Trước thực trạng giá lợn hơi trong nước cao hơn giá lợn nhập từ Campuchia, Trung Quốc…, khiến lượng việc vận chuyển lợn qua kênh tiểu ngạch tăng mạnh dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát và rơi vào tình trạng chưa kịp hồi phục đã “xì hơi”.
Chưa tăng đã giảm
Cụ thể, hiện giá lợn hơi giảm nhanh trên cả nước. Đặc biệt tại miền Bắc, giá lợn đã hạ nhiệt ở hầu hết các tỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, có nơi giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với trước. Các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình, giá lợn hơi giảm về mức 63.000 đồng/kg, ngang với Thái Nguyên và Thái Bình, sau khi bị đẩy lên mức 67.000 đồng/kg ở một số địa phương.
Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng bắt đầu giảm sau khi đã giữ ổn định suốt gần 1 tháng qua. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng giảm về mức 62.000 đồng/kg, ngang với tỉnh Quảng Trị. Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực này trong khoảng 59.000 - 63.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, cần kiểm soát chặt lợn nhập lậu vận chuyển trái phép qua biên giới để ổn định thị trường trong nước.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại miền Nam lại biến động không đồng nhất. Các địa phương (gồm Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp) giá giảm 1.000 đồng/kg xuống còn từ 59.000 đồng - 62.000 đồng/kg. Bình quân giá lợn hơi toàn khu vực miền Nam đạt 60.400 đồng/kg.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi cho biết, thời gian gần đây, lượng hàng tiêu thụ có xu hướng tăng khi nhu cầu của người dân có dấu hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, điều lạ là giá lợn trong nước đang chững lại và có dấu hiệu “xì hơi”.
Theo vị này, qua việc nắm bắt thị trường, DN nhận thấy nguồn hàng từ các nước đổ về đang làm tăng mạnh nguồn cung trên thị trường. Tại miền Bắc, nguồn lợn tiểu ngạch từ Trung Quốc về với giá khoảng 60.000-62.000 đồng/kg và từ Thái Lan về qua cửa khẩu Quảng Bình, Quảng Trị với giá 59.000 - 61.000 đồng/kg, đang tạo nên sự khó kiểm soát.
Ở khu vực phía Nam, lợn Thái Lan có dấu hiệu tuồn qua cửa khẩu Long An thay thế cho nguồn lợn Campuchia với giá khoảng 61.000 đồng/kg, số lượng lên tới cả nghìn con mỗi ngày. “Điều này khiến không ít DN, người dân lo ngại. Trong mấy ngày gần đây lượng lợn mà người dân đổ ra bán giảm giá đã xuất hiện khá nhiều trên thị trường”, đại diện DN chăn nuôi cho hay.
Xuất hiện tình trạng vận chuyển trái phép lợn qua biên giới
Sau một thời gian “vắng bóng”, tình trạng lợn nhập lậu lại xuất hiện ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị. Mặc dù không “nóng” như những năm trước, nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn từ nước ngoài vào nội địa dễ lây lan dịch bệnh, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân.
Khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tiếp giáp đường biên giới với Lào, có nhiều đường mòn, lối mở. Từ cuối tháng 7/2023, khi giá lợn trong nước và ở nước ngoài có chênh lệch, các “đầu nậu” bắt đầu tìm mối liên kết, tìm cách vận chuyển lợn từ nước ngoài về. Nắm được thông tin này, lực lượng chức năng ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tăng cường tuần tra và thành lập các tổ tuần tra cơ động để ngăn chặn.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo cho biết, chiều 8/8, đơn vị phối hợp với UBND thị trấn Lao Bảo và các đơn vị liên quan tiêu hủy 15 con lợn thịt nhập lậu qua biên giới. Đây là lô lợn nhập lậu qua biên giới được lực lượng của Đồn Biên phòng CKQT phát hiện và ngăn chặn.
Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy 15 cá thể lợn thịt không rõ nguồn gốc. Ảnh: Mạnh Hùng
Trước đó, tại khu vực đường mòn thuộc khóm Ka Tăng, tổ tuần tra cơ động của Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực cột mốc 604 thì phát hiện có người di chuyển cùng tiếng lợn kêu.
Các thành viên ở tổ tuần tra lập tức bao vây, thì phát hiện một đàn lợn được người dân bản địa dắt bộ qua đường mòn ở biên giới. Khi bị phát hiện thì người dân bỏ chạy, lợn cũng chạy tứ tung. Mất nhiều giờ, tổ tuần tra mới gom được 15 con lợn với tổng trọng lượng gần 800kg về để điều tra.
Nhiều ngày sau, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo mới làm rõ chủ của 15 con lợn nhập lậu là ông Lê Bá Quang (SN 19620), trú tại khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Ông Quang khai nhận, đã mua 15 con lợn ở Lào, rồi thuê người dân bản địa nửa đêm dắt qua biên giới. Nếu đưa về trót lọt, sẽ bán lại cho các lò mổ để hưởng giá chênh lệch.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Bá Quang về hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo cũng phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Hướng Hóa lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận trong 15 cá thể lợn không chứa virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu hủy số lợn trên.
Tương tự tại Long An, Đồn Biên phòng Sông Trăng nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, trên kênh Cái Cỏ, xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng) có người đàn ông đang bơi xuồng composite chở lợn từ phía Campuchia về khu vực biên giới tỉnh Long An.
Đồn Biên phòng Sông Trăng đã phối hợp Công an xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng) mật phục, bố trí lực lượng khu vực bờ kênh Cái Cỏ (phía bờ Long An) chờ đến lúc người đàn ông lùa hết lợn trên xuồng composite lên bờ thì tiến hành bao vây, ra tín hiệu, khẩu lệnh yêu cầu đối tượng chấm dứt hành vi.
Tang vật tại hiện trường gồm một xuồng composite và 7 con lợn, tổng khối lượng khoảng 350kg. Tại thời điểm phát hiện, lực lượng chức năng xác định 6 con lợn có dấu hiệu lờ đờ và ít di chuyển, 1 con chết đang nằm trên xuồng composite.
Lực lượng chức năng bắt giữ lợn nhập lậu qua biên giới tỉnh Long An.
Lực lượng chức năng tiến hành làm việc với người đàn ông khai tên Chak Kimlong, thường trú tại xã Chàm, huyện Kampong Trabek, tỉnh Pray Veng, Vương quốc Campuchia.
Tất cả 7 con lợn Chak Kimlong vận chuyển qua biên giới Long An để bán cho một người Việt Nam thông qua số điện thoại 0878936208. Địa điểm giao nhận lợn tại bờ kênh Cái Cỏ, phía bờ Long An, vào lúc 5 giờ cùng ngày, với tổng số tiền 19,5 triệu đồng. Khi lực lượng yêu cầu Chak Kimlong liên hệ với số điện thoại 0878936208 thì không liên lạc được.
Xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trong khu vực biên giới, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên, thu giữ tang vật, phương tiện, chụp ảnh hiện trường và đưa Chak Kimlong về Đồn Biên phòng Sông Trăng tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Kiểm soát chặt vận chuyển lợn trái phép
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc giá lợn hơi trong nước đang cao hơn so với các nước xung quanh khiến việc tuồn lậu lợn sống vào Việt Nam có thể xảy ra. Thông thường giá lợn hơi ở Trung Quốc cao hơn Việt Nam từ 20.000-25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lợn hơi của nước này hiện xuống mức thấp, trung bình đạt 14 -15 nhân dân tệ/kg, tương ứng khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi cho rằng, việc giá lợn hơi của Trung Quốc, Campuchia đang ở mức thấp, tiêu thụ kém là nguyên nhân thúc đẩy nguồn lợn nhập tiểu ngạch vào nước ta. Theo ông Dương, hơn 2 năm qua, giá lợn hơi giảm sâu đã khiến người dân lỗ nặng, bỏ chuồng. Giá lợn hơi vừa tăng trở lại là cơ hội để người chăn nuôi tái đàn, hồi phục. Để duy trì mức giá tốt cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hoạt động nhập lậu lợn từ biên giới, nhất là từ khu vực biên giới với Trung Quốc. “Nếu không giá lợn hơi trong nước sẽ đi xuống và người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ, điệp khúc bỏ chuồng sẽ tiếp diễn”, ông Dương nói.
Lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời 1,7 tấn lòng lợn đã bốc mùi hôi thối đang trên đường tiêu thụ tại Quảng Trị.
Đại diện Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đến nay Việt Nam không cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…Do đó, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cá nhân, tổ chức vận chuyển lợn sống từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện giá lợn hơi trong đà tăng, các trang trại chăn nuôi vào đàn để phục vụ dịp tết, thời gian nuôi sẽ mất khoảng 5 -6 tháng. Thời điểm cuối năm số lượng đàn lợn sẽ tăng lên nhằm phục vụ cho cao điểm. Hiện là giai đoạn giao thời nên giá lợn hơi biến động mạnh. Theo chu kỳ, giá lợn hơi thường tăng cao trong quý 3 và 4 hàng năm nên dự báo giá lợn hơi sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới.
Mới đây nhất, ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung Ương, các Bộ trưởng và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Khi phát hiện trường hợp nhập khẩu lợn bất hợp pháp phải tái xuất hoặc tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiêu hủy lợn nhập lậu qua biên giới do đơn vị bắt giữ. Ảnh: Minh Luận
Thủ tướng cũng chỉ đạo lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 của địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán lợn nhập lậu qua biên giới, phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép lợn.
Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm trên lợn nhập lậu, bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng BĐBP phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.