Năm 2022 ghi dấu ấn đặc biệt đối với ngành xuất khẩu thủy sản khi giá trị kim ngạch cán mốc hơn 11 tỷ USD. Riêng ngành hàng cá tra ước đạt 2,4 tỷ USD, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển trở thành ngành hàng chủ lực quốc gia.
Năng suất cá tra của Việt Nam hiện cao nhất thế giới, thế nhưng, ngành hàng này vẫn cần phải có nhiều giải pháp để phát triển bền vững. Bởi lẽ, khi sản lượng cá tra ngày càng lớn thì các giải pháp duy trì, tìm kiếm sự ổn định, mở rộng thêm các thị trường lại ngày càng quan trọng hơn.
Cá tra lập kỷ lục mới về xuất khẩu
Năm 1997, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu cá tra và thu về 1,6 triệu USD. Kể từ đó đến nay, cá tra trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021 và đạt con số kỷ lục trong lịch sử của ngành hàng cá tra từ trước đến nay.
Nhờ ngành hàng cá tra hình thành đã giải quyết việc làm cho hơn 500.000 lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong khi nhiều ngành hàng phải mất hàng chục, hàng trăm năm để hình thành và phát triển nhưng riêng cá tra chỉ mất 26-27 năm đã trở thành ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Năng suất cá tra của nước ta hiện cao nhất thế giới nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo, ngành hàng này vẫn cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững.
Thúc đẩy thị trường trong nước
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay, Đồng Tháp đã chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra. Toàn tỉnh có 2.450ha nuôi cá tra, ước sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn, xuất khẩu 270.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 847 triệu USD, đứng đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Ngành hàng phát triển đã giải quyết việc làm cho 25.000 lao động trong tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2022, ngành hàng cá tra nước ta đã duy trì tốt chuỗi sản xuất cung ứng và tận dụng cơ hội thị trường sau đại dịch Covid-19.
Để phát triển ngành cá tra hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra; cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra…
“Tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu”, ông Tiến nói thêm.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, năm 2022, cá tra lập đỉnh xuất khẩu, đó là điều tuyệt vời, nhưng sẽ càng tuyệt vời hơn nếu thị trường trong nước cũng lập đỉnh như vậy.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc chuỗi WinMart cho biết, năm 2020, hệ thống này tiêu thụ khoảng 250 tấn cá tra thì đến năm 2021 là hơn 300 tấn và năm 2022 ước khoảng 400 - 500 tấn.
Theo ông Tuấn, mục tiêu ngành cá tra đặt ra là tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 15% trên tổng sản lượng, do đó, xây dựng chiến lược đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, chinh phục người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và cần có cách tiếp cận cũng như chế biến sản phẩm cá tra phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Điều này sẽ giúp tăng sản lượng tiêu thụ cũng như hình thành những nhu cầu và thói quen tiêu dùng mới đối với cá tra nói riêng và sản phẩm chất lượng cao nói chung. Ông Tuấn đề xuất tăng cường kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cá tra trong nước.
Còn dư địa để tăng giá trị
Trong hơn 20 năm xuất khẩu, ngành hàng cá tra đã trải qua nhiều thăng trầm bởi giá lúc lên lúc xuống, bấp bênh. Vì thế, ngành hàng cá tra sẽ phải liên tục cải thiện chất lượng, mở rộng thị trường để phát triển bền vững.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, để viết tiếp câu chuyện cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây không phải là việc mở rộng diện tích nữa mà phải tập trung vào ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt, với sản lượng hiện tại rất lớn, cần phải tập trung vào chế biến sâu, chế biến các món ăn, làm collagen, bột thịt chiên... để tăng giá trị cho cá tra.
Nhận định công nghệ chế biến cá tra ở Việt Nam đã ngang tầm thế giới với nhiều doanh nghiệp lớn đạt trình độ chế biến cao nhưng ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vẫn cho rằng, việc chế biến cá tra vẫn chưa tận dụng được hết các thành tố của con cá tra, vẫn còn dư địa để gia tăng giá trị cho cá tra.
Theo ông Toản, cá tra được sử dụng gần hết các bộ phận như: Thịt cá philê, da cá có một số doanh nghiệp sử dụng để làm collagen, mỡ cá làm dầu ăn, các phần còn lại chủ yếu xay làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị, ngành cá tra cần tiến tới nghiên cứu làm các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao.
Hiện nay, sản phẩm cá tra xuất khẩu chủ yếu là philê, chiếm tới 97%. Điều này khiến cho ngành hàng cá tra sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường của sản phẩm này. Do đó, các doanh nghiệp đang tìm cách nâng cao giá trị và tìm ra các sản phẩm mới từ cá tra để giảm bớt sự phụ thuộc vào cá philê.
Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp như Công ty Vĩnh Hoàn đã tiên phong trong việc tìm ra các sản phẩm tới từ cá tra để mở rộng thêm thị trường cho cá tra. Dự kiến, Công ty Vĩnh Hoàn sẽ tung ra cẩm nang hơn 200 món chế biến từ cá tra, trong đó nghiên cứu cặn kẽ thị trường, có sự tích hợp sản phẩm cá tra với văn hoá ẩm thực của các vùng miền, địa phương, các quốc gia để tạo thêm giá trị gia tăng cho cá tra.
Năng suất và chất lượng cá tra ngày càng tăng cao đã tạo dư địa cho các doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm từ cá tra để gia tăng giá trị. Việc tìm ra các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sẽ còn giúp mở rộng thị trường cho cá tra Việt Nam.
Triển vọng thị trường Mỹ
Theo Trưởng Cơ quan Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ - ông Đỗ Ngọc Hưng, tính tới hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ba sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Mỹ là tôm, cá tra và cá ngừ, chiếm lần lượt 38%, 26% và 23% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết quý III/2022, cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 19% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 60% tổng khối lượng và 43% tổng giá trị các loại cá nhập từ Việt Nam sang Mỹ. Đây cũng là sản phẩm có giá nhập khẩu tăng nhiều nhất trong các sản phẩm thuỷ sản nhập vào Mỹ trong 3 quý đầu năm nay. Số liệu cũng cho thấy hơn 90% khối lượng cá tra đang bán tại thị trường Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu và tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại thị trường khó tính như Mỹ đang tồn tại một số khó khăn. Đơn cử như cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và phải chịu cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Ecuador, dẫn đến thị phần bị thu hẹp cho dù vẫn chiếm lĩnh thị trường. Sản phẩm cá tra Việt Nam chưa có độ phủ sóng và nhận diện đối với người tiêu dùng Mỹ và hầu như vắng bóng trong thực đơn các nhà hàng. Sau một thời gian tăng trưởng nóng, lượng tồn kho cá tra tại thị trường Mỹ tăng lên, tiêu thụ có phần chững lại do tình hình lạm phát và giá bắt đầu giảm.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cá tra nói riêng và các mặt hàng thủy sản của Việt Nam nói chung. Cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các đối tác bên phía Hoa Kỳ để xử lý những vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Hiện, có một dấu hiệu tích cực là, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã có kế hoạch mua 1,44 triệu pound (1 pound = 0,454kg) các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của Chính phủ dành cho đối tượng tham gia chương trình Build Back Better của Tổng thống Joe Biden. Cá tra, với giá thành thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các loại cá da trơn, đã trở thành ưu tiên lựa chọn nhập khẩu của USDA. Việc giao hàng được thực hiện từ ngày 1/11/2022 - 31/1/2023.
Bên cạnh đó, việc nhiều gia đình tại Mỹ thay đổi thói quen tiêu dùng kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, trong đó có việc tiêu dùng hải sản tại nhà thay vì ra các cửa hàng và thường mua những mặt hàng hải sản có giá thấp hơn, sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm cá tra và các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam tiến gần bàn ăn của các gia đình Mỹ và giành được thị phần tại thị trường khó tính này trong năm 2023.
Cùng vào cuộc để vượt qua thách thức
Cùng với thắng lợi của xuất - nhập khẩu hàng hóa sẽ cán mốc 700 tỷ USD trong năm 2022, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt, trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế.
Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước...
Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
“Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ và theo đúng quy định pháp luật...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chương trình chống biến đổi khí hậu; khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo ổn định giá cả; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 6.000ha nuôi cá tra, với sản lượng 1,5 - 2 triệu tấn/năm, tập trung nhiều nhất tại An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Hiện, có gần 100 nhà máy chế biến sản phẩm từ cá tra, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các cơ sở này được đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến, cho phép tự động hóa một số công đoạn của dây chuyền và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để tăng thêm thu nhập. Dự kiến năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra khoảng 5.600ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.