Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 16:18

Ngành chức năng ở đâu khi tình trạng khai thác đất trái phép vẫn xuất hiện?

Lợi dụng ngày nghỉ, thời điểm ngoài giờ hành chính để khai thác vụng trộm, mỗi ngày vài ba xe ô tô và chục xe đầu kéo, trọng tải lớn để khai thác, vận chuyển rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Tình trạng này diễn ra khiến đất rơi vãi khắp lòng đường, gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT.

Rầm rộ khai thác khoáng sản trái phép

Người dân xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc phản ánh việc các đối tượng huy động máy múc, ô tô rầm rộ quay lại khu vực đồi Hoa Nam, xã Yên Thạch để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Cụ thể, “thời gian trước, họ chỉ lợi dụng ngày nghỉ, thời điểm ngoài giờ hành chính để khai thác vụng trộm, mỗi ngày vài ba xe ô tô. Những ngày gần đây họ huy động cả chục xe đầu kéo, trọng tải lớn để khai thác, vận chuyển rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Tình trạng trên đã phá vỡ cảnh quan, quá trình vận chuyển đất rơi vãi xuống lòng đường gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT”, ông N.V.K, một người dân địa phương nói.

Biển cấm và rào chắn bị tháo bỏ phục vụ khai thác khoáng sản trái phép tại Vĩnh Phúc.

Qua đó, tại khu vực này đang có cả chục ô tô, máy múc rầm rộ khai thác, vận chuyển. Điều đáng nói, đây là khu vực đã được UBND huyện Sông Lô chỉ đạo UBND xã Yên Thạch rào cứng bằng dây thép gai, cắm biển cấm khai thác đất trái phép từ năm 2022. Tuy nhiên, cả hàng rào dây thép gai và biển cấm đều đã bị các đối tượng dỡ bỏ để khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Tại khu vực khai thác khoáng sản được cho là của Công ty TNHH Thành Đoàn, có địa chỉ tại tổ dân phố Long Cương, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc cho thấy tại đây đang tập kết nhiều máy múc, ô tô.

Nhiều người dân cho biết, tình trạng khai thác khoáng sản tại đây vẫn diễn ra nhưng không rầm rộ như thời điểm trước; các đối tượng chủ yếu lợi dụng ngày lễ, ngày nghỉ và thời điểm ngoài giờ hành chính để khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Thực tế cho thấy, nhiều diện tích đồi núi mới bị chặt cây, múc đất, vết chặt cây, vệt bánh máy múc, ô tô ra vào còn mới nguyên. Đặc biệt, đây là khu vực đã bị cơ quan chức năng rào chắn bằng dây thép gai, cắm nhiều biển cấm khai thác từ năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, rào chắn, biển cấm đã bị dỡ bỏ, không còn dấu vết tại hiện trường.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND xã Yên Thạch khẳng định: Trên địa bàn xã hiện không có điểm nào được cấp phép khai thác khoáng sản. Khu vực đồi Hoa Nam vẫn do UBND xã Yên Thạch quản lý, được rào chắn, cắm biển cấm khai thác trái phép. UBND xã chưa nhận được thông tin phản ánh nào liên quan, xã sẽ cho kiểm tra, khôi phục lại rào chắn và biển cấm theo quy định.

Khoảng 17h30, ngày 14/2, bám theo xe đầu kéo BKS: 88C-244.43, kéo theo sơmi rơ-moóc BKS: 88R-014.54 từ điểm khai thác khoáng sản trái phép trên, theo ghi nhận phương tiện này lợi dụng thời điểm chập tối nên có nhiều dấu hiệu chở hàng quá chiều cao, quá tải trọng cho phép.

Tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Bình Xuyên kiểm tra, xử lý xe quá tải vi phạm.

Đặc biệt, sau khi lưu thông qua hàng loạt các đường tỉnh 306, 305C, 310, QL 2C... chiếc xe có trọng tải hàng chục tấn trên ngang nhiên lưu thông qua cầu yếu, có biển cấm tải trọng trên 10 tấn lưu thông tại đường tỉnh 302, đoạn qua Km 6+100.

Điểm đến của phương tiện này là Công ty CP Prime Vĩnh Phúc, địa chỉ tại KCN Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Khoảng 18h30 cùng ngày, ngoài phương tiện trên, tại cổng của Công ty CP Prime Vĩnh Phúc đang có hơn 20 xe đầu kéo xếp hàng đổ đất.

Đến 19h30 cùng ngày, trước phản ánh của báo chí về dấu hiệu của các phương tiện, Tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Bình Xuyên đã lập tức có mặt, kiểm tra, tuy nhiên, tài xế và chủ xe trên đã không hợp tác. Đến gần 22h cùng ngày, sau khi tổ công tác kiên quyết huy động xe cẩu chuyên dụng đến hiện trường, tài xế và chủ xe mới chấp hành kiểm tra tải trọng.

Kết quả cho thấy, chiếc xe có tổng trọng lượng 70,75 tấn, trọng lượng hàng hóa vận chuyển là 51,72 tấn, quá tải trọng cho phép của xe ở mức 86,8%. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế và chủ xe theo quy định, các phương tiện sau đó qua kiểm tra đều chở quá tải trọng cho phép.

Hủy hoại đất và xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

Thông tin báo chí, mới đây, ông Phạm Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rmoan, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), cho biết UBND xã vừa xử phạt ông Trần Văn Phúc (giám đốc một công ty khai thác đá) về hai hành vi.

Cụ thể, ông Phúc bị xử phạt 3,5 triệu đồng về hành vi hủy hoại làm biến dạng địa hình với diện tích 300 m2 đất sản xuất nông nghiệp tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 29 tại thôn Tân An.

Ông Trần Văn Phúc làm biến dạng hiện trạng đất nông nghiệp: Ảnh: VŨ LONG

Giám đốc doanh nghiệp khai thác đá còn bị xử phạt 4,5 triệu đồng về hành vi xây dựng nhà kiên cố (có kết cấu bê tông cốt thép, trụ bê tông, tường xây gạch) với diện tích 100 m2 trên đất nông nghiệp.

UBND xã Đắk Rmoan yêu cầu trong 15 ngày, ông Phúc phải khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Nếu ông Phúc không chấp hành, không tự nguyện khắc phục thì Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và bị cưỡng chế; các chi phí khắc phục hậu quả, bị xử phạt ông Phúc phải tự chi trả.

Ông Trần Văn Phúc xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp.Ảnh: VŨ LONG

Cụ thể, nhận phản ánh của người dân thôn Tân An, xã Đắk Rmoan việc ông Phúc tự ý san đồi, lấn chiếm hồ thủy điện, xây nhà trái phép nhưng không bị xử lý.

Theo nhiều người dân, thời gian qua, ông Phúc huy động nhiều phương tiện đến san gạt, cải tạo phần đất theo dạng ruộng bậc thang. Trong đó, có phần đất đổ lấn ra hồ thủy điện. Khu vực này trước đây trồng điều nhưng nay bị nhổ hết.

Được biết, ngoài tình trạng như dân phản ánh, bên trong khuôn viên khu đất của ông Phúc còn xây dựng một căn nhà kiên cố, đang lên tầng thứ ba.

Ngoài ra, chủ công trình còn cho xây dựng hệ thống tường rào bao quanh khu đất dài hàng trăm mét và trồng hàng chục cây gỗ hương.

Đóng cửa 5 mỏ khoáng sản đã hết hạn giấy phép khai thác

Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định đóng cửa 5 mỏ khoáng sản trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn gồm: mỏ đất sét tại núi Giữa (diện tích 3,84 ha, thuộc địa phận phường Duy Tân), mỏ đất đồi núi Thượng Trà (gồm núi trước và núi sau, diện tích 5,2ha thuộc địa phận phường Tân Dân), mỏ đất sét tại phía đông bắc núi Cậy Sơn (diện tích 6 ha, thuộc địa phận xã Hoành Sơn, cùng thị xã Kinh Môn) và mỏ đất đồi tại phía tây (diện tích 10 ha), mỏ phía bắc (diện  tích 10,1 ha, đồi Hang Hổ  thuộc địa phận phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh).

(Ảnh minh hoạ).

Nguyên nhân đóng cửa các mỏ này do giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn. Các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác không triển khai các hoạt động khai thác mỏ. Khu vực mỏ được phép khai thác còn nguyên trạng. Việc đóng các cửa mỏ này nhằm bàn giao cho địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top