Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 6 năm 2023 | 15:27

Nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP và chú trọng nguồn gốc

Các sản phẩm OCOP cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Cần chú trọng giải pháp để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.

Chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu 2T Farm - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).

Thanh Hóa: Giải pháp nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 314 sản phẩm được công nhận với hơn 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm OCOP cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc không ngừng cải thiện chất lượng, uy tín sản phẩm, đáp ứng về quy mô và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sẽ là giải pháp để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.

Là một trong những HTX tiên phong trong chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, hiện các sản phẩm của HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ (Như Thanh) đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, như: nấm bào ngư xám, mộc nhĩ, linh chi đỏ, trà túi lọc linh chi. Anh Lê Đình Trúc, giám đốc HTX chia sẻ: Sau khi hoàn thiện các tiêu chuẩn hàng hóa để đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng với lượng tiêu thụ tăng lên từ 30 - 50%. Một số đối tác trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan cơ sở sản xuất và đặt vấn đề ký kết đơn hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, do diện tích nhà xưởng hiện đang khá chật hẹp nên HTX chưa thể đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như bảo đảm điều kiện để nâng sao sản phẩm.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Quá trình triển khai Chương trình OCOP thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những hạn chế từ nội tại chủ thể sản xuất như việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa đồng bộ, chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều thì công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa cũng chưa kịp thời, dẫn đến chủ thể thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất cho hiệu quả. Bên cạnh đó, do phần lớn chủ thể OCOP là các HTX, hộ gia đình nên chuyên môn về việc xây dựng, phát triển, quản lý thương hiệu sản phẩm chưa cao.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng thì hình thức và mẫu mã sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng góp phần định hình thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Thực tế, sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã chú trọng đầu tư nguồn kinh phí xứng đáng cho việc thiết kế, in bao bì, nhãn mác với các thông tin rõ ràng về cơ sở sản xuất từ tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại, website và email với hình thức thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi tra cứu thông tin sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm một cách hữu hiệu. Điển hình như nhiều sản phẩm: Siro bổ dưỡng sâm Báo Triso (Triệu Sơn), mật ong của HTX mật ong Hưởng Hoa (Thạch Thành), tinh dầu ngải cứu HERBAL FARM của Công ty CP Đông Nam dược miền Trung, xã Đồng Lương (Lang Chánh)... đều đạt sản lượng tiêu thụ tăng cao khi các chủ thể có sự chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu thông tin và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, một số chủ thể lại chưa chú trọng đúng mức vấn đề này và chỉ đầu tư dán nhãn khi phân phối tại các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Không ít sản phẩm OCOP tiêu thụ qua các kênh truyền thống còn được xuất bán “thô”.

Để khắc phục những hạn chế trong quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, bản thân các chủ thể cần không ngừng đầu tư vào giá trị cốt lõi là chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, chú trọng đúng mức tới vấn đề xây dựng nhãn hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua các chứng nhận nhãn hiệu tập thể; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tạo sự lan tỏa thương hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thực tế, với sự chủ động “nhập cuộc” của một số chủ thể trong nâng cao uy tín, chất lượng như đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã sản phẩm và xây dựng website, bộ nhận diện thương hiệu riêng, cập nhật thông tin, giới thiệu và bán sản phẩm qua các sàn, trang mạng xã hội như Voso.vn, Lazada.vn, Shoppee.vn; Facebook, TikTok, Zalo,... đã giúp thương hiệu lan tỏa mạnh mẽ, nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sự định hướng, hỗ trợ trong công tác quy hoạch, tạo thuận lợi trong chuỗi liên kết “4 nhà” và kết nối các chương trình xúc tiến, giới thiệu sản phẩm của các cơ quan Nhà nước cũng là một giải pháp hỗ trợ quan trọng giúp chủ thể OCOP "sống khỏe” sau chứng nhận.

Bắc Ninh: Tiên Du phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng trồng rau quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP hay xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín, tự động hóa… là cách nhiều nông dân huyện Tiên Du đã và đang thực hiện.

HTX rau củ quả Liên Ấp là một trong những đơn vị liên kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô lớn tại xã Việt Đoàn.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, do anh Nguyễn Thanh Liêm (xã Việt Đoàn) ngày càng khẳng định sự sáng tạo của người nông dân dám nghĩ dám làm. Sau một thời gian học hỏi, tìm hiểu về những mô hình NNCNC trong và ngoài tỉnh, năm 2017, anh Liêm huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 700 m2 nhà lưới, trồng 2.200 cây cà chua, hơn 3.000 cây dưa chuột, dưa lê trái vụ và một số loại cây ăn quả. Mô hình mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa. Từ thành công ban đầu, năm 2017, anh Liêm liên kết với một số hộ dân trong xã để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, trên diện tích 5 ha.

Năm 2020, anh Liêm tiếp tục trồng thử nghiệm gần 100 gốc nho xanh và nho tím không hạt. Sau 6 tháng trồng, nho cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX của anh mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500 m2 nhà màng. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh có gần 30 loại sản phẩm, trong đó các sản phẩm nổi bật là Nho xanh không hạt, nho tím không hạt, bưởi diễn được đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh doanh thu mỗi năm từ 1-1,5 tỷ đồng.

Phát huy, vận dụng kiến thức chuyên ngành về thú y tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Hải Nam (xã Cảnh Hưng)  quyết định theo đuổi nghề nuôi thỏ New Zealand tại quê nhà. Thành công từ bước đầu thử nghiệm, đến năm 2020 anh mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích khoảng 720 m2 và mua 100 con thỏ nái. Chuồng trại được lắp đặt hệ thống tự động làm mát, cách nhiệt, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Nhờ  được chăm sóc đúng quy trình, theo hướng an toàn sinh học đàn thỏ phát triển nhanh, đảm bảo đúng thời gian sinh sản và xuất chuồng. Đến nay, anh Nam có 290 con bố mẹ, 1.200 con thỏ thương phẩm. Mỗi tháng từ trang trại của anh cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các khu vực lân cận như Hà Nội, Hưng Yên khoảng 150 con thỏ. Doanh thu mỗi năm từ trang trại nuôi thỏ đạt khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 350-400 triệu đồng.

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Tiên Du có nhiều hoạt động thiết thực gắn các phong trào thi đua  nhằm khích lệ hội viên, nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm; khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, sức lao động, đất đai... đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, tiên phong đi đầu trong ứng dụng thử nghiệm các mô hình mới, sáng tạo.

Toàn huyện hiện có 9 trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ứng dụng công nghệ cao, hệ thống chuồng kín tại xã Cảnh Hưng, Minh Đạo, Liên Bão, Việt Đoàn với quy mô nuôi từ 1.000 đến 4.000 con lợn thương phẩm/lứa. Tại xã Lạc Vệ có 17 hộ nuôi trông thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP; tại xã Cảnh Hưng, Việt Đoàn có 9 mô hình trồng trọt nhà màng, nhà kính quy mô từ 1.000m2 đến 20.000 m2 doanh thu từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng nho kết hợp trải nghiệm du lịch của anh Nguyễn Thanh Liêm đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân trong huyện duy trì các mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với các công ty, doanh nghiệp phân phối uy tín như: mô hình liên kết trồng rau ăn toàn Hương Việt Sinh ở thôn Rền, xã Cảnh Hưng quy mô 8 ha; mô hình sản xuất rau an toàn của HTX rau của quả an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn quy mô 20 ha liên kết 152 hộ cùng góp đất sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, doanh thu từ 200 đến 300 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại từ trồng rau và hoa màu áp dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần cấy lúa.

Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Du cho biết: “ Để hỗ trợ nông dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Hội nông dân huyện tạo điều kiện về nguồn vốn vay tín chấp hơn 140 tỷ đồng; phối hợp mở 33 lớp dạy nghề, 200 buổi chuyển giao KHKT cho hơn 1.000 lượt hội viên nông dân trong huyện.

Để các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát huy hiệu quả, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tiên Du tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất quy mô lớn phát triển; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao về sinh học, đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến; áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới.

Hà Nội: Chú trọng chất lượng và nguồn gốc sản phẩm

Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, chủ động phòng ngừa ngộ độc, sử dụng thực phẩm an toàn, Hà Nội đã và đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.

Đại diện Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Lan Chi (huyện Phú Xuyên). (Ảnh: Hương Giang)

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nông sản, thực phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra và nhiều cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng, trên địa bàn huyện có 6.963 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong thời gian qua, huyện đã kiểm tra 475 cơ sở; trong đó, tuyến huyện kiểm tra 81 cơ sở và tuyến xã, thị trấn kiểm tra 394 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 23 cơ sở vi phạm; trong đó, nhắc nhở 17 cơ sở, xử phạt 6 cơ sở với số tiền 12 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ; thiếu giá kệ kê, chứa đựng thực phẩm. Mặt khác, việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, từ tháng 4 đến tháng 5-2023, toàn huyện đã kiểm tra 898 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, kinh doanh thức ăn đường phố và đã xử phạt 24 cơ sở vi phạm với số tiền 25,5 triệu đồng. “Nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cập nhật, tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nên chưa thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính đúng theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Huy cho hay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia, hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Một số chủ cơ sở còn sắp xếp hàng hóa lộn xộn, để thức ăn chín xen lẫn với thức ăn tươi sống, chưa bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo, kinh doanh online các mặt hàng thực phẩm diễn ra phức tạp, khó kiểm soát về nội dung quảng cáo, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao, nhất là sản phẩm bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian cao điểm về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Do đó, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản bán trên thị trường và từ nơi sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn; kinh doanh thức ăn đường phố phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm; lao động làm việc trong nhà hàng ăn uống phải được tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi, trong thời gian tới, chi cục tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong bữa ăn gia đình, như: Rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống, giò, chả… Cùng với đó, chi cục phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, lấy mẫu giám sát chất lượng, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã quan tâm đến các dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được chế biến tại các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống để không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thuộc thành phố cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top