Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 | 13:33

Người góp sức làm sạch, đẹp những miền quê ở Hà Tĩnh

Gặp Ths Dương Thị Ngân – nữ “thủ lĩnh” của Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh (Sở KH&CN) tôi không khỏi khâm phục bởi bên trong vóc dáng nhỏ bé ấy lại là một nguồn nội lực, niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học để cải thiện chất lượng cuộc sống, chị cũng là người dành rất nhiều tâm huyết cho nông thôn mới Hà Tĩnh, luôn được đồng nghiệp tin yêu, người dân mến phục.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Tốt nghiệp Khoa Sinh học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1994, Ths Dương Thị Ngân về nhận công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh. Một thời gian ngắn sau đó, chị được phân công về Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (nay là Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh thuộc Sở KH&CN).

Ths Dương Thị Ngân – nữ “thủ lĩnh” của Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh luôn đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Chị Ngân chia sẻ: “Tôi quan niệm đã bỏ công sức, tâm huyết nghiên cứu khoa học và cho ra đời sáng kiến là phải ứng dụng được vào thực tiễn. Do đó, quá trình nghiên cứu của chúng tôi luôn bắt nguồn từ thực tế đời sống của người dân, địa phương, doanh nghiệp”. Cũng chính vì quan điểm đó mà chị Ngân và đồng nghiệp luôn thâm nhập thực tế, tìm hiểu những hạn chế trong quá trình sản xuất, đời sống của người dân để cho ra đời những sáng kiến có tính ứng dụng cao nhất.

Với đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong thu gom, phân loại xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt”, trong đó có ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chị và các cán bộ của trung tâm đã góp phần vào thành quả chung của tỉnh nhà. Đề tài đã được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc năm 2020; Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, việc thu gom, phân loại xử lý nước thải, rác sinh hoạt đã trở thành một trong những tiêu chí cứng trong bộ tiêu chí xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, chị Ngân đã cùng tập thể trung tâm nghiên cứu sản xuất thành công trên 10 loại chế phẩm sinh học ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: chế biến thủy, hải sản; trồng cây ăn quả; xử lý môi trường chăn nuôi, môi trường sống... 

Ths Dương Thị Ngân hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học. 

Với tâm niệm “việc khó nhất là phải biết bắt đầu từ cái gì?”, chị Ngân đã tham mưu việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh, cải tạo đất, xử lý ô nhiễm môi trường góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh, từ đó nhân rộng giúp người dân có thu nhập, phát triển kinh tế, thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn.

Chị đi từng ngõ, vào từng nhà, đến từng địa phương, trực tiếp cầm tay, chỉ việc, tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình xử lý rác thải, chọn việc cần làm, việc cần tháo gỡ. Nhờ sự gắn bó ấy, đi đến đâu chị cũng được nông dân quý mến như người nhà.

Qủa ngọt từ tình yêu khoa học

Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Tĩnh khoảng 647 tấn. Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải năm 2017 ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hà Tĩnh có 10 bãi rác, 6 lò đốt và 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Trên thực tế, các nhà máy mới chỉ xử lý được khoảng 220 tấn/ngày đêm.

Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, chăn nuôi tại khu dân cư nông thôn là điều khiến Ths Dương Thị Ngân trăn trở nhất, chị và các cộng sự đã thành công nghiên cứu ra các sản phẩm chế phẩm sinh học giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường cho bà con vùng nông thôn. Hiện nay 13 huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng chế phẩm Hatimic Hatibio… trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh; xử lý môi trường trong chăn nuôi. Nhiều địa phương vấn nạn rác thải nhếch nhác đã “lột xác”, thay đổi tổng thể từ cảnh quan đến hiệu quả kinh tế điển hình như các xã: Tượng Sơn (Thạch Hà), Hương Trà (Hương Khê), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và toàn huyện Nghi Xuân.

Người dân Tượng Sơn (Thạch Hà) đã nắm bắt và ứng dụng thành thạo các chế phẩm sinh học, xử lý môi trường chăn nuôi, tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đưa chúng tôi đi trên con đường làng rộng rãi, sạch sẽ ở Tượng Sơn (Thạch Hà), ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã, không dấu nổi niềm tự hào: “Giờ đây chúng tôi rất tự hào vì các khu dân cư với đường thôn, ngõ xóm, cảnh quan môi trường xanh, sạch hơn, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng. Để có được thành quả đó, phải nói đến tính hiệu quả khi thực hiện xây dựng mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình trong hơn hai năm qua, lượng rác trong dân giảm nhiều, trước đây lượng rác toàn xã 1 tháng cần 12 xe 6 tấn vận chuyển nhưng nay chỉ cần 3 xe, tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Trong đó có công rất lớn của Ths Dương Thị Ngân, chính sự kiên trì của chị mà giờ đây người dân Tượng Sơn đã nắm bắt và ứng dụng thành thạo các chế phẩm sinh học, xử lý môi trường chăn nuôi, tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế ở địa phương”.

Còn ở huyện Nghi Xuân, để giảm lượng rác thải trên địa bàn, chị Ngân cũng đã tỉ mẫn hướng dẫn, tập huấn các nông hộ dân ứng dụng xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Đến nay, các xã ở Nghi Xuân đều đạt tiêu chí về môi trường và Nghi Xuân đang phấn đầu trở thành huyện kiểu mẫu của Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn 3, xã Xuân Trường (Nghi Xuân) phấn khởi nói: Việc phân loại rác thải tại nguồn được gia đình thực hiện nghiêm túc trong 2 năm nay. Rác hàng ngày tôi phân ra 3 loại, nước thải cũng được lắng lọc và dùng chế phẩm sinh học để ủ phân làm vườn, đỡ tốn tiền mua phân hóa học. Mặc dù gia đình chăn nuôi gà, lợn nhưng không hề có mùi, cách làm này cũng giảm được lượng rác hàng ngày.

Môi trường sống ở nhiều miền quê ở Hà Tĩnh sáng, xanh, sạch, đẹp

“Từ cách làm hiệu quả ở một số địa phương thời gian qua, chắc chắn xử lý rác thải, nước thải sẽ không còn là bài toán khó đối với Hà Tĩnh. Đặc biệt, mô hình không chỉ khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp, biến các vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê đáng sống ”, Ths Dương Thị Ngân, GĐ Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hà Tĩnh nói.

Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết: “Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Tĩnh luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp tại các vùng quê NTM. Ths Dương Thị Ngân luôn nhiệt tình, sâu sát với dân, cơ sở. Trên vai trò là thủ lĩnh, vừa là một người yêu khoa học, với những ứng dụng khoa học vào thực tế đặc biệt các bộ chế phẩm sinh học ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và rác thải sinh hoạt làm thay đổi diện mạo nhiều miền quê, góp phần nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh và được nhiều địa phương học hỏi, nhân rộng” .

Ths Dương Thị Ngân luôn được người dân tin yêu, mến phục, chị cũng là người dành rất nhiều tâm huyết cho nông thôn mới Hà Tĩnh.

Hơn 30 năm gắn bó với trung tâm, với người dân và các miền quê nông thôn mới cũng là ngần ấy thời gian chị dành trọn sức trẻ, tài năng, tâm huyết của mình cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa vào đời sống thực tiễn. Cùng với các đồng nghiệp, chị Ngân đã chủ trì 2 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia, 3 dự án cấp bộ, 4 dự án thuộc chương trình do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, 3 đề tài khoa học cấp tỉnh cùng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công tác quản lý...

Với những thành tích và đóng góp quan trọng, chị Dương Thị Ngân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đạt giải thưởng sáng tạo của Ngân hàng Thế giới, bằng khen chương trình “75 nghìn sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cùng nhiều phần thưởng của các cấp, ngành…

Nhưng với chị, niềm hạnh phúc của người làm công tác nghiên cứu khoa học không chỉ là những tấm bằng khen, giấy khen của cấp trên trao tặng; điều làm chị luôn ấm lòng và neo giữ niềm tin chính là tình cảm trân quý của Nhân dân, sự ghi nhận dành cho tập thể và cá nhân. Để rồi động lực ấy tiếp tục thôi thúc chị và các cộng sự tiếp tục có thêm nhiều đề tài, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top