Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 1 năm 2023 | 10:12

Ngành hàng cá tra: Từ ao làng vươn ra "biển lớn"

Chủ động con giống, hoàn chỉnh mô hình nuôi trong ao... đã giúp ngành hàng cá tra từ ao làng vươn ra "biển lớn".

​Ngoài thế mạnh về lúa gạo, xoài, sen,  Đồng Tháp còn được biết đến là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu. Đây là ngành hàng chủ lực của địa phương, hằng năm thu về hàng tỷ đô la Mỹ và cũng là một trong 05 ngành hàng nông nghiệp được tỉnh chọn để tái cơ cấu trong nhiều năm qua.

Đồng Tháp hiện có trên 2.200ha nuôi cá tra, năng suất bình quân 222 tấn/ha, sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 134 quốc gia. Loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở Đồng Tháp. Có được kết quả này, ngành cá tra Đồng Tháp nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, phải trải qua không ít thăng trầm.

Cá tra giống.

 

Kỳ 1. Từ loài cá tự nhiên đến nhân nuôi, ương tạo

Theo nhiều người dân địa phương, cá tra ban đầu là loài cá tự nhiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trôi nổi trong dòng nước lũ hằng năm, nhất là khu vực đầu nguồn. Để nuôi loài cá này người dân đánh bắt cá giống trong tự nhiên, sau này nhu cầu ngày càng cao nên được ươm nhân tạo thành công, cung cấp nguồn cá giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp đồng bằng.

Nghiên cứu về nghề nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong quyển “Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thành công và Thách thức trong phát triển bền vững”, do GS. TS. Nguyễn Thanh Phương và GS.TS. Nguyễn Anh Tuấn chủ biên, Trường Đại học Cần Thơ (xuất bản năm 2016) cho rằng: Nghề nuôi cá tra thâm canh quy mô thương mại ở Đồng bằng sông Cửu Long đến nay đã phát triển khoảng 15 năm, từ khi kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo thành công và ứng dụng ở quy mô sản xuất vào đầu những năm 2000.

Tuy thời gian phát triển chưa dài nhưng nghề nuôi cá tra thương mại đã có bước phát triển nhanh, theo đó, diện tích nuôi hiện nay khoảng 5.100 ha, sản lượng nuôi dao động  1,1 - 1,2 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ/năm và xuất khẩu sản phẩm cá đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cá tra đã trở thành đối tượng nuôi chính của ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam.

Sự phát triển về giống cho nghề nuôi cá tra thương phẩm được chia thành 02 giai đoạn chính là giai đoạn vớt giống tự nhiên bắt đầu từ những năm 1940 nhưng dần giảm và kết thúc vào cuối những năm 1990; và giai đoạn nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo bắt đầu từ năm 1978 và thành công vào những năm 1995 - 1998 và ứng dụng quy mô sản xuất đầu những năm 2000.

Nghề nuôi cá tra thương phẩm thâm canh bắt đầu thử nghiệm vào năm 1981 - 1982, thành công và ứng dụng rộng rãi từ đầu những năm 2000 cùng với thời điểm kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo được ứng dụng rộng rãi. Quá trình phát triển của nghề nuôi cá tra thương phẩm bắt đầu từ những năm 1940 - 1950 và đến nay đã phát triển qua nhiều giai đoạn: Phát triển nghề vớt và ương cá tra, phát triển sản xuất giống cá tra, phát triển nghề nuôi cá tra thâm canh trong ao.

Vùng nuôi cá tra của Công ty Thủy sản Hai Nắm – một trong những trại giống cá tra đầu tiên.

 

Kết quả khảo sát của Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) năm 2009 về lịch sử nghề vớt cá tra bột ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp cho thấy, nghề vớt cá tra bột bắt đầu từ những năm 1940.

Theo đó, nghề vớt cá tra bột xuất phát từ các ngư dân ở khu vực Xóm Mương 53, ấp Phú Lợi, xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Giai đoạn khởi đầu này người dân dùng các phương tiện rất thô sơ đế vớt cá bột và ương giống cá tra như thùng thiếc, lưới mùng hộp lon, v.v. Cá bột được ương thành cá giống để nuôi trong ao nhỏ của gia đình.

Từ năm 1945 - 1950, ngoài ngư dân địa phương thì có thêm sự xuất hiện của các di dân “miệt dưới” (tức là dân ở các tỉnh lân cận hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang) có kinh nghiệm với nghề đánh bắt cá linh truyền thống. Hai nhóm ngư dân này đã hình thành nghề vớt cá tra bột và góp phần thúc đẩy sử dụng con giống cá tra vớt ngoài tự nhiên để nuôi trong các ao hầm nhỏ.

Nghề khai thác và ương giống cá tra từng bước phát triển thông qua các dụng cụ đánh bắt và biện pháp ương giống được cải tiến. Đến giai đoạn 1955 – 1995, bắt đầu xuất hiện các mô hình nuôi cá tra ao hầm nhỏ trong dân ở các địa phương ngày càng nhiều, qua đó nhu cầu cung cấp con giống ngày càng tăng tạo thêm động lực cho hoạt động của nghề vớt và ương giống cá tra phát triển. Nghề vớt cá tra giống trên sông dừng ở Campuchia năm 1994 và ở Việt Nam năm 2000.

Năm 2000, kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tra được hoàn thiện căn bản và từng bước ứng dụng vào sản xuất đại trà thông qua tập huấn và tư vấn kỹ thuật mà Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) là đơn vị khởi xướng và có vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Những trại giống cá tra đầu tiên được thành lập gồm trại Hồng Mỹ (trại Hai Nắm), trại Hưng Phú, trại Phú Thành thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; trại Nguyễn Văn Thọ và trại giống Thủy sản Mỹ Châu (Công ty AGIFISH) ở Châu Đốc tỉnh An Giang, v.v. Sau đó, nhiều trại giống cá tra khác tiếp tục ra đời thuộc sở hữu tư nhân và nhà nước đã góp phần cung cấp lượng giống đáng kể cho nhu cầu nuôi.

Từ năm 2002, nghiên cứu cải thiện chất lượng di truyền của đàn cá tra bố mẹ được bắt đầu thực hiện ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và nhiều nghiên cứu khác của các cơ quan trong vùng. Cá tra cải thiện chất lượng di truyền đã được chuyển giao cho cơ sở sản xuất giống thủy sản của một số tỉnh để làm đàn cá bố mẹ cho sinh sản.

Theo sự phát triển của nghề vớt và ương giống cá tra thì nghề nuôi cá tra trong ao quy mô gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long có bắt đầu khá sớm từ những năm 1940 - 1950 mà chủ yếu hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Nghề nuôi cá basa trong bè trên sông ở 02 tỉnh An Giang và Đồng Tháp vào những năm 1960 đã ảnh hưởng và tạo tiền đề ban đầu cho nghề nuôi cá tra thương phẩm trong bè và ao đất sau này.

Giai đoạn 1960 – 1980, khi nghề nuôi cá basa bè phát triển mạnh thì nghề nuôi cá tra trong ao chỉ ở mức thâm canh thấp và quy mô nuôi gia đình. Thử nghiệm ban đầu này đã góp phần kích thích người dân ở địa phương quan tâm và tham gia đầu tư phát triển mô hình nuôi cá tra ao ở địa phương và góp phần hình thành cơ sở lý luận quan trọng ban đầu cho sự phát triển của mô hình nuôi cá tra thâm canh trong ao đất ngày nay.

Tuy nhiên, hạn chế của mô hình nuôi ở giai đoạn này là tỉ lệ cá thương phẩm có thịt vàng và vàng chanh chiếm tỉ lệ cao (30 - 40%) làm giá trị cá thương phẩm xuất khẩu thấp. Vì thế, các nghiên cứu tiếp theo được tiến hành theo hướng cải thiện chất lượng cá thương phẩm (thịt trắng) để nâng cao giá trị xuất khẩu như thử nghiệm sử dụng thức ăn viên công nghiệp, nâng cao mật độ nuôi 15-30 con/m2, thay nước nhiều và năng suất tăng lên 140 - 230 tấn/ha.

Thu hoạch cá tra được nuôi trong ao tại Đồng Tháp.

 

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, giải pháp thay nước giúp cá nuôi ao phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bè nên người nuôi cá tra bè từng bước chuyển đổi sang nuôi ao và mở rộng đầu tư nuôi ao từ năm 2003 và có thể xem đây là thời điểm mô hình nuôi cá tra ao bắt đầu phát triển nhanh, năng suất tăng lên 180 - 280 tấn/ha và hiệu quả kinh tế đạt cao.

Cùng với nghề nuôi cá ao phát triển thì có sự gia tăng nhanh về các nhà máy sản xuất thức ăn viên công nghiệp cũng là tiền đề quan trọng để nghề nuôi cá tra phát triển nhanh.

Tại Đồng Tháp, vùng sản xuất giống tập trung gồm các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành và Cao Lãnh, với tổng diện tích 880 ha, 70 cơ sở sản xuất giống (33 cơ sở với 47.812 con bố mẹ được cải thiện di truyền), 78 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản về việc thực hiện công bố theo tiêu chuẩn cơ sở và ghi nhãn hàng hóa theo quy định và 1.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra.

Hằng năm, các cơ sở trên địa bàn sản xuất 25 tỷ con cá tra bột (08 tỷ con từ đàn cá tra cải thiện di truyền) và 1,8 tỷ con cá tra giống/năm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và kỹ thuật mới trong nuôi trồng cũng giúp tăng năng suất cá tra từ 213 tấn/ha (năm 2014) lên 222 tấn/ha (năm 2020).

Kỳ 2.  Giải pháp phát triển bền vững

 

Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top