu được khoảng 30 tấn cá, cho nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng.
“Sau khi thuê được ruộng, tôi đã triển khai đắp bờ, kè bờ và hoàn chỉnh kênh dẫn nước để quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản trên diện tích 7 ha. Vừa làm, tôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi vịt, cá rô phi, cá chép, tôm càng xanh…”, ông Hà cho biết thêm.
Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên mô hình của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm đã có 16 hồ nuôi tôm và cá. Mỗi năm, HTX thu hoạch được khoảng 30 tấn cá các loại, cho nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng và khoảng 2 tấn tôm càng xanh, đưa về nguồn thu khoảng 700 triệu đồng.
Ngoài ra, với hơn 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày, HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm thu được hơn 1.600 quả trứng, mỗi năm cho nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX còn nuôi vịt thịt. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong ruộng đồng, vịt có nguồn thức ăn trong tự nhiên nên giúp HTX giảm được chi phí mua thức ăn, công chăm sóc, vịt khỏe mạnh và ít dịch bệnh, cho thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hà chia sẻ: “Hiện, doanh thu mỗi năm của HTX đã đạt gần 5 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ đa dạng thêm vật nuôi để tăng nguồn thu, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh cho biết: “Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, từ tháng 11/2021 - 6/2022, xã đã tích tụ, tập trung ruộng đất được 56 ha (trong đó 16 ha tích tụ), quy hoạch lại đất để phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế có giá trị cao và các ngành nghề thương mại, dịch vụ... Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác đạt 81 triệu đồng/năm”.
Hay như tại xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh, quá trình chuyển đổi ruộng đất đã giúp địa phương mở rộng thêm nhiều mô hình sản xuất với đa dạng các sản phẩm từ lúa, nhà lưới trồng rau - củ - quả, nuôi trồng thủy sản, sen, nuôi ong, làm du lịch sinh thái… Riêng trong năm 2021, địa phương xây dựng được 13 mô hình và trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng thêm 7 mô hình về nông nghiệp đô thị. Xã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của OCOP (bánh đa nem Nam Chi, có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và tinh dầu tràm); thành lập mới, kiện toàn 5 HTX, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
“Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả tốt, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chủ trương tích tụ ruộng đất đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có năng lực, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đây chính là nền tảng để vùng ven đô thay đổi diện mạo và tư duy của người dân trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân”, ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết.
Nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất
Chuyển đổi số đã và đang giúp nhiều tỉnh miền núi phía Bắc tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm địa phương; thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa.
Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, huyện Tân Cương (Thái Nguyên) được mở rộng phạm vi quảng bá, tiêu thụ ra toàn quốc. Sản phẩm từng bước chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... Hiện nay, 14 sản phẩm thuộc ba dòng trà, gồm: tôm nõn (đạt OCOP 5 sao), móc câu (OCOP 4 sao), trà đinh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ta, như: Postmart.vn, voso.vn, cũng như được quảng bá trên mạng xã hội Zalo, Facebook...
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, cho biết: Từ khi đưa mặt hàng chè lên sàn giao dịch thương mại, doanh thu của chúng tôi cao hơn so với trước. Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội, việc cung ứng sản phẩm gặp khó khăn nhưng nhờ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, nên năm 2021, cơ sở sản xuất của chúng tôi đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng; thu nhập của những người nông dân liên kết với hợp tác xã tăng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng lên 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Những vùng sản xuất rộng lớn, quy hoạch tập trung đang mở ra cho nông nghiệp ven đô TP. Hà Tĩnh bước phát triển mới, chuyên nghiệp, hiện đại và giá trị tăng cao.
Có thể nói, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Dương Sơn Hà chia sẻ, triển khai chương trình chuyển đổi số, các ngành, đơn vị liên quan đã có sự phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Các chủ thể OCOP tại địa phương được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở… Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số; 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee…
So với Thái Nguyên, Yên Bái cũng có bước chuyển đổi số khá thành công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, địa phương xác định mình là tỉnh nghèo, muốn phát triển kinh tế-xã hội, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn công nghệ. Yên Bái có cách tiếp cận riêng, là đi vào những lĩnh vực chi phí ít nhưng đã có nền tảng cơ sở để tận dụng nguồn lực sẵn có và tiết kiệm chi phí. Địa phương thống nhất quan điểm 3T về chuyển đổi số: nhận thức phải thống nhất; hành động phải trọng tâm; nguồn lực phải thỏa đáng.
Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cơ cấu giống, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh đang đầu tư mạnh cho quy trình tự động hóa, nền tảng số nhằm tạo thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bắt nhịp cuộc cách mạng 4.0, nhiều mô hình tăng trưởng mới ứng dụng công nghệ số cũng đã hình thành như: lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động, gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc trên cam, bưởi và một số sản phẩm OCOP nhằm kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị; quản lý sản xuất qua hệ thống app thông minh…
Cách đây khoảng 4 năm, HTX Nông nghiệp Gia Phúc ở xã Thường Nga, Can Lộc (Hà Tĩnh) bắt tay vào đầu tư xây dựng trại cây ăn quả Khe Lang theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 30 ha. Đến nay, trại cây ăn quả Khe Lang đã có 5.000 gốc bưởi, 3.500 gốc cam, 2.000 gốc ổi, 1.500 gốc chanh, 1.500 cây thanh long, 800 gốc táo và 500 gốc mít.
Vừa kiến thiết hạ tầng, vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm, hiện ổi sạch Khe Lang của HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và HTX đang tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cam, bưởi, táo.
Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc cho biết: “Sau 4 năm, một số sản phẩm đã bắt đầu cho thu hoạch như ổi (hơn 20 tấn/năm), thanh long và cam (thu hoạch bói)… Quan trọng hơn, việc đầu tư bài bản, thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất ngay từ đầu đã giúp chúng tôi ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT. Hiện nay, trại cây ăn quả đang được thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số, “đặt tên” cho cây để quản lý sản xuất bằng hệ thống dữ liệu, dán tem truy xuất nguồn gốc. Từ đây, sản phẩm sẽ được “nâng tầm” và có thể nghĩ đến những thị trường lớn hơn qua kết nối với các sàn thương mại điện tử”.
“Đặt tên” cho cây mà ông Lê Vạn Hải nói chính là việc đánh số, ký hiệu theo vùng, theo hàng và từng cây rồi kết nối thông tin về hệ thống dữ liệu quản lý. Quy trình này sẽ giúp người sản xuất quản lý tổng thể quá trình chăm sóc, sinh trưởng của từng cây; định vị nhanh và xử lý sớm các dấu hiệu về sâu bệnh, tránh lây lan gây thiệt hại kinh tế.
Những năm gần đây, lĩnh vực trồng cây ăn quả được nhiều nhà vườn đầu tư công nghệ một cách bài bản, nghiêm túc. Chẳng hạn, đầu tư lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos vào vườn ươm giống ở xã Hương Trà (Hương Khê); mô hình gắn tem mã QR truy xuất cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Sơn Mai, nhung hươu Hương Sơn…
Mỗi vùng miền tùy vào các lợi thế sản xuất để tìm “lối mở” trong việc ứng dụng KHCN. Ở vùng nuôi tôm công nghệ cao thuộc tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà), bà con chuyển hướng từ ao lót bạt sang nuôi tôm trong nhà. HTX Minh Đức không phải mô hình đầu tiên, song sự bài bản, quy mô thì vào loại bậc nhất của vùng này.
Anh Lê Văn Cường - cán bộ kỹ thuật HTX Minh Đức cho biết: “Với tổng diện tích 3.500 m2, năm 2019, HTX chuyển sang nuôi tôm trong nhà theo 3 cấp. Cứ mỗi nhà 330 m2 chia thành 10 bể nuôi được trang bị đầy đủ hệ thống đèn, sục khí, bạt che mùa đông và lưới đan mùa hè để giữ nhiệt độ ổn định.
Nhà đầu tiên thả nuôi khoảng 25 vạn con, trong khoảng 10 - 15 ngày bắt đầu san mật độ để chuyển sang nhà thứ 2 và tiếp tục nuôi trong nhà đến thời điểm tôm có đề kháng, kích cỡ ổn định trước khi ra ao trời. Mặc dù phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhưng tôm nuôi ổn định hơn, dễ quản lý dịch bệnh, giảm chi phí. Đặc biệt, kích cỡ tôm lớn hơn, đạt 30 con/kg, bán 200 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giá tôm nuôi truyền thống
Ở vùng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là lựa chọn tối ưu đối với điều kiện quỹ đất hạn hẹp và lợi thế cạnh tranh cao. Chỉ tính trong 2 năm (2019 - 2020), TP. Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng 49 nhà lưới trồng dưa, rau công nghệ cao với gần 20.000 m2. Mô hình này không chỉ đưa lại thu nhập cao mà còn góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp đô thị của bà con nông dân.
Hà Giang chọn cách làm riêng trong chuyển đổi số để tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp.
Để nông dân thỏa sức sáng tạo
Trong diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá, quyết định cho sự phát triển. Trong tầm nhìn và định hướng phát triển, quan điểm về động lực phát triển, Đảng ta khẳng định: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trực tiếp trải nghiệm thực tế lao động sản xuất nên những người nông dân luôn thấu hiểu những khó khăn làm giảm năng suất lao động. Từ đó, họ luôn không ngừng tìm tòi phát minh ra những công cụ, máy móc giúp tăng năng suất và giảm bớt sức lao động.
Lớn lên từ đồng ruộng, không qua trường lớp đào tạo nhưng với niềm đam mê sáng tạo, anh Hồ Văn Gừa (ấp 1, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã mày mò nghiên cứu và sáng chế thành công chiếc máy “3 trong 1” (với các tính năng xịt thuốc, sạ lúa, sạ phân), giúp nông dân tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ sức khỏe.
Anh Gừa chia sẻ: “Thấu hiểu những vất vả, nặng nhọc của nông dân mỗi khi đến lúc xịt thuốc thì đeo bình xịt ra đồng, vất vả, nhọc nhằn, vậy là tôi bắt đầu có ý tưởng sáng chế ra chiếc máy này để họ đỡ phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun xịt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng lợi nhuận sản xuất nông nghiệp”.
Chiếc máy vận hành bằng bánh xích, chạy bằng động cơ dầu, được chế tạo từ những bộ phận của chiếc máy gặt đập liên hợp. Phía sau là hệ thống giàn phun thuốc gồm 2 cần phun có chiều dài gần 20m, ít hao thuốc và được phun đều, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa.
Với hệ thống máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật này, mỗi hécta lúa chỉ mất khoảng 30 phút để phun, trong khi phun thủ công phải mất tới 2 - 3 giờ.
Ngoài tính năng phun xịt thuốc, máy còn được anh Gừa chế tạo thêm tính năng sạ phân và sạ giống. Trên chiếc máy này, anh lắp đặt 1 máy sạ phân, giống và dùng 1 mô-tơ điều khiển cần gạt qua lại, lượng phân, giống nhiều, ít, gần, xa có thể điều chỉnh được bằng tay. Trung bình 1 ngày, máy có thể sạ phân, giống từ 16-20ha. Chiếc máy “3 trong 1” của anh Gừa đã góp phần giải quyết việc thiếu hụt lao động tại nông thôn, giảm lao động chân tay.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An Ngô Thanh Tuyền cho biết: Các đề tài sáng chế của nông dân trong thời gian qua đều có ý tưởng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của nông dân trong quá trình lao động. Sự sáng tạo của nông dân đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất và được ứng dụng rộng rãi. Chúng tôi hết sức hoan nghênh tinh thần tìm tòi, sáng tạo của nông dân trên địa bàn. Ngoài lợi ích về kinh tế, những giải pháp đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân, giải quyết lao động thiếu hụt tại địa phương, giảm lao động chân tay, tăng năng suất lao động cho nông dân.
Để tăng năng suất lao động, kế thừa những mô hình đang phát triển, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang tập trung cao các giải pháp, cơ chế, chính sách về KH&CN, chuyển đổi số, đất đai, tín dụng… nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh NTM. Trong đó, tiên quyết vẫn là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi mô hình tăng trưởng nhờ tích hợp đa giá trị gồm: hàm lượng KH&CN, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, tăng kênh phân phối qua thương mại điện tử… để tối ưu hóa giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Bài 3: Lời giải?
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.