Sau 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính vào năm 2018, năm 2019, liên quan tới môi trường, lần này, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (Tập đoàn Hòa Phát) xảy ra sự cố vỡ đường ống bơm nước thải, chảy tràn ra suối, sông, làm chết cá.
Yêu cầu dừng hoạt động chăn nuôi
Mấy ngày gần đây, người dân ở thôn Hạ, xã Long Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) lợp bạt khung sắt dựng trên đường dẫn vào Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hoà Phát - Tập đoàn Hòa Phát) để ngăn chặn không cho xe chở thức ăn chăn nuôi để phản đối và yêu cầu công ty dừng hoạt động chăn nuôi. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Người dân thôn Hạ, xã Long Sơn ngăn không cho xe chở thức ăn chăn nuôi và yêu cầu Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động dừng hoạt động chăn nuôi.
Người dân lý giải về việc làm này, là cách đây ít ngày, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị chết, có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; cùng với đó, công ty chưa thực hiện theo đúng cam kết của mình về việc dừng chăn nuôi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thơ, ở thôn Hạ (Long Sơn), cho biết, các đây 4-5 ngày, cá ở suối chết rất nhiều, nguyên nhân được cho là Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động xả thải chưa qua xử lý. Đây là lần thứ 3 rồi, người dân không chịu được nên phản ứng. Năm 2020, công ty có cam kết không chăn nuôi nữa, nhưng sau đó lại nuôi, lại gây ô nhiễm nên người dân phản đối. Mong muốn của bà con là công ty chuyển sang mục đích kinh doanh khác, không chăn nuôi nữa để không gây ra ô nhiễm.
Người dân yêu cầu Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động dừng hoạt động chăn nuôi.
Anh Thế, người dân ở thôn Hạ cho biết, từ năm 2020, công ty cam kết với bà con là không chăn nuôi, không tái đàn nhưng công ty không thực hiện. Giờ mong muốn của người dân là công ty không chăn nuôi lợn như cam kết năm 2020, mà chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác, không gây ô nhiễm môi trường. Đây là lần thứ 3 người dân tập trung để phản đối.
"Ngày 21/2, công ty có ra làm việc với người dân, chỉ nói xin bà con cho đưa cám vào cứu lợn. Chúng tôi bảo, so sánh tính mạng lợn và tính mạng của hàng nghìn người dân xã Long Sơn thì cái nào lớn hơn?! Chúng tôi yêu cầu giám đốc công ty làm cam kết với người dân như lần trước thì giữa công ty và nhân dân là xong. Nhưng ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc công ty không nói gì với bà con mà bỏ về", anh Thế cho biết thêm.
Công ty thực hiện đúng cam kết?
Biên bản làm việc người dân cung cấp cho phóng viên, ký ngày 10/1/2020, gồm: đại diện UBND huyện, ông Hoàng Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND huyện (nay là Chủ tịch UBND huyện); UBND xã - ông Ngọc Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn; đại diện công ty - bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc công ty mẹ, ông Ngô Xuân Trường - Giám đốc Công ty và đại diện một số hộ dân đã thống nhất cho Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động chuyển hết số lợn thịt hiện tại đang nuôi trong trại khu Đồng Chòi, thôn Hạ với thời gian là 2 tháng, từ ngày 10/1/2020 đến hết ngày 11/3/2020. Công ty cam kết với bà con sau thời gian chuyển lợn, công ty không tái đàn. Công ty không chăn nuôi lợn nữa, chuyển mục đích khác và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, người dân cho rằng, công ty chưa thực hiện đúng cam kết.
Biên bản cam kết công ty không tái đàn, không chăn nuôi lợn, chuyển mục đích khác và không gây ô nhiễm môi trường.
Về nội dung này, đại diện doanh nghiệp cho biết, thời điểm đó, công ty đã dừng chăn nuôi theo cam kết trong năm 2020. Trong thời gian này, công ty tập trung nâng cấp hệ thống xử lý môi trường. Cuối năm 2020, đầu năm 2021, sau khi nâng cấp xong hệ thống bảo vệ môi trường, công ty xin ý kiến của các hộ dân thôn Hạ, đa số bà con đồng ý cho chăn nuôi trở lại. Trên cơ sở đó, công ty báo cáo và xin ý kiến với các cơ quan chức năng cho công ty chăn nuôi trở lại.
Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, sự cố lần này là ngoài ý muốn, xảy ra trong thời gian ngắn, đã khắc phục ngay. Trang trại cần khoảng 40 tấn cám/ngày. Người dân cản xe ra/vào công ty nên 3 ngày nay trang trại cho lợn ăn theo kiểu cầm chừng.
Phiếu tham vấn ý kiến phía doanh nghiệp cung cấp cho phóng viên.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp, tháng 10 và 11/2020, công ty đã lấy ý kiến tham vấn của gần 400 hộ dân thuộc thôn Hạ trước khi chăn nuôi lại. Kết quả, 351 phiếu ủng hộ, tương đương trên 80%.
Trái ngược với thông tin trên của doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên, người dân cho biết, công ty không dừng chăn nuôi như họ nói mà họ chỉ xử lý môi trường cho không có mùi hôi. Sau đấy có người của công ty ra hỏi người dân, còn có mùi hôi thối không, ai thấy không thì ký vào đấy. Việc công ty bảo người dân đồng ý cho chăn nuôi trở lại là chưa đúng.
Để có thêm thông tin, làm rõ các nội dung người dân phản ánh, ngày 22/2, phóng viên đã đến UBND xã Long Sơn đặt lịch làm việc nhưng chưa làm việc được với lãnh đạo xã. Liên hệ với ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động nhưng ông Trường không bắt máy.
Vỡ đường ống xả thải ra môi trường
Báo cáo ký ngày 21/2/2023 của UBND huyện Sơn Động cho thấy, ngày 17/02/2023, UBND huyện nhận được thông tin Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (địa chỉ thôn Hạ, xã Long Sơn, huyện Sơn Động) xả nước thải ra sông làm ô nhiễm môi trường, dẫn đến cá chết tại sông Bè (là điểm đầu tiếp nhận nguồn xả thải ra môi trường).
Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (Tập đoàn Hòa Phát) xảy ra sự cố vỡ đường ống bơm nước thải, chảy tràn ra suối, sông làm chết cá.
Sáng sớm ngày 18/02/2023, một số người dân tụ tập, lợp bạt khung sắt tại đường vào để ngăn chặn không cho xe chở thức ăn chăn nuôi và yêu cầu công ty dừng hoạt động chăn nuôi. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, UBND xã Long Sơn và công ty kiểm tra, lập biên bản, lấy mẫu nước sông Bè giáp vị trí xả thải (nơi có cá chết) để xét nghiệm.
Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Long Sơn tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ khung bạt để xe chở thức ăn chăn nuôi vào nhà máy nhưng không có chuyển biến. Ngày 19/2/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cùng Ban Dân vận Huyện ủy làm việc, kiểm tra hiện trường của Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động, sau đó đối thoại với nhân dân và chỉ đạo tháo dỡ khung bạt để cho 03 xe chở trên 40 tấn thức ăn chăn nuôi vào nhà máy. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến phức tạp.
Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động báo cáo, ngày 15/02/2023, trong khi vận hành tại khu trại Bầu (thôn Hạ), hệ thống xử lý nước thải, công nhân vận hành đã để xảy ra sự cố vỡ đường ống bơm nước thải, để chảy tràn ra suối (sự cố diễn ra khoảng 30 phút), sau đó đã tự khắc phục và không báo cáo lên lãnh đạo công ty để báo với chính quyền.
Người dân yêu cầu Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động dừng hoạt động chăn nuôi, để bảo vệ môi trường.
Ban quản lý thôn Hạ cho biết, người dân phát hiện cá chết tại sông Bè vào hồi 15 giờ ngày 16/02/2023, ngày 17/02/2023 Ban thôn đã báo cáo với UBND xã Long Sơn. Một số người đân thuộc thôn Hạ dựng bạt đám cưới bằng khung sắt ra 2/3 chặn đường không cho xe vào công ty.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 18/02/2023 có khoảng 30 người dân thuộc thôn Hạ sống giáp ranh với công ty đã dựng bạt, ngăn đường để phản đối việc xả thải của Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động. UBND xã thành lập tổ công tác, vào 8 giờ ngày 18/02/2023 đã đối thoại nhưng không hiệu quả.
UBND huyện Sơn Động đề nghị, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư của Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động, xử lý nghiêm vi phạm; trả lời nhân dân địa phương về đề nghị dừng hoạt động chăn nuôi của công ty.
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ để sớm có kết quả phân tích thông số về môi trường (trong thời gian nhanh nhất để không ảnh hưởng đến sản xuất, tạo điều kiện duy trì nguồn thức ăn chăn nuôi, không để những người chống đối có lý do ngăn cản việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi).
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành nông, lâm và thủy sản tăng 2% (kế hoạch là 1%), năm thứ 3 liên tiếp duy trì tăng trưởng, là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Trong kết quả đó, có phong trào VACR (Vườn-Ao-Chuồng-Rừng). Đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Giang có 3.262 trang trại, trong đó có 171 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; diện tích cây ăn quả (vườn, đồi) đạt trên 51.000 ha; sản lượng thu hoạch cá thương phẩm (ao) đạt 52.242 tấn (tăng 4,0% so với năm 2021); sản lượng thịt hơi các loại (chuồng, trại) đạt 252,8 nghìn tấn (tăng 5,1%); sản lượng gỗ khai thác (rừng) đạt 1,0 triệu m3 gỗ các loại (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội 19 trước 02 năm). Trong chăn nuôi (chuồng, trại), Bắc Giang được biết đến là tỉnh có tổng đàn lợn lớn thuộc top đầu cả nước, với nhiều trang trại quy mô lớn. Nhiều người dân, hội viên Hội Làm vườn đã vươn lên khá - giàu từ chăn nuôi. Vấn đề môi trường chăn nuôi luôn là được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang quan tâm đặt lên hàng đầu. Trong chăn nuôi lợn, tại Bắc Giang, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (Tập đoàn Hòa Phát) đã hai lần bị xử phạt hành chính liên quan tới vấn đề môi trường. Mới đây, công ty xảy ra sự cố vỡ đường ống bơm nước thải để chảy tràn ra suối, sông làm chết cá khiến người dân bức xúc, dựng bạt khung sắt để phản đối, yêu cầu dừng chăn nuôi. Việc Công ty TNHH chăn nuôi Sơn Động vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng việc một doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, nuôi hàng chục nghìn con lợn nhưng nhiều lần bị xử phạt liên quan tới môi trường thì UBND tỉnh Bắc Giang nên xem xét, làm sao đảm bảo quyền lợi các bên, doanh nghiệp, người dân; vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo vấn đề môi trường. |
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 61 quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Theo quy định này, tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m2, tăng 20m2 so với quy định hiện hành.
Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được đánh giá là cột mốc quan trọng mở ra thời kỳ mới cho mô hình du lịch nông nghiệp. Các quy định mới đã khơi thông nhiều điểm nghẽn, tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp, cá nhân làm trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.