Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 | 10:0

Ngộ độc từ rượu không đảm bảo chất lượng

Người tiêu dùng có thể bị ngộ độc do uống phải các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu không đảm bảo chất lượng. Vì thế, lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu không đảm bảo chất lượng, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần.

Cứu sống nhiều trường hợp ngộ độc rượu

Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đã kịp thời cứu sống 2 người đàn ông nghi bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) nặng, nhập viện cấp cứu. 

Hai bệnh nhân là Nguyễn Văn A. (1977) và Nguyễn Văn Q. (1987) đều ngụ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân A. và bệnh nhân Q. cùng 1 người đàn ông tổ chức ăn uống tại gia đình nhân dịp nghỉ lễ. Sau một ngày, cả 3 người này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, dù đã được điều trị tích cực nhưng một người đã không thể qua khỏi. Hai bệnh nhân A. và Q. đã may mắn thoát khỏi tử thần.

Thiếu tá, BSCK1, Dương Xuân Minh, Khoa lọc máu, Bệnh viện Quân y 175 - người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân cho biết, các bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị rối loạn chức năng đa cơ quan, trong đó đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu, trong khi nồng độ ethanol trong máu không cao, kết hợp với yếu tố dịch tễ cả 3 người cùng uống đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau nên nghĩ đến nguyên nhân là do ngộ độc Methanol. Ngay lập tức, bệnh viện đã hội chẩn cấp cứu với các chuyên gia trong và ngoài bệnh viện và xác định chẩn đoán và tiến hành các biện pháp can thiệp hồi sức tích cực như: lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, vitamin B1 liều cao, acid folic, bổ sung Ethanol qua đường tiêu hóa…

Còn tại Điện Biên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh này cũng đã cứu sống 2 người ngộ độc rượu ở bản Bua, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán ngộ độc rượu. Qua kết quả xét nghiệm ghi nhận nồng độ Methanol trong máu rất cao, >100mg/100ml. Trong số những trường hợp nhập viện có 4 ca nặng phải lọc máu và thở máy liên tục.

Các bác sĩ cho biết, trên thế giới, mỗi năm có 3 triệu ca tử vong do sử dụng rượu ở mức có hại. Rượu là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật, chấn thương và các tình trạng sức khỏe khác.

Rượu không đảm bảo chất lượng bị tiêu hủy từ cơ sở đủ điều kiện ATTP

Ngày 23/10, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP quốc tế V.T.T VN, có địa chỉ tại xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Gần 7000 lít rượu không đảm bảo chất lượng bị phát hiện tại Hưng Yên ngày 23/10.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty cung cấp cho đoàn kiểm tra 01 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, do Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cấp ngày 4/8/2020, giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 4/8/2023.

Kiểm đếm số rượu do công ty sản xuất sau ngày 4/8/2023 đến thời điểm kiểm tra là 6.840 lít rượu các loại. Nhưng khi đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc-Mỹ phẩm-Thực phẩm, thuộc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên kết luận, toàn bộ số rượu không đạt yêu cầu chất lượng chỉ tiêu hàm lượng Aldehyd theo TCVN 8010:2009.

Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Công an tỉnh thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giám sát việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy 6.840 lít rượu có hàm lượng Aldehyd không đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN 8010:2009.

Trước đó, ngày 06/03/2023, Đội QLTT số 7 phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra điểm kinh doanh rượu thủ công tại địa chỉ: Số 166 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Số rượu bị lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ tại Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội) 

Kết quả kiểm tra phát hiện, điểm kinh doanh đang bày bán 540 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hoá vi phạm: 24.300.000 đồng.

Điểm kinh doanh thuộc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Phong Phát do bà Chu Thị Nguyệt làm Giám đốc.

Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ số hàng trên, phạt hành chính 59 triệu đồng về 02 hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh rượu thủ công là hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép bán lẻ rượu theo quy định pháp luật.

Trước nhu cầu tiêu thụ rượu của người tiêu dùng trong những dịp lễ, Tết tăng cao, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất đã sản xuất và đưa ra thị trường các loại rượu đóng chai, rượu màu không đảm bảo chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này gây nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Người sử dụng các loại rượu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ này có những biểu hiện của ngộ độc, nếu không phát hiện kịp thời sẽ nguy hại đến tính mạng.

Triệu chứng ngộ độc rượu

BS.CKI Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, lạm dụng rượu và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc khiến cho nguy cơ nhập viện vì ngộ độc cao. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần cho những người sử dụng.

Bệnh nhân bị ngộc độc rượu cần phải được cấp cứu kịp thời

"Trong đó, ngộ độc do uống phải rượu có chứa methanol chiếm tỷ lệ cao khi nhập viện. Methanol là cồn công nghiệp có độc tính rất cao. Methanol dung nạp trong cơ thể được chuyển hóa thành formaldehyde và formic acid, gây toan chuyển hóa máu, tổn thương đa cơ quan như não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác, gan, thận...", bác sĩ Thuận chia sẻ.

Người ngộ độc methanol sẽ có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ý thức lơ mơ, mù hoặc mù vĩnh viễn, hôn mê sâu, suy đa tạng (suy thận, suy gan…)…, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị giải độc kịp thời.

Tuy nhiên, cần phân biệt say rượu và ngộ độc rượu. Theo bác sĩ Thuận, loại rượu thường dùng để uống chứa ethanol. Nếu uống nhầm rượu chứa methanol thì nguy cơ gây hại rất lớn. Những trường hợp này nếu không có cách chữa ngộ độc rượu kịp thời thường rất nguy hiểm.

Biểu hiện của ngộ độc rượu có pha methanol giống hệt biểu hiện của say rượu như loạng choạng, hoa mắt... nên rất khó phân biệt.

Nếu uống phải rượu chứa methanol, dấu hiệu ngộ độc điển hình là rối loạn về chức năng nhìn của mắt (nhìn đôi, nhìn thấy điểm đen), diễn biến nhanh hơn. Biểu hiện thường khoảng 8 giờ sau uống; rượu trộn lẫn cả methanol và ethanol thời gian sẽ từ 18-24 tiếng sau uống hoặc lâu hơn tùy thể trạng.

Cần quan sát và nhận ra các dấu hiệu sau để có cách chữa ngộ độc rượu kịp lúc.

Chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh rượu

Hiện nay, chúng ta đã có những chế tài xử lý đối với việc sản xuất và kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, đối với những vi phạm trong việc kinh doanh rượu, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký theo quy định.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ có hành vi cung cấp thông tin về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên có hành vi cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định rõ: cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký hoặc kinh doanh, tàng trữ rượu bia không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tiệm tạp hoá/chủ quán rượu không có giấy phép kinh doanh hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo quy định tại điều 25 nghị định 98/2020.

Tiệm tạp hoá/quán rượu nếu chỉ bán lại mà không phải pha chế trực tiếp thì không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu pha chế trực tiếp rượu có sử dụng chất cấm, chất vượt quá mức cho phép hoặc nếu chủ quán/nhà hàng bán rượu mà biết rượu đó được pha chế có sử dụng chất cấm hoặc chất vượt quá mức cho phép thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top