Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 9 năm 2023 | 10:25

Ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi ở vùng nông thôn

Bằng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi như việc dựng màn kịch trên không gian mạng, các đối tượng hướng tới người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số; khu vực nông thôn xa xôi, nơi người dân ít được tiếp cận thông tin… Chỉ vì tin lời hứa “ngon ngọt” của các đối tượng lừa đảo mà trở thành con nợ, không biết bao giờ mới trả được.

Lừa đảo trên không gian mạng

Tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có hàng chục thủ đoạn khác nhau, trong đó có thể kể đến như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp; giả làm nhân viên ngân hàng cung cấp app để chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng; giả làm doanh nhân nước ngoài gửi quà có giá trị và yêu cầu đóng phí; tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; gọi điện khủng bố đòi nợ… dụ dỗ, lôi kéo người bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử hưởng mức lãi suất cao.

Ngoài ra, các nhóm lừa đảo còn sử dụng phần mềm công nghệ cao giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho người bị hại; giả mạo khuôn mặt, giọng nói để gọi video call… Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Mới đây nhất, trên địa bàn thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo đã xảy ra tình trạng người dân bị các đối tượng lừa đảo gọi video call qua Zalo giả danh là cán bộ điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội thông báo với nội dung là thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng này có liên quan đến hoạt động của một đường dây mua bán ma túy. Để phục vụ công tác điều tra, chúng yêu cầu người dân phải cung cấp cho chúng số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và yêu cầu phải rút hết tiền tiết kiệm tại ngân hàng chuyển vào tài khoản để xác minh. Bọn chúng đe dọa nếu không thực hiện theo thì sẽ thực hiện lệnh bắt ngay.

Cảnh báo lừa đảo phổ biến trên không gian mạng.

Cụ thể là vụ việc của ông Bạc Cầm H. một người chân chất, ít va chạm đã rơi vào một cái bẫy tinh vi, xảo quyệt do các đối tượng dàn dựng công phu. Sau cuộc điện thoại nhiều tiếng đồng hồ, trước những lời đe dọa của các đối tượng dọa dẫm, quá hoang mang, lo sợ nên vợ ông H. đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm gần 1,1 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, do có chút nghi ngờ nên khi vợ ra ngân hàng rút tiền thì ông H. lại qua cơ quan công an huyện Tuần Giáo trình báo. Qua đó, ông H đã được cơ quan chức năng giải thích và cảnh báo trước nhưng thủ đoạn dùng thông tin cá nhân để giả danh các cơ quan nhà nước lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhờ đó, ông H đã không chuyển tiền cho các đối tượng trên.

Tương tự, anh V.A.C, ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) sau chuyến đi rừng về thì nhận được cuộc gọi điện thoại từ một phụ nữ trẻ. Giọng nói của một phụ nữ miền xuôi khá ngọt ngào, bảo rằng anh C. may mắn được Công ty tài chính P. cho vay một gói lên tới 200 triệu đồng. Đang lúc cần tiền mua cây, con giống về nuôi trồng, anh C. mừng rỡ vội hỏi thủ tục để được vay vốn. Người phụ nữ hướng dẫn anh cài đặt một app (ứng dụng) có tên là P... vào máy điện thoại, sau đó điền các thông tin cá nhân như họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số CMND... Đồng thời điền số tiền cần vay là 200 triệu đồng và ấn nút "hoàn tất". Sau khi anh C. làm theo, chờ mãi mà không thấy hồ sơ được duyệt nên hỏi lại người phụ nữ. Cô ta nói rằng do anh nhập sai thông tin nên cần phải chuyển một số tiền nhỏ để xác minh lại thông tin.

Đối tượng cũng cam kết sẽ nhận được đủ 200 triệu là tiền mà công ty sẽ giải ngân cùng số tiền của anh C chuyển. Vì vậy, anh C đã vay mượn khắp nơi để nhiều lần chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo. Tổng số tiền mà anh C chuyển cho đối tượng lừa đảo lên đến gần 1 tỷ đồng. Sau đó anh liên hệ lại thì bị chặn. "Cứ ngỡ vay được mấy trăm triệu đồng để làm ăn, ai ngờ giờ lại gánh một đống nợ thế này. Có ba đời nhà tôi cũng chẳng trả nổi" - anh C. than thở.

Thủ đoạn thanh lý xe máy giá rẻ cũng khiến không ít người dân ở nông thôn bị mất tiền

Cũng bị lừa đảo trên không gian mạng, chị T.T.T (Hoàng Hoá – Thanh Hoá) bức xúc kể: Các đối tượng đã nhắn tin qua messenger cho tôi với nội dung tuyển cộng tác viên cho Công ty Nimo.tv; chỉ cần xem và bấm like tăng tương tác các trang sẽ được chia hoa hồng.

Chị T. đã làm theo hướng dẫn, sau khi kích vào đường link bọn chúng gửi, máy báo hiển thị thao tác sai. Tiếp tục, các đối tượng hướng dẫn chị T nộp tiền vào một số tài khoản do bọn chúng cung cấp để được thao tác lại và thành công thì sẽ trả lại toàn bộ số tiền. Do ham muốn kiếm tiền và tiếc số tiền đã nộp vào nên chị T. liên tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng, thao tác lại nhiều lần với mức tiền nộp vào cho mỗi lần thao tác sau lại nhiều hơn lần thao tác trước. Tổng số tiền chị đã chuyển khoản cho bọn chúng lên tới gần 300 triệu đồng.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Nếu như một số người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc dính bẫy cho vay tiền với lãi suất thấp, hoặc bị lừa đầu tư ngoại hối thì tại miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) thời gian qua cũng xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc rao bán xe máy giá rẻ.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhận được nhiều đơn trình báo từ người dân về việc truy cập tài khoản Facebook “Xe Máy L.A" và tài khoản Zalo “Xe Nhập Khẩu..." để đặt cọc và mua xe máy. Tuy nhiên bao nhiêu tiền chuyển khoản cho các đối tượng đều mất hút.

Qua điều tra, Cơ quan Công an đã phát hiện và làm rõ cặp đôi lừa đảo là Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1989) và Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1995, cùng trú tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an cho thấy do thiếu tiền ăn chơi, Hùng và Hà đã nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách đăng tải hình ảnh, bài viết liên quan đến việc bán xe máy nhập khẩu giá rẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo... nhằm dụ người dân đặt hàng.

Khi có khách hàng gọi đến hỏi mua xe sẽ được đối tượng hướng dẫn kết bạn và liên lạc qua tài khoản Zalo. Để tạo lòng tin, đối tượng yêu cầu khách hàng chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký xe, sau đó đối tượng cung cấp tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền đặt cọc (số tiền cọc tùy thuộc vào loại xe máy khách hàng muốn đặt mua).

Một số tang vật từ các vụ lừa đảo công nghệ cao mà cơ quan Công an thu giữ

Một vài ngày sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng sử dụng một số thuê bao điện thoại để giả làm nhân viên giao xe gọi cho khách hàng thông báo là xe đã vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng và yêu cầu chuyển nốt số tiền còn lại mới giao xe. Nếu khách hàng chuyển tiếp số tiền còn lại thì đối tượng sẽ chiếm đoạt hết số tiền này rồi chặn hết liên lạc với khách hàng. Trường hợp khách hàng yêu cầu xem xe mới chuyển tiếp số tiền còn lại thì đối tượng sẽ chặn hết liên lạc với khách hàng và chiếm đoạt số tiền mà khách hàng đã đặt cọc.

Một thủ đoạn lừa đảo mới cũng được Cơ quan CSĐT công an huyện Như Xuân (Thanh Hoá) triệt phá trước đó; đường dây lừa đảo do Đinh Chí Hiếu và Trương Thị Tịnh Tâm (đều sinh năm 1996 - cùng trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là hai đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn thông báo trúng thưởng trên các trang mạng xã hội.

Cơ quan công an huyện Như Xuân nhận được đơn trình báo của Chị N.T. H (sinh năm 1987, ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) về việc, chị được các đối tượng không rõ lai lịch gửi tin nhắn vào máy điện thoại di động thông báo trúng thưởng, sau đó yêu cầu nộp tiền qua tài khoản ngân hàng để khấu trừ thuế thì mới được nhận thưởng. Sau khi chuyển tiền 67 triệu đồng cho các đối tượng, chị H. không thể liên lạc được với đối tượng.

Nhận được tin báo trên, cơ quan CSĐT đã khẩn trương vào cuộc điều tra, truy tìm dấu vết của các đối tượng và xác định ổ nhóm do Đinh Chí Hiếu, Trương Thị Tịnh Tâm là đối tượng gây ra vụ lừa đảo của chị N.T.H. Trong quá trình Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an huyện thu giữ 3 điện thoại di động, 2 thẻ ATM, 1 bộ máy vi tính và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, do nợ nần nhiều nên bọn chúng đã rủ nhau thiết lập các trang cá nhân và vào các tài khoản của người sử dụng thông báo họ đã trúng thưởng và yêu cầu các bị hại chuyển tiền nộp thuế khấu trừ gia cảnh có trị giá 10% của tổng số tiền thưởng thì mới được nhận thưởng. Sau khi các bị hại chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản thì xóa hết dấu vết và chặn liên lạc với các bị hại.

Dự báo gia tăng, diễn biến phức tạp trên không gian mạng

Theo nhận định Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu - Cục truyền thông CAND, trong thời gian tới, tội phạm lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Việc sử dụng “mô hình tháp ảo” để lừa đảo trong mua bán sản phẩm cụ thể như trước đây dường như đã “lỗi thời”. Thay vào đó, loại tội này sẽ sử dụng các sản phẩm thông tin số (tiền ảo, gian hàng ảo…), kinh doanh dịch vụ, đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản đa cấp, hoặc các hình thức khác núp dưới danh nghĩa các hoạt động xã hội, vì cộng đồng…để xây dựng mạng lưới nhằm huy động tài chính trái phép và chiếm đoạt.

Các ổ nhóm tội phạm sẽ lợi dụng đặc tính lan tỏa của thông tin trên không gian mạng, để đưa ra những lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn về lãi suất, hoa hồng, hiệu quả đầu tư…nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Môi trường mạng tạo ra cho bọn tội phạm khả năng xóa dấu vết, tính “ẩn danh” rất cao, nhà đầu tư thậm chí không biết doanh nghiệp đang kêu gọi thu hút vốn ở đâu, kinh doanh cái gì… Chính vì dễ dàng lừa đảo lại khó bị phát hiện, nên trong những năm tiếp theo, lừa đảo trong KDĐC qua mạng có xu hướng thay thế cho kiểu truyền thống.

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều băng nhóm tội phạm trong nước cấu kết với người nước ngoài thực hiện tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Xu hướng các công ty KDĐC huy động đầu tư tài chính sẽ không còn đặt trong lãnh thổ Việt Nam, mà sẽ là hình thức công ty “mẹ” ở nước ngoài, lập văn phòng đại diện ở Việt Nam để thực hiện tội phạm.

Để xây dựng mạng lưới, các công ty này sẽ đưa ra các mô hình kinh doanh, những sản phẩm “ảo”, thông qua mạng lưới “chân rết”, cộng tác viên người Việt, làm nhiệm vụ lôi kéo người tham gia để huy động tài chính. Mặt khác, môi trường mạng không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, do đó tội phạm quốc tế hoàn toàn có thể tiến hành các vụ lừa đảo trong KDĐC thông qua mạng Internet từ bên ngoài lãnh thổ.

Cần chú trọng vào nhận thức cho người dân

Phân tích trên đây cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng của tình hình tội lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC trong thời gian qua, đến từ chính nạn nhân của tội phạm. Chính sự mơ hồ trong nhận thức về KDĐC, lòng tham, tâm lý hám lợi, tư tưởng chụp giật, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật…đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.

Do đó, để chủ động phòng ngừa tình hình tội phạm hiện nay, Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu - Cục truyền thông CAND cho rằng: Một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra với mình, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng những nguy cơ, rủi ro, hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng. Đây chính là phòng ngừa chủ động từ khía cạnh nạn nhân.

Thực tế cho thấy khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững các quy định của pháp luật về KDĐC, hiểu rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, thì tự họ sẽ biết cách xa lánh, không tin vào những chiêu trò dụ dỗ của tội phạm, biết tiết chế lòng tham, tính hám lợi, biết bảo vệ tài sản, chủ động phòng tránh không để bị lôi kéo, thuyết phục bởi những “món hời” tưởng tượng dẫn đến hậu quả bị “sập bẫy” tội phạm.

Để chủ động phòng ngừa tình hình tội phạm hiện nay, Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu - Cục truyền thông CAND cho hay.

Mặt khác, khi người dân đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân, họ sẽ tự giác và kịp thời cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan chức năng, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ an ninh trật tự.

Trường hợp là nạn nhân của tội phạm, người dân biết trình báo với cơ quan chức năng về tội phạm đã xảy ra để được bảo vệ quyền lợi, qua đó giảm độ ẩn của tình hình loại tội này. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật còn có tác dụng răn đe, cảnh báo những người đang thực hiện tội phạm, có ý định phạm tội...biết những hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu, để từ bỏ hoặc chấm dứt hành vi phạm tội.

Các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi còn tạo ra dư luận xã hội lên án tội phạm một cách mạnh mẽ. Trước áp lực rất lớn từ sự tẩy chay, lên án của cộng đồng đối với những cá nhân có gây thiệt hại cho xã hội, mà nhiều người từ bỏ hoặc chấm dứt tội phạm. Qua đó tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa ý định phạm tội nảy sinh.

Trong thời gian tới, việc truyền thông cần được triển khai dưới nhiều hình thức, để từng bước làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tâm lý của người dân. Định hướng người dân hướng đến việc làm ăn chân chính; nâng cao tinh thần cảnh giác, biết phản biện đối với các hình thức kêu gọi đầu tư, giao dịch mua bán, góp vốn…được quảng cáo mang lại siêu lợi nhuận; tỉnh táo trước mọi cám dỗ, không hám lợi, ham làm giàu một cách nhanh chóng…để không sập bẫy tội phạm.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người dân các kỹ năng thiết yếu, như trước khi tham gia vào mạng lưới đa cấp phải kiểm tra kĩ thông tin về doanh nghiệp mà mình định tham gia, như có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hay không, có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong quá trình BHĐC trước đó hay chưa.

Đặc biệt, người dân cần biết những thông tin về loại sản phẩm, hàng hóa không được phép kinh doanh. Chẳng hạn, mọi loại hình kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số, hoặc các hình thức hợp tác đầu tư, huy động tài chính...đều không được phép KDĐC, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người dân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa. Sở Công thương cấp tỉnh, Cục Quản lý cạnh tranh…cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp KDĐC, cũng như việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Cảnh giác với phương thức thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Có hai đối tượng chính mà công tác truyền thông thay đổi hành vi cần chú trọng. Đó là người dân tại những vùng nông thôn mà nạn lừa đảo trong KDĐC từng hoành hành và sinh viên các trường chuyên nghiệp ở các đô thị, bởi họ là mục tiêu mà các nhóm lừa đảo trong KDĐC thường hướng đến để  rủ rê, lôi kéo. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần mở rộng đến cả người nước ngoài làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mục đích để họ hiểu và tôn trọng pháp luật Việt Nam, có những hành xử phù hợp với chuẩn mực pháp luật, truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

Để hoạt động truyền thông thay đổi hành vi có hiệu quả, cần không ngừng đổi mới nội dung và hình thức cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, để tạo nên sự phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ làm theo. Chính quyền các cấp phải xây dựng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác này. Khi xuất hiện thông tin tội phạm lừa đảo đa cấp, các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò cảnh báo xã hội, kịp thời tiến hành điều tra xác minh theo nghiệp vụ báo chí và đăng tải tin bài. Với sự phổ cập của Internet, viễn thông, thiết bị số…những thông tin tội phạm sẽ nhanh chóng đến với cộng đồng giúp người dân cảnh giác, đồng thời “đánh động” các cơ quan chức năng, để tiến hành giải quyết vấn đề dư luận quan tâm. Thực tế cho thấy trong 10 năm qua, đã có nhiều vụ án lừa đảo đa cấp được phát hiện do “công” của báo chí. 

Ngành Công an, Công thương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cộng đồng biết được phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao ý thức cảnh giác và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan chức năng để mở rộng điều tra vụ án. Ngoài ra, Hiệp hội BHĐC Việt Nam là một công cụ hiệu quả để thực hiện công tác tuyên tryền, phổ biến chính sách pháp luật cho các hội viên, người tham gia vào mạng lưới đa cấp và cộng đồng xã hội.

Việc đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi tại các cộng đồng dân cư, cần phải linh hoạt và đa dạng về phương pháp, gắn với đặc thù tình hình cư dân, địa bàn. Chẳng hạn tại vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo xa xôi, nơi có trình độ dân trí chưa cao, với bản tính thật thà, dễ tin người…nên họ thường bị đối tượng mồi nhử, dụ dỗ tham gia vào các mạng lưới đa cấp bất chính.

Vì vậy, việc truyền thông có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh thôn bản, qua băng rôn, áp phích, tờ rơi, các buổi sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể. Hoạt động tuyên truyền tại cơ sở có thể lồng ghép nhiều nội dung, như phổ biến pháp luật kết hợp với thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, thông báo về tình hình, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm...

Nếu tại địa phương có hoạt động lôi kéo nhiều người tham gia KDĐC, lực lượng Công an cơ sở cần cảnh báo họ về các chiêu thức lừa đảo trong KDĐC đã xảy ra, để người dân nhận diện được những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, biết bảo vệ tài sản của mình, biết đề cao cảnh giác, tiết chế lòng tham, tính hám lợi, tư tưởng muốn làm giàu nhanh chóng, tham mua hàng giá rẻ…đồng thời chủ động tố giác tội phạm với cơ quan chức năng biết để xử lý.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top