Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 2 năm 2024 | 16:30

Người chăn nuôi "ôm lỗ" vì lợn nhập lậu

Trái với mong đợi của người chăn nuôi, giá thịt lợn lại xuống thấp, đặc biệt là còn thấp hơn giá thành sản xuất.

Người chăn nuôi gặp khó vì lợn nhập lậu

Trước Tết, nhiều hộ chăn nuôi phải kêu trời khi thương lái thu mua với giá thấp, đặc biệt là dưới giá thành sản xuất. Nguyên nhân là do heo nhập lậu làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ heo trong nước. Đến nỗi các thương nhân trước đây mua heo ở Đồng Nai cung ứng cho các tỉnh miền Tây cho biết, hiện nay, thị phần này đã rơi vào heo nhập lậu, không còn chỗ cho heo trong nước.

Trang trại nuôi heo tại miền Nam. Ảnh:Vissan

Chuẩn bị Tết Nguyên đán 2024, gia đình ông Đinh Cao Thuấn - Huyện Trảng Bom, Đồng Nai Thuấn đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để nuôi 300 con heo. Theo tính toán, thì giá thành sản xuất đã là 50.000đ/kg, do đó khi xuất chuồng người chăn nuôi phải bán từ 51.000đ-60.000đ/kg mới có lãi. Tuy nhiên, ông Thuấn rất bất ngờ khi đơn vị thu mua chỉ mua với giá 49.000đ/kg, dưới giá thành sản xuất.

Ông Thuấn chia sẻ: "Với giá này, hiện tại chúng tôi đang lỗ 300.000đ/con. Vì heo đến lứa không thể nuôi lớn hơn được nên chúng tôi đành phải chấp nhận lỗ vẫn phải bán".

Ông Nguyễn Đức Huân - Huyện Thống Nhất, Đồng Nai Huân buộc phải bỏ chuồng, không nuôi heo. Vì trước đây mỗi lứa heo ông Huân phải vay hơn 1 tỷ đồng để nuôi 1.000 con heo. Tuy nhiên, tình trạng heo nhập lậu khiến ông không thể cạnh tranh được về giá. Đặc biệt là rất rủi kho khi phải thu hồi vốn trả vốn vay ngân hàng.

Ông Huân bần thần: "1.000 con tôi nuôi thì phải lỗ hết từ 500-700 triệu, từ chỗ như vậy nên tôi quyết định sẽ không nuôi nữa và nghỉ".

Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, heo nhập lậu tràn qua các cửa khẩu đã làm cho nguồn cung trong nước tăng lên. Đặc biệt là giá heo nhập lậu trên thị trường rẻ hơn, khiến cho giá heo trong nước bị ép xuống thấp, làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Thịt ngoại giá rẻ tràn lan

Vì sao lợn nhập lậu lại có giá rẻ hơn giá lợn nuôi trong nước? Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định: "Giá thành rẻ hơn là do kiểm soát và các quy định chưa chặt chẽ như ở Việt Nam. Bởi vì người chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay đã có những Luật quy định về môi trường, quy định về tất cả các chất cấm... Chúng ta làm điều này để tốt cho người tiêu dùng đồng thời giá thành phải tăng lên. Nhưng hiện nay, khi có tác động như vậy, thứ nhất chúng tôi rất bức xúc làm cho giá heo xuống, chúng tôi càng lỗ, càng khó khăn, trong khi đó, về thức ăn, về môi trường, chúng tôi lại tăng. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh đối với người chăn nuôi".

Không chỉ có lợn nhập lậu mà tình trạng thịt nhập ngoại tràn lan cũng đang gây ảnh hưởng khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước.

Tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hay mạng xã hội, thịt lợn, bò, gà,… hàng nhập Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada… được bày bán tràn lan có giá rẻ hơn ở trong nước. Ngoài ra, các siêu thị thường xuyên có các chương trình khuyến mại, giảm giá cho các loại thịt nhập khẩu nên càng hấp dẫn người mua. Đặc biệt, các loại phụ phẩm như: xương, nội tạng, chân giò và các phụ phẩm khác của lợn, bò, gà… từ các thị trường cao cấp ngày càng được nhập khẩu phổ biến, bán với giá rất rẻ. Đơn cử như bắp bò được rao bán với giá 120.000 đồng/kg, thậm chí có người rao bán thịt bò với giá chỉ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg, chỉ bằng 30 - 40% mức giá thông thường ở chợ Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu gần 717.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng so với năm 2022. Việc này đang khiến cho thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt sản xuất trong nước phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có các hàng rào kỹ thuật để giám sát tốt hơn sản phẩm nhập khẩu. Song song với đó, hạn chế nhập khẩu qua đường tiểu ngạch để tránh nguy cơ gây lây lan dịch bệnh, thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dùng.

Chế biến sâu để nâng cao sức cạnh tranh

Tuy nhiên, trước mắt để giành lại "sân nhà", một trong những giải pháp hiện nay là tăng cường chế biến chuyên sâu.

Mỗi tháng, Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Nai, Tập đoàn Green Feed sử dụng khoảng 300 tấn thịt heo để chế biến các sản phẩm: chả lụa, chả giò, xúc xích, lạp xưởng... cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước, trường học, bếp ăn tập thể và cả kênh bán sỉ, bán lẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn hướng đến xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Thượng Vũ - Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Nai, Tập đoàn Green Feed tâm sự: "Sản phẩm chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với sản phẩm tươi. Thứ nhất là tận dụng hết các sản phẩm tươi không sử dụng hết. Thứ hai là sản phẩm thịt tươi chế biến được nhiều loại sản phẩm chế biến khác nhau. Thứ ba là dạng chế biến mang lại giá trị gia tăng và hạn sử dụng cao gấp nhiều lần so với sản phẩm tươi. Ví dụ sản phẩm chế biến sử dụng 6 tháng thì sản phẩm tươi được 3 ngày".

Doanh nghiệp chế biến thì sử dụng thịt gà để sản xuất sản phẩm thịt gà tươi và thịt gà chế biến chín qua nhiệt cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nhật.

"Hiện tại, chúng tôi sử dụng hơn 70 tấn nguyên liệu/ngày để cho hoạt động sản xuất nội địa cũng như xuất khẩu. Riêng thị trường xuất khẩu thì bình quân hàng chế biến là 350 tấn/tháng" - bà Nguyễn Phương Quỳnh - Giám đốc Chất lượng, Công ty TNHH Koyu &Unitek tiết lộ.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có 43 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Mỗi ngày, các cơ sở này giết mổ khoảng 2.200 con heo, 60 con bò, 42.000 con gia cầm. Ngoài phục vụ thịt tươi cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận, khoảng 20% sản lượng thịt này được đưa vào chế biến sâu ở các nhà máy chế biến.

Ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai nhận định: "Giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn ổn định, bền vững, nâng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi lên, bên cạnh đó cũng có định hướng để xuất khẩu sản phẩm này ra các thị trường khác".

Tập trung chế biến chuyên sâu không chỉ giúp cho sản phẩm tiện lợi trong quá trình sử dụng và tiêu thụ, mà quan trọng hơn là giúp cho sản phẩm không bị tác động bởi tình trạng nhập lậu, nhập ngoại… Đặc biệt hơn, qua đây giúp nâng cao giá trị nông sản, cũng như có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.

Tăng cường chế biến sâu cũng là giải pháp ngay trước mắt nhưng chỉ là ngắn hạn để doanh nghiệp và người dân giữ được thị trường. Nhưng trong dài hạn, để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, những công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong nhập khẩu, đặc biệt là nhập lậu cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ, để đảm bảo sự công bằng cho người chăn nuôi, đồng thời đem lại sự an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng.

Quảng Ninh tiêu hủy 13.000 con vịt giống nhập lậu

13.000 con vịt giống này được Đồn Biên phòng Pò Hèn phối hợp với Đội đặc nhiệm (Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) phát hiện, thu giữ khu vực Mốc 1351(2) - 600m, thuộc thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, thành Móng Cái ngày 23/2. Khi bị phát hiện, số vịt giống chứa trong các khay nhựa đang được 3 người đàn ông chuyển từ 1 bè mảng xốp đỗ sát bờ sông biên giới lên 2 xe ô tô bán tải.

13.000 con vịt giống được tiêu hủy theo quy định

Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng tại hiện trường là Hoàng Quyết Tiến, Phạm Văn Tuân và Phùn Văn Nam (cùng trú tại thành phố Móng Cái) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ; khai nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông không quen biết từ Trung Quốc về thành phố Móng Cái để lấy tiền công.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xét thấy có dấu hiệu vận chuyển hàng hoá lậu qua biên giới, tổ công tác đã yêu cầu đưa phương tiện và toàn bộ số hàng hoá trên về Đồn Biên phòng Pò Hèn và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tiến hành tiêu hủy toàn bộ 13.000 con vịt giống theo quy định.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, TTXVN, VTV..)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top