Trước việc nhiều người tại một số nước trong khu vực tử vong vì cúm gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công điện khẩn cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Công điện khẩn đề nghị Đồng Nai kiểm soát nhập lậu gia cầm
Bộ NN-PTNT nhận định, nhập lậu gia cầm là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Việc nhập lậu sẽ gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Đặc biệt, Đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đã có nhiều người nhiễm bệnh, tử vong tại Campuchia và một số nước trong khu vực.
Do vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định và theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh có đường bộ, đường sông... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp phải tiêu hủy ngay. Trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.
Ngăn chặn nhập khẩu trái phép gia cầm vào Việt Nam. Hình minh họa
Ban Chỉ đạo 389 của địa phương chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đồng Nai là thủ phủ ngành chăn nuôi gia cầm của cả nước, số lượng đàn lớn, nếu xảy ra dịch thì rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, có chút bất ngờ khi nhận được thông tin về công điện khẩn.
Theo ông Công, Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới, song là thủ phủ chăn nuôi gia cầm của cả nước. Công điện của Bộ NNPTNT có tính lưu ý cao, đề nghị Đồng Nai kiểm soát chặt việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm vào địa bàn tỉnh. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đang diễn biến phức tạp.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận định, có 3 tình huống có thể hình dung từ công điện của Bộ NNPTNT. Trước hết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều nguồn khác nhau có thể đưa gia cầm về Đồng Nai, tìm cách tráo đổi, gắn mác gia cầm Đồng Nai rồi đưa đi tiêu thụ.
Thứ hai, việc kiểm soát không chặt, khiến dịch bệnh lây nhiễm, có khả năng tàn phá ngành chăn nuôi gia cầm trong tỉnh.
Cuối cùng, Đồng Nai có đơn vị đang chăn nuôi gia cầm xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc kiểm soát chặt dịch bệnh lây lan là cần thiết.
"Việc lưu ý, đề nghị như thế cũng là cần thiết", ông Công chia sẻ.
Tính đến tháng 2/2024, tổng đàn gia cầm Đồng Nai ước tính hơn 25,9 triệu con, tăng 1,18% so cùng kỳ. Trong đó, đàn gà hơn 23 triệu con, tăng 1,76%. Đàn gà tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, các trang trại đã chủ động tăng đàn.Khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi.
Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt ở Đồng Nai đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Sản lượng thịt gia cầm 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 33.300 tấn, tăng 0,75%. Trong đó, sản lượng thịt gà ước đạt hơn 29.300 tấn, tăng 0,86% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Trường Giang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, về việc phân vùng nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm, toàn tỉnh có 7/14 huyện, thành phố có nguy cơ thấp, có 4 huyện nguy cơ cao. Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm tại các địa phương có nguy cơ cao vẫn được kiểm soát tốt.
Cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Mục đích của kế hoạch nhằm chủ động phòng chống dịch, khống chế, dập tắt dịch từ khi mới phát hiện và và còn ở diện hẹp; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh nhằm đảm bảo sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân.
"Với công điện mới đây, Bộ NN-PTNT tập trung chỉ đạo đối với ngành Quản lý thị trường và Công an tỉnh. Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có công văn cho nhiều tỉnh về việc kiểm soát gia cầm nhập lậu", ông Giang nói.
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có tổng đàn gia cầm lớn. Việc lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào khiến nguy cơ lây nhiễm cao cho đàn gia cầm trong tỉnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cúm gia cầm cho người là rất cao.
Hiện tại, Đồng Nai đang nỗ lực triển khai theo các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Đồng Nai đã lập tổ công tác, gồm lực lượng 389, quản lý thị trường, công an cùng các ban ngành chức năng của Sở NN-PTNT. "Đồng Nai tăng cường triển khai tại các đầu mối giao thông, các chốt chặn để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện gia cầm nhiễm dịch sẽ tiêu hủy", ông Sinh cho biết.
Cuối tháng 2, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Nai là địa phương có quy mô chăn nuôi lớn, việc phòng chống dịch bệnh phải luôn được tập trung thực hiện vì để xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Năm 2023, Đồng Nai không xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục lưu ý, công tác phòng ngừa phải chú trọng ở tất cả các khâu từ tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; quản lý vận chuyển, hoạt động kinh doanh. Trong đó, công tác quản lý, kiểm tra giết mổ, vận chuyển, mua bán sản phẩm chăn nuôi cũng phải được kiểm soát và tăng cường quản lý, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.
UBND cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.