Việc hàng trăm người dân dùng máy hút cát vào khu vực bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) khai thác nghêu giống trái phép sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Tỉnh Cà Mau đã và đang quyết liệt vào cuộc để đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
Khai thác nghêu giống trái phép
Thông tin từ đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, những ngày gần đây, tại khu vực ven biển Trương Phi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) có rất đông người dân dùng phương tiện khai thác nghêu giống trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây phức tạp an ninh trật tự.
Cụ thể, từ ngày 17/6, mỗi ngày có khoảng 100 phương tiện khai thác nghêu giống tại khu vực trên. Riêng ngày 19/6, có 94 phương tiện, với khoảng 160 người khai thác nghêu giống; trong đó, có 74 phương tiện với 130 người vào khai thác trong khu nuôi nghêu thương phẩm của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi.
Cao điểm có lúc lên tới gần 100 phươn tiện tham gia khai thác nghêu trái phép.
Liên tiếp những ngày sau đó đều có một lượng lớn phương tiện của người dân vào khai thác nghêu giống trong khu vực nuôi nghêu thương phẩm của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi. Đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Đồn Biên phòng Đất Mũi, Hợp tác xã Nuôi nghêu Đất Mũi đã có mặt, trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân không khai thác nghêu giống trong khu vực nuôi nghêu của hợp tác xã nhưng không hiệu quả.
Ông Tiêu Minh Luân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, qua theo dõi tình hình, đa phần các hộ dân đang khai thác nghêu giống trái phép đều là những hộ nghèo ở địa phương nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động những hộ này dừng khai thác trái phép nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Ngày 22/6 vẫn có 69 phương tiện với 118 người khai thác nghêu giống tại khu vực bãi bồi xã Đất Mũi; trong đó có 23 phương tiện, với 29 người vào khai thác ở khu vực nuôi nghêu thương phẩm của Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi. Số lượng người và phương tiện khai thác nghêu đã giảm nhiều so với những ngày trước. Cao điểm, có ngày khu vực này có 120 phương tiện với hàng trăm người vào khai thác nghêu.
Việc nhiều người dùng máy hút cát để khai thác nghêu giống vừa làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tái sinh, vừa ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy của nước và có nguy cơ làm mất an ninh trật tự của địa phương. Do lợi nhuận từ việc khai thác nghêu giống cao (thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày) nên nhiều người bất chấp sai phạm để tận thu.
Khai thác nghêu giống trái phép sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Ông Lê Phú Sánh, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi nghêu Đất Mũi cho biết, tuy người dân không hút 300 tấn nghêu thịt của HTX đang nuôi nhưng việc đưa máy hút cát vào khu vực làm một số nghêu thịt theo quán tính đóng miệng đột ngột, làm kẹt lưỡi và chết.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người nuôi nghêu thương phẩm, không để xảy ra xung đột và tạo thành điểm nóng, những ngày qua, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau chủ động phối hợp và đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ đơn vị xử lý kịp thời khi phát sinh tình huống, đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, UBND xã Đất Mũi hỗ trợ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trên địa bàn không được khai thác nghêu giống trái phép.
Cần giải pháp lâu dài
Trước sự việc trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền huyện Ngọc Hiển ổn định an ninh trật tự, tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát tình hình… để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp gây mất an ninh trật tự (nếu có), tránh để phát sinh điểm nóng.
Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, các đơn vị chức năng có liên quan và chính quyền huyện Ngọc Hiển nghiên cứu, đề xuất giải pháp căn cơ trong quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên, chấm dứt tình trạng khai thác nghêu giống trái phép diễn biến phức tạp.
Được biết, tình trạng khai thác nghêu giống ở Cà Mau là chuyện dài, âm ỉ trong nhiều năm qua. Nguồn lợi ấy xuất hiện trong thời gian ngắn, khoảng từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7 dương lịch hằng năm tại khu vực ven biển rộng hàng trăm hecta ở mũi Cà Mau. Đây được xem là “lộc trời ban” cho người dân vùng ven biển có thêm sinh kế, thu nhập nhờ khai thác nghêu giống. Người dân địa phương luôn xem bãi nghêu là ngư trường truyền thống để mưu sinh.
Lực lượng chức năng Cà Mau tham gia tuyên truyền, vận động người khai thác nghêu giống không xâm phạm vùng nuôi nghêu thương phẩm của Hợp tác xã (Ảnh: Nhân dân).
Nguồn nghêu giống sau khi khai thác, được người dân mang về nuôi một thời gian trước khi bán cho người nuôi nghêu thương phẩm ở khu vực ven biển các tỉnh vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… Theo người dân địa phương, nghêu giống tại Cà Mau không thể làm con giống để nuôi thành công tại Cà Mau mà phải chuyển để nuôi ở nơi khác và ngược lại. Nguồn lợi ấy chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, nếu không khai thác cũng tự mất đi..
Tuy nhiên, nơi xuất hiện nghêu giống ở Cà Mau thường nằm quanh khu vực nuôi nghêu hợp pháp của Hợp tác xã nên việc khai thác này rất dễ xảy ra xung đột nếu không có sự can thiệp kịp thời từ các đơn vị chức năng.
Chiều 24/6, ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, số lượng người dân vào khai thác nghêu giống trái phép tại khu vực bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã giảm gần một nửa so với trước đó. Hai ngày nay, số lượng khai thác nghêu trái phép đã giảm xuống còn dưới 70 vỏ lãi. Nguyên nhân giảm là chúng tôi đã cử cán bộ xuống từng nhà người dân có phương tiện khai thác thủy sản để vận động, bắt họ cam kết không khai thác nghêu giống. Đồng thời, lực lượng công an cũng đã nắm lại các thương lái thu mua để vận động họ không mua bán nghêu giống trái phép.
Trước thực trạng người dân khai thác nghêu giống trái phép tại khu vực bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, mặc dù chưa xảy ra xung đột nhưng tiềm ẩn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tái sinh, ảnh hưởng đến môi trường và dòng chảy của nước, đặc biệt có nguy cơ trở thành điểm nóng. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Cà Mau cần có những giải pháp lâu dài để làm sao không còn tình trạng khai thác nghêu trái phép, để không trở thành “điểm nóng” trong tương lai, nhưng cũng cần tạo sinh kế cho những hộ nghèo thoát nghèo, từ đó người dân mới không tiếp tục khai thác nghêu trái phép.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.