Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 9:49

Người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trên đất nông nghiệp

Cần kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công theo quy định của pháp luật.

Xây nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp

Theo tìm hiểu, khu đất của vợ chồng ông Dương Văn Long (SN 1972, ngụ ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.) có diện tích khoảng 1ha. Ông Long có đăng ký kinh doanh nhà trọ, cà phê, quán ăn, hoạt động du lịch tại khu vực này.

Đến tháng 12/2021, UBND xã Bình Châu phát hiện gia đình ông Long xây dựng nhiều công trình không phép trên đất nông nghiệp nên tiến hành lập biên bản. Cụ thể, ông Long đã xây dựng trái phép 322m2 nhà ở, hơn 400m2 nhà trọ cùng nhiều công trình khác với tổng diện tích hơn 1.683m2 trên thửa 93, tờ số 79.

Ngày 31/3/2022, UBND huyện Xuyên Mộc ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả đối với ông Long do có hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp; thời điểm này ông Long không nhận quyết định.

Cuối năm 2022, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện ông Long lén lút xây dựng 12 công trình có kết cấu khung sắt, vách mái tôn kẽm, nền lát gạch men, có phòng trọ đánh số từ 1 đến 66, diện tích hơn 1.100m2 và đường nội bộ có diện tích 1.000m2.

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện ông Long xây dựng công trình không phép.

Quá trình lập biên bản, ông Long giải thích mục đích xây dựng các công trình để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo với các nhà trọ 0 đồng, cà phê 0 đồng, cơm 0 đồng. Ông Long mong muốn được địa phương xem xét cho tiếp tục tồn tại.

Đến ngày 30/3, UBND xã Bình Châu tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Xuyên Mộc với mức phạt 22,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Ông Long không có mặt và phía gia đình không nhận và không thừa nhận hành vi vi phạm vì cho rằng đây là việc làm từ thiện.

Cũng qua công tác quản lý cư trú của UBND xã Bình Châu, ông Long cùng vợ là bà Nguyễn Thị Phương Linh (cùng ngụ ấp Bình Thắng, xã Bình Châu) xây dựng khu nhà trọ 0 đồng và cho người từ địa phương khác đến ở từ năm 2021 đến nay.

Khi kiểm tra hành chính (tháng 2/2023), tại đây có 46 người ở với 40 người địa phương khác đến sinh sống. Theo UBND xã Bình Châu, tại đây dù chưa để xảy ra vấn đề mất ANTT nhưng bên trong khu vực xây dựng trái phép có thờ cúng tín ngưỡng và đặt một số tượng thờ.

Đồng thời bà Linh (vợ ông Long) cũng lập kênh trên Youtube tự xưng là Mama và kể về các câu chuyện tâm linh, hoạt động soi căn tâm linh, dự báo thiên tai trên thế giới…

Trên thực tế, tại khu nhà trọ 0 đồng tìm hiểu, phía ngoài cổng vào này luôn đóng. Nhà trọ cũng không tiếp nhận người địa phương mà chủ yếu tiếp nhận những người ở ngoài địa phương đến ở và sinh hoạt.

UBND xã Bình Châu kiến nghị các ngành chức năng liên quan rà soát, kiểm tra hộ ông Long về hoạt động mê tín, dị đoan cũng như các vi phạm khác trên không gian mạng.

Trao đổi với có quan báo chí, lãnh đạo UBND xã Bình Châu cho biết, địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đã lập biên bản 2 lần đối với ông Long vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Khu vực này được bao quanh bởi tôn có rào chắn và ít khi mở cửa nên khó ra vào.

Lực lượng chức năng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra hành chính và xác định lại phạm vi xây dựng sai phép tại khu đất ông Long để báo cáo, xử lý theo quy định.

Về tình hình hoạt động nhà trọ 0 đồng, UBND xã Bình Châu cũng có báo cáo trong năm 2022 có 22 người đến ở và chưa xảy mất ANTT.

UBND huyện Xuyên Mộc cũng yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện kiểm tra, rà soát, báo cáo tiến độ xử phạt vi phạm hành chính tại khu vực xây dựng trái phép này.

Đồng thời huyện cũng giao phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh rõ một số vấn đề liên quan đến chấp hành luật về thuế, giấy phép kinh doanh của khu nhà trọ.

Phải tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: Phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Theo ông Sơn, việc cán bộ, công nhân của Công ty Cổ phần Nông nghiệp (CPNN) Chiềng Sung làm nhà trên đất nông trường là dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ để xây dựng trái phép.

Để xảy ra tình trạng này, trước hết lỗi thuộc về chính quyền địa phương vì quản lý trật tự xây dựng không chặt chẽ. Trường hợp công ty đã nhận sai khi để các cá nhân xây nhà trên đất nông trường thì công ty phải yêu cầu các trường hợp đó tự tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Trước đó, ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty CPNN Chiềng Sung có văn bản báo cáo tình hình sử dụng đất ở khu vực bản Tân Lập.

Trong công văn trên, Công ty CPNN Chiềng Sung cho biết, khu vực bản Tân Lập (xã Chiềng Sung) có mảnh đất xen kẹt giữa khu dân cư với nhà văn hóa bản, diện tích 1.150 m2. Năm 2021, Công ty CPNN Chiềng Sung đã thuê đo đạc và báo cáo để UBND tỉnh Sơn La thu hồi hơn 30 ha đang do công ty quản lý trả về cho địa phương. Trong đó, có 1.150 m2 đất ở khu vực bản Tân Lập để xã quy hoạch khu dân cư.

Ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép của ông Nguyễn Quang Hưng trên đất nông trường.

Khi UBND tỉnh Sơn La chưa có trả lời chính thức về việc này thì HĐQT của công ty đã họp bàn và nhất trí giao cho ông Nguyễn Quang Hưng (cán bộ của công ty) 400 m2 đất để làm nhà và không thu tiền sử dụng đất.

Ông Triển cho rằng: “Khi có quyết định của UBND tỉnh Sơn La về việc thu hồi diện tích 1.150 m2 đất nói trên và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giá trúng thầu của diện tích, còn lại bên cạnh nhà ông Hưng bao nhiêu thì ông này sẽ có nghĩa vụ nộp vào ngân sách bấy nhiêu”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: “Nếu công ty để lấn chiếm đất nông trường, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính và thu hồi đất. Đất đó muốn có bìa đỏ thì phải đập cái nhà đó đi, chứ không phải đưa ra đấu giá đâu. Công ty không có quyền cắt đất cho ai cả”.

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La khẳng định: Phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Có hay không tình trạng chuyển nhượng đất nông trường xảy ra tại Công ty CPNN Chiềng Sung, bà Hoàng Thị Nguyệt, vợ của ông Lộc Mậu Phi (em trai ruột của ông Lộc Mậu Triển), bản Cang, xã Chiềng Sung cho hay “gia đình mình đã từng mua 1 mảnh đất rộng chừng 800 m2 cách đây khoảng 4 - 5 năm nay rồi. Năm đấy, họ đang vận động mỗi bản 1 nhà văn hóa, tuy nhiên lại không làm. Tôi mua 800 m2 với giá 170 triệu đồng (vị trí gần đất bà Nguyệt được giao khoán - PV). Các anh cứ ra ngoài công ty hỏi ông Cần, ông Triển ấy”, bà Nguyệt nói.

Theo phản ánh, ngoài trường hợp của ông Tòng Thanh Sơn thì bà Tòng Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung cũng có cổ phần tại công ty và được giao khoán đất.

Không những thế, còn có một số trường hợp liên quan đến các cán bộ xã tiền nhiệm, như: Lường Thành Thưởng (con trai của ông Lường Thanh Bình, nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung) đã xây nhà cấp 4; ông Quàng Văn Chơ, nguyên Bí thư xã Chiềng Sung (sở hữu 1 diện tích đất).

Khu đất của ông Tòng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung được vây bờ rào B40.

Ông Phùng Kim Sơn, quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La, cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang rất quyết liệt trong chỉ đạo để giải quyết. Quan điểm bằng mọi giá phải sắp xếp lại tất cả các khu đất nông trường, trong đó có huyện Mai Sơn, Vân Hồ… những trường hợp nào có dấu hiệu lấn, chiếm đất thì họ phải chứng minh nguồn gốc, đối chiếu với hồ sơ địa chính”.

“Thực ra nếu có tình trạng mua bán đất nông trường với nhau, có thể là họ cho người nhà lấn chiếm, khoanh đất lại, xây dựng nhà cửa để mai sau hợp thức hóa. Để ngăn chặn được vấn đề này, các địa phương cần quản lý chặt về trật tự xây dựng. Quan trọng nhất là ngăn chặn việc tạo lập tài sản cố định”, ông Sơn nói.

“Đối với trường hợp xây dựng nhà cửa trên đất nông trường tại Chiềng Sung, chúng tôi sẽ ban hành văn bản và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo địa phương quản lý chặt về trật tự xây dựng. Cùng với đó, gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương vào câu chuyện này”, ông Sơn cho biết thêm.

Xem xét trách nhiệm cán bộ để xảy ra vi phạm

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, thị xã Tân Uyên đã tổ chức Đoàn thanh tra trách nhiệm cá nhân, tập thể để 12 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, sau đó phải cưỡng chế, tháo dỡ.

Qua đó, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tổ chức đoàn cưỡng chế, tháo dỡ 12 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Tân Phước Khánh.

Được biết, người xây dựng 12 căn nhà trên diện tích gần 500m2 là ông Tống Thanh Việc. Căn rộng nhất 58,6m2, nhỏ nhất khoảng 40m2. Tất cả các căn nhà này đều được bán cho người lao động thông qua hình thức công chứng vi bằng, với giá từ 500-800 triệu đồng/căn. Khi các căn nhà bị niêm phong, cưỡng chế, tháo dỡ, người lao động chỉ biết “ngậm đắng, nuốt cay” vì không tìm hiểu kỹ pháp lý.

12 căn nhà xây dựng trái phép ở Bình Dương đang bị tháo dỡ.

Sau khi báo chí phản ánh, dư luận đặt vấn đề, cơ quan chức năng ở đâu khi không ngăn chặn từ đầu mà để chủ đầu tư xây xong rồi bán cho người khác, sau đó lại tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, vụ việc này rất phức tạp, chủ đầu tư đã cố tình chống đối khiến lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khăn thực thi nhiệm vụ.

UBND phường Tân Phước Khánh đã cắm biển cảnh báo ở khu nhà này nhưng đều bị nhổ sạch. Thị xã Tân Uyên cũng đã có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh, cũng như phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết. Sau đó khi tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ, lực lượng chức năng phát hiện chủ đầu tư đã bán cho người dân.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng…”, các căn nhà vẫn phải buộc tháo dỡ khi xây trên đất nông nghiệp

Lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, để xảy ra vụ việc có phần lỗi từ phường xuống khu phố. Thị xã Tân Uyên cũng đã thành lập đoàn thanh tra trách nhiệm đối với lãnh đạo phường Tân Phước Khánh và các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 41/2022 phân cấp quản lý trật tự xây dựng cho địa phương. Quyết định này, cũng có các quy định xử lý cá nhân có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng nhưng không kịp thời kiểm tra, xử lý việc xây dựng vi phạm.

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Sở Xây dựng cũng có app "thông tin bất động sản Bình Dương" trên thiết bị di động. Thông qua app này, nếu người dân phát hiện có việc xây nhà trái phép sẽ cung cấp để sở chuyển các đơn vị xử lý kịp thời và coi đây là cánh tay nối dài của sở. Bên cạnh đó, Tổng đài 1022 của tỉnh được người dân phản ánh sẽ chuyển đến các đội trật tự xây dựng xử lý theo thẩm quyền.

Quý I/2023, các cơ quan chức năng Bình Dương đã tổ chức kiểm tra 1.724 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó 1.317 trường hợp có giấy phép, 159 trường hợp không phép, 88 trường hợp sai phép, 160 trường hợp vi phạm khác... Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 241 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã?

Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết, Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lí và sử dụng đất đai tại địa phương”.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa.

Do đó, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lí kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Nếu UBND xã không xử lý trường hợp vi phạm xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp cho thuê thầu thì theo quy định pháp luật UBND xã phải lập hồ sơ các trường hợp vi phạm báo cáo với UBND cấp huyện xử lý.

Đối với UBND xã để xảy ra trường hợp vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có biện pháp xử lý ra quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã để chỉ đạo xử lý đến khi vi phạm được khắc phục.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top